Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Nông dân Tam An đòi bồi thường trong tuyệt vọng

SGTT.VN - Trở lại xã Tam An ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi được biết chính quyền địa phương đã nhận 230 đơn kiện của người dân yêu cầu Sonadezi Long Thành bồi thường trên 15 tỉ đồng vì xả nước thải gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, điều ám ảnh chúng tôi hơn cả là những giọng nói run run, những ao cá bỏ hoang, những vườn cây bị đốn hạ... và những tiếng kêu vô vọng.
Một họng xả nước thải của Sonadezi ra rạch Bà Chèo.
Trắng tay
Một buổi sáng cuối tháng 12.2010, vịt nuôi của ông Nguyễn Văn Sơn, ấp 2 bỗng lăn ra chết trắng đồng. Nguyên nhân bởi chỉ trong một đêm hôm trước, nước thải từ nhà máy xử lý nước thải của Sonadezi Long Thành xả ra sông, cả lòng rạch Bà Chèo nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.
Kể lại, giọng ông Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng: “Nhìn vịt uống nước dơ, con chết quay vòng, con gục đầu xuống nước, tui run quỵ gối”. Rồi chưa đầy một tuần sau, đàn vịt 1.000 con của ông hơn 900 con chết. Mỗi ngày xách hàng trăm con vịt đem chôn, ông rơi nước mắt vì xót của và bất lực. Ông Sơn bảo, lần đó kêu trưởng ấp, chính quyền xã tới, chứng kiến tận mắt, nhưng cũng chỉ có thể lập biên bản “hiện trường”. Ông viết đơn kiện gửi xã, rồi cũng thôi, mọi sự rơi vào im lặng.
Chưa đầy một năm sau, ngày 8.8.2011, vịt của ông Sơn lại chết tiếp. Một buổi sáng chết một lúc gần 200 con. Những ngày sau đó, vịt tiếp tục chết, tính ra tới 700 con. Bởi ruộng ông Sơn thuê làm nằm gần họng xả thải của Sonadezi Long Thành nên vịt nuôi ở đó không cách nào tránh kịp, chết cũng không cách nào giữ kịp, dù tiêm bao nhiêu thuốc hòng vớt vát cứu. Ông Sơn cay đắng nói rằng, trước hôm vịt chết, ông đã hẹn thương lái sáng hôm sau xuống bắt vịt, nhưng không ai ngờ sự việc ra nông nỗi vậy. Vụ vịt chết này xảy ra chỉ vài ngày trước khi cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C49) bắt quả tang Sonadezi Long Thành xả nước bẩn ra rạch Bà Chèo!
“Bà con đây ai cũng nói Sonadezi lén xả thải từ lâu lắm rồi, nhưng mấy ổng cứ nói không sao, có mùi hôi vậy chứ không có độc. Dân không phân tích nước có chất này chất nọ được, nhưng không độc sao vịt, cá, cây chết? Còn những khi bị chỉ tận mắt nước cả con rạch Bà Chèo đen kịt như nhớt thì lại phân bua là do sự cố, mong bà con thông cảm. Họ cứ lừa dân hoài được sao!”
Ông Nguyễn Văn Trai
(người dân bị thiệt hại tại xã Tam An)
Vịt chết ngày một nhiều, đến nỗi từ khoản nợ 5 triệu đồng ban đầu làm vốn, sau vài năm, đến nay gia đình ông Sơn đã nợ đến 100 triệu đồng. Một con số quá lớn với người nông dân quanh năm chỉ biết ruộng vườn, cây trái…
Tiêu điều vùng ô nhiễm
Ông Sơn kể chuyện của mình rồi còn cay đắng bảo: “Đâu chỉ mình tui, cả xóm này ai cũng bị chết vịt, chết cá, chết cây vì nước ô nhiễm”. Bên ly trà nhạt, ông Nguyễn Văn Liêm, 87 tuổi, ngồi tiếc nhớ ngày xưa vùng đất Tam An cây trái xum xuê, ruộng vườn xanh tốt, tôm cá trong rạch tung quẫy vô số. Nhà ông Liêm trước đã làm tới 7 – 8 hầm nuôi đủ loại cá, nhưng từ năm năm trở lại đây, cứ mỗi đợt nước rạch Bà Chèo đột ngột đen thúi thì ngoài đồng trắng xác vịt, trong hầm, trong rạch trắng xác cá, cây trái thì rụi từ ngọn, rồi khô trơ gốc, riết ruộng, ao, vườn thành để hoang.
Dẫn chúng tôi ra mấy hầm nuôi cá trước đây, ông Liêm kể: năm 2009 cá chết kinh hoàng nhất, nước cả con rạch đen kịt như nhớt, dân phẫn nộ, người của Sonadezi Long Thành còn phải đem mấy thùng hoá chất đổ xuống xử lý. Từ đó, gia đình ông Liêm từ bỏ nuôi cá. Bây giờ đất Tam An ô nhiễm đến nỗi chỉ cần gạt lớp sình mỏng phía trên, lớp bùn dưới rạch vẫn còn đen kịt dày cả mét, không con tôm cá nào sống nổi.
Cầm lá đơn trên tay, ông Nguyễn Văn Sơn cay đắng: “Ban đầu chỉ vay 5 triệu đồng làm vốn, vì ô nhiễm mà bây giờ tui nợ tới 100 triệu đồng”.
Theo chân ông Nguyễn Văn Trai ra ruộng, trong cơn mưa tầm tã, ông chỉ cho chúng tôi một vùng nước trắng mênh mông, xăm xắp toàn cỏ và những cây sầu riêng, mít, măng cụt… chết trơ gốc. Đó là vườn của người dân trong xã. Còn vườn rộng gần 2ha của ông Trai thì mới cưa sạch 157 cây sầu riêng đã chết – nguồn thu nhập chính của gia đình. Ông bảo sầu riêng mình trồng được 12 năm, nhưng khi vừa vào tuổi cho trái thì bắt đầu lai rai chết, đến năm 2010 chết một lúc 50 cây, năm nay thì chết hết. Ông Trai nghẹn ngào: “Tui cắt cây mà khóc luôn. Cô nghĩ coi, sầu riêng ra trái ngon lắm, toàn hột lép, một năm trung bình thu được 200 triệu đồng, vậy mà giờ phải cưa bán tất cả làm củi chỉ vì đất bị hôi thúi do chất thải của họ...”
Ô nhiễm không chỉ khiến cây, con chết, nhiều người dân còn lo lắng: nước giếng họ đang dùng có nguy cơ bị ô nhiễm. Ông Kiều Hoàng Anh, trưởng ấp 2 cho hay, khoảng một năm trở lại đây, nước giếng nhà ông bỗng có mùi thuốc diệt cỏ. Ông Hoàng Anh nhẩm tính, mỗi năm trung bình chính quyền cơ sở đều phải làm gần 20 biên bản ghi nhận hiện trường ô nhiễm do người dân phản ánh và gửi lên cấp trên. Đơn của dân vẫn được gửi đi, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các ông nghị vẫn lắng nghe, ghi nhận nhưng tất cả đều chưa được giải quyết!
BÀI VÀ ẢNH: LÊ QUỲNH
Nguồn: Báo SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét