TT
- Một số người dân xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) gồm
các ông Đàm Văn Đồng, Đàm Như Hải, bà Nguyễn Thị Thậm đã nộp đơn đến
TAND huyện Văn Giang khởi kiện chủ tịch UBND huyện vì đã không thực hiện
theo yêu cầu của thanh tra tỉnh liên quan đến 57ha đất xã Xuân Quan cho
thuê.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Tĩnh, chánh án TAND huyện Văn Giang,
cho biết cơ quan này đã nhận được đơn khởi kiện của người dân. Tuy nhiên
qua xem xét đơn khởi kiện, TAND huyện Văn Giang đang yêu cầu người dân
bổ sung tài liệu chứng minh các nội dung khởi kiện mà người dân đưa ra.
Hiện TAND huyện mới nhận đơn, chưa thụ lý đối với đơn khởi kiện hành
chính này.
Theo đơn khởi kiện, UBND xã Xuân Quan cố ý làm sai, giấu diện tích đất
và để tỉ lệ đất công ích trái quy định. Trong đó một phần diện tích đất
xây dựng dự án Ecopark là đất công ích của xã Xuân Quan. Người dân cho
biết 158 mẫu 8 sào 9 miếng đất (tương đương hơn 57ha, hiện đã thu hồi
20ha để làm đất dịch vụ) nằm toàn bộ ngoài đê do xã quản lý chứ không
được chia cho các hộ dân. Ông Lê Thạch Bàn, xã Xuân Quan, cho biết:
“Diện tích đất ấy chúng tôi phải thuê lại của xã để trồng hoa màu, nuôi
cá và chăn nuôi”.
Viện dẫn bằng chứng về số đất bị giấu này, ông Lê Thạch Bàn chìa ra báo
cáo kết quả làm việc của thanh tra tỉnh Hải Hưng (bao gồm Hưng Yên và
Hải Dương ngày nay) ban hành ngày 4-9-1995 sau khi thanh tra đất đai
theo kiến nghị của các hộ dân xã Xuân Quan. Theo đó, trong phần kiến
nghị nêu rõ: yêu cầu UBND xã thu hồi 158 mẫu 8 sào 9 miếng gồm đất do
HTX nông nghiệp quản lý, đất ao hồ đầm, đất sản xuất gạch và đất chuyển
sang ao cá chưa được phép của UBND huyện.
Tuy nhiên từ năm 1995 đến nay, cả địa phương và huyện đều không thu hồi
diện tích đất này mà vẫn tiếp tục cho bà con nông dân thuê và đấu thầu
để trồng cấy.
Cụ Lê Văn Chi, 84 tuổi, nguyên đại biểu HĐND xã Xuân Quan nhiệm kỳ
1989-1994, cho biết: “Lúc đầu không ai biết tổng diện tích đất nông
nghiệp là bao nhiêu, nên khi xã thực hiện nghị quyết của thường vụ tỉnh
ủy Hải Hưng trong việc giao đất nông nghiệp, bà con không ai thắc mắc
gì. Sau đó, thấy diện tích đất xã cho thuê quá nhiều nên một vài người
làm đơn kiến nghị. Năm 1995, thanh tra tỉnh Hải Hưng đã về Xuân Quan làm
việc và có báo cáo kết quả thanh tra. Nhưng thay vì chia ruộng đất lại
cho dân thì lãnh đạo xã lại giấu bản thông báo ấy đi”.
Đến năm 1999, người dân thôn 1 mới được tiếp cận bản thông báo của thanh
tra. Từ đó đến nay, nhiều lần bà con nông dân trong xã lên huyện, lên
tỉnh, lên cả trung ương để kiến nghị.
Sau đó, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã giao UBND huyện Văn Giang lập đoàn
thanh tra liên ngành (có sự đại diện của công dân xã Xuân Quan) để kiểm
tra hồ sơ đất đai và hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của xã Xuân
Quan, báo cáo kết quả trước ngày 31-12-2008, nhưng đến nay chưa có một
đoàn thanh tra nào được lập. Vì vậy 57ha “đất giấu” vẫn chìm trong im
lặng.
Khẳng định đây là việc làm “trái quy định và luật pháp”, ông Bàn nói:
“Cả Luật đất đai năm 1993 lẫn Luật đất đai năm 2003 đều khẳng định căn
cứ vào quỹ đất và đặc điểm nhu cầu của địa phương mà mỗi xã, phường, thị
trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không
quá 5% tổng diện tích đất trồng cấy hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất
nuôi trồng thủy sản... để phục vụ các nhu cầu công ích của địa phương”.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Quý Đôn - phó chủ tịch UBND xã Xuân Quan - phủ nhận việc xã giấu 57ha đất để dư ngoài sổ sách.
Ông Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường):
Lần đầu có chuyện đất công ích vượt mức quy định
Đây là trường hợp đầu tiên mà tôi biết chuyện để diện tích đất nông
nghiệp làm đất công ích vượt quá 5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Luật
đất đai năm 1993 và 2003 đều quy định địa phương không thể để vượt quá
con số 5% diện tích đất nông nghiệp toàn xã làm đất công ích, làm nguồn
thu cho ngân sách xã. Nếu xã nào để vượt quá thì phạm luật và đương
nhiên việc cần phải làm ngay là chia số đất vượt quá 5% ấy cho dân.
Trong trường hợp cụ thể nếu đất đó đã được thu hồi và chủ đầu tư đã
trả tiền đền bù cho xã thì xã chỉ được để lại nhiều nhất 5% số tiền đền
bù ấy, còn lại phải chia đều cho tất cả nhân khẩu còn làm nông nghiệp ở
địa phương chứ không được sung công. Bởi việc chia ruộng hay chia tiền
là như nhau.
H. ĐIỆP ghi
HOÀNG ĐIỆP - MINH QUANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét