Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Quan Hệ Hà Nội – Washington

Từ lúc Hoa kỳ công bố quyết định chuyễn hướng chiến lược từ Âu châu- Đại tây dương sang Á châu- Thái bình dương để “cân bằng” sức mạnh đang lên của Trung cộng tại vùng này, chúng ta thấy có những nổ lực ngoại giao dồn dập để thực hiện chiến lược này.
Hãy còn quá sớm để hiểu được những bước đi và tính toán cụ thể của Mỹ, nhưng những gì đã diễn ra trong thời gian gần đây cho thấy ngoại giao và lòng người thật khó lường.
Biển Đông là nơi xãy ra tranh chấp giữa Trung cộng và Việt nam- Philippin. Nhưng tranh chấp của 3 nước này chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của tảng băng này mới thực sự là bản chất của vấn đề biển Đông, đó là sự cạnh tranh và đối đầu của các thế lực lớn: Trung cộng- Mỹ -Nhật.


Trong một thời gian ngắn vừa qua, Mỹ đã gởi đến VN những phái đoàn hùng hậu với những “ông lớn” trên chính trường Mỹ quốc như phái đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ do ông John Mc Cain dẫn đầu, sau đó là phái đoàn của Trợ lý bộ trưởng Ngoại giao Hoa kỳ do ông Kart Cambell hướng dẫn .
Nhân dân VN nhất là những người đang đấu tranh cho Tự do, dân chủ rất vui mừng vì thông điệp cứng rắn của hai phái đoàn này gởi đến đảng CSVN là : Phải tôn trọng nhân quyền và thực hiện dân chủ nếu nhà cầm quyền CSVN muốn nâng quan hệ Việt- Mỹ lên tầm “Đối tác chiến lược” trong đó có vấn đề Mỹ bán vũ khí sát thương cho VN.
Nhưng sự có mặt của ông Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại Cam ranh với những tuyên bố “khép lại quá khứ, hướng về tương lai” làm bật lên một số quan ngại trái với chiều hướng lạc quan đã có là hồ sơ nhân quyền lại một lần nữa bị bỏ rơi vì mục đích an ninh- chiến lược của Mỹ ?!
Cam ranh là một địa điểm nhạy cảm, cho nên sự hiện diện của nhân vật lãnh đạo bộ Quốc phòng Hoa kỳ tại đây đã thu hút sự quan tâm của cả thế giới và nhân dân VN và đi kèm với sự quan tâm đó là rất nhiều đồn đoán và nghi vấn về nhiều kịch bản đang được hoạch định.
Chúng ta biết rằng Cam ranh gắn liền với lịch sữ đau thương của VN bởi một cuộc chiến đẩm máu và dai dẵng với sự tàn phá kinh hoàng.
Cam ranh cũng đánh dấu sự hiện diện của hai “ông lớn” là Hoa kỳ và Liên xô trong thời chiến tranh lạnh với sự tranh chấp đã từng đưa nhân loại đến gần bờ vực của sự hủy diệt. Hôm nay sự hiện diện của ông Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ tại Cam ranh làm sống lại trong lòng người dân VN một quá khứ đau buồn và lo sợ. Nhiều câu hỏi được đặt ra, những nghi vấn chất chồng: Điều gì đang và sẽ xãy ra, tương lai của đất nước VN, nhân dân VN sẽ đi về đâu trong một bối cảnh mà mâu thuẩn Mỹ- Trung đã lên đến đỉnh điểm?  Và một số lượng khổng lồ những khí tài quân sự được bố trí tại vùng đông Á này khiến người ta phải kinh hoàng khi nghĩ đến khả năng hủy diệt của nó. Liệu VN có bị cuốn vào vòng xoáy này không và chúng ta có lý do chính đáng gì để bị cuốn vào cuộc chơi tranh giành của các ông lớn này ?
Có rất nhiều người lạc quan về mối quan hệ Mỹ -VC, và sự hiện diện của ông Leon Panetta ở Cam ranh, riêng cá nhân tôi thì cảm thấy bất an. Tôi ủng hộ cho mối quan hệ Việt- Mỹ. Nhưng đó phải là mối quan hệ giữa nhân dân VN và nhân dân Hoa kỳ thông qua hai chính phủ đại diện cho người dân và được người dân ủy quyền. Nhưng đây lại là mối quan hệ giữa chính phủ Mỹ- do dân bầu với đảng CSVN và chính quyền của đảng CS dựng lên. Chính quyền do đảng CS dựng lên thì tôi nghĩ rằng không cần phải nói nhiều vì những ai có lương tri đều đã biết rồi. Tôi chỉ đặt ra đây một vài câu hỏi: Liệu đảng CSVN có đứng trên lập trường của nhân dân VN và quyền lợi của đất nước VN trong quan hệ với Hoa kỳ?
Liệu quan hệ Mỹ-VC có giúp thăng tiến giá trị nhân quyền và dân chủ tại VN? Liệu mối quan hệ này có mở đường cho một nhà nước pháp trị ra đời ?. Và câu hỏi lớn hơn, nghiêm trọng hơn đó là liệu quan hệ Mỹ -VC có giúp VN được an toàn trong tương lai khi mâu thuẩn và sự đối đầu Mỹ- Trung mỗi ngày một căng thẳng và nghiêm trọng? Và nếu chiến tranh Trung –Mỹ xãy ra liệu VN có được an toàn hay bị hủy diệt ? Trả lời những câu hỏi này sẽ làm sáng tỏ và định hình được những gì sẽ xãy ra và đâu là giới hạn và hệ lụy của mối quan hệ này.
Trong bài trước tôi có đề cập đến Philippine và cách ứng phó của xứ này đối với sự khiêu khích và đe dọa của Trung cộng. Tôi cho rằng chính phủ Phi đã hành xữ khôn ngoan theo gương mẫu một nhà nước dân chủ ,có trách nhiệm và sự tự trọng mà bất cứ một chính quyền nào đại diện cho người dân cũng phải hành xữ như vậy. Chính phủ Philippine đã hành động vì danh dự quốc gia và thể giá dân tộc chứ không đơn thuần chỉ dựa vào Hiệp ước an ninh Mỹ – Phi ,một hiệp ước được ký từ năm 1951 của thế kỷ trước và hiệu lực của nó vẫn còn là một ẩn số vì nó tùy thuộc vào quyền lợi của phía Mỹ.
Trong tương lai nếu xãy ra xung đột giữa TC và Philippine việc Mỹ có tham chiến để bảo vệ Phi hay không còn tùy thuộc vào quyền lợi của Mỹ. Nếu Mỹ xét thấy rằng cần phải tiêu diệt TC để trừ hậu họa thì đây chính là cơ hội cho Mỹ tham chiến. Còn nếu Mỹ xét thấy rằng vì một lý do nào đó chưa hoặc không thể tiêu diệt TC thì Mỹ sẽ lờ đi. Mỹ không thể vì một nước Philippine mà phải chấp nhận một rủi ro quá lớn về kinh tế và an ninh. Trên đời này không ai hy sinh vì người khác để thiệt hại cho mình quá lớn !?
Lịch sữ đã cho chúng ta một bài học đắt giá : Năm 1974 , lợi dụng lúc nhà nước VNCH đang suy yếu vì chiến tranh xâm lược của CS Bắc Việt ,TC tung quân đội hùng hậu xâm chiếm Hoàng sa, VNCH đã yêu cầu sự giúp đỡ của Mỹ với tư cách là đồng minh, nhưng người Mỹ đã lờ đi mặc dù Đệ Thất hạm đội của Mỹ đang ở gần đó ! (Có một nguồn tin chưa kiểm chứng nói rằng Mỹ muốn TC chiếm Hoàng sa của VN để sau này khi VNCH sụp đổ HS không lọt vào sự kiểm soát của Liên xô ,điều này thật kinh khủng vì nếu Liên xô kiểm soát HS thì bây giờ HS sẽ trở về với VN ). Chúng ta không dùng lịch sữ để quy chiếu, nhưng lịch sữ có giá trị để tham khảo và rút kinh nghiệm.
Hiện nay cục diện khu vực và thế giới nghiêm trọng hơn nhiều khi quyền lợi chiến lược của Mỹ và Trung cộng đã trở thành đối đầu, và hình thái chiến tranh cũng đáng sợ hơn trước đây vì khả năng hủy diệt cực cao, VN chúng ta không nên biến mình thành con tốt thí trên bàn cờ của các siêu cường vì cái giá phải trả là sinh mệnh của cả dân tộc. Chúng ta nên tìm kiếm một quy chế Trung lập được Liên hiệp quốc thừa nhận như Thụy sĩ . Nếu chúng ta bị TC tấn công xâm chiếm, chúng ta sẽ tự vệ bằng tất cả những gì chúng ta có vì thể giá và danh dự quốc gia của chúng ta. Chúng ta sẽ thua TC trong cuộc chiến không cân sức, nhưng TC sẽ trả giá đắt về ngoại giao, nhưng điều quan trọng nhất là sự đáp trả của TC sẽ là tương xứng. TC không có lý do để dùng vũ khí hạt nhân với chúng ta , một quốc gia không có vũ khí hạt nhân và không đe dọa họ. Nhưng theo tôi khả năng TC tấn công chúng ta là rất thấp,và nếu có thì chỉ ở quy mô rất nhỏ. Chúng ta phải biết rằng TC tấn công chúng ta để làm gì khi mối lo lớn nhất của TC hiện nay là Hoa kỳ và đồng minh như Nhật, Úc và một “trận đồ” đang vây chặt TC từ mọi phía.
Trong tương lai cuộc chiến Mỹ – Trung là tất yếu , nếu chúng ta liên minh với bất cứ một bên nào để chống lại bên kia thì VN sẽ trở thành chiến trường cho các siêu cường, lúc đó đất nước và dân tộc VN sẽ diệt vong không tránh khỏi..
Mỹ là một quốc gia dân chủ, nhưng họ cũng hành động vì quyền lợi của họ mà thôi (điều này đã được chứng minh) và người Mỹ rất thực tế. Không có chuyện người Mỹ đổ tiền của và xương máu để bảo vệ chúng ta vô điều kiện! Cái chúng ta cần ở nước Mỹ là giúp thăng tiến nhân quyền và dân chủ tại VN , nhưng những gì chúng ta trông thấy ngày hôm nay là cán cân giữa nhân quyền, dân chủ và quyền lợi kinh tế- chiến lược vẫn không cân xứng.
Chính sách “đu dây” của đảng CS hiện nay(lúc nghiên bên này, lúc nghiên bên kia) là một sai lầm, nó sẽ tạo nên sự ngộ nhận từ cả hai phía Mỹ -Trung. VN phải độc lập trong quan hệ giữa hai siêu cường bằng cách dựa vào lòng dân và luật pháp quốc tế.
Trong quan hệ với các siêu cường chúng ta cần tỉnh táo và đặt quyền lợi của quốc gia- dân tộc lên trên hết, trong đó quyền sinh tồn là quan trọng nhất, nếu đất nước bị tàn phá, dân tộc bị tuyệt diệt thì tất cả sẽ là vô nghĩa….
Tôi vô cùng lo lắng vì không biết những người lãnh đạo CSVN có đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc lên hàng đầu trong quan hệ với Mỹ -Trung ?  Hay vì lo sợ trước xu thế dân chủ đang bùng nổ trên toàn cầu, vì quyền lợi của gia tộc những người lãnh đạo mà họ phiêu lưu trong mối quan hệ này đẩy đất nước và dân tộc đến chổ hủy diệt. Nhân dân VN (trong đó có những đảng viên CS và gia đình) nên tỉnh táo và cảnh giác trước nguy cơ cả đất nước và dân tộc bị tập đoàn lãnh đạo CS bán đứng một lần nữa, mà lần này sẽ không còn cơ hội để phục hưng.
Huỳnh ngọc Tuấn
10/6/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét