Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Đảng CSVN đàn áp gia đình LS Cù Huy Hà Vũ

Nhà nước CSVN đang tăng cường đàn áp gia đình của Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ, người đang thọ án tù vì lời kêu gọi tự do dân chủ.

Tiến sĩ Cù Hay Hà Vũ
Bản tin từ nhà hoạt động Trâm Oanh có nhan đề “Hành hạ người sống để đề cao người chết” đăng trên blog chhv.wordpress.com cho biết:
“Theo tin chúng tôi mới nhận được từ Saigon cho biết: Vào ngày 23 tháng 9 năm 2011, nhà cầm quyền tại Hà Nội đã gởi thông báo tới gia đình Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ sẽ tịch thu căn nhà hiện nay vợ con ông đang sống để làm NHÀ LƯU NIỆM XUÂN DIỆU.
Đây là một sự tước đoạt thô bạo những quyền cơ bản của công dân cũng như vi phạm nghiêm trọng về các quyền Dân sự và Chính trị đã được minh thị trong công ước Quốc tế.
Phải chăng công đân Cù Huy Hà Vũ chỉ vì làm bổn phận ” Bảo vệ Tổ quốc” và vạch mặt kẻ thù của Dân tộc Việt Nam, nên gia đình ông tiếp tục bị hành hạ, triệt tiêu đường sống...”
Trên trang blog còn nhiều chi tiết  về chiến dịch đàn áp thô bạo này.

BVN vừa nhận được một tập hồ sơ do Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà gửi tới nhờ đăng gấp lên trang mạng để bạn đọc khắp nơi hiểu rõ tình cảnh rất cần kêu cứu của gia đình TS Cù Huy Hà Vũ, người đang thụ án “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN” tại nhà lao Thanh Hóa. Chúng tôi đã tiếp cận loạt hồ sơ phức tạp này mà vẫn không tin rằng mình nắm được tường tận đầu đuôi sự tình. Tuy vậy, cũng xin tóm lược một vài nét, có thể chưa đầy đủ, nhằm dẫn dắt quý bạn đi vào câu chuyện rắc rối xảy ra cách đây cũng đã trên 15 năm, ngõ hầu cùng nhau phán đoán nguyên nhân vì sao gia đình Cù Huy Hà Vũ hiện đang đứng trước nguy cơ mất nơi cư trú.
Nguyên địa chỉ ngôi nhà 24 Điện Biên Phủ Hà Nội từ sau 1954 vẫn có ba hộ sinh sống: đó là hộ gia đình ông Cù Huy Cận (thân sinh Cù Huy Hà Vũ), hộ nhà thơ Xuân Diệu (mà Cù Huy Hà Vũ là con nuôi và là người thừa kế hợp pháp và duy nhất sau khi nhà thơ và em gái nhà thơ mất đi), và hộ gia đình ông Vũ Quốc Triệu (mới đến sau). Ngôi nhà ấy vốn là tài sản của Bộ Văn hóa Thông tin, vào ngày 17 tháng 6 năm 1996 được Thủ tướng Chính phủ raQuyết định 474/TTg giao lại cho UBND TP Hà Nội quản lý, với điều kiện ba hộ đang cư trú tại đó vẫn được giữ nguyên trạng và có phân ranh giới lối đi riêng cho từng hộ. Một trong văn bản quyết định gốc của Thủ tướng Chính phủ gửi về cho ông Cù Huy Cận được ông chuyển cho con dâu Nguyễn Thị Dương Hà (vợ Cù Huy Hà Vũ) giữ, có bút tích của ông, nhằm bảo đảm quyền thừa kế phần diện tích của nhà thơ Xuân Diệu cho gia đình Cù Huy Hà Vũ (ngoài phần Cù Huy Hà Vũ đương nhiên được thừa kế trong tài sản của ông Cù Huy Cận, trong đó có nhà ở).
Nhưng đến ngày 21 tháng 3 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ lại ra thêm Quyết định số 315/QĐ–TTg, căn cứ theo đề nghị của Bộ Văn hóa Thông tin, chia thêm cho hộ ông Cù Huy Cận 50 m2 cũng trong khuôn viên 24 Điện biên Phủ, giao cho UBND TP Hà Nội và Bộ Văn hóa Thông tin chịu trách nhiệm thi hành.
Và đến ngày 11 tháng 12 năm 2003 thì UBND TP Hà Nội dựa trênQuyết định số 21/2002 QĐ–BVHTT của Bộ Văn hóa Thông tin ra ngày 22 tháng 8 năm 2002 về việc lập Phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, ban hành Quyết định số 7523/QĐ–UB “thu hồi một phần diện tích nhà – đất tại 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, giao cho Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội quản lý, sử dụng làm Phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu”.
Quyết định số 7523/QĐ–UB được trao đến tay gia đình Cù Huy Hà Vũ 5 năm sau khi ra đời – vào ngày 20 tháng 3 năm 2008 – đã vấp phải sự phản ứng không đồng tình của Cù Huy Hà Vũ là người thừa kế thứ nhất và bà Ngô Thị Xuân Như là người thừa kế thứ hai di sản của nhà thơ Xuân Diệu để lại, thông qua hai lá Đơn khiếu nại đề ngày 23 tháng 3 năm 2008 gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo của cả hai người.
Trong Đơn khiếu nại của Cù Huy Hà Vũ, người viết đơn phản bác Quyết định đơn phương của Bộ VHTT về việc thành lập Phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu trên cơ sở di sản hiện có của cố nhà thơ, mà di sản đó lại thuộc quyền sở hữu của người thừa kế hợp pháp (có chứng từ bảo đảm và chứng nhận chủ sở hữu bản quyền tác phẩm của Xuân Diệu) là Cù Huy Hà Vũ: “Quyết định của Bộ VHTT xâm phạm quyền đối với họ, tên thuộc Quyền nhân thân của nhà thơ Xuân Diệu được quy định tại Khoản 2 Điều 26 Bộ Luật Dân sự mà Quyền này nay thuộc về người thừa kế nhà thơ là Cù Huy Hà Vũ”; “Việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập bảo tàng hay tôn vinh di sản, thể hiện Nhà nước công nhận giá trị của di sản trong phạm vi địa phương, quốc gia thậm chí thế giới chứ tuyệt nhiên không đồng nghĩa với “quốc hữu hóa” hoặc xác lập quyền sở hữu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đó đối với di sản”; “Điều này cho thấy mục đích của việc thành lập Phòng lưu niệm Xuân Diệu không phải để tôn vinh nhà thơ mà là tạo cớ để chiếm đoạt nhà cửa, tài sản của gia đình nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ Hà Nội, vì không có chính quyền nào tôn vinh danh nhân bằng cách hất gia đình và con cháu người ấy ra đường”; “Trong thư gửi Văn phòng Chính phủ ngày 22 tháng 3 năm 1996, ông [Cù Huy] Cận viết: “Trong việc phân chia ranh giới theo nguyên trạng chỗ ở hiện nay của ba gia đình ở 24 Điện Biên Phủ, có nhắc đến Phòng lưu niệm của Cố nhà thơ Xuân Diệu. Tôi (bạn đời và bạn thơ chí thân của nhà thơ Xuân Diệu suốt nửa thế kỷ) và gia đình nhà thơ đề nghị: giữ nguyên như hiện nay, nghĩa là gia đình nhà thơ chăm nom, quản lý Phòng lưu niệm này phối hợp với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam theo như quyết định của Thủ tướng Chính phủ (3/1987). Hiện nay Phòng lưu niệm nhà sử học Trần Huy Liệu và Phòng lưu niệm nhà văn Đặng Thai Mai cũng do gia đình chăm nom quản lý. Đây là những Phòng lưu niệm gắn với gia đình chứ không phải là nhà bảo tàng. Cuối đời, trước khi mất, nhà thơ Xuân Diệu đã nói rõ ý muốn giao cho gia đình Cù Huy Hà Vũ (cháu ruột và con nuôi tinh thần) giữ gìn, bảo quản di sản văn học, văn hóa của nhà thơ để lại (chứng từ số 12)”.
Trong Đơn khiếu nại của bà Ngô Thị Xuân Như có viết: “Tôi lập gia đình với anh Cù Huy Cận vào năm 1951 do anh Phạm Văn Đồng làm chủ hôn tại Chiến khu Việt Bắc, khi đó anh Cận là Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ và tôi làm việc tại Chủ tịch phủ. Tháng 10 năm 1954, vợ chồng tôi cùng với anh Xuân Diệu về ở tại 24 Cột Cờ, nay là Điện Biên Phủ, Hà Nội. Đến tháng 12/1957 thì tôi sinh Cù Huy Hà Vũ và một tháng sau Hà Vũ được anh Xuân Diệu nuôi làm con với sự đồng ý của vợ chồng tôi. Sau khi anh Xuân Diệu mất vào tháng 12/1985, Cù Huy Hà Vũ trở thành người thừa kế duy nhất di sản của anh Diệu, vẫn ở và sử dụng nhà đất thuộc quyền sử dụng của anh Diệu lúc sinh thời tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội”; “Tóm lại, để thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa  Thông tin thì Nhà nước phải chiếm lấy tài sản và hất người thừa kế và gia đình anh Diệu ra ngoài đường, cũng tức là hất bát hương thờ anh Diệu ra ngoài đường, vì bát hương không thể tách rời người thừa kế và gia đình anh Diệu. Thật chưa từng có trên cõi đời này, danh nhân được chính quyền tôn vinh thì di sản bị sung công, gia đình danh nhân không những không được tham khảo lấy một câu mà còn bị thẳng thừng xóa sổ!”; “Tôi vẫn nhớ lời căn dặn của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho nhân dân thì làm, việc gì có hại cho nhân dân thì tránh”. Vậy với hành vi trái pháp luật và vô đạo lý nói trên của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, phải chăng thời đại Hồ Chí Minh đã chấm dứt?!”; “Với trình bày trên, với tư cách em ruột nhà thơ Xuân Diệu, một người kháng chiến cũ, một cán bộ buổi đầu của Phủ Chủ tịch được trực tiếp phục vụ Bác Hồ, tôi trân trọng đề nghị Chủ tịch [Nguyễn Thế Thảo] bãi bỏ quyết định số 7523/QĐ–UB ngày 11/12/2003 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhằm giúp người thừa kế và gia đình nhà thơ Xuân Diệu được sống yên ổn tại 24 Điện Biên Phủ Hà Nội và nhằm phát huy một cách xứng đáng di sản của nhà thơ Xuân Diệu”.
Những tưởng, với những lập luận có lý có tình như trên, Quyết định số 7523/QĐ–UB ngày 11/12/2003 của UBND TP Hà Nội đã được bãi bỏ. Nhưng hóa ra không. Ngày 23 tháng 9 năm 2011, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà được mời tới trụ sở UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội để nhận Quyết định số 4337/QĐUBND ra ngày 06/9/2010 của UBND TP Hà Nội, theo đó Nhà nước vẫn tiếp tục “vinh danh nhà thơ Xuân Diệu” bằng cách “thu hồi một phần diện tích nhà – đất tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội giao cho Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội (nay là sở Văn hóa Thể thao Du lịch) quản lý, sử dụng” làm Phòng lưu niệm ông, tức là sung công phần diện tích hiện gia đình người thừa kế Xuân Diệu là Cù Huy Hà Vũ đang ở. Cùng với Quyết định này, UBND phường Điện Biên cũng ra một Thông báo số 33/TBUBND ngày 23/9/2011 yêu cầu ông Vũ Anh Tuấn là người đang liên kết với gia đình Cù Huy Hà Vũ kinh doanh điện thoại ở cửa hàng 24 Điện Biên Phủ “dừng kinh doanh để xử lý vi phạm trật tự xây dựng”.
Chúng tôi không biết nói gì hơn là đăng kèm theo đây hai lá đơn Khiếu nại của Nguyễn Thị Dương Hà gửi đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Chủ tịch phường Điện Biên, yêu cầu các vị rút lại những Quyết định và Thông báo mà Luật sư Dương Hà coi là “trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông Cù Huy Hà Vũ”, và ảnh hưởng rất lớn tới sự bình an của cuộc sống vợ con người đang chịu án tù của Nhà nước CHXHCNVN, một việc làm không có nhà nước nhân văn nào trên thế giới này làm.
Trước khi dừng lời, cũng xin được đặt một câu hỏi với những người đang nắm quyền chấp chính (nghĩa là đang “nắm tay”, nhưng lẽ đời, không ai nắm tay được suốt ngày đâu): vì saoQuyết định số  4337/QĐUBND của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 06/9/2010 là thời gian mà người chính thức thừa kế di sản của nhà thơ Xuân Diệu là Cù Huy Hà Vũ đang là một công dân tự do, vậy mà không giao ngay cho Cù Huy Hà Vũ trực tiếp xử lý, để đến nay, khi anh đã lâm vòng tù tội, Quyết định ấy mới đến tay gia đình? Một ý tốt của cơ quan hành pháp đất Thủ đô ngàn năm văn vật chúng ta, muốn tránh cho người mà các vị biết trước sẽ mang xiềng gông của chế độ khỏi phải “nhìn căn phòng thân thuộc của cha nuôi mình biến dạng” và “tổ ấm gia đình mình tan nát” chăng?
Bauxite Việt Nam
Nguồn: Bô-Xít Việt Nam và Việt Báo Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét