Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

VỀ VỤ KHỞI TỐ ÔNG PHAN TRỌNG KHANG - 1


Thưa chư vị,

Ngày 21 tháng 8 năm 2011,ông Phan Trọng Khang, thương binh 2/4 đã mua nước và đồ ăn rồi chở đến trụ sở công an ở Mỹ Đình, Từ Liêm, HN để tiếp tế cho những người biểu tình yêu nước bị bắt giữ tại đây. Ông đã bị công an Từ Liêm bắt công an bắt vào, đánh đập, cạo trọc đầu, giam giữ ở công an huyện Từ Liêm 4 ngày.

Ngày 25 tháng 8, trên báo An Ninh thủ đô điện tử có đưa tin và video về  việc: "Công an huyện Từ Liêm vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Phan Trọng Khang về hành vi chống người thi hành công vụ".

Một nhân chứng cho biết:
"Chính hôm đó anh Khang đã dùng ô tô con của mình chở chúng tôi lên Mỹ đình và nhất định không để chúng tôi được đóng góp tiền mua bánh và nước cho anh em đang bị tạm giữ (anh Khang nói anh làm ăn được nên xin cáng đáng cả). Ở Mỹ đình anh Khang đã bị Công an huyện Từ liêm bắt giữ trái phép và vu cáo tội chống người thi hành công vụ, người ta dự định sẽ đưa anh Khang ra tòa. Sự việc chỉ có thế này thôi:

Hôm đó sau khi anh em bị bắt lên xe bus đi Mỹ đình chúng tôi còn đi dạo một vòng quanh Bờ Hồ, rồi tôi và một số anh em định ra đi taxi lên Mỹ đình. May mắn thay gặp được anh Phan Trọng Khang có xe con đã chở mọi người đi! Tình huống anh Khang bị bắt như sau. Khi lên tới Mỹ đình, xe đỗ bên ngoài cách xa nơi họ tạm giữ anh em khoảng 200 m. Mọi người đang ngồi trong ô tô. Bỗng một toán CA đến yêu cầu không được đỗ tại đó (một đường nhánh vắng vẻ, không có biển cấm đỗ và đầy củi, rác trên vỉa hè). Mọi người xuống xe ôn tồn trả lời: “Chỗ này là đường nhánh, không có biển cấm đỗ, không phải khu vực bảo vệ tại sao lại yêu cầu chúng tôi không được đỗ xe?”. Họ trả lời rất gay gắt: “Chúng tao yêu cầu bọn mày phải đi chỗ khác không được đỗ ở đây! Liệu hồn cút ngay!”. Lúc đó anh Phan Trọng Khang lấy tay trỏ vào biển số của một công an viên mặc sắc phục và nói: “Anh đang đeo biển, mong anh giải thích cho tôi vì sao không được đỗ xe ở đây?” Người công an gạt mạnh tay anh Phan Trọng Khang theo kiểu ra đòn, động tác quá mạnh của anh ta đã làm bật gim cài cái biển đang đeo. Liền ngay lúc đó xuất hiện một người mặc thường phục màu đen, người đậm, thô mập, hùng hổ đến nắm cổ áo anh Phan Trọng Khang quát: “Xuất trình giấy tờ cho chúng tao kiểm tra”. Anh Phan Trọng Khang nhẹ nhàng gỡ tay hắn ra và đáp lại: “Ông là ai?” Người đàn ông đó trả lời: “Tao là trưởng CA huyện Từ liêm”. Anh Phan Trọng Khang hỏi tiếp: “Có giấy tờ chứng minh anh là trưởng CA Từ liêm không?”. Người đàn ông mặc thường hét tướng lên: “Tất cả đây là quân của tao. Chúng mày đâu bắt lấy thằng này! Nó dám chống người thi hành công vụ”. Toán CA lao vào bắt anh. Sau này được biết người đàn ông, người đậm, thô mập, mặc áo đen, có tên Trong đúng là trưởng CA huyện Từ Liêm.
Ông Trong, Trưởng Công an Từ Liêm. Ảnh do bạn đọc cung cấp
Chúng tôi  một số người có mặt hôm đó chứng kiến toàn bộ sự việc muốn ra tòa làm chứng cho anh sự kiện trên".  
Ông Phan Trọng Khang cho biết: "Viện kiểm soát nhân dân Từ Liêm đã khởi tố ra lệnh tạm giam 12 ngày, thay lệnh Tạm giữ 03 ngày của ông Trong trưởng công an huyện Từ Liêm từ trưa 21/8; về tội:Chống người thi hành công vụ (khi đem nước uống, thức ăn tiếp tế chia sẻ cho đoàn biểu tình yêu nước tại Hồ Hoàn Kiếm bị đàn áp bắt, chuyển, nhốt vào đồn công an Mỹ Đình trưa 21/08/2011). Sau 05 ngày tạm giam, chiều 25/8 tại nhà tù Hỏa Lò tôi nhận quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam chờ cơ quan pháp luật xử tiếp".

Được biết, văn bản khởi tố vụ án của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Từ Liêm đã được chuyển tới ông Phan Trọng Khang khi ông đang bị tam giam mà không có giao cho ông giữ 01 bản. 

Theo khoản 6 điều 126 - Khởi tố bị can, Bộ Luật Tố tụng hình sự thì: Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can của mình hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện Kiểm sát và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can quy định tại Điều 49 của Bộ luật này... Việc giao nhận các quyết định nói trên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.

Tuy nhiên, cho đến hôm nay (19.09.2011), ông Phan Trọng Khang chưa nhận được bất kỳ giấy tờ gì, ngoài bản QĐ Hủy bỏ biện pháp tạm giam của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Từ Liêm, HN (ảnh trên).


Được biết, các cựu tướng lĩnh quân đội, các vị lão thành cách mạng rất quan tâm đến vụ khởi tố đối với ông Phan Trọng Khang.
-----------------------------------------------------

Sáng qua, 18.09.2011, ông Phan Trọng Khang mời anh chị em "biểu tình viên" dùng cafe tại 102 Trấn Vũ, Hà Nội. Mọi người đến rất đông. Ngoài 1 vài bác đã biết ông Khang, còn lại phần lớn chưa ai đã từng gặp. Ông ngỏ ý mời mọi người đi dùng bữa cơm trưa tại một quán ăn gần đó, gọi là để cảm ơn mọi người.  Nhưng khi ấy, xe của cảnh sát 113 Tp HN và xe CSGT đã tiếp cận quán cafe và yêu cầu mọi người giải tán, khiến ông không được toại nguyện việc mời cơm.

Ông Phan Trọng Khang sinh năm 1949, là trưởng nam của nhà cách mạng lão thành Phan Trọng Khuê. Ông Khang là bạn học cùng lớp với các ông: Phạm Hoàng Hưng (con trai cụ Phạm Hùng), Võ Điện Biên (con trai cụ Võ Nguyên Giáp), Trần Chiến Thắng (con trai cụ Trần Duy Hưng), Nguyễn Duy Thắng (con trai cụ Nguyễn Duy Trinh) và bà Lê Bích Hà (con nuôi cụ Lê Duẩn)....

Năm 1968, khi mới 16 tuổi, ông khai tăng tuổi xung phong đi chiến trường. Trong buổi tiễn đưa, cô bạn Lê Bích Hà* đã lấy của cha mình một tấm huy hiệu Lê-Nin để tặng  Khang. Tấm huy hiệu Lê-Nin này là của Ông L.Brêgiơnép (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô) tặng cho ông Lê Duẩn (Tổng bí thư Đảng  Cộng sản Việt Nam). Về sau, khi ông Lê Duẩn không thấy tấm huy hiệu đó, hỏi đến cô Lê Bích Hà thì cô đã nói thật với cha rằng đã đem tặng người bạn. Cô cho cha biết tấm huy hiệu đó tặng cho bạn là Phan Trọng Khang trước giờ lên đường vào Nam đánh Mỹ. Ông Lê Duẩn nói: Như thế thì được; và không hỏi thêm nữa. 

Ông Phan Trọng Khang là bộ đội trinh sát đặc công, đã 04 lần bị thương tại các chiến trường B1 (Quảng Nam - Đà Nẵng), B5 (Thừa Thiên - Huế).

Khi bị công an huyện Từ Liêm bắt, (cùng anh Vũ Quốc Ngữ, chị Vũ Thị Hội), ông bị cạo trọc đầu và bị đánh đập. Nhưng khi vào đến buồng giam tập thể, sau mấy đòn phủ đầu, các tù nhân ở đó sau khi được ông "khai báo" về lý do bị bắt giam và về "lý lịch" đã được họ tôn trọng ...xếp lên chiếu trên. 

*Lê Bích Hà, con gái của người em ông Lê Duẩn, được ông Lê Duẩn nhận làm con nuôi. Bà là Đại tá quân đội, từng là Chủ nhiệm khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Quân đội 108, vừa nghỉ hưu.
Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét