Đầu tháng 9/2012, ông Lý Hiển Long Thủ tướng Singapore thăm Trung Quốc. Nhân dịp này, ông Lý đã có bài phát biểu quan trọng tại trường Đảng cao cấp của Trung Quốc.
Ông Lý đề cập năm vấn đề: vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế, vai trò của Trung Quốc ở khu vực, quan hệ Trung-Mỹ, vấn đề Biển Đông, quan hệ Singapore và Trung Quốc.
Thủ tướng Singapore đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế. Theo ông “Các vấn đề của thế giới ngày này, bất kể là biến đổi khí hậu, vòng đàm phán thương mại Doha, hay chống phổ biến vũ khí hạt nhân, đều cần có Trung Quốc tham dự mới có hy vọng giải quyết” và “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, còn ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc. Tất cả các nước thành viên ASEAN đều mong muốn mở rộng hợp tác với Trung Quốc”. Về Mỹ, ông Lý cho rằng “Trong tương lai, Mỹ sẽ vẫn là siêu cường chủ đạo thế giới” và “Mỹ vẫn là một quốc gia quan trọng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ sẽ tiếp tục tham gia vào các công việc của khu vực, góp phần cho sự phồn vinh và an ninh của Châu Á. Mỹ có lợi ích chính đáng về ngoại giao và kinh tế ở Châu Á”. Đặc biệt Thủ tướng Lý nhấn mạnh “vai trò của Mỹ ở Châu Á không phải quốc gia nào cũng có thể thay thế”.
Điều dư luận khu vực và thế giới quan tâm là ông Thủ tướng Singapore đã dành một liều lượng rất lớn trong bài phát biểu của mình để nói về Biển Đông. Ông Lý đã trình bày cụ thể và rõ ràng về bốn khía cạnh như sau:
Một là, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982. Ông Thủ tướng nêu rõ nguyên lý chung đang hiện hữu trong quan hệ quốc tế: các tranh chấp chủ quyền luôn là vấn đề phức tạp, không dễ giải quyết. Vấn đề yêu sách chủ quyền ở Biển Đông không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Cho nên các nước có liên quan cần có trách nhiệm giải quyết tranh chấp, tránh làm tình hình căng thẳng thêm, hoặc dẫn tới đối đầu. Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề liên quan đến quyền lợi tài nguyên biển phải căn cứ vào luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc.
Hai là, ASEAN phải có vai trò trong vấn đề Biển Đông. Ông Lý khẳng định vấn đề Biển Đông là việc quan trọng mà ASEAN phải đối mặt và bày tỏ lập trường. Nếu ASEAN không đề cập vấn đề Biển Đông thì uy tín ASEAN sẽ bị tổn hại. ASEAN khuyến khích các bên có tranh chấp giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Việc Indonesia gần đây nêu ra Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông mà ASEAN đã ủng hộ là bước phát triển tích cực. Ông Lý cũng đề nghị ASEAN và Trung Quốc sớm khởi động đàm phán về Luật ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Ba là, sự đoàn kết ASEAN là tất yếu. Ông Lý phân tích: hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á sẽ không có nếu Đông Nam Á không đoàn kết. Chỉ khi 10 nước thành viên ASEAN đoàn kết với nhau thì ASEAN mới phát huy vai trò của nó trên vũ đài quốc tế. Cộng đồng quốc tế nghe được tiếng nói của ASEAN và như vậy mới bảo vệ được lợi ích chung của ASEAN. Nếu ASEAN bị suy yếu thì 10 nước ASEAN mất đi diễn đàn cùng hợp tác, an ninh và lợi ích của Singapore bị tổn hại.
Bốn là, bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Ông Lý khẳng định tàu bè của nhiều nước đều dựa vào đường hàng hải ở Biển Đông. Đối với Singapore thì Biển Đông lại càng quan trọng vì vận tải biển của Singapore chỉ có thể thông qua hai con đường là eo biển Malacca và Biển Đông. Singapore dựa vào đường biển quốc tế ở Biển Đông để phát triển và tồn tại. Từ đó, Thủ tướng Singapore kết luận tự do hàng hải ở Biển Đông, tuyến giao thông đường biển ở Biển Đông phải được thông suốt không có bất kỳ trở ngại nào. Yêu cầu này phải được đáp ứng bất kể là các tranh chấp liên quan có được giải quyết hay không.
Ông Lý Hiển Long là vị Thủ tướng nước ngoài đầu tiên phát biểu về vấn đề Biển Đông tại trường Đảng của Trung Quốc. Việc ông Thủ tướng trình bày dài và kỹ về vấn đề Biển Đông thể hiện sự quan ngại sâu sắc của Singapore về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây. Năm 2011, lần đầu tiên Singapore đã yêu cầu Trung Quốc lý giải các yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Trong tháng 9/2012, nhân Hội nghị hỗn hợp cấp Bộ trưởng lần thứ 7 ở Canbera, Ngoại trưởng Singapore và Austrralia đã bày tỏ lo ngại về tình hình căng thangử ở Biển Đông và cảnh báo điều đó có thể cản trở tiến trành hoà bình và phát triển kinh tế ở Châu Á.
Cách đặt vấn đề của ông Lý tại trường Đảng của Trung Quốc cũng thể hiện tâm tư và cách tiếp cận chung của khối ASEAN. Những hành động thô bạo trái các chuẩn mực quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông trong 2 năm qua cũng như dùng Cambodia để phá hoại đoàn kết của ASEAN làm cho các nước ASEAN lo ngại và cảnh giác hơn. Tại các Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các Hội nghị với các đối tác liên quan tại Phnom-pênh hồi tháng 7/2012, đa số các nước bày tỏ quan ngaị về các diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. Trung tuần tháng 9/2012, nhân chuyến thăm chính thức Singapore theo lời mời của ông Lý Hiển Long, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam đã đến phát biểu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu. Ông Trọng nêu rõ “gần đây tình hình khu vực Đông Nam Á có mặt trở nên căng thẳng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông. một vùng biển có tầm quan trọng cả về địa chiến lựơc và địa kinh tế đối với khu vực và thế giới. Đây là một thực tế đáng lo ngại”. Tuyên bố báo chí chung chuyến thăm Singapore của ông Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các diễn biến ở Biển Đông, và nhất trí cho rằng tình hình cần được giải quyết một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hai nhà lãnh đạo hy vọng, các cuộc thảo luận giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ được khởi động vào thời điểm sớm nhất có thể”.
Cách đặt vấn đề của ông Thủ tướng Singapore rõ ràng đối lập với chủ trương và việc làm của Trung Quốc liên quan Biển Đông. Phát biểu của ông ông Lý đã bác bỏ lập luận của Trung Quốc “Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc với một vài nước ASEAN như Việt Nam và Philippine”. Vô hình trung, ông Thủ tướng Singapore đã phê phán thủ đoạn và âm mưa của Bắc Kinh tìm cách phá hoại sự đoàn kết của ASEAN. Vô hình trung, ông Thủ tướng Singapore đã tát vào mặt ban lãnh đạo Bắc Kinh sau khi họ sử dụng con bài Cambodia tại AMM 45 vừa qua. Chắc hẳn, Bắc Kinh rất cay cú vì đã để ông Lý đến trường Đảng phát biểu. Nếu biết ông Thủ tướng Singapore phát biểu như vậy về Biển Đông thì họ đã không mời ông phát biểu. Không rõ sau này có vị lãnh đạo nào của ASEAN sẽ có những phát biểu tương tự như ông Lý khi được Trung Quốc mời. Chắc rằng cả Trung Quốc và các nước ASEAN đã học được nhiều điều sau bài phát biểu của ông Lý Hiển Long tại trường Đảng cao cấp của Trung Quốc.
Tại sao ông Thủ Tướng Sing dám lớn tiếng chỉ trích , mà mấy anh Tầu Trung Nam Hải á khẩu ? Chẳng qua Thủ Tướng Sing là ông chủ của cái cửa khẩu huyết mạch "Melaka" của Tầu mà thôi .
Trả lờiXóa