Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Cần bắt giữ tàu xâm phạm chủ quyền VN


Việc bắt giữ các tàu cá xâm phạm chủ quyền sẽ giúp Việt Nam giữ vững lợi thế pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp. 


 Cần bắt giữ tàu xâm phạm chủ quyền VN
Tàu cá Trung Quốc tại cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam, chuẩn bị cho một đợt đánh bắt trái phép trên biển Đông - Ảnh: China Daily
Trước việc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam, các cơ quan chấp hành pháp luật Việt Nam cần tiến hành bắt giữ và thực hiện các quyền tài phán khác theo luật định. Điều này nhằm khẳng định chủ quyền của mình. Nếu không, hồ sơ pháp lý - lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biển Đông - sẽ bị tổn hại.

Đó là nhận định của một số chuyên gia khoa học chính trị, công pháp quốc tế về việc tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Trao đổi với Thanh Niên, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng - Viện Nghiên cứu công nghệ và phát triển SENA - cho rằng: “Trước đây có dự đoán là Trung Quốc có thể thuê công ty “chân gỗ” nước ngoài vào nhận thầu trên biển Đông, rồi họ cho tàu hải giám đi theo lấy cớ bảo vệ để khiêu khích ta, nhưng nay họ đã bỏ qua các động tác giả ấy, trực tiếp ra mặt và ngang nhiên xâm phạm biển đảo của ta bằng việc cho hàng chục ngàn tàu cá tràn ra biển Đông. Đây rõ ràng là một bước leo thang nghiêm trọng”.
Đồng tình với nhận định này, tiến sĩ Lê Vĩnh Trương - thành viên Quỹ nghiên cứu biển Đông - cũng quan ngại về ý đồ khiêu khích quân sự dưới vỏ bọc dân sự của Trung Quốc: “Họ cố ý dùng các tàu dân sự, mà khả năng rất cao là có binh lính của họ điều khiển hoặc đi cùng, một mặt vẫn tỏ ra hòa bình, mặt khác khiêu khích phía Việt Nam. Đó là cái bẫy mà họ giăng ra”.
 

Điều mà Việt Nam có thể làm được là thực hiện quyền tài phán theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 cũng như luật Biển mà Quốc hội mới thông qua tháng 6. Theo đó, Việt Nam có thể bắt giữ tàu của ngư dân Trung Quốc, yêu cầu họ nộp phạt.

Tiến sĩ luật học Lê Minh Phiếu

Điều đáng lo ngại là nếu không bắt giữ tàu cá Trung Quốc, lợi thế pháp lý của Việt Nam có thể bị tổn hại. Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương nhận định: “Trong khi đưa tàu cá vào Việt Nam vừa để khiêu khích vừa để đánh bắt nguồn lợi hải sản, họ vẫn có thể ngang nhiên tuyên bố rằng vào thời điểm này, tại tọa độ này, tàu cá Trung Quốc đã tiến hành hoạt động khai thác bình thường mà phía Việt Nam chỉ phản đối chứ không ngăn chặn. Và điều này rất bất lợi cho phía Việt Nam”.
Bình luận về khía cạnh pháp lý của vụ việc, tiến sĩ luật học Lê Minh Phiếu cho rằng: “Điều mà Việt Nam có thể làm được là thực hiện quyền tài phán theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 cũng như luật Biển mà Quốc hội mới thông qua tháng 6. Theo đó, Việt Nam có thể bắt giữ tàu của ngư dân Trung Quốc, yêu cầu họ nộp phạt”.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 26.1.2008 cho phép lực lượng này kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia. Nếu phát hiện hành vi vi phạm, cảnh sát biển có thể xử lý vi phạm hành chính, buộc người và phương tiện đó phải rời khỏi vùng nước đang hoạt động hoặc vùng biển Việt Nam; tiến hành bắt, giữ người và phương tiện phạm pháp quả tang; và cưỡng chế, truy đuổi nếu các đối tượng này có hành vi chống đối hoặc cố tình bỏ chạy.
Theo ông Phiếu, nếu chỉ phản đối mà không có biện pháp thực thi quyền tài phán trên, ngư dân Việt Nam về lâu dài sẽ không đến được các ngư trường truyền thống nữa.
Xét về mặt tuyên truyền, tiến sĩ Lê Minh Phiếu cũng quan ngại về việc hình ảnh các đoàn tàu mang cờ Trung Quốc ngang ngược
đi lại tự do trên vùng biển, đảo của Việt Nam.

Sri Lanka bắt 37 ngư dân Trung Quốc
Hôm qua, Tân Hoa xã dẫn lời trung tá Kosala Warnakulasuriya, phát ngôn viên hải quân Sri Lanka, cho hay vừa bắt giữ 37 ngư dân Trung Quốc vào đêm 5.8. Trong khi đó, đại diện ngoại giao của Trung Quốc ở Sri Lanka đang thúc giục chính quyền địa phương xử lý vụ việc đúng luật và sớm phóng thích ngư dân của họ. Theo ông Warnakulasuriya, 37 ngư dân Trung Quốc trên 2 tàu cá bị phát hiện khi đang đánh bắt trái phép tại vùng biển ngoài khơi thị xã Batticaloa, phía đông Sri Lanka. Sau đó, hải quân nước này đã bàn giao những người này cho cơ quan cảnh sát sở tại để điều tra. Ngoài ra, hai người Sri Lanka cũng đã bị bắt giữ trong vụ việc trên. Tới tối qua, có tin 37 người Trung Quốc đã được thả, theo Tân Hoa xã.
 Lê Loan

Thành Long
Thanhnienonline

Chúng ta chưa làm thì họ đã làm trước, cần học tập Sri Lanka

--------------------------------------------------------------------------

Sri Lanka bắt giữ 37 ngư dân Trung Quốc 
Hết Nga lại đến Sri Lanka bắt giữ tàu cá TQ. Hàng vạn tàu cá TQ đang tràn xuống đánh bắt ở biển Đông của VN, bao giờ thì chính phủ VN ra tay? VC

(Dân trí) - Hải quân Sri Lanka đã bắt giữ 37 ngư dân Trung Quốc bị nghi ngờ đánh bắt trái phép ngoài khơi bờ biển phía đông nước này.

 
Các tàu cá của Trung Quốc. (Ảnh minh hoạ)
Một phát ngôn viên của hải quân Sri Lanka cho biết 2 công dân nước này cũng bị bắt giữ cùng các ngư dân Trung Quốc.
Các ngư dân bị bắt giữ vào đêm 5/8 khi đang có mặt trên 2 tàu cá đánh bắt tại vùng biển ngoài khơi thị trấn Batticaloa, phía đông Sri Lanka.
2 tàu cá cùng 37 ngư dân Trung Quốc và 2 người Sri Lanka sau đó đã bị hộ tống đưa về cảng Trincomalee đông bắc Sri Lanka để điều tra thêm.
Hãng tin Xinhua của Trung Quốc hôm qua cho biết các ngư dân đã được thả, nhưng hải quân Sri Lanka bác bỏ thông tin này, nói rằng họ vẫn đang giam giữ họ để đưa ra toà về các cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển của họ.
“Họ vẫn đang bị giam giữ và chưa được thả”, phát ngôn viên hải quân Kosala Warnakulasuriya khẳng định.

Một phát ngôn viên cảnh sát Sri Lanka nói 2 công dân nước này dự kiến sẽ ra toà vào hôm nay, 7/8. Vẫn chưa rõ số phận của các ngư dân Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Colombo của Sri Lanka thì nói rằng các ngư dân bị bắt giữ không tham gia đánh bắt trái phép và vụ việc chỉ là một sự nhầm lẫn.
Theo đại sứ quán, các ngư dân Trung Quốc làm thuê trên 2 tàu cá thuộc sở hữu của một công ty Sri Lanka. Công ty này mua 2 tàu của Trung Quốc và người Sri Lanka có thể đã nhầm lẫn các tàu này với các tàu của Trung Quốc do những logo cũ bằng tiếng Trung được ghi ở thành tàu.
Trung Quốc đã yêu cầu giới chức Sri Lanka nhanh chóng giải quyết vụ việc và thả các ngư dân.
Vị thế chiến lược ở Ấn Độ Dương
 
Các tàu cá của Trung Quốc. (Ảnh minh hoạ)
Trung Quốc đang cạnh tranh với Ấn Độ về sự ảnh hưởng tại Sri Lanka, quốc gia có vị thế chiến lược ở Ấn Độ Dương.
Vụ bắt giữ các ngư dân đang được xem là một phép thử cho mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Bắc Kinh và Colombo.
Vị trí chiến lược của Sri Lanka tại Ấn Độ Dương đã khiến nước này trở thành mối quan tâm cả về quân sự và thương mại đối với Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.
Trung Quốc đã cạnh tranh sự ảnh hưởng tại Sri Lanka với Ấn Độ, vốn là đồng minh quan trọng nhất của hòn đảo này.
Bắc Kinh đã cho Sri Lanka vay hàng trăm triệu USD phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng như xây dựng các cảng, đường xá, đường sắt, các nhà máy điện và một sân bay mới.
Chính phủ Sri Lanka cho hay quan hệ đang gia tăng với Trung Quốc chỉ đơn thuần mang tính thương mại. Nhưng một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập một căn cứ hải quân tại Sri Lanka, một viễn cảnh khiến người láng giềng Ấn Độ không khỏi lo ngại.
Các nhà phân tích cho hay mặc dù vụ bắt giữ trên là ít gặp nhưng các ngư dân Trung Quốc ngày càng đánh bắt xa hơn do thủy sản gần bờ đang dần cạn kiệt.
Đây cũng không phải vụ bắt giữ đầu tiên liên quan tới các ngư dân Trung Quốc trong năm nay. Chỉ mới tháng trước, giới chức Nga đã bắt giữ 36 ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế nước này ở ngoài khơi vùng Viễn Đông.
Trước đó, Trung Quốc và Philippines đã vướng vào cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng liền vì các tàu cá Trung Quốc đánh bắt tại vùng biển tranh chấp gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông mà 2 nước cùng tuyên bố chủ quyền.
An BìnhTổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét