Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Đề xuất rút Luật biểu tình khỏi nghị sự QH


...Đại biểu Niê Thuật (Đăk Lăk) bày tỏ quan điểm không đồng tình với Luật biểu tình. Lý do mà đại biểu Niê Thuật đưa ra là điều kiện chính trị nước ta khác với các nước đa nguyên, đa đảng."Nước ta là nước Xã hội chủ nghĩa, chưa nói tới biểu tình, để cho quần chúng nhân dân đi ăn xin giữa đường đã là không được”, đại biểu Niê Thuật nói. Vì vậy, ông đề xuất không đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013...
(ĐVO) Chiều qua (28/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Tại buổi cuộc họp tổ, đã có một số ý kiến quanh vấn đề có hay không đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hòa (Bắc Ninh) cho rằng, đây là dự thảo luật có tính nhạy cảm chính trị, do đó, Quốc hội nên cân nhắc, dự thảo luật đã được đưa vào chương trình chuẩn bị thì một, hai năm sau phải đưa ra chương trình chính thức. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hòa, nếu thấy không vướng mắc mà chưa làm thì “tự nhiên trở thành nói rồi mà không làm”. 

Trái với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hòa, đại biểu Niê Thuật (Đăk Lăk) bày tỏ quan điểm không đồng tình với Luật biểu tình. Lý do mà đại biểu Niê Thuật đưa ra là điều kiện chính trị nước ta khác với các nước đa nguyên, đa đảng. "Nước ta là nước Xã hội chủ nghĩa, chưa nói tới biểu tình, để cho quần chúng nhân dân đi ăn xin giữa đường đã là không được”, đại biểu Niê Thuật nói. Vì vậy, ông đề xuất không đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.
Đại biểu QH Niê Thuật, Bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk 
Năm 2011, khi Chính phủ bàn về Luật về Hội, Luật hội họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có sáng kiến xây dựng Luật Biểu tình. Thủ tướng đề nghị, cần thiết có luật điều chỉnh hoạt động tuần hành, biểu tình vì thực tế đang đòi hỏi. Sau đó, Thủ tướng đã giao Bộ Công an soạn thảo luật này. Trong khi họp Quốc hội hồi tháng tháng 11/2011, Luật biểu tình đã là đề tài tranh cãi gay gắt giữa các đại biểu.

Khi đó, đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP HCM) đã cho rằng, “ngay từ khởi thủy đến tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ” và “biểu tình là sự ô danh” Việt Nam chưa đủ điều kiện để “đài thọ cho sự ô danh đó”.

Còn theo đại biểu Dương Trung Quốc (Cà Mau), quyền biểu tình là chuẩn mực của thế giới về quyền tự do con người. Trả lời báo chí trong nước và phát biểu trước Quốc hội, ông Dương Trung Quốc cho rằng, luật biểu tình sẽ có tác dụng tích cực cho xã hội và không vì sự nhạy cảm mà phủ nhận luật để “biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường trong thế giới hiện nay”.

Đồng tình với Luật Biểu tình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), cho rằng, một đạo luật về quyền biểu tình cho mọi công dân là món nợ của Nhà nước với nhân dân, và “trả càng sớm càng tốt”.

Trong cuộc họp chiều qua, nhận xét về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết: “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nào cũng đưa ra mặt được, mặt chưa được, những ưu điểm, những khuyết điểm cần khắc phục nhưng hình như năm nào cũng giống như năm nào”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Vinh, có những dự án luật mới đưa vào chương trình đã được đề nghị chỉnh tiến độ, hoặc sau một thời gian lại xin đưa ra khỏi chương trình. “Chẳng nhẽ tôi dùng từ tùy tiện. Thích thì đưa vào, không thích thì xin rút ra khỏi chương trình”, đại biểu Vinh nói. Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Vinh, việc trình một dự thảo luật phải làm đúng theo quy trình, từ việc thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, khảo sát thực tiễn, phân tích chính sách, phân tích tác động…

Trong phiên họp chiều qua (28/5), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hòa đề xuất để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, cần nâng cao năng lực của cả đại biểu lẫn cử tri. Ngoài việc nâng cao kỹ năng trình bày, phát biểu, chất vấn của các đại biểu cũng cần hướng dẫn cử tri hiểu rõ hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Đoàn Thế Cường (Hưng Yên) cho rằng, việc chất vấn còn dàn trải, “lụn vụn” và còn nhiều chất vấn mang tính “truy kích”. Theo đại biểu Đoàn Thế Cường, các bộ trưởng nên gom các chất vấn thành cụm để trả lời và lần hỏi, trả lời sau chỉ để làm rõ, làm sâu thêm, không nên lặp lại vấn đề. Ông Cường cũng đề xuất ủng hộ việc tiếp xúc cử tri theo hai hình thức: tổng hợp theo địa bàn và trực tiếp đến tận khu dân cư, cũng như tăng các buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề.

Tuấn Linh

1 nhận xét:

  1. Đại biểu QH Niê Thuật, Bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk này hiện thực quá, cho là cs không tự do đó nha.

    Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP HCM) đã cho rằng, “ngay từ khởi thủy đến tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ” và “biểu tình là sự ô danh” Việt Nam chưa đủ điều kiện để “đài thọ cho sự ô danh đó”. Ông này không phải dân VN, chính phủ ở đâu ra ?

    Trả lờiXóa