Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

TÁI CƠ CẤU NGÂN HÀNG VÀ NHÓM LỢI ÍCH “GIẤU MẶT”



Thống đốc - Một ẩn số


Trong một phát biểu gần đây, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, minh bạch sẽ là chìa khóa để vượt qua sự chi phối của lợi ích nhóm trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Nhưng trên thực tê, phải chăng chính cách triển khai như hiện nay lại tạo điều kiện để các nhóm lợi ích thao túng thị trường; thôn tính nhau một cách thiếu minh bạch.
Lệch hướng?
Đề án tái cấu trúc hệ thống NH cho thấy, mục tiêu đầu tiên của kế hoạch sẽ là dẹp ngân hàng nhỏ hoặc sáp nhập ngân hàng yếu để tăng chất lượng hoạt động. Nhưng theo chính Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đó là sự nhầm lẫn rất lớn.
Các chuyên gia cho rằng, trọng tâm đầu tiên của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là cần xử lý toàn bộ nợ xấu để làm sạch bảng cân đối tài sản. Và, để thành công, cần đi từ xử lý nợ xấu, cải tổ tổ chức, hoạt động đến nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát.
Việc tái cơ cấu cũng cần bắt đầu từ những ngân hàng lớn, ngân hàng quốc doanh (NHQD). Bởi theo NHNN tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng vào cuối quý I/2012 khoảng 3,6%, (trong khi Fitch Ratings ước lượng nợ xấu của Việt Nam khoảng 12 -13% và theo một số nghiên cứu trong nước là khoảng 10%), và nếu chỉ tính với mức 3,6% thì hầu như các NHQD đã bị mất từ 50-70% vốn điều lệ, vì tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng này hiện rất lớn, chỉ 4 ngân hàng đã là hàng trăm nghìn tỷ. Nợ xấu đang tác động nghiêm trọng đến các ngân hàng này và nếu tình trạng bị đẩy đến đổ vỡ thì tác hại sẽ rất khủng khiếp.
Mặt khác, trong một văn bản trả lời các Đại biểu Quốc hội về việc tái cấu trúc 09 ngân hàng, mới đây Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định các ngân hàng này có thị phần chưa chiếm đến 10% nên không ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống. Vậy tại sao NHNN lại chọn những thứ “không ảnh hưởng” để làm khâu đột phá trong kế hoạch quan trọng này?
Vấn đề đặt ra là kế hoạch tái cấu trúc liệu đã đi đúng hướng hay chưa khi mà vấn đề cần giải quyết tức thời là nợ xấu và khu vực cần tái cấu trúc gấp là NHQD đã không được NHNN tính đến. Việc đi sai hướng đã và sẽ gây những tác động tiêu cực không nhỏ đến nền kinh tế xã hội.
Trở lại với câu chuyện tái cấu trúc mà NHNN đang thực hiện; ngay từ “phát súng” đầu tiên là sáp nhập 03 ngân hàng yếu làFicombank, TinNghiaBank, SCB; đồng thời chỉ đạo BIDV với tư cách đại diện vốn nhà nước tham gia vào vụ sáp nhập này với hy vọng tạo ra một ngân hàng mới hùng mạnh. Tuy nhiên, ngay khi sự kiện được công bố đã gây tâm lý hoang mang cho khách hàng dù cho BIDV đã đổ vào đây số tiền khổng lồ, nhưng đến nay, sau 8 tháng thì 3 ngân hàng này vẫn “chết lâm sàng” và số vốn nhà nước, mồ hôi nước mắt của nhân dân chưa biết bao giờ mới lấy lại được trong khi tài chính đất nước đang khó khăn phải xoay sở đến từng đồng. Từ sự kiện này cho thấy, kết quả của việc sáp nhập những ngân hàng yếu kém không phải là tạo ra một ngân hàng mạnh mà chỉ tạo ra “những cái chết tốn kém” mà thôi.
Ai hưởng lợi?
Khi đề án tái cấu ngân hàng theo hướng “làm mạnh những ngân hàng yếu” được đưa ra, dư luận đã đặt dấu hỏi: Liệu có bàn tay đạo diễn của một nhóm lợi ích muốn thao túng thị trường ngân hàng? Và khi xâu chuỗi những sự kiện đã diễn ra gần đây thì người ta biết rằng, câu trả lời là có!
Một chuyên gia của chương trình giảng dậy kinh tế Fulbringht đã phải thốt lên: “Vị thế của nhóm cổ đông lợi ích đã lớn đến mức không chỉ có khả năng chi phối và thao túng trong một vài ngân hàng cổ phần nhỏ mà còn có thể chi phối cả một phần hệ thống ngân hàng.”
Một trong những “sản phẩm” rõ nét nhất của kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng và cũng là ví dụ rõ nét nhất cho biểu hiện thao túng là nhóm lợi ích đứng sau vụ thôn tính Sacombank mà đại diện là các “doanh nhân giấu mặt”. Tuy nhiên, để hiểu câu chuyện này, cần bắt đầu từ Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthermBank). Thật nực cười và đau xót khi một ngân hàng có vốn điều lệ chỉ 3.200 tỷ đồng; có tổng tài sản hơn 70.000 tỷ, trong lúc đã mất 20.000 tỷ và mất thanh khoản, bị xếp vào nhóm 4 lại có thể dẫn đầu vụ thôn tính một ngân hàng có trị giá tài sản hàng tỷ USD và đang xếp nhóm một và là công ty đại chúng đang niêm yết tại Sàn CK TP.HCM!
SouthermBank, nhiều năm nay vẫn bị coi là một ngân hàng yếu.Ngân hàng này bị các “cổ đông chiến lược” của mình biến thành cỗ máy huy động vốn và tài trợ cho các dự án đầy tham vọng, mạo hiểm và rủi ro của mình. Trong tháng 9.2011, SouthermBank đã rơi vào tình trạng mất thanh khoản sớm nhất (do NHNN xiết chặt trần lãi suất), trong khi số tiền huy động được đã được ngân hàng này cho các công ty nợ xấu vay. Tình trạng mất thanh khoản tại SouthermBank tồi tệ tới mức NHNN đã phải bơm tiền “giải cứu” và đưa vào tình trạng giám sát đặc biệt.
Việc NHNN bơm tiền cứu các ngân hàng thương mại bị mất thanh khoản thể hiện nỗ lực của Chính phủ không muốn để xảy ra đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng nhưng tự nó không làm hệ thống ngân hàng thương mại tốt lên mà nó còn tạo kẽ hở để những người đứng đằng sau lợi dụng. Không hiểu bằng cách nào nhưng vào tháng 11.2011, bằng danh nghĩa tái cấu trúc,  giải cứuSouthermBank, NHNN đã hào phóng chỉ đạo rót 5.000 tỷ vào ngân hàng này để giúp cho SouthermBank thoát khỏi tình trạng khách hàng rút tiền mà không có thanh toán (con số này được thể hiện trong báo cáo tài chính 2011 của SouthermBank).
Và đặc biệt, bước sang năm mới, tháng 1. 2012, NHNN lại tiếp tục ưu ái SouthermBank bằng việc tiếp tục cho vay 5.000 tỷ để trả nợ chính NHNN nhưng rót vòng, thông qua BIDV và biến đây thành một hoạt động cho vay liên ngân hàng thông thường. Có thể nói, đây chính là mấu chốt vấn đề, bởi khi SouthermBank chưa trả được 5.000 tỷ cho NHNN thì vẫn bị giám sát, vẫn nằm trong nhóm 4 thuộc diện phải sáp nhập. Nhưng khi trong sổ sách của SouthermBank  không còn hiển thị số nợ NHNN mà chỉ nợ BIDV như một hoạt động vay liên ngân hàng bình thường thì NHNN có thể rút toàn bộ giám sát ra và ung dung đẩy SouthermBank nhảy vọt từ nhóm 4 lên nhóm 2; được cấp tăng trưởng tín dụng 15%; được đi vay liên ngân hàng; “giải cứu” SouthermBank một cách ngoạn mục để ngân hàng này chuẩn bị cuộc “cách mạng cá bé nuốt cá lớn”; tham gia thôn tính “đại gia” Sacombank.
Cũng như nhiều người khác, nhóm lợi ích do những “đại gia tài chính” nêu trên  nhận thức rất rõ về sự “béo bở” của Sacombank. Bởi lẽ, cho tới thời điểm hiện tại, với tổng tài sản hiện có là 160.000 tỉ đồng, hơn 10.000 nhân viên, 400 chi nhánh, phòng giao dịch ở ba nước Đông Dương, 1 triệu khách hàng và tới 80% các điểm giao dịch là bất động sản thuộc sở hữu riêng, Sacombank thực sự là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam. Mà những ưu điểm này, có mơ thì những Eximbank, SouthermBank của các đại gia nêu trên cũng phải mất hàng chục năm nữa mới có thể gây dựng được. Do vậy, thôn tính là lựa chọn tốt nhất.
Trong cơ chế thị trường, việc này cũng hết sức bình thường. Nhưng điều bất bình thường ở đây là không có sự minh bạch, không đàng hoàng. Phần lớn số tiền vay từ NHNN, BIDV, ACB và các ngân hàng khác đã được những nhóm lợi ích nêu trên đầu tư vào thương vụ thôn tính Sacombank.
Với những phép “biến hoá” như vậy nhóm lợi ích nêu trên đã nắm thêm 15% CP STB cùng với 16% do Eximbank nắm giữ và 24% Southermbank mua bằng “tiền giải cứu” từ NHNN và vay tín chấp tại ACB… để hội đủ số % cổ phần để thâu tóm và đưa Sacombank vào “liên minh” của mình.
Có thể nói, đằng sau “thương vụ” tái cấu trúc ngân hàng phương Nam, đã lộ rõ nhóm lợi ích lợi dụng kẽ hở để dùng tiền nhà nước đi thao túng và thôn tính thị trường tài chính. Với một ví dụ về nhóm lợi ích nêu trên, chúng tôi mong muốn coi đây là một cảnh báo về những dấu hiệu tiêu cực đằng sau kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của NHNN. Chính thống đốc Nguyễn Văn Bình từng phát biểu: “Với lòng yêu nước của nhân dân ta và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tôi tin rằng, chúng ta sẽ không để lợi ích nhóm chi phối lợi ích quốc gia.”. Vì vậy, chúng tôi rất mong những điều nêu trên sẽ sớm được làm sáng tỏ.

Người sài gòn gởi cho QLB 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét