Thưởng tiền cho kẻ chỉ điểm
ÐÀ NẴNG (NV) - Nhà cầm quyền thành phố Ðà Nẵng đưa ra một kế hoạch 2 tháng nhằm dứt điểm đối phó với những người nghèo khổ xin ăn hoặc những người bán hàng rong, trẻ em đánh giày.
Một người bán hàng rong ở Ðà Nẵng. Tin cho hay nhà cầm quyền sẽ “đối thoại với người ăn xin, bán hàng rong.” (Hình: VNExpress) |
Chiến dịch này dự trù diễn ra từ ngày đầu tháng 3 đến hết ngày 30 tháng 4 với mục tiêu “kiên quyết với nạn xin ăn trước thềm lễ hội pháo hoa.”
“Lễ hội pháo hoa” là bắn pháo hoa mừng ngày nhuộm đỏ được cả nước, đưa cả nước vào gông cùm cộng sản độc tài đảng trị.
Theo kế hoạch này, các “đối tượng” sẽ bị lùa trở lại địa phương hoặc đưa vào “trung tâm bảo trợ xã hội.”
Cuối tháng 12, 2011, nhà cầm quyền Ðà Nẵng siết chặt vấn đề người ngoại thành nhập cư bằng cách “tạm dừng đăng ký mới nhập cư vào thành phố” lấy cớ đang gặp tình trạng “quá tải.” Ðiều này đã bị đả kích là trái luật. Hiến Pháp công nhận người dân có quyền tự do cư trú, tự do đi lại.
Theo báo Dân Trí, nhà cầm quyền Ðà Nẵng sẽ “vận động các cơ sở tôn giáo không tổ chức các hoạt động công đức ban phát từ thiện (quà, lương thực, tiền,...) tại nơi thờ tự; phối hợp tuyên truyền cho các tín đồ không mua hàng, cho quà, tiền cho các đối tượng biến tướng xin ăn; tổ chức treo các bảng quy định cấm không cho tụ tập đánh giày, bán hương, sách báo trong khu vực chùa, nơi thờ tự.”
Ðối với những người nghèo khổ xin ăn, nhà cầm quyền Ðà Nẵng “lập đường dây nóng, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân phát hiện người ăn xin báo cho lực lượng chức năng đến xử lý. Mỗi người dân khi phát hiện, báo tin được thưởng nóng 200,000 đồng.”
Ði xin ăn là những người cùng khổ trong xã hội, không còn phương cách nào tự mưu sinh. Nó không phải là một “nghề” và không ai hãnh diện khi phải ngửa tay xin tiền hay miếng ăn từ người khác.
Nhiều làng quê Việt Nam, nhất là sau những đợt mưa bão làm trôi nhà, ruộng vườn bị tàn phá, không ít người phải chạy ra các thành phố xin ăn.
Báo điện tử VNExpress khoe rằng “Với các biện pháp mạnh, thành phố (Ðà Nẵng) không còn người xin ăn.”
Trẻ đánh giày. (Hình: Thanh Niên)
|
Tuy nhiên, vì đánh giày, bán hàng rong, bán vé số không kiếm ra tiền, những người này trở thành người xin tiền mà nhà cầm quyền địa phương gọi là “biến tướng” nên cũng sẽ bị càn quét quyết liệt.
Theo VNExpress, “gần đây tình trạng này tái diễn. Họ đa phần đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế,..., mượn cớ bán hàng rong, đánh giầy, bán vé số để xin tiền của khách. Tại nhiều chùa lớn còn xuất hiện nhóm người già yếu, tàn tật hoặc giả tàn tật để ăn xin.”
Báo điện tử VNExpress nói rằng nhà cầm quyền Ðà Nẵng “sẽ đối thoại với người xin ăn” trong khi báo Dân Trí thì nói nhà cầm quyền “tổ chức gặp mặt người ăn xin, đánh giày.”(TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét