Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Đừng bao giờ nhượng bộ những yêu cầu vô lý của Trung Quốc

Thường thì khi bất kỳ chính phủ nào trên thế giới phê bình các trò bạo hành, vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc, các báo, đài và phát ngôn nhân Bắc Kinh lập tức tố cáo đó là “xen vào việc nội bộ của Trung Quốc”, hay ngay cả “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc”. Nhưng ngược lại, khi có cuộc bầu cử trên đất Nhật, của một đảng chính trị Nhật, để chọn lựa chủ tịch Đảng của họ, thì báo, đài Bắc Kinh đưa từng ứng viên ra phê phán.

Trong cuộc bầu cử chức Chủ tịch đảng Dân Chủ Nhật vào cuối tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ ứng viên sáng giá Maehara Seiji. Ông là cựu Ngoại trưởng Nhật, và là ngưòi mạnh mẽ lên án Trung quốc vi phạm lãnh hải Nhật. Kế đến đương kim Bộ trưởng Tài chánh Nhật là ông Noda Yoshihiko cũng bị Bắc Kinh phê phán nhưng không quá nặng vì cho rằng xác suất ông thắng cử rất thấp.
Ứng viên duy nhất mà Bắc Kinh không chỉ trích là ông Kaieda, Bộ trưởng Kinh tế Công nghiệp, vì ông được cánh Ozawa thân Trung quốc ủng hộ.
Kết quả bầu cử trái nguợc với dự phóng của Bắc Kinh. Ông Noda Yoshihiko trở thành tân thủ tướng. Thế là báo đài Bắc Kinh lập tức đổi hướng và vội vã tấn công ông Noda về mọi phương diện, kể cả bằng những luận điệu hèn kém. Cách chỉ trích này chẳng những không có hiệu quả mà còn làm người dân Nhật lắc đầu ngao ngán về nhân cách của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng thử “nắn gân” tân Thủ tướng Noda bằng cách đưa nhiều tàu hải quân và tàu chiến giả dạng tàu ngư chính đến vùng biển Senkaku (Đối Ngư). Nhưng ông Noda – không phải như Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam – đã ra lịnh cho lực lượng tuần duyên Nhật phải ra sức bảo vệ lãnh hải. Cùng lúc, về mặt chiến lược, ngoài việc siết chặt mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, ông bày tỏ ý muốn hiệp tác hơn nữa với chính phủ Ấn Độ để ngăn ngừa hành động hiếu chiến của Trung quốc.
Mặc dù là người thuộc đảng đối lập và đã rời khỏi chính trường, nhưng cựu Thủ tướng Koizumi cũng đã gởi đến cho tân Thủ tướng Noda một lời khuyên: “Đừng bao giờ nhượng bộ những yêu cầu vô lý của Bắc Kinh”. Trong một cuộc nói chuyện trước hàng ngàn người tại Kawasaki vào ngày 18/09/2011, ông Koizumi kể lại rằng: “Khi tôi đang đảm nhiệm, Bắc Kinh cũng đã nhiều lần yêu cầu những điều vô lý, nhưng tôi không bao giờ nhượng bộ. Xin kể một trường hợp điển hình là khi mới lên nhậm chức thủ tướng, các ký giả hỏi rằng “Với chức vụ hiện nay ông có đến viếng đền Yasukuni không?”. Tôi trả lời rằng: “Trước khi làm thủ tướng, tôi là một công dân Nhật nên việc đến đền Yasukuni để tưởng niệm các tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước là điều đương nhiên thôi”. Câu trả lời này đã bị Trung quốc lên án nặng nề và liệt tôi vào thành phần cực hữu; là kẻ muốn khôi phục chủ nghĩa Phát-xít Nhật; rồi còn hăm dọa đình chỉ các cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nước nếu tôi không rút lại lời tuyên bố đó”.
[ Có lẽ cần giải thích tại sao một vị Thủ tướng Nhật đến lễ bái ở đền Yasuni lại bị một số quốc gia, đặc biệt là Trung quốc và Hàn quốc chỉ trích. Đền Yasukuni được xây vào năm Minh Trị thứ hai (tức1869) tại Tokyo để thờ những bậc có công lao với nước Nhật. Vào những ngày lễ như Tết, tiết Thanh Minh… rất đông người dân Nhật đến đền Yasuni để tưởng niệm các bậc anh hùng, liệt sĩ của họ. Đây là chuyện rất bình thường mà quốc gia nào cũng có. Tuy nhiên, sau Thế Chiến II, một số tro cốt của những người Nhật bị kết án tội phạm chiến tranh như Đại tướng Tojo Hideki cũng được đem vào thờ ở đền Yasukuni. Và từ đó trở đi, việc viếng đền Yasumi của các lãnh đạo Nhật đều bị những nước từng là nạn nhân của đế quốc Nhật xem là hành động sỉ nhục họ bất kể những cố gắng giải thích từ phía Nhật.]
Ông Koizumi kể tiếp rằng: “Tại hội nghị APEC tổ chức tại Chi Lê vào tháng 11/2004, Nhật Bản và Trung quốc dự định sẽ có một cuộc hội đàm tay đôi, nhưng vào giờ chót phía Trung quốc cho hay nếu Thủ tướng Koizumi rút lại lời tuyên bố sang năm (2005) không đến viếng đền Yasukuni thì Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ ngồi vào bàn họp. Còn không thì thôi. Tôi chỉ thị cho bộ Ngoại giao Nhật trả lời rằng năm tới Thủ tướng Koizumi cũng sẽ đến viếng đền Yasukuni. Nếu vì lý do đó mà cuộc họp tay đôi giữa hai nước bất thành thì thôi vậy. Việc họp bàn là để tìm lợi ích cho cả hai nước chứ không riêng gì cho Nhật Bản. Sau đó, bộ Ngoại giao Trung quốc lại đánh công điện cho phía Nhật ngay trước cuộc hội đàm rằng chỉ cần Thủ tướng Koizumi tuyên bố sẽ không đến viếng đền Yasukuni vào năm 2005 là đủ. Tôi lại chỉ thị cho bộ Ngoại giao Nhật trả lời rằng Thủ tướng Koizumi không hứa gì cả. Rút cuộc thì ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch Trung quốc, vẫn ngồi vào bàn hội nghị song phương Nhật-Trung tại Chi Lê như dự trù”.
Ông Koizumi cũng đưa ra thí dụ ngược lại: “Thủ tướng Kan Naoto khi mới lên nắm quyền đã tuyên bố sẽ không đến viếng đền Yasukuni. Nhưng đâu phải vì thế mà có bang giao tốt đẹp với Trung quốc. Bắc Kinh dùng chính nhượng bộ đó để áp lực tiếp những chuyện khác, kể cả việc ngụy tạo bằng chứng lịch sử để tuyên bố quần đảo Senkaku thuộc chủ quyền bất khả xâm của họ. Rồi Bắc Kinh đưa tàu hải quân, tàu chiến giả dạng tàu ngư chính đến khuấy rối một vùng lãnh hải của chúng ta. Nói chuyện này ra tôi chỉ mong muốn tân thủ tướng Noda hiểu rằng đừng bao giờ nhượng bộ trước những yêu cầu vô lý của Trung quốc.”
Để đáp lại, tân thủ tướng Noda chân thành cám ơn những lời nhắn nhủ của cựu Thủ tướng Koizumi và nói thêm rằng: “Chẳng riêng gì Trung Quốc mà bất kỳ một quốc gia nào yêu cầu những điều vô lý thì đều không thể nhượng bộ được. Tất cả chính sách ngoại giao của Nhật đều được công khai rõ ràng cho người dân biết để kiểm soát thì không một chính quyền nào dám làm những việc trái với lòng dân”.
Khi tin tức về các phát biểu kể trên được tường trình trên các báo trong vùng Đông Nam Á, ông Albert Del Rosario, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, cho rằng đó là những kinh nghiệm đáng tham khảo trong việc đối phó với Trung quốc.
Còn lãnh đạo đảng CSVN thì sao? Họ có muốn học gì khác ngoài con đường “16 chữ vàng và 4 tốt” đầy nhục nhã và thiệt hại khủng khiếp cho nhiều thế hệ Việt Nam không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét