Cả Trăm Nông Dân Khóc Hận:Mắc Mưu TQ, Trồng Mì, Bỏ Phế
Một độc chiêu từ thương lái Trung Quốc đã làm nhiều nông dân Long An khóc hận.
Ảnh minh họa
Bản tin trên báo SGGP có nhan đề là “Long An: Cây mì “chết đứng”...” đã cho thấy thực tế là hàng trăm nông dân cũng chết đứng.
Bản tin nói, hàng trăm hécta mì đến ngày thu hoạch nhưng vẫn bị người trồng bỏ rơi ngoài đồng, không thèm nhổ bán, đang là “chuyện lạ” ở Long An.
Nếu công toà bộ diện tích trồng củ mì rồi bỏ phế, ước tính tới cả ngàn mẫu ở tỉnh Long An, theo báo SGGP.
Lý do: Giá mì củ thấp nên nhiều người dân “bỏ đồng” không thu hoạch.
Năm 2010, giá mì củ ở Long An “tự dưng” được thương lái mua với giá 3.000 - 4.500 đồng/kg, thậm chí lúc cuối vụ, giá được đội lên đến 7.000 đồng/kg, nên những người trồng mì hốt bạc so với những người trồng lúa, khoai mỡ, đay… Sau vụ mì, trừ các chi phí, người trồng lời 20 - 30 triệu đồng/ha nên nhiều người ồ ạt chuyển sang trồng mì.
Năm 2010, toàn tỉnh chỉ có khoảng 400ha, nhưng sang năm 2011, diện tích mì tăng lên gần 1.000ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Bến Lức (325ha), Thủ Thừa (268ha), Thạnh Hóa (192ha)… Theo người dân, tuy thời gian trồng mì dài hơn các loại cây lương thực khác (khoảng 8-10 tháng mới thu hoạch), nhưng trồng rất đơn giản, ít chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được cao nên thích trồng mì hơn. Thậm chí, có lúc người ta bán cây mì giống chứ không cho như trước đây.
Báo nhà nước kể rằng, nông dân cứ tưởng vụ mì năm nay tiếp tục hốt bạc. Nào ngờ đến mùa thu hoạch, người dân đợi dài cổ mà chẳng thấy thương lái đến mua dù giá đã hạ xuống thấp hơn so với năm rồi. Như mì ăn (mì da đỏ, củ nhỏ), lúc đầu vụ giá rớt xuống còn khoảng 2.000 đồng/kg (giảm 2.500 đồng/kg so với năm 2010), mì bột (loại củ lớn dùng để làm bột) giá giảm còn 1.000 đồng/kg, nhưng vẫn không thấy thương lái đến mua.
“Nay loại mì ăn giá còn 1.000 đồng/kg, mì bột giá còn 600 đồng/kg cũng chẳng thấy ai mua” - anh Hai Bình, một nông dân trồng 3ha mì ở xã Thạnh Hòa huyện Bến Lức, ngao ngán.
Hiện nay, hàng trăm hécta mì của bà con nông dân ở Long An đến thời kỳ thu hoạch đã bị bỏ rơi ngoài đồng. Theo anh Bình và nhiều nông dân ở xã Thạnh Hòa, sở dĩ năm 2011 họ trồng mì nhiều là do tin lời của thương lái. Theo những thương lái này, họ thu gom mì với giá cao để xuất sang Trung Quốc, vì bên đó hút hàng. Các thương lái hứa vụ sau cũng sẽ đến đây thu gom với giá cao để xuất sang Trung Quốc.
Báo SGGP ghi thêm: “Tin lời thương lái và nghĩ đến lợi nhuận nên nhiều người không ngần ngại bỏ lúa chuyển sang trồng mì. Chỉ đến khi đến vụ thu hoạch không thấy thương lái cũ đến thu mua mì, nhiều bà con mới “ngộ” ra là “có thể mình bị lừa”...”
Nguồn: Việt Báo Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét