Huy Đức - Hôm 23/2/2009, Trung Quốc và Việt Nam làm lễ hoàn tất công trình Phân giới cắm mốc, kết thúc 8 năm triển khai trên thực địa, kết thúc những tranh cãi căng thẳng, kéo dài.
Nhưng, những tranh chấp không chỉ diễn ra trong vòng 8 năm ấy. Biết bao câu chuyện xứng đáng ghi vào lịch sử kể từ khi hai nước ký Hiệp định tạm thời, 07/11/1991.
Gió Chi Ma
Cho đến tận hôm nay, đường lên cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), vẫn phải ngưng lại dở dang trước đường Biên 63m.
Năm 1993, khi tỉnh Lạng Sơn cho rải đá, lực lượng vũ trang từ phía Ái Điểm, Trung Quốc, tràn sang ngăn cản, “bạn” cho rằng đấy là phần đất thuộc về Trung Quốc, cho dù cột mốc 44 vẫn còn.
Từ ngày 28/5 cho đến 11/6/1993, hàng trăm binh sĩ có vũ trang từ Ái Điểm tới, theo sau là 15 xe chở đá. Trong khi phía Việt Nam chưa kịp phản ứng, 2 xe “vượt biên” sang đổ đá chồng lên đoạn công nhân Việt Nam đang thi công.
Ngay lập tức bộ đội Biên phòng, Hải quan, công nhân, đặc biệt là bà con nông dân Chi Ma xuất hiện. Họ rút.
Kể từ hôm đó, Tổ cột mốc 44 được thành lập, 7 cán bộ Biên phòng có nhiệm vụ canh giữ cho mốc 44 trụ vững ở đúng vị trí mà nó đã đứng, kể từ sau Công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895.
Các anh phải túc trực 24/24, trong gió Chi Ma thổi bạc mặt; trong rét Chi Ma có khi xuống dưới độ Không; dưới một túp lều dựng bằng 6 cọc tre và những thùng giấy carton nằm sâu bên lãnh thổ Việt Nam 5m (vì bị ngăn cản không thể dựng nhà).
“Nhật ký” của tổ ghi nhận 32 sự kiện tiêu biểu xảy ra xung quanh mốc 44: 1 lần Biên phòng Ái Điểm, Trung Quốc, cho dựng một nhà tạm lấn sang đất Việt Nam 2m; 22 lần lực lượng vũ trang Trung Quốc xâm nhập sâu vào đất Việt Nam từ 5-35m; 7 lần xâm canh; 1 lần lén chôn một bia đá sang đất Việt Nam 20m…
Chiều 6-2-2009, chúng tôi có mặt ở Chi Ma, phía bên kia mốc 44 là một bức tường đá dày 1m cao 3m, bao bọc đồn Ái Điểm. Trên bức tường đó, sâu hoắm những lỗ châu mai, nhìn sang.
Thiếu tá Lục Văn Moong, người từng là Đồn phó Chi Ma 4 năm, nói: “Có rất nhiều chuyện không được ghi chép, đó là những cục đá được ném sang từ phía bên kia lúc nửa đêm. Trận ‘đá kích’ cuối cùng xảy ra là vào năm 2003”.
Theo thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Biên phòng tỉnh Lạng Sơn : “Anh em đã bám trụ trong điều kiện như thế suốt 15 năm, từ tháng 6/1993 đến tháng 1/2009. Khi viết đề nghị tặng Huân chương Chiến công (hạng Ba) cho Tổ cột mốc 44, có nhiều câu chuyện đã làm tôi khóc!”.
Bản Giốc
Mãi cho tới ngày 14-1-2009, mốc 836 mới được cắm bên triền Bản Giốc.
Thác Bản Giốc và cửa Bắc Luân cùng nằm chung trong một “gói đàm phán”, được phân giới sau cùng. Sông Quây Sơn chảy vào đất Việt ở cột mốc 67 (cũ) vòng qua các ngọn núi ở Trùng Khánh, Cao Bằng, khoảng 20km rồi chạy ra mốc 53 (cũ), thành con sông Biên giới dài 15km trước khi chảy sang Trung Quốc ở cột mốc 49 (cũ).
Giờ này, cánh đồng dưới chân Bản Giốc trơ rạ. Chưa tới mùa nước, thác chưa đầy như bức ảnh mà Võ An Ninh đã chụp. Nhưng, cảm giác về một Bản Giốc trọn vẹn vẫn nghèn nghẹn.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng : “Ta và Trung Quốc đã thoả thuận đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, qua cồn Pò Thoong, đến điểm giữa của mặt thác chính”. Trong khoảng thời gian “gói Bản Giốc- Bắc Luân” đang đàm phán, Trung Quốc mấy lần định làm đường trên cồn Pò Thoong, mấy lần bị người dân Đàm Thủy đứng ra ngăn cản.
Xưa nay, Pò Thoong vẫn nằm trong vùng quản lý của Biên phòng Việt Nam, người dân vẫn canh tác và lấy đá cát quanh đó.
Trận “đá kích” sau cùng mà các cán bộ Biên phòng ghi nhận xảy ra là vào ngày 24/7/2007.
Giờ đây, mốc đôi 835 đã được cắm thay thế cho mốc 53: 835/1 nằm bên bờ Trung Quốc của sông Quây Sơn; 835/2 nằm trên cồn, “ phần thuộc về Việt Nam bây giờ là ¼ cồn Pò Thoong ”.
Theo ông Vũ Dũng : “Ta và Trung Quốc nhất trí sẽ cùng hợp tác để phát triển tiềm năng du lịch, kinh tế tại khu vực thác Bản Giốc”.
Cũng theo thỏa thuận ấy, thuyền du lịch có thể chở khách từ hai phía sang sát bờ của nhau ngắm thác, miễn là khách của bên này không lên bờ của phía bên kia.
Từ xa, có cảm giác, Bản Giốc vẫn quay mặt về. Bên bờ Nam, một thung lũng mênh mông vừa có thể cấy cày vừa có chỗ cho khách tham quan hạ trại. Bên Trung Quốc, bờ sông dốc.
Nhưng, nếu như phía Việt Nam chỉ có những lều lán tạm thì phía Trung Quốc, có nhà nghỉ Sơn Trang được xây khá hoành tráng trên một ngọn đồi. Có thể ngồi ở Sơn Trang mà ngắm cùng lúc cả thác cao và thác thấp. Nghe nói trong mấy ngày Tết, khách Việt Nam thăm thác cũng đông nhưng so với Trung Quốc thì không đáng kể.
Hôm chúng tôi tới Bản Giốc, ngày 10 tháng Giêng, phía bờ Việt Nam vắng lặng trong khi phía Trung Quốc khách vẫn phải chờ để lên thuyền.
Biên Giới
Ngày 13/12/2008, hai nhóm phân giới Việt Nam và Trung Quốc đã đặt mốc 1224 vào đúng vị trí mốc 44. Nước mắt không thể cầm được trên gương mặt của các chiến sĩ Biên phòng Chi Ma.
Các anh đã góp phần giữ được đường biên Hiệp ước 1999 đi cách nơi mà “Trung Quốc muốn” 63m. Tuy nhiên, đường phân giới mới vẫn cắt đi một phần thung ruộng cũ của 3 gia đình ở Chi Ma.
Tại Hà Giang, 54 gia đình ở Lũng Cú cũng giao lại cho Trung Quốc 188 ha và nhận từ phía Trung Quốc 66 ha ở một khu vực khác.
Trung tá Đồn phó Lũng Cú Nông Minh Thạch nói: “Tất nhiên là bà con tâm tư nhưng chúng tôi động viên bà con tin vào Đảng và Nhà nước”.
Đường biên giới mới cũng cắt ngang khu 13 nóc nhà của người dân Trung Quốc ở gần Lạng Sơn.
Có tới 164 khu vực “có tranh chấp, hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi” như trường hợp của Lũng Cú và Chi Ma, rộng khoảng 227 km2.
Sau đàm phán, “quy thuộc khoảng 114,9 km2 cho Việt Nam và khoảng 117,2 km2 cho Trung Quốc”.
Phó Thủ tướng phụ trách ngoại giao thời kỳ đàm phán Hiệp ước Biên giới, ông Nguyễn Mạnh Cầm, cho rằng: “Kết quả đó là thỏa đáng”. Nhiều nước trên thế giới cho đến nay vẫn còn những đường biên tranh chấp, thậm chí tranh chấp biên giới vẫn xảy ra với cả những nước như Mỹ và Canada.
Không phải chính quyền nào cũng đủ dũng cảm đương đầu với sự phán xét của lịch sử để đặt bút ký vào bản phân chia từng tấc đất của tiền nhân, bởi thương lượng thì phải có đi có lại.
Tất nhiên, cho dù có một đường biên chưa phân, nhiều nước vẫn có thể giữ nguyên hiện trạng mà hòa bình chung sống.
Họ không phải đối phó với một con sông bị nắn dòng chảy xói vào đất mình; Họ không có một đoạn đường ray, một con đường “vô tư” vòng sang rồi trở thành nơi tranh chấp; họ không gặp những chiến dịch mua râu ngô, mua móng trâu, mua mèo…
Biên giới của họ, cả sông núi và lòng người, không gặp phải quá nhiều hiểm trở.
Biên giới đất liền Việt – Trung dài 1.406 km, nhưng: “thời Pháp-Thanh cắm mốc rất thưa; lời văn Công ước mô tả thì đơn giản, bản đồ tỷ lệ nhỏ, nhiều địa danh không thể hiện như bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót…”.
Đường Biên giới Hiệp ước 1999, thay vì chỉ cắm 341 cột mốc như thời Pháp – Thanh, có hơn 1500 cột mốc chính và hơn 400 cột mốc phụ (tổng cộng 1971 cột mốc). Nơi nào đường Biên đi qua giữa sông thì mốc được cắm ở hai bờ; nơi nào đường phân giới có những khúc quanh thì cắm thêm mốc phụ.
Tại khu vực Cô Muông, Đàm Thủy, Cao Bằng, đôi bên cắm tới 26 mốc cho một đoạn núi dài chưa tới 2km. So với cột mốc thời Pháp-Thanh, cột mốc hiện nay làm bằng đá granit, có mốc nặng tới gần 1 tấn. Khi chúng tôi tới, mốc 836/2 ở thác Bản Giốc vẫn đang làm dở dang, nhờ thế mà nhìn thấy dàn móng bê tông mới được đổ vô cùng kiên cố.
Nhưng, sở dĩ qua bao nhiêu trắc trở Biên giới Công ước Pháp Thanh vẫn là nền tảng cho công trình đàm phán, phân giới, cắm mốc kéo dài suốt 17 năm qua; bởi, ngoài những cột mốc thấp bé, vẹt mòn theo năm tháng, còn có những ngôi mộ của cha ông, những nương khoai, nương sắn của người dân hai nước.
Cũng tại khu vực Đàm Thủy, ở thôn Lũng Phiăc, đồng tiền mà bà con người Tày, người Nùng vẫn dùng ở đây là Nhân Dân Tệ. Lừa ngựa từ Trung Quốc được dắt sang để thu mua quặng. Lũng Phiăc với hơn 1000 khẩu, có hơn 100 phụ nữ lấy chồng bên Trung Quốc.
Dọc theo Biên giới, từ Phong Thổ tới Móng Cái, nhiều gia đình ở bên này có bà con, hoặc bạn bè thâm giao ở bên kia. “Đường biên” ấy không thể nào rành mạch phân chia như đá và bê tông cốt thép
Tất bật bên nồi thắng cố, mặt Mừng Thìn Pín đỏ au. Phiên “chợ cột mốc” mùng 8 Tết rất đông: người từ hương Giàng Vản, tỉnh Vân Nam sang; người từ xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, Hà Giang, đến. Mốc 358 vừa mới cắm, nhà chợ xây chửa xong, giao thương đã bắt đầu nhộn nhịp.
Theo Thượng tá Dương Văn Thịnh, Đồn trưởng Biên phòng Bạch Đích: “Trước phân giới cắm mốc, đôi bên vẫn căng thẳng”.
Nay thì bà con đã có thể tới chợ. Nay, những nông dân như Mừng Thìn Pín đã có thể xây nhà và bưng nồi thắng cố lên đặt sát đường Biên.
Một đường Biên giới mà cho tới năm 1991 vẫn phải rào dậu bằng mìn; một Biên giới mà cho tới trước tháng 1-2009, nhiều nơi bộ đội Biên phòng vẫn còn phải đứng canh cho người dân cày cấy…
Khi đang ngồi viết những dòng này, tôi nhận được điện thoại từ Hà Giang, trung tá Thạch cho biết, những cây đào Lũng Cú đã đâm hoa, cho dù, ở Biên giới mùa này vẫn chưa hết những đợt gió lạnh tràn về từ phương Bắc.
Huy Đức (Osin Blog & Sài Gòn Tiếp Thị 23/2/2009)
Nhưng, những tranh chấp không chỉ diễn ra trong vòng 8 năm ấy. Biết bao câu chuyện xứng đáng ghi vào lịch sử kể từ khi hai nước ký Hiệp định tạm thời, 07/11/1991.
Gió Chi Ma
Cho đến tận hôm nay, đường lên cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), vẫn phải ngưng lại dở dang trước đường Biên 63m.
Năm 1993, khi tỉnh Lạng Sơn cho rải đá, lực lượng vũ trang từ phía Ái Điểm, Trung Quốc, tràn sang ngăn cản, “bạn” cho rằng đấy là phần đất thuộc về Trung Quốc, cho dù cột mốc 44 vẫn còn.
Nơi ở của Tổ Cột mốc 44, Đồn BP Chi Ma |
Từ ngày 28/5 cho đến 11/6/1993, hàng trăm binh sĩ có vũ trang từ Ái Điểm tới, theo sau là 15 xe chở đá. Trong khi phía Việt Nam chưa kịp phản ứng, 2 xe “vượt biên” sang đổ đá chồng lên đoạn công nhân Việt Nam đang thi công.
Ngay lập tức bộ đội Biên phòng, Hải quan, công nhân, đặc biệt là bà con nông dân Chi Ma xuất hiện. Họ rút.
Kể từ hôm đó, Tổ cột mốc 44 được thành lập, 7 cán bộ Biên phòng có nhiệm vụ canh giữ cho mốc 44 trụ vững ở đúng vị trí mà nó đã đứng, kể từ sau Công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895.
Các anh phải túc trực 24/24, trong gió Chi Ma thổi bạc mặt; trong rét Chi Ma có khi xuống dưới độ Không; dưới một túp lều dựng bằng 6 cọc tre và những thùng giấy carton nằm sâu bên lãnh thổ Việt Nam 5m (vì bị ngăn cản không thể dựng nhà).
Cột mốc 44 |
“Nhật ký” của tổ ghi nhận 32 sự kiện tiêu biểu xảy ra xung quanh mốc 44: 1 lần Biên phòng Ái Điểm, Trung Quốc, cho dựng một nhà tạm lấn sang đất Việt Nam 2m; 22 lần lực lượng vũ trang Trung Quốc xâm nhập sâu vào đất Việt Nam từ 5-35m; 7 lần xâm canh; 1 lần lén chôn một bia đá sang đất Việt Nam 20m…
Chiều 6-2-2009, chúng tôi có mặt ở Chi Ma, phía bên kia mốc 44 là một bức tường đá dày 1m cao 3m, bao bọc đồn Ái Điểm. Trên bức tường đó, sâu hoắm những lỗ châu mai, nhìn sang.
Thiếu tá Lục Văn Moong, người từng là Đồn phó Chi Ma 4 năm, nói: “Có rất nhiều chuyện không được ghi chép, đó là những cục đá được ném sang từ phía bên kia lúc nửa đêm. Trận ‘đá kích’ cuối cùng xảy ra là vào năm 2003”.
Những người lính bảo vệ Cột mốc 44 |
Theo thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Biên phòng tỉnh Lạng Sơn : “Anh em đã bám trụ trong điều kiện như thế suốt 15 năm, từ tháng 6/1993 đến tháng 1/2009. Khi viết đề nghị tặng Huân chương Chiến công (hạng Ba) cho Tổ cột mốc 44, có nhiều câu chuyện đã làm tôi khóc!”.
Bản Giốc
Mãi cho tới ngày 14-1-2009, mốc 836 mới được cắm bên triền Bản Giốc.
Thác Bản Giốc và cửa Bắc Luân cùng nằm chung trong một “gói đàm phán”, được phân giới sau cùng. Sông Quây Sơn chảy vào đất Việt ở cột mốc 67 (cũ) vòng qua các ngọn núi ở Trùng Khánh, Cao Bằng, khoảng 20km rồi chạy ra mốc 53 (cũ), thành con sông Biên giới dài 15km trước khi chảy sang Trung Quốc ở cột mốc 49 (cũ).
Giờ này, cánh đồng dưới chân Bản Giốc trơ rạ. Chưa tới mùa nước, thác chưa đầy như bức ảnh mà Võ An Ninh đã chụp. Nhưng, cảm giác về một Bản Giốc trọn vẹn vẫn nghèn nghẹn.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng : “Ta và Trung Quốc đã thoả thuận đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, qua cồn Pò Thoong, đến điểm giữa của mặt thác chính”. Trong khoảng thời gian “gói Bản Giốc- Bắc Luân” đang đàm phán, Trung Quốc mấy lần định làm đường trên cồn Pò Thoong, mấy lần bị người dân Đàm Thủy đứng ra ngăn cản.
Xưa nay, Pò Thoong vẫn nằm trong vùng quản lý của Biên phòng Việt Nam, người dân vẫn canh tác và lấy đá cát quanh đó.
Trận “đá kích” sau cùng mà các cán bộ Biên phòng ghi nhận xảy ra là vào ngày 24/7/2007.
Giờ đây, mốc đôi 835 đã được cắm thay thế cho mốc 53: 835/1 nằm bên bờ Trung Quốc của sông Quây Sơn; 835/2 nằm trên cồn, “ phần thuộc về Việt Nam bây giờ là ¼ cồn Pò Thoong ”.
Theo ông Vũ Dũng : “Ta và Trung Quốc nhất trí sẽ cùng hợp tác để phát triển tiềm năng du lịch, kinh tế tại khu vực thác Bản Giốc”.
Cũng theo thỏa thuận ấy, thuyền du lịch có thể chở khách từ hai phía sang sát bờ của nhau ngắm thác, miễn là khách của bên này không lên bờ của phía bên kia.
Từ xa, có cảm giác, Bản Giốc vẫn quay mặt về. Bên bờ Nam, một thung lũng mênh mông vừa có thể cấy cày vừa có chỗ cho khách tham quan hạ trại. Bên Trung Quốc, bờ sông dốc.
Nhưng, nếu như phía Việt Nam chỉ có những lều lán tạm thì phía Trung Quốc, có nhà nghỉ Sơn Trang được xây khá hoành tráng trên một ngọn đồi. Có thể ngồi ở Sơn Trang mà ngắm cùng lúc cả thác cao và thác thấp. Nghe nói trong mấy ngày Tết, khách Việt Nam thăm thác cũng đông nhưng so với Trung Quốc thì không đáng kể.
Hôm chúng tôi tới Bản Giốc, ngày 10 tháng Giêng, phía bờ Việt Nam vắng lặng trong khi phía Trung Quốc khách vẫn phải chờ để lên thuyền.
Biên Giới
Ngày 13/12/2008, hai nhóm phân giới Việt Nam và Trung Quốc đã đặt mốc 1224 vào đúng vị trí mốc 44. Nước mắt không thể cầm được trên gương mặt của các chiến sĩ Biên phòng Chi Ma.
Các anh đã góp phần giữ được đường biên Hiệp ước 1999 đi cách nơi mà “Trung Quốc muốn” 63m. Tuy nhiên, đường phân giới mới vẫn cắt đi một phần thung ruộng cũ của 3 gia đình ở Chi Ma.
Chiến sĩ BP Đồn Chi Ma, Lạng Sơn |
Tại Hà Giang, 54 gia đình ở Lũng Cú cũng giao lại cho Trung Quốc 188 ha và nhận từ phía Trung Quốc 66 ha ở một khu vực khác.
Trung tá Đồn phó Lũng Cú Nông Minh Thạch nói: “Tất nhiên là bà con tâm tư nhưng chúng tôi động viên bà con tin vào Đảng và Nhà nước”.
Đường biên giới mới cũng cắt ngang khu 13 nóc nhà của người dân Trung Quốc ở gần Lạng Sơn.
Có tới 164 khu vực “có tranh chấp, hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi” như trường hợp của Lũng Cú và Chi Ma, rộng khoảng 227 km2.
Sau đàm phán, “quy thuộc khoảng 114,9 km2 cho Việt Nam và khoảng 117,2 km2 cho Trung Quốc”.
Phó Thủ tướng phụ trách ngoại giao thời kỳ đàm phán Hiệp ước Biên giới, ông Nguyễn Mạnh Cầm, cho rằng: “Kết quả đó là thỏa đáng”. Nhiều nước trên thế giới cho đến nay vẫn còn những đường biên tranh chấp, thậm chí tranh chấp biên giới vẫn xảy ra với cả những nước như Mỹ và Canada.
Không phải chính quyền nào cũng đủ dũng cảm đương đầu với sự phán xét của lịch sử để đặt bút ký vào bản phân chia từng tấc đất của tiền nhân, bởi thương lượng thì phải có đi có lại.
Tất nhiên, cho dù có một đường biên chưa phân, nhiều nước vẫn có thể giữ nguyên hiện trạng mà hòa bình chung sống.
Họ không phải đối phó với một con sông bị nắn dòng chảy xói vào đất mình; Họ không có một đoạn đường ray, một con đường “vô tư” vòng sang rồi trở thành nơi tranh chấp; họ không gặp những chiến dịch mua râu ngô, mua móng trâu, mua mèo…
Biên giới của họ, cả sông núi và lòng người, không gặp phải quá nhiều hiểm trở.
Biên giới đất liền Việt – Trung dài 1.406 km, nhưng: “thời Pháp-Thanh cắm mốc rất thưa; lời văn Công ước mô tả thì đơn giản, bản đồ tỷ lệ nhỏ, nhiều địa danh không thể hiện như bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót…”.
Đường Biên giới Hiệp ước 1999, thay vì chỉ cắm 341 cột mốc như thời Pháp – Thanh, có hơn 1500 cột mốc chính và hơn 400 cột mốc phụ (tổng cộng 1971 cột mốc). Nơi nào đường Biên đi qua giữa sông thì mốc được cắm ở hai bờ; nơi nào đường phân giới có những khúc quanh thì cắm thêm mốc phụ.
Tại khu vực Cô Muông, Đàm Thủy, Cao Bằng, đôi bên cắm tới 26 mốc cho một đoạn núi dài chưa tới 2km. So với cột mốc thời Pháp-Thanh, cột mốc hiện nay làm bằng đá granit, có mốc nặng tới gần 1 tấn. Khi chúng tôi tới, mốc 836/2 ở thác Bản Giốc vẫn đang làm dở dang, nhờ thế mà nhìn thấy dàn móng bê tông mới được đổ vô cùng kiên cố.
CBCS BP Đàm Thủy giúp dân làm đường vào chợ đường biên Thác Bản Giốc |
Nhưng, sở dĩ qua bao nhiêu trắc trở Biên giới Công ước Pháp Thanh vẫn là nền tảng cho công trình đàm phán, phân giới, cắm mốc kéo dài suốt 17 năm qua; bởi, ngoài những cột mốc thấp bé, vẹt mòn theo năm tháng, còn có những ngôi mộ của cha ông, những nương khoai, nương sắn của người dân hai nước.
Cũng tại khu vực Đàm Thủy, ở thôn Lũng Phiăc, đồng tiền mà bà con người Tày, người Nùng vẫn dùng ở đây là Nhân Dân Tệ. Lừa ngựa từ Trung Quốc được dắt sang để thu mua quặng. Lũng Phiăc với hơn 1000 khẩu, có hơn 100 phụ nữ lấy chồng bên Trung Quốc.
Dọc theo Biên giới, từ Phong Thổ tới Móng Cái, nhiều gia đình ở bên này có bà con, hoặc bạn bè thâm giao ở bên kia. “Đường biên” ấy không thể nào rành mạch phân chia như đá và bê tông cốt thép
Tất bật bên nồi thắng cố, mặt Mừng Thìn Pín đỏ au. Phiên “chợ cột mốc” mùng 8 Tết rất đông: người từ hương Giàng Vản, tỉnh Vân Nam sang; người từ xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, Hà Giang, đến. Mốc 358 vừa mới cắm, nhà chợ xây chửa xong, giao thương đã bắt đầu nhộn nhịp.
Theo Thượng tá Dương Văn Thịnh, Đồn trưởng Biên phòng Bạch Đích: “Trước phân giới cắm mốc, đôi bên vẫn căng thẳng”.
Nay thì bà con đã có thể tới chợ. Nay, những nông dân như Mừng Thìn Pín đã có thể xây nhà và bưng nồi thắng cố lên đặt sát đường Biên.
Một đường Biên giới mà cho tới năm 1991 vẫn phải rào dậu bằng mìn; một Biên giới mà cho tới trước tháng 1-2009, nhiều nơi bộ đội Biên phòng vẫn còn phải đứng canh cho người dân cày cấy…
Khi đang ngồi viết những dòng này, tôi nhận được điện thoại từ Hà Giang, trung tá Thạch cho biết, những cây đào Lũng Cú đã đâm hoa, cho dù, ở Biên giới mùa này vẫn chưa hết những đợt gió lạnh tràn về từ phương Bắc.
Huy Đức (Osin Blog & Sài Gòn Tiếp Thị 23/2/2009)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét