Một học viên Pháp luân Công, anh Vũ Văn Tĩnh được cho biết đang bị ép buộc lao động tại một trại bảo trợ xã hội. Quỳnh Chi tìm hiểu và tường trình.
Cưỡng bức lao động tại các trung tâm giáo dục
Một số học viên Pháp luân Công ở Sài Gòn đã thăm anh Tĩnh trại trại này và cho biết anh Tĩnh phải lao động 17 giờ một ngày. Chị Nguyễn Thị Thùy Dương cho đài RFA biết sau khi trực tiếp thăm và hỏi chuyện anh Tĩnh:
“Tĩnh kể lại là họ ép lao động ghê lắm, từ 4 giờ 30 sáng cho đến 9 giờ đêm. Các công việc có thể là bóc hạt điều hay đào ao. Khi bóc hạt điều mà không đủ chỉ tiêu đưa ra là bị đánh. Buổi trưa thì chỉ có 15 phút ăn cơm. Phải ăn thật nhanh để làm tiếp và không được nghỉ ngơi”.
Cũng theo những người đồng môn của anh Tĩnh, từ khi vào trại, anh cũng bị đánh một lần rất nặng vì không đạt được chỉ tiêu được giao.
Anh Vũ Văn Tĩnh sinh năm 1983, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội và từng phục vụ trong ngành công an tại một trại giam. Cách đây mấy tháng, anh bị ra khỏi ngành vì phát tờ rơi về pháp môn.
Vào đầu tháng này, anh Vũ Văn Tĩnh bị bắt khi đang cùng một số đồng môn tập công tại công viên Lê Văn Tám, phường Đa Kao, quận Nhất, TP. HCM. Không có tin tức gì về anh Tĩnh cho đến gần hai tuần sau khi anh bị bắt. Một số người bạn đồng môn của anh Tĩnh đến phường Đa Kao, quận Nhất và được cho biết họ đã gởi anh vào trại bảo trợ xã hội.
Anh Nguyễn Văn Nghĩa vừa đến thăm anh Tĩnh vào hôm qua, ngày 20 tháng 2, và cho biết anh cũng được nghe anh Tĩnh kể về việc lao động vất vả trong trung tâm này:
“Trong trại có người canh gác và khóa cửa lại, không được ra vào và phải ở trong làm việc. Ăn, ngủ, làm việc… đều ở trong đó cả. Theo tôi thấy thì về hình thức thì đó là một trại bảo trợ, nhưng bên trong lại nhốt người. Họ chẳng bảo trợ gì cả mà chỉ cưỡng bức người ta lao động”.
“ Ơ ̉ trong đó có lẽ thiếu ánh sáng nên da anh Tĩnh trắng hơn một chút. Râu tóc anh Tĩnh cũng mọc nhiều. Tôi nhìn thì thấy như anh Tĩnh là một thằng tù”, anh Nghĩa nói thêm.
Cũng theo anh Nghĩa, anh Vũ Văn Tĩnh cho biết anh bị đưa vào trại sau khi “lỡ” ký một số giấy tờ tại cơ quan công an. Trong các giấy tờ đó, có kèm chi tiết nhận anh là người cơ nhỡ. Anh Nghĩa nói:
“Lúc sơ ý thì anh Tĩnh lại ký vào một tờ giấy biên bản nói rằng anh là người lang thang cơ nhỡ. Nhưng phần đó thì anh Tĩnh lại không đọc được. Họ nói anh Tĩnh ký vào hồ sơ lý lịch nhưng không ngờ bên trong thì có phần ghi đó”.
Trong một lần phát tờ rơi thông tin về Pháp luân Công cách đây mấy tháng, anh Tĩnh đã bị công an tỉnh Long An tịch thu CMND. Do đó, nếu muốn ra khỏi trại, anh Tĩnh phải được gia đình từ Nghệ An vào Sài Gòn làm giấy bảo lãnh. Hiện tại, chưa thấy gia đình anh Tĩnh lên tiếng về việc này.
Sẽ tuyệt thực để phản đối
Anh Vũ Văn Tĩnh quê ở Huỳnh Lưu, Nghệ An. Anh vào Sài Gòn sinh sống và ở cùng nhà với một số đồng môn. Trước đây, trong một lần tập công, anh này cũng bị bắt vào một trại bảo trợ xã hội khác. Anh đã tuyệt thực bảy ngày trong trại để phản đối. Sau một tuần tuyệt thực, anh được đưa đến một bệnh viện tâm thần.
Tuy nhiên, tại đây, bác sĩ không nhận vì theo đánh giá của họ anh là người tỉnh táo và có thể trả lời rành mạch tất cả những câu hỏi của bác sĩ. Chính vì thế, lần trước, sau bảy ngày bị giữ ở trại BTXH Tân Hiệp, anh Vũ Văn Tĩnh được thả ra. Anh Nghĩa cho biết, rất có khả năng anh Tĩnh cũng sẽ bắt đầu tuyệt thực trong trại Chánh Phú Hoà:
“Theo tôi biết thì hôm gặp nhau, anh nói rằng anh sẽ tuyệt thực nữa. Anh nói rằng tuyệt thực để phản đối và cho đến khi nào được thả ra thì thôi”.
Hồi năm ngoái, tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW cũng cho ra một bản phúc trình dài 121 trang với tựa đề “Quần đảo Cai nghiện: Lao động cưỡng bức và các hình thức lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện ma túy ở miền nam Việt Nam,” trong đó nêu lên tình trạng cưỡng bức lao động tại các trung tâm giáo dục.
Chúng tôi cũng đã liên lạc với TT Bảo trợ Xã hội Chánh Phú Hòa để xin được gặp anh Vũ Văn Tĩnh nhằm tìm hiểu sự việc nhưng được một nhân viên nhiệt tình thông báo là đang trong giờ họp:
“Có gì thì đầu giờ chiều chị gọi lại vì toàn thể nhân viên đang họp”.
Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi gọi lại nhiều lần nhưng không ai trả lời.
Trường hợp bị đưa vào các trại bảo trợ xã hội đang ngày càng phổ biến đối với các học viên Pháp luân Công tại Sài Gòn. Việc tập Pháp luân Công ở nơi công cộng không thể bị xem là vi phạm pháp luật Việt Nam.
Pháp luân Công không bị cấm tại Việt Nam nhưng bị đàn áp gắt gao tại Trung Quốc. Trên trang web của học viên Pháp luân Công Việt Nam có tên www.giaicuuhocvien.com, việc đàn áp pháp môn này tại Việt Nam được cho là do áp lực từ phía Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét