Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Việt Nam : Một đại biểu Quốc hội "khuyên" Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội, 22/10/2012
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội, 22/10/2012
REUTERS

THỤY MY
THỦ TƯỚNG VIỆT NAM NGUYỄN TẤN DŨNG MÀ VỊ THẾ ĐÃ YẾU ĐI TRONG NHỮNG THÁNG GẦN ĐÂY, ĐÃ LÀ MỤC TIÊU BỊ CÔNG KÍCH CHƯA TỪNG THẤY HÔM NAY 14/11/2012 TRƯỚC QUỐC HỘI. THẬM CHÍ ĐẠI BIỂU DƯƠNG TRUNG QUỐC CÒN ĐỀ NGHỊ ÔNG NÊN TỪ CHỨC.VÀI TUẦN SAU HỘI NGHỊ ỦY BAN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, TRONG ĐÓ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CHÍNH PHỦ THOÁT ĐƯỢC VIỆC BỊ KỶ LUẬT TRONG GANG TẤC, CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐÃ TẤN CÔNG ÔNG VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ.

AFP cho biết, trong buổi chất vấn của Quốc hội được phát trên truyền hình, đại biểu Dương Trung Quốc tuyên bố : « Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm chứ không phải chỉ là lời xin lỗi ». Ông kêu gọi Thủ tướng « Hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng tập quán phù hợp với một xã hội hiện đại, đó là văn hóa từ chức».
Xin nhắc lại, trước đây trong phiên họp Quốc hội ngày 22/10, ông Nguyễn Tấn Dũng đã tự kiểm điểm về kết quả tệ hại của nền kinh tế, việc quản lý các tập đoàn quốc doanh và một loạt các xì-căng-đan gần đây.
Trong phần trả lời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong 51 năm hoạt động cách mạng, ông không "xin Đảng cho làm chức vụ gì, và cũng không từ chối bất cứ nhiệm vụ gì được Đảng giao". Đảng hiểu rõ các ưu khuyết điểm của ông, đã phân công ông tiếp tục làm Thủ tướng, và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu cho ông, thì ông chấp hành. Tóm lại, gần suốt cuộc đời đi theo Đảng, ông không xin xỏ cũng không thoái thác, và sẽ nghiêm túc thực hiện như đã làm suốt 51 năm qua.
Theo AFP, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có rất ít cơ hội thành công, trong một Quốc hội được xem là nơi chỉ làm nhiệm vụ thông qua các quyết định của chính phủ. Tuy nhiên sự kiện đề nghị từ chức được công khai đưa ra trước nghị trường cho thấy ông Nguyễn Tấn Dũng lúc này đã bị yếu thế như thế nào.
Năm nay 62 tuổi, ông Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2011 được Đảng giao tiếp tục nhiệm kỳ Thủ tướng năm năm. Ông bị xem là người chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng hoành hành, và cuộc khủng hoảng của hệ thống ngân hàng đang ngập đầy nợ xấu, mà việc cải tổ đang bị ngưng trệ.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã bị giảm mất 30% trong vòng một năm qua, tăng trưởng chậm lại và nạn lạm phát cho dù không tệ hại như năm 2011 nhưng đã lại tăng lên.
Việc bắt giữ một số nhân vật trong ngành ngân hàng bị lên án là tham ô mới đây, trong đó có một trong những người giàu nhất Việt Nam vốn thân cận với Thủ tướng, lại càng khiến các đối thủ của ông Nguyễn Tấn Dũng tăng cường công kích mạnh mẽ.

Nguồn :RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét