Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

NGÂN HÀNG, CHÍNH QUYỀN PHÁ SẢN, NĂM 2013 TRUNG QUỐC SẼ XẢY RA KHỦNG HOẢNG KINH TẾ




29.8.2012
Người dịch:  Băng Tâm

[Trang mạng Tiếng nói nước Đức bằng tiếng Trung (ycwb.com)]    Năm 2013 Trung Quốc sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế?  Gần đây, bản báo cáo “Năm 2013 Trung Quốc sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế” của nhà kinh tế học Lý Tả Quân ở Trung tâm phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc trình bày tại cuộc họp báo cáo nội bộ đã bị lộ. Báo cáo cho rằng Trung Quốc hiện nay đang trong thế căng thẳng chờ chực bùng nổ, năm 2013 sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế, đồng thời dẫn đến các vấn đề xã hội.

Mới đây,  trang Phượng Hoàng ifeng.com Hongkong có đăng nội dung  bản báo cáo “Năm 2013 Trung Quốc sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế” của nhà kinh tế học Lý Tả Quân trình bày trong một cuộc họp nội bộ. Theo tìm hiểu của trang Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle), bản báo cáo lần này chắc là một bản báo cáo họp nội bộ của Lý Tả Quân theo lời mời của hội bạn hữu trường Trường Sa ở Trường đại học Hoa Trung vào ngày 19.7 năm ngoái, sau đó được truyền đi trong phạm vi hẹp, cách đây không lâu đột nhiên được cư dân mạng Trung Quốc phát tán rộng rãi.      

Trong bản báo cáo, Lý Tả Quân đưa ra quan điểm của mình: “Khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc đang thai nghén, có khả năng nhất là xảy ra vào tháng 7, tháng 8 năm 2013, hình thức biểu hiện là một bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, một bộ phận ngân hàng phá sản, một bộ phận chính quyền địa phương phá sản”. Ông nêu nguyên do chống đỡ cho kết luận này của mình chủ yếu là từ mấy phương diện kinh tế, quốc tế, chính trị…, trong đó phương diện kinh tế bao gồm nguồn tài chính đất đai của chính quyền địa phương bị teo lại, thuế công thương nghiệp giảm, nhưng chi tiêu quốc phòng, chi tiêu giữ vững ổn định lại gia tăng, cộng thêm áp lực nhà nước phải trả các khoản nợ quốc gia, khủng hoảng bất động sản…, một bộ phận chính quyền địa phương có thể sẽ bị phá sản; còn nguyên nhân quốc tế là do một lượng lớn tiền nóng thế giới chảy vào Trung Quốc, thúc đẩy tạo ra bong bóng kinh tế Trung Quốc, rồi khi lượng tiền nóng thế giới rút đi sẽ làm nổ bong bóng kinh tế Trung Quốc.     

Ngân hàng sẽ phá sản? 

Khi giải thích nguyên nhân về phương diện chính trị, ông nói “năm 2013 là năm chuyển giao chính phủ, tư tưởng chỉ đạo tối cao trong năm nhiệm kỳ cuối của chính phủ khóa này là không để xảy ra chuyện gì, giữ vững ổn định, giữ sự phát triển bình ổn kinh tế bằng bất cứ giá nào, còn với lãnh đạo chính phủ khóa tới chỉ có một sự lựa chọn, tiếp nhận lấy bong bóng, chăm chút bảo vệ, liệu rồi sẽ bảo vệ được tới lúc nào? Chậm nhất cũng chỉ có thể bảo vệ được tới năm 2015, hoặc năm 2016, vậy thì khi ấy sẽ là một cuộc khủng hoảng lớn hơn”.
 “Khủng hoảng đã xảy ra từ lâu, nhưng thể chế hiện hành che đậy”

Từ ngày 21.8, bản báo cáo này đã liên tục được truyền nóng trên mạng, nhà kinh tế học Trung Quốc, giáo sư Học viện quản lý Đại học sư phạm Bắc Kinh Đổng Phiên Lực đề cao quan điểm này: “Tôi ngưỡng mộ Lý Tả Quân đã can đảm nói lên sự thật, thực sự nếu theo con mắt nhìn nhận của Phương Tây thì khủng hoảng đã xảy ra từ lâu, chỉ có điều thể chế hiện hành đã che đậy bằng rất nhiều thủ đoạn, cộng thêm sự phục hồi giao dịch bất động sản vào cuối tháng 4 đã có tác dụng kéo ngược trở lại, thì mới làm cho tình hình không đến nỗi bi đát. Muốn biết kinh tế ra sao, hãy nhìn vào tình hình đặt hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tình trạng đói việc của các hộ cá thể, tình trạng xấu đi trong thu nhập tài chính ở các địa phương thì sẽ rõ.” 
       
Thị trường bất động sản sẽ sụp đổ?

Nhà hoạch định thanh toán qua mạng của Beijing Automotive Network cũng nói:  “Tôi đang đầy lo sợ và trông đợi cuộc khủng hoảng, lo sợ vì sẽ ảnh hưởng đến đất nước, doanh nghiệp và dân chúng xã hội, còn trông đợi là chỉ có khủng hoảng mới phá tan được thể chế hiện có, mới có thể tạo ra được cơ hội mới”. 
“Chính phủ sẽ ra tay cứu vãn cuộc khủng hoảng, nhưng hậu quả sẽ làm suy yếu sự cai trị của Đảng cộng sản”

Nhà kinh tế học nổi tiếng Trung Quốc Mao Vu Thức khi trả lời phỏng vấn Tiếng nói nước Đức đã tán thành về cơ bản quan điểm của Lý Tả Quân, ông nói vấn đề kinh tế của Trung Quốc là hết sức nghiêm trọng: “Rất có thể sẽ xảy ra sự biến đổi mang tính đột phá”. Mà việc nảy sinh vấn đề kinh tế sẽ dẫn đến nảy sinh hàng loạt các vấn đề xã hội.   

Tuy nhiên, Mao Vu Thức cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ dùng biện pháp mạnh để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra: “Trung Quốc khác với các nước Phương Tây, mọi vấn đề của Trung Quốc như nợ của ngân hàng, của chính quyền địa phương…cuối cùng chính phủ sẽ ra tay, trong tay chính phủ có rất nhiều tiền, dự trữ ngoại hối tới hơn 3 nghìn tỉ đô la Mỹ, tài sản thuộc sở hữu nhà nước, đất đai nắm hết trong tay, chính phủ Trung Quốc sẽ không để cho cuộc khủng hoảng xảy ra. Chính phủ các nước không có tiền, còn chính phủ Trung Quốc thì tiền nhiều không kể xiết.  
      
Ông cũng cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ huy động “quốc lực” để cứu vãn khủng hoảng kinh tế, kết quả là có thể khống chế không để khủng hoảng kinh tế xảy ra, nhưng sẽ làm suy yếu quyền lực của chính phủ, “vấn đề kinh tế không làm cho chính phủ gặp nạn, nhưng sẽ làm cho quyền lực của chính phủ bị suy yếu, bởi rất nhiều tài sản thuộc sở hữu nhà nước đã bị tiêu hết, một phần là chính phủ Trung Quốc dựa vào những tài sản thuộc sở hữu nhà nước này để bảo vệ uy tín của mình, duy trì các tập đoàn lợi ích đã có, bây giờ mà xử lý hết vốn, thì sự cai trị của Đảng cộng sản sẽ bị suy yếu”.      

Nguồn:  boxun.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét