Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Vatican ép TGM Ngô Quang Kiệt từ chức

Vatican ép TGM Ngô Quang Kiệt từ chức
LTS:

Mới đây, một số công điện bí mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được tiết lộ trên wikileaks.org đã làm thế giới kinh ngạc vì liên quan đến nhiều vấn đề cơ mật. Những sự kiện liên quan đến Việt Nam từ những công điện của Sứ quán và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã được dần dần công bố. Trong đó có những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Những bức điện được tiết lộ gần đây, đã nói đến quan hệ Việt Nam – Vatican, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến TGP Hà Nội và TGM Giuse Ngô Quang Kiệt theo nhận xét của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Vatican.

Qua đó, đã chứng minh một vấn đề mà Nữ Vương Công Lý đã đặt ra từ lâu, đó là: Tạo nên thảm trạng này của Giáo hội Việt Nam và Giáo phận Hà Nội (mà việc thay thế TGMHN Giuse Ngô Quang Kiệt bằng TGM Phero Nguyễn Văn Nhơn nhằm thỏa mãn yêu cầu của nhà cầm quyền Hà Nội là kết quả), bắt nguồn từ chính sách của Vatican giai đoạn vừa qua đối với các nước cộng sản, đã bị Hà Nội dụ dỗ bằng chiêu bài “bang giao”.
Trong quá trình này, có sự tham gia của Hồng Y Bernard Law, ngài là Hồng Y Tổng Giám mục ở Boston, Hoa Kỳ, đã phải từ chức TGM ngày 13/12/2002 vì bị cáo buộc không thẳng tay với các giáo sỹ lạm dụng tình dục trẻ em và đã làm cho Giáo phận lâm tình trạng có thể phải khai phá sản sau khi có đơn tập thể yêu cầu ngài từ chức của 58 linh mục trong TGP. Có phải Giáo hội Việt Nam có bàn tay của ngài tác động, nên TGM Phero Nguyễn Văn Nhơn đã tiến lên chức TGM Hà Nội và đang đi theo đường lối của ngài trong việc bao che các vụ lạm dụng tình dục xảy ra trong Giáo hội Việt Nam?
Gần đây, sau những cú đòn nặng nề nhà cầm quyền Trung Cộng giáng vào Vatican, chứng tỏ đường lối “thỏa hiệp, đối thoại” với Cộng sản đã hoàn toàn phá sản, vì thế Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo và Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã phải ra đi.
Nhưng, những hậu quả nặng nề cho Giáo hội Trung Quốc, cũng như Giáo hội Việt Nam chưa biết bao giờ có thể hàn gắn.
Bài viết sau đây phần nào hé lộ một “Sự thật thực” mà chính khi đó Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã cất công sang tận Vatican vẫn không tìm ra.
Hà Nội ‘không mặn’ quan hệ chính thức với Vatican
WESTMINSTER -Tổng giám mục Giáo Phận Hà Nội, Ngô Quang Kiệt, đã từ chức dưới áp lực của Vatican, ngõ hầu khai thông tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao Vatican-Hà Nội; một tiến trình mà Vatican thì muốn, còn Hà Nội thì không mặn mà.
Theo hai công điện ngoại giao gởi đi cuối năm 2009, một từ Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Vatican, một từ Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Công điện còn cho thấy sự khác biệt về quan điểm của Vatican (cùng ngoại giao Hoa Kỳ) và Giáo Phận Hà Nội về bản chất của các vụ tranh chấp đất đai tại đây.
Một số nhượng bộ từ cả hai phía, mà phần lớn là từ Vatican, đã được thực hiện để mở đường cho “các viễn kiến rộng lớn hơn và lâu dài hơn,” của cả Vatican và Hà Nội.

Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội, Ngô Quang Kiệt (giữa), được chào đón trong buổi lễ đón đức ông, thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, Pietro Parolin đến Hà Nội ngày 15 tháng 2, 2009. Theo công điện ngoại giao Hoa Kỳ, cũng chính trong chuyến đi này, Ðức Ông Parolin gay gắt chỉ trích TGM Kiệt về cách giải quyết các tranh chấp tài sản của giáo hội tại Hà Nội. (Hình: Aude GENET/AFP/Getty Images)
Không mời, nhưng ông cứ đến
Công điện đề ngày 4 tháng 12, 2009, từ Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Vatican gởi về Washington D.C. đề cập đến những dàn xếp cho cuộc viếng thăm của ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch CSVN, đến Vatican ngày 11 tháng 12, 2009.
“Nhờ can thiệp trực tiếp của Hồng Y Bernard Law, chuyến thăm Giáo Hoàng Benedict XVI của chủ tịch Việt Nam đã được xác định sẽ diễn ra vào ngày 11 tháng 12, 2009. Hiện chưa rõ phía Việt Nam có nhượng bộ hay không, và nếu có thì đó là nhượng bộ nào, để ông Triết có thể thăm Giáo Hoàng.”
“Phía Vatican có thể đã có một số nhượng bộ để cải thiện quan hệ với chính phủ Việt Nam, và nhượng bộ ấy là việc ép Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt về hưu sớm.” Theo công điện ngoại giao Hoa Kỳ ở Vatican.
Những dàn xếp cho chuyến đi của ông Triết, vẫn theo công điện, gặp phải một số trở ngại liên quan đến thủ tục ngoại giao. Công điện dẫn lời các nguồn tin ngoại giao viết rằng cuộc gặp gỡ “đã được xác định sẽ diễn ra vào Thứ Sáu, 11 tháng 12, lúc 11 giờ sáng. Mặc dầu phía Việt Nam đưa ra thông báo về chuyến đi này, phía Tòa Thánh lại không hề công bố”.
Vào thời điểm trước khi có chuyến đi của ông Triết, “diễn tiến và tình huống (của cuộc gặp này) quá mong manh, đến nỗi giới chức Vatican chịu trách nhiệm quan hệ với chính phủ Việt Nam từ chối gặp giới chức Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Vatican để thảo luận thêm”.
Cuối cùng, đích thân Hồng Y Bernard Law phải đi Việt Nam để thảo luận và hoàn tất những sắp xếp sau cùng cho chuyến đi của ông Triết. Vẫn theo công điện, trong các cuộc thảo luận này, phía Việt Nam tỏ ra “không mặn nồng mấy với quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh, nhưng lại rất quan tâm đến chuyến đi của ông Triết, vốn đã được thông báo rộng rãi”.
Tiếp ông Triết là một nghĩa cử từ Vatican, tuy nhiên, Hồng Y Law không tiết lộ những nhượng bộ từ phía Việt Nam, cho dầu, vẫn theo công điện trích lời Hồng Y, “có vẻ là chắc chắn đã có một số nhượng bộ (từ phía Việt Nam)”.
Trong khi đó, công điện đề ngày 25 tháng 11, 2009, từ Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội gởi cho Washington D.C. viết rằng cuộc viếng thăm Vatican của ông Nguyễn Minh Triết là để “bàn về việc thiết lập các quan hệ ngoại giao, và rất có thể, một chuyến thăm của Ðức Giáo Hoàng đến Việt Nam trong năm 2010”.
Về mặt thủ tục ngoại giao, phía Việt Nam muốn Vatican có thư mời chính thức chủ tịch nước của họ. Vatican từ chối, viện dẫn lý do “chưa có tiền lệ” (về thư mời).
Hồng Y Bernard Law sau đó đã phải nhờ phó đại sứ Hoa Kỳ cùng đại sứ Ý tại Việt Nam chuyển thông điệp đến Bộ Ngoại Giao Việt Nam, rằng nếu chính quyền Việt Nam bày tỏ mong muốn tổ chức chuyến đi cho ông Triết, đồng thời nêu rõ ngày giờ đề nghị cho chuyến đi, Vatican sẽ “đáp ứng theo chiều hướng tích cực”.
Chuyến đi của ông Triết không nên được tách rời khỏi bối cảnh ra đi của một nhân vật khác – Tổng giám mục Giáo Phận Hà Nội, Ngô Quang Kiệt.
TGM Ngô Quang Kiệt “phải ra đi”

Ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội nhận định TGM Ngô Quang Kiệt là người “có đầu óc thực tế”
Nguồn gốc, diễn tiến, và thực hư câu chuyện liên quan đến việc từ chức của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đến nay vẫn là câu hỏi cho nhiều người. Cả hai công điện ngoại giao của Hoa Kỳ khẳng định Tổng Giám Mục Kiệt từ chức dưới áp lực của Vatican.
Công điện từ Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Vatican hồi cuối 2009 viết: “Phó đại sứ Hoa Kỳ hỏi Hồng Y Bernard Law là liệu Tòa Thánh có chấp nhận đơn từ chức (đã được đệ nộp) của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt hay không.” Hồng Y ngụ ý “điều này là chắc chắn,” và rằng “có nhiều nhân vật tại Việt Nam có thể điền được vào vị trí của Tổng Giám Mục Kiệt”.
Sự cương quyết của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trong giai đoạn cao trào của tranh chấp đất đai tại Hà Nội có thể đã khiến Vatican khó chịu. Theo công điện của Ðại Sứ Michael Michalak, thư từ chức được tổng giám mục đệ trình cho Ðức Ông Pietro Parolin, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh, trong chuyến ghé Việt Nam của nhân vật này. Theo lời một người thân cận của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Ðức Ông Parolin đã “chỉ trích gay gắt Tổng Giám Mục Kiệt về cách thức giải quyết các vụ tranh chấp đất đai của Tòa Thánh với quan chức Hà Nội”.
Áp lực từ chức ngày càng gia tăng. Vào Mùa Hè 2009, trong một cuộc tiếp kiến trực tiếp với Ðức Giáo Hoàng, có mặt cả Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, người đứng đầu Tòa Thánh chỉ thị cho Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam rằng cần “hy sinh cá nhân, chứng tỏ tự chế trong các bất đồng với chính quyền, và phải tuân thủ luật pháp”.
Cùng thời điểm này, quan chức Hà Nội công khai chỉ trích Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, “đặc biệt là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP. Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo,” khi ông này kêu gọi cách chức người đứng đầu Giáo Phận Hà Nội.
Hành động của Nguyễn Thế Thảo được giới ngoại giao Hoa Kỳ và Vatican (thông qua Hồng Y Bernard Law) xem là “đi quá xa, một cách nghiêm trọng”.
Giới ngoại giao Hoa Kỳ tại Vatican nhận định trong công điện gởi về Washington D.C. rằng: “Với hành động đối mặt với chính quyền Việt Nam một cách mạnh mẽ trên vấn đề tài sản (của Giáo Hội), Tổng Giám Mục Kiệt có thể đã đặt những mục tiêu lâu dài khác của Vatican vào thế rủi ro. Mặc dầu giới chức Tòa Thánh không khẳng định (và chắc chắn không bao giờ khẳng định) rằng họ đã yêu cầu Tổng Giám Mục Kiệt về hưu sớm, gần như hoàn toàn chắc chắn là họ đã làm điều đó.”
Vào thời điểm nộp đơn xin từ chức, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt mới 57 tuổi, trẻ hơn rất nhiều so với tuổi về hưu trung bình của hàng Hồng Y, là 75.
Về phía mình, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt chưa bao giờ công khai lý do từ chức. Ông chỉ thường than phiền về “tình trạng sức khỏe và chứng mất ngủ,” theo công điện của tòa đại sứ tại Hà Nội. Tuy nhiên, “những nguồn tin thân cận với ngài khẳng định rằng lý do chính khiến ngài muốn từ chức là vì không muốn bị xem như chướng ngại vật cho tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao Vatican-Hà Nội”.
Ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội nhận định TGM Ngô Quang Kiệt là người “có đầu óc thực tế”.
Tương lai quan hệ Vatican-Hà Nội
Ngoại giao Hoa Kỳ tại Vatican nhận định rằng, ưu tiên của Tòa Thánh về hướng Việt Nam là bảo vệ quyền tự do tôn giáo, đồng thời nhanh chóng mở rộng quyền này tại đây, để giải quyết những tranh chấp tài sản đang diễn ra giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam, và, khi điều kiện cho phép, tái thiết lập quan hệ ngoại giao để bảo vệ và mở rộng Công Giáo tại Việt Nam.
Vatican, thông qua Hồng Y Bernard Law, chia sẻ quan điểm với ngoại giao Hoa Kỳ, rằng những tranh chấp đất đai giữa giáo hội và chính quyền Hà Nội “mang tính chất luật pháp hơn là tự do tôn giáo”.
Về hướng cải thiện quan hệ Vatican-Hà Nội, công điện từ Vatican trích lời một linh mục cho biết, “các cuộc thương thảo bí mật đang được tiến hành”. Tuy nhiên, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam gần như hoàn toàn không được tham dự vào các thương thảo này. Khoảng 40% thành viên của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ủng hộ nói chuyện với chính quyền, 60% chống. Tuy nhiên, vẫn theo linh mục được trích lời, hội đồng “đang từng bước một nghiêng về hướng nói chuyện”.
Công điện từ Hà Nội nhận định, vào thời điểm các cuộc biểu tình tranh chấp đất đai lên đến cao trào năm 2008 tại Hà Nội và Quảng Bình, “Giáo Phận Hà Nội bày tỏ sự thất vọng vì cho rằng Vatican không ủng hộ họ”.
Nguồn: Nữ Vương Công Lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét