Hoàng Xuân Phú
con xưng bố của ba
ấy là nhà vô phúc
“Đảng… vĩ đại… tài tình… sáng suốt… lãnh đạo Nhân dân… giáo dục Nhân dân…”
Nói mãi, nghe mãi thành quen, nên bao người coi đó là chân lý. Hễ nghe nói khác, lại cho là nghịch nhĩ.
Điệp khúc ngân vang hơn nửa thế kỷ, khiến giới cầm quyền càng thêm tin rằng quyền lãnh đạo của họ là một thứ đương nhiên – như thể được Tạo hóa ban cho; là một vị thế độc tôn – có thể thừa kế nội bộ từ thế hệ này sang thế hệ khác, theo kiểu “cha truyền con nối” như thời vua chúa phong kiến. Dưới con mắt cường quyền, Nhân dân hiện ra như bầy cừu chỉ có khả năng biểu cảm bằng tiếng “be be”, suốt đời cần được bề trên “chăn dắt”; hay như đám học trò thiểu năng, “giáo dục” suốt mấy chục năm mà vẫn không khá lên được, thành thử mãi vẫn chưa đủ tầm dân trí, để xứng đáng hưởng những quyền tự do dân chủ, mà thế giới vẫn coi là quyền tối thiểu…
Điệp khúc ru ngủ đó cũng gia tăng tư duy nô lệ trong Nhân dân, khiến hàng triệu người an phận, cam chịu mọi điều phi lý. Nhiều người còn bị lòa đến mức không nhận diện nổi ân nhân đích thực: Rõ ràng là bản thân đang nhận quà từ thiện của đồng bào, mà chỉ biết đáp lại bằng câu “ơn đảng ơn chính phủ”.
Một trạng thái xã hội tê liệt, bị đè nén bởi sự lộng hành trong ngộ nhận từ phía thống trị, và bị thôi miên trong cơn u mê ở bên bị trị. Hậu quả tai hại đến mức ta nên dành thời gian để trao đổi cho rõ ngọn ngành.
Trước khi đi vào chi tiết, cần giải thích một chút để người đọc khỏi cho rằng người viết tùy tiện về chính tả. Trong chế độ độc đảng, nhiều khi chỉ cần nhắc một chữ “đảng” cũng đủ để hiểu là Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), nên có thể tạm chấp nhận cách viết tắt như vậy. Bấy lâu nay, thông lệ chính thống là viết hoa chữ “Đảng”. Tại sao? Theo quy tắc ngữ pháp thì phải viết hoa danh từ riêng. Nhưng từ “đảng” (đơn lẻ) không phải là danh từ riêng. Ngược lại, nó là một danh từ chung của tiếng Việt, dùng để chỉ một đảng bất kỳ trong số nhiều đảng khác nhau đã và sẽ tồn tại. Nếu chiếm dụng từ“đảng” để dành riêng cho ĐCSVN, thì có thể coi là “tham nhũng tiếng Việt” với động cơ tư lợi. Đó không chỉ là ẩu về mặt ngôn ngữ, mà còn tùy tiện về tư duy, vô tình hay hữu ý cho rằng: Ở Việt Nam thì hiển nhiên chỉ có thể tồn tại một đảng duy nhất. Nếu không tán thành với quan điểm “độc tồn” ấy thì không nhất thiết phải tòng phạm trong việc “đảng hữu hóa”từ “đảng” – cái thực sự thuộc “sở hữu toàn dân”.