Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Vì Sao Tôi Chấp Nhận Gian Nan, tâm sự của phu nhân TS Nguyễn Quốc Quân

(05/10/2012) 
(LTS: Tác giả Ngô Mai Hương là phu nhân của Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, nhà hoạt động dân chủ bất bạo động vừa bị nhà nước CSVN bắt ngày 17/4/2012 khi tới phi trường Tân Sơn Nhất và sẽ bị khởi tố vì “khủng bố.” TS Quân cũng vừa được 6 Dân Biểu Mỹ ký tên chung, kêu gọi CSVN trả tự do tức khắc cho  Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân vì chủ trương hoạt động bất bạo động chứ không có gì bạo lực. Việt Báo trân trọng cảm ơn tác giả Ngô Mai Hương đã chia sẻ những cảm xúc trong bài tùy bút sau.)

Buổi sáng trời mưa bụi, tôi rời khỏi nhà một mình, tôi đi lại con đường tôi và anh Quân vẫn dẫn mẹ tôi đi bộ mỗi sáng. Trí còn ngủ, chắc Khoa cũng vậy, các con chưa biết bố bị bắt rồi. Tôi nhìn lên bầu trời đầy mây xám, tôi nhớ những cánh hoa sao cô đơn, quay tròn trên con đường dẫn vào ngôi trường Trưng Vương.

Tôi nhớ 37 năm về trước, sau ngày 30/4 tôi trở về lại  nhà, bố tôi đã đi mất. Những đám khói từ đống quần áo lính ai đốt ngoài ngõ còn âm ỉ cháy, và cái hình ảnh người lính nằm chết bên vệ đường cứ vương vất mãi trong trí óc tôi. Tôi đã trốn vào một góc tối và khóc một mình. Sau này khi đã ra hải ngoại, có đêm tôi đã nằm mơ thấy lại cảnh ấy. Và lạ lùng trong giấc mơ tôi lại thấy bố tôi về. Bố tôi quàng vai tôi và nói: “Đừng khóc con, bố không sao đâu”. Thực sự tôi đang cần được nghe một câu nói tương tự. Tôi đang cần nghe chồng tôi nói câu đó, như anh đã nói với tôi nhiều lần trước khi đi: “Đừng sợ, đừng lo, anh không sao đâu”. Anh đâu biết rằng đêm qua cái cảm giác lo sợ lại tràn đến quật tôi ngã. Tôi cảm thấy đau toàn thân, tôi cuộn tròn trong bóng đêm cố nghĩ đến những điều anh đã dặn: “Nếu lỡ có gì xảy ra cho anh, nếu anh bị bắt, phải xa gia đình một thời gian, thì H phải coi đó là sự xa cách của không gian, của khoảng cách, anh vẫn luôn ở cạnh bên H”.

Thu Hương, cô em gái anh Quân lại gọi cho tôi và khóc. Thu Hương lo sợ cho anh và nghĩ dại. Không biết Thu Hương có trách tôi là đã không ngăn cản anh Quân không? Tôi làm sao giải thích cho Thu Hương hiểu được lòng tôi. Khi mình thương ai, mình muốn người đó làm được điều họ mong ước.

Mấy lần tôi cản anh, anh đã nói với tôi: “Anh sống đủ rồi, cho anh được đóng góp chính  mình cho sự đổi thay của đất nước”. Mà đâu phải chỉ mình anh, còn những anh em khác nữa, và còn biết bao nhiêu người đang chịu tù đày trong nước. Còn chính tôi thì sao? Tôi có thật sự muốn đóng góp phần của mình không? Khi nhìn thấy người lính nằm chết bên vệ đường, tôi chỉ mới 15 tuổi. Lúc đó, tôi không làm được gì cả cho anh, nhưng bây giờ tôi có thể. Dù đóng góp ấy nhỏ bé so với những hy sinh của họ.

Mỗi buổi sáng, khi tôi đang loay hoay nấu ăn sáng cho mẹ tôi, thế nào cũng nghe anh Quân nói mấy câu: “Giờ này hai vợ chồng mình chắc đã đi bộ hết cánh đồng, rồi ghé qua nhà bác Ba, bác Bảy gì đó…”

Hoặc anh nói về cái cư xá sinh viên dành cho học sinh nghèo; mà anh dự định thực hiện khi đất nước có dân chủ. Những ước mơ của anh về cuộc sống tương lai của hai vợ chồng ở Long Xuyên, Rạch Giá… Những nơi tôi chưa từng sống qua, ngoại trừ một tháng ngồi tù vượt biên tại trại tù Tà Niên, Rạch Sỏi.

Năm năm dạy học tại Rạch Giá là khoảng thời gian in đậm nhất trong lòng anh. Khi chúng tôi mới cưới nhau, anh thường kể cho tôi nghe chuyện về thời gian đó, về học trò của anh.

Anh Quân không phải là người làm chính trị, và anh sẽ không bao giờ trở thành một người làm chính trị. Anh chỉ là một thầy giáo, một người thầy rất thương học trò. Anh rất ngại ngùng khi được khen tặng, và ngại nhất là phải đeo vòng hoa. Lần đón anh về năm 2007, nhiều người quí mến anh, đi đón, tặng hoa, đeo vòng hoa lên cổ cho anh là anh lại tìm cách tháo xuống ngay; tôi đứng bên cạnh cứ sợ anh làm buồn lòng họ. Vậy mà, anh đã làm tôi ngạc nhiên hôm anh dắt tôi đi dự buổi tiệc họp mặt của trường Kiên Thành. Hôm đó, các thầy cô giáo ai nấy đều được tặng một vòng hoa lan tím đeo trên cổ. Thoạt đầu, nhiều học trò các khoá sau, không nhận ra anh nên anh không có một vòng hoa nào cả. Anh gọi một anh học trò đến gần và nói: “Em cho thầy xin một vòng hoa, thầy là một thầy giáo”. Trước đôi mắt ngạc nhiên của tôi anh bảo: “ Học trò làm cho mình, không vì bất cứ lý do gì mà mình không đeo, lát nữa sau tiệc họ cũng vất hết, mà tội cho tấm lòng của học trò”.

Mặc dù luôn trấn an tôi, nhưng tôi thấy cung cách của anh giống như anh đang chuẩn bị cho một chuyến đi hơi lâu. Anh dặn dò tôi đủ thứ điều, người mà anh lo lắng quan tâm nhất lại chính là tôi. Thật ra, anh biết tánh hai cháu rất giống bố, với cái cứng cỏi và gan lì, cả ba bố con hay làm mẹ buồn; nhất là những gan lỳ và dại dột của những năm tuổi teen của các cháu. Lập gia đình với anh Quân, ngay từ lúc ban đầu chúng tôi  đã gặp nhiều sóng gió. Tôi là một “daddys girl” rất thương bố.  Ngày sắp rời VN, sắp gặp lại ông; tôi tự hứa với lòng rằng tôi sẽ không bao giờ cãi bố tôi, sẽ làm tất cả theo nguyện vọng của ông. Vậy mà rồi tôi thất hứa khi nhận lời cầu hôn của anh Quân. Bố mẹ tôi không bằng lòng anh, vì sợ lấy anh, tôi sẽ khổ, và cũng vì anh đến cùng lúc với một người khác có tương lai hơn. Những ngày ấy, chẳng biết tại sao Chicago trời cứ đầy mưa gió và sấm sét. Ngày nhận bó hoa đầu tiên anh tặng, là lúc San Francisco bị động đất lớn, tôi không thể nào liên lạc được với anh vì đường dây điện thoại bị gián đoạn. Rồi tiếp theo là những ngày buồn bã, đầy sóng gió trong gia đình do chuyện của chúng tôi. Sau này tôi có ghi lại trong một bài thơ viết tặng anh:

Vì em lỡ cãi mẹ lấy anh
Có bầu trời đầy sao chứng giám
Có chiều mưa và những ngày u ám
Nên đất trời biết mình yêu nhau.

Như đã nói ở trên, anh Quân là một thầy giáo và anh là một ông thầy rất nghiêm khắc. Khi về làm vợ anh cũng là lúc tôi chập chững bước vào đời. Những khó khăn trong công việc ở sở, khi đem chia sẻ với anh, lúc nào anh cũng ân cần, nhưng nghiêm trang bảo tôi: “Những khó khăn đó H phải tự vượt qua, nếu không H cũng sẽ gặp ở nơi khác”. Tánh anh không chiều chuộng, anh quí trọng những con người vượt khó, nên chờ đợi điều đó ngay cả đối vợ con mình. Có nhiều đêm tôi đã thầm oán trách anh và chỉ mong sao được chạy về với mẹ mình. Cho đến khi tôi trở thành một nhân viên danh dự của sở, cho đến khi tôi đứng  vững trên đôi chân của mình tôi mới hiểu được bài học của anh đã cho tôi.

Năm 2007, anh ở tù chung với một em trai ở Tây Ninh. Em đã 22 tuổi mà không biết đọc. Khi trại giam đưa bản cáo trạng cho em ký, em mới thú nhận với anh là em mù chữ. Vậy là anh gỡ vôi trên tường làm phấn để dạy em học mỗi đêm trên bản luận tội của em. Có lúc em lười biếng, muốn trốn học, em làm bộ đọc thuộc làu làu câu: Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam… trên đầu trang giấy và xin được nghỉ sớm. Em tưởng là em có thể qua mắt được ông thầy của em; em đâu biết rằng ngày xưa thầy cũng đã từng ở ngôi thứ ba - nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò. Thầy chỉ cần bịt tay vào một vài chữ, rồi bắt em đọc chữ kế tiếp là cậu học trò ngớ mặt ra ngay, thế là em lại phải ngồi ngay ngắn lại để học.

Tánh anh Quân gan lì nhưng nhiều tình cảm. Một lần nghe một em bé Mỹ lai hát vọng cổ cũng làm anh ràn rụa nước mắt. Anh quan tâm nhiều đến giáo dục, đến lớp người trẻ. Những ngày ngồi  tù ở Nguyễn Văn Cừ, nhìn những quản giáo trẻ đi lại ngoài hành lang, anh bảo với tôi là anh thấy rất thương họ. Anh ngồi tù bên trong nhưng thân phận của họ cũng chẳng khác gì anh. Anh mong những việc anh làm có thể phần nào đóng góp  vào sự đổi thay của đất nước để chính những người công an này thấy được một cuộc sống tốt hơn cho chính bản thân họ và cho đồng bào họ.

Trước năm 2007, anh về VN để kiếm người phụ anh làm phần mềm dịch tự động từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Trong dịp này, anh đã dẫn cô bé gái, con học trò cũ của anh từ Rạch Giá lên Sài Gòn đi theo anh khắp nơi. Anh bảo: “Cháu 16 tuổi mà trông như một cô bé lọ lem, đen đủi, ốm yếu. Hễ mở miệng ra là lại nói về bác Hồ, anh dẫn cháu đi cho cháu làm quen với các anh chị sinh viên trên Sài Gòn, cho cháu nhìn thấy một thế giới khác”. Chính những tình cảm dạt dào của anh, chính con người rất thầy giáo trong anh, đã làm cho tôi có thể chấp nhận mọi gian nan để anh được làm tròn những điều anh mong ước.

Có người bảo rằng con người là sinh vật cô đơn nhất trên hành tinh này. Tôi đang một mình nhưng tôi không cô đơn, tôi biết tôi sẽ còn buồn, sẽ còn lo, nhưng tôi sẽ vượt qua được tất cả. Có lần anh Quân bảo tôi, ở trong tù có những lúc anh đã tìm cách nói chuyện với tôi, anh tin là thần giao cách cảm sẽ giúp anh làm được điều đó, và nhiều đêm anh đã dặn tôi từ rất xa là tôi hãy yên lòng, hãy an tâm.

Tôi không biết lúc này, anh có nghe được tôi nói hay không, nhưng tôi muốn đọc một text message mà Khoa gởi về cho mẹ. Anh về lại Sacto thăm con trước ngày đi, anh đã nói thật với con về chuyến đi của mình. Khoa kể lại cho mẹ nghe rằng: hai bố con đi ăn phở, rồi vì mãi dặn dò con, gọi phở ra mà anh chẳng ăn miếng nào. Tôi thầm đọc cho anh nghe những điều Khoa viết. Tôi muốn anh biết rằng con đã lớn, đã trưởng thành. Khoa viết những điều này cho mẹ sau hai ngày anh rời Mỹ: “Hi mom, I just wanted to say that I really respect and love both you and dad. I know that dad being away scares you, but you should know that I will always be there for you and try my hardest to make sure you have a comfortable life. I want our family to fulfill our dreams and live happily anh I know dad wanted too. Please, dont be afraid, I love you”.

Không biết bố đã nói gì với Khoa về ước mơ của bố, nhưng một lát nữa đây khi về đến nhà tôi sẽ phải báo tin cho các con tôi là công an Việt Nam đã giữ bố. Chắc Khoa, Trí sẽ buồn nhưng các cháu sẽ hiểu. Và nếu các cháu chia sẻ được những khó khăn với bố mẹ trong lúc này, các cháu cũng biết được những giá trị về trách nhiệm của bố mẹ đối với quê hương, đối với cội nguồn của mình.

Ngô Mai Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét