Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Nhật Bản ủng hộ Ấn Ðộ hợp tác Việt Nam tìm dầu Biển Ðông

Hai lô 127 và 128 từng được BP tính thăm dò, nhưng lại bỏ vì áp lực của Trung Quốc

NEW DELHI(TH) - Sự hợp tác giữa Việt Nam với Ấn Ðộ có vẻ sâu xa hơn là dò tìm và khai thác dầu khí, theo các tin tức được báo chí mô tả. Sự hợp tác này được Nhật hậu thuẫn.

Một giàn khoan dầu trên Biển Đông của Việt Nam. (Hình: Vietpetro)


Theo báo Straits Times, Ấn Ðộ đang cố gắng xây dựng nhanh chóng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Từ lâu nay, Ấn Ðộ giúp Việt Nam tân trang cả trăm máy bay Mig 21 cũ kỹ, huấn luyện phi công và hải quân và cả tàu ngầm cho Việt Nam. Với mối quan hệ ngày càng gia tăng sâu hơn, Ấn Ðộ còn hiện diện cả ở cảng Cam Ranh.
Có thể vì vậy, Ấn Ðộ nói rất mạnh là sẽ hợp tác dò tìm dầu khí trên Biển Ðông với Việt Nam bất chấp sự chống đối của Bắc Kinh. Hai lô 127 và 128 mà Ấn Ðộ trù tính ký hợp đồng với Việt Nam là các lô mà hãng dầu BP (British Petroleum) của Anh đã phải bỏ chạy trước đây vì bị áp lực quá lớn của Bắc Kinh.
Theo nguồn tin trên, hiện đang có những cuộc thảo luận để Hải Quân Ấn Ðộ có thể tiếp cận căn cứ Cam Ranh khi nơi này bắt đầu mở từ năm 2013. Hải Quân Ấn Ðộ đang huấn luyện cho sĩ quan Việt Nam về tác chiến tàu ngầm, một lực lượng Việt Nam đang chuẩn bị nhân sự để nhận chiếc tàu ngầm hạng Kilo đầu tiên có thể vào năm 2013 hoặc 2014.
Ấn Ðộ có rất nhiều võ khí, trang bị giống Việt Nam, vì cùng xuất xứ từ Nga. Ấn Ðộ có trước và nhiều thứ tự sản xuất được qua hợp tác với Nga nên có nhiều kinh nghiệm để truyền lại cho Việt Nam. Mua phụ tùng thay thế và trang bị từ Ấn Ðộ cũng có thể rẻ hơn cho Việt Nam.
Hôm Thứ Hai, báo chí Ấn Ðộ nói rằng nếu Trung Quốc có quyền thăm dò ở trong vùng biển quốc tế trên Ấn Ðộ Dương, thì Bắc Kinh cũng không có quyền đặt câu hỏi về các sự dò tìm ở những nơi khác trên thế giới. Do đó, sự hợp tác giữa Ấn Ðộ và Việt Nam khi dò tìm dầu khí ở Biển Ðông thì chẳng liên quan gì đến Bắc Kinh.
Nếu Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chỉ vì khu vực này trên bản đồ gọi là “biển Nam Trung Hoa” (South China Sea) thì Ấn Ðộ cũng có quyền tuyên bố chủ quyền đối với toàn thể “Ấn Ðộ Dương” (Indian Ocean), theo một bài phân tích của Sidharth Gautham Sunder trên báo điện tử TruthDive.
Lập luận của Ấn Ðộ là sự chống đối của Trung Quốc không có căn bản pháp lý vì những lô đó thuộc về Việt Nam.
Theo báo Times of India, một cựu thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe, lên tiếng ủng hộ quan điểm của Ấn Ðộ và kêu gọi hai nước Ấn Ðộ và Nhật hợp tác chặt chẽ với Mỹ để bảo đảm hải trình qua Biển Ðông và bảo đảm cho khu vực Á Châu ổn định.
Ông Abe cho rằng Ấn Ðộ dự tính có 3 hàng không mẫu hạm thì có thể giúp cho lộ trình hàng hải Á Châu ổn định và làm cả người Việt Nam, người Mỹ và người Nam Hàn yên tâm, “nếu không phải là người Trung Quốc.”
Theo ông, nếu Ấn Ðộ và Nhật “tay trong tay, vai kề vai, thì người Indonesia sẽ lên tay với chúng ta, chưa kể những nước yêu tự do khác.”
Chỉ ít ngày sau khi phản đối Ấn Ðộ tham gia dò tìm dầu khí trên Biển Ðông, Bắc Kinh hôm Thứ Bảy loan báo kế hoạch mở rộng dự án dò tìm quặng mỏ sang khu vực Ấn Ðộ Dương.
Lời loan báo được đưa ra khi Cơ Quan Thềm Lục Ðịa Quốc Tế (International Seabed Authority) chấp thuận cho Trung Quốc dò tìm và khai thác quặng kim loại (polymetallic nodule ore) trên một diện tích rộng lớn 75,000 km2 ở Tây Nam Ấn Ðộ Dương.
Giới bình luận quốc tế, kể cả từ Bắc Kinh, cho rằng Ấn Ðộ liên kết với Việt Nam là phản ứng lại kế hoạch của Trung Quốc liên kết với Sri Lanka, Pakistan và Miến Ðiện, để bao vây Ấn Ðộ.
Hai nước lớn Ấn Ðộ và Trung Quốc có cả bom nguyên tử, hỏa tiễn tầm xa, tàu ngầm nguyên tử, ngoài những xung đột và tranh chấp biên giới trên đất liền, có vẻ như đang nhích gần hơn tới các tranh chấp trên biển. (TN)
Nguồn: Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét