Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Bất chấp sự ngăn trở của nhà cầm quyền CSVN, án phong chân phước cho Đức Fx. Thuận vẫn tiến triển

VRNs (06.10.2012) – RÔMA – Mười năm sau khi Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận qua đời, Tiến sĩ Waldery Hilgeman, cáo thỉnh viên của án phong Chân phước, cho hãng tin Zenit biết về giai đoạn giáo phận của án phong, được thúc đẩy bởi Hội đồng Tòa thánh “Công lý và Hòa bình”, và mở án từ ngày 22-10-2010.
Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, qua đời tại Rôma năm 2002 thọ 74 tuổi, đã là Phó Chủ tịch của Hội đồng Tòa thánh “Công lý và Hòa bình” từ năm 1994 đến năm 1998, và Chủ tịch Hội đồng này từ năm 1998 đến năm 2002.
Trước khi được ĐTC Giaon Phaolô II đưa về Roma làm việc vào năm 1991, Đức Hồng Y là Tổng Giám mục phó của Tổng Giáo phận Sài Gòn, nơi ngài đã bị chính quyền bắt giữ, và ở tù trong 13 năm, từ năm 1975 đến năm 1988, mà không bị tuyên án tù nào.

Tiến trình phong Chân phước đã được mở ra tại giáo phận Rôma, và diễn ra tại tòa án của hạt Rôma. Do Đức Hồng Y “đã di chuyển nhiều” trên mọi châu lục, công việc của tiến trình là “bao la” theo lời khẳng định của Hilgeman Waldery, khi cáo thỉnh viên này nhắc đến nhiểu địa điểm điều tra cho hồ sơ: Úc, Mỹ, Đức, Pháp.

Khoảng 130 nhân chứng đã được phỏng vấn, – cáo thỉnh viên nói, và tiến trình “đang trong một giai đoạn tiến triển mạnh”.
Nhiều phép lạ đang được nghiên cứu với sự giúp đỡ của các chuyên viên y tế. Sau khi Đức Hồng Y được tuyên bố “Đấng Đáng Kính”, việc công nhận một phép lạ có thể mở đường cho việc phong Chân phước.
Đối với Waldery Hilgeman, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận có thể trở thành “vị thánh của hy vọng”: trong các bài viết và cuốn sách của ngài, từ ngữ “hy vọng” được lặp đi lặp lại, và lời mời gọi “đừng mất hy vọng vào Thiên Chúa”.
Cáo thỉnh viên cho biết đã tìm thấy trong các nghiên cứu của mình một “nhân vật cực kỳ phức tạp”. Cáo thỉnh viên khẳng định, toàn cuộc đời của Hồng Y là “các giọt liên tục của Tin mừng, một cơn mưa không ngừng của sự thánh thiện.”
Cáo thỉnh viên nói thêm, ngay từ khoảnh khắc đầu tiên ở nhà tù, Hồng Y đã cảm nhận lời gọi của Thiên Chúa là “hãy cho tất cả mọi thứ, để lại tất cả mọi thứ và chỉ sống cho Thiên Chúa”. Khi ngài còn là Tổng Giám mục phó, “Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã sống cho công việc của Thiên Chúa “, nhưng khi vào tù, ngài cảm thấy rằng Thiên Chúa đòi hỏi ngài rời bỏ công việc của mình, và chỉ sống cho Chúa mà thôi”, – cáo thỉnh viên giải thích.
Đối với Waldery Hilgeman, khía cạnh nổi bật nhất của Đức Hồng Y là “tình thương kiên định đối với tha nhân”. Ngay cả trong nhà tù, – cáo thỉnh viên nhấn mạnh “ngài không bao giờ ngừng yêu thương những kẻ bách hại ngài, từ các quan chức cao cấp nhất đến người lính canh tù”.
Qua “tình thương trọn vẹn” của ngài đối với họ, Đức Hồng y cho thấy “tình yêu Chúa Kitô là gì, kể cả tình yêu đối kẻ thù”, và ngài làm việc này “khi không thể rao giảng, không thể nói trực tiếp về Chúa”, – cáo thỉnh viên nhận định. Nhiều lính canh phụ trách việc giám sát ngài đã được hoán cải bởi “mẫu gương của ngài về Chúa Kitô nhập thể”.
Nếu “bối cảnh chính trị tạo khó khăn cho việc tiếp xúc với các người lính bảo vệ đã hoán cải”, tuy nhiên “một cách đặc biệt”, một số chứng tá sẽ được ghi trong các văn bản pháp lý của án phong, để “dựng lại cuộc đời vá các nhân đức anh hùng” của Đức Hồng y, – cáo thỉnh viên nói thêm.
Ngay từ đầu sứ vụ của mình, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã được chuẩn bị sẵn sàng cho công tác ngài sẽ làm sau này trong Giáo Triều Rôma, nhất là cho Hội đồng Tòa thánh về Giáo Dân, nơi ngài làm cố vấn, – Waldery Hilgeman nhận định. Quả thế, là một Giám mục trẻ, ngài chú ý nhiều đến vai trò của giáo dân trong giáo phận của mình và trong xã hội, xem giáo dân là “các nhân chứng trực tiếp của Chúa Kitô trong chính trị, trong đời sống xã hội, trong lao động”.
Bên cạnh đó, “chỉ trong vài năm, ngài đã thành công trong việc tăng gấp đôi số lượng ơn gọi “, – cáo thỉnh viên nói rõ, không phải bởi việc mục vụ đặc biệt cho các linh mục, nhưng là việc chăm sóc giáo dân, “những người có thể được Chúa Kitô kêu gọi”.
Cáo thỉnh viên nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên mà Đức Hồng Y là “một trong những người đầu tiên được mời vào Hội Đồng Tòa thánh về Giáo Dân, trong khi Hội đồng này đang giai đoạn thành lập”: từ đầu kia của thế giới, “Tòa Thánh đã nhìn thấy các tiềm năng của con người này”, – cáo thỉnh viên nhận xét.
Hơn nữa, chính nhờ ngài, Hội đồng Tòa thánh “Công Lý và Hòa Bình” đã phát triển, – Waldery Hilgeman giải thích: quả vậy, một vị Chủ tịch Hội đồng, người “đã sống trong thân xác mình nỗi bất công trên thế giới chỉ vì là người Kitô giáo”, đã tạo một chiều kích đặc biệt cho Hội đồng này “về sự nhạy cảm tột cùng”, vốn “tích hợp tất cả học thuyết xã hội của Giáo Hội”.
Nguyễn Trọng Đa theo Zenit
Bài viết do ông G. Nguyễn Văn Nội chuyển

VRNs đặt tựa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét