Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2012

Bắt thêm 1 người trong tổ chức “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” - Human Rights Watch lên tiếng Phú Yên




Bắt thêm 1 người trong tổ chức “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”

Đức Huy (thanhnien) Chiều 7.2, thượng tá Lương Tấn Dĩnh - Phó chánh văn phòng Công an tỉnh Phú Yên cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã bắt tạm giam thêm một người trong tổ chức “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”.

Đó là Nguyễn Kỳ Lạc (SN 1951, trú P.Xuân Đài, TX.Sông Cầu, Phú Yên) - trưởng ban hoằng pháp có nhiệm vụ tuyên truyền thuyết giảng chủ thuyết công bản của Trần Công (tức là Phan Văn Thu) - người đã bị bắt vào sáng 5.2. Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã bắt tạm giam 10 người trong tổ chức nói trên.


Tiềm ẩn bất ổn đằng sau vụ Phú Yên

BBC - Việc bắt giữ 10 người tại tỉnh Phú Yên đầu tháng Hai, được nói thuộc tổ chức“Hội đồng công luật công án Bia Sơn”, đã gây nhiều chú ý cho giới quan sát.

Công an Việt Nam nói đã thu giữ "hàng trăm tập tài liệu cương lĩnh phản động", cùng kíp nổ, bộ đàm, tiền bạc.

Phát biểu trên Radio Australia, 
giáo sư Adam Fforde, từ Đại học Victoria ở Melbourne, cho rằng việc loan báo vụ bắt giữ cho thấy một cuộc khủng hoảng sâu sắc ở Việt Nam vì chính quyền không thể thay đổi cung cách lãnh đạo. 

Ảnh - Núi Đá Bia là nơi Hội đồng Bia Sơn hoạt động trong bảy năm qua.

Trong khi đó, ông Phil Robertson, phó giám đốc ban châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nói với BBC rằng bộ máy an ninh "đang áp dụng tối đa các biện pháp nhằm ngăn cản khả năng nổi dậy có thể xảy ra trong dân chúng". 

Phil RobertsonTheo như thông tin chúng tôi nắm được, có ít nhất 33 trường hợp bị xử tù, phần lớn vì vi phạm các điều luật về an ninh quốc gia như điều 88 Tuyên truyền chống nhà nước, điều 79 Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền hay điều 258 Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước. 

Chúng tôi vẫn chưa biết nhóm hoạt động gồm chín người vừa bị bắt gần đây sẽ bị truy tố như thế nào. Chúng tôi đang chờ đợi thông báo chính thức từ phía chính quyền Việt Nam trước những vấn đề liên quan đến việc tổ chức này làm gì, bị cáo buộc ra sao. 

BBC: Ông có ngạc nhiên trước việc xuất hiện một tổ chức gọi là “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”? 

Tôi không hề ngạc nhiên trước những kiểu bắt giữ như thế này vẫn tiếp diễn thường xuyên ở Việt Nam. Nhưng tất nhiên, đối với những người giống như tôi làm việc từ bên ngoài Việt Nam thì việc khó khăn là lấy được những thông tin đáng tin cậy để có thể đưa ra bình luận hay bất cứ xác nhận gì. 

Bây giờ chúng tôi đang tiến hành điều tra, thu thập thông tin về trường hợp này. Đây cũng là công việc mà chúng tôi phải làm mỗi khi có các trường hợp như thế xảy ra. 

Cảm nhận của chúng tôi là không hề ngạc nhiên trước hành động theo dõi của chính phủ đối với những nhóm và tổ chức kiểu này vì họ nhìn thấy ở đâu cũng là kẻ thù. 

Thực tế là mọi người chỉ đơn giản thực thi nhân quyền, thực thi quyền tự do ngôn luận, nhóm họp và lập hội. Họ chỉ muốn tiếng nói của họ được lắng nghe và trong một số trường hợp những điều họ nói bị chính quyền cho rằng nó ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước. 

Ảnh -  Phil Robertson  

Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam nên tự cảm thấy an tâm hơn, nên sẵn lòng cho phép người dân thực thi những quyền đó như quyền tự do ngôn luận, nhóm họp và lập hội. 

Tôi nghĩ rằng chính quyền nên lập tức cho phép nhóm những người này có cố vấn pháp lý và luật sư cũng như tiếp xúc gia đình họ. Tuy nhiên, thật không may các hình thức tra tấn và lạm quyền được đã được áp dụng chung ở Việt Nam cho những ai bị giam giữ chưa xét xử vì cáo buộc trước tội danh chính trị như thế này. 

Chúng tôi cũng quan ngại công an ở Phú Yên có thể lạm dụng quyền lực để ép họ nhận tội và lạm dụng các biện pháp khác đối với những người bị tạm giam chưa xét xử. 

Chúng tôi cho rằng cộng đồng quốc tế nên yêu cầu được tiếp cận ngay lập tức với những người này, và giới ngoại giao ở Hà Nội nên gây áp lực để yêu cầu công khai thông tin, danh tính cũng như nơi giam giữ họ hiện nay và đảm bảo rằng họ sẽ không phải chịu đựng bất cứ hình thức tra tấn nào. 

BBC: Thưa ông, có ý kiến cho rằng những vụ bắt giữ như thế này là chỉ dấu cho thấy căng thẳng đang gia tăng tại Việt Nam. Là một người theo dõi thường xuyên tình hình nhân quyền tại quốc gia này, xin ông cho biết suy nghĩ về ý kiến này? 

Hiện nay, chính phủ Việt Nam tập trung vào sự chống đối ở mọi dạng và mọi tổ chức. Chính quyền tăng cường sự theo dõi không chỉ trên mạng mà tất nhiên cả các hình thức khác. 

Tôi nghĩ rằng chính phủ loại trừ bất cứ các tổ chức nào mà họ cho là có thể gây đe dọa. Họ buộc tội bằng các quy định luật pháp rất mơ hồ và quá chung chung giống như tuyên truyền chống nhà nước hay hoạt động muốn lật đổ chính quyền. 

Những điều luật như thế này cho phép giới chức có thể có thêm thời gian thư thả điều tra, và tạm giam họ tại những nơi mà nghiên cứu của chúng tôi cho thấy họ thường bị tra tấn để lấy lời khai theo đúng những gì mà chính quyền cáo buộc họ. 

BBC: Sự cứng rắn của chính phủ liệu có thể hiện một sự khủng hoảng chính trị bắt nguồn từ các vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam? 

Chúng tôi đánh giá trước bối cảnh thông tin tự do, việc sử dụng ngày càng tăng các mạng xã hội đã khiến chính quyền Việt Nam càng cảm thấy bị đe dọa nhiều hơn. Bởi vì những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động ngày càng trở nên có dũng khí hơn trong việc chia sẻ thông tin ra bên ngoài. 

Sự kết nối của mạng internet cũng cho phép mọi người có thể trao đổi các thông điệp và các vấn đề khác nhau như những người chống tham nhũng có thể trao đổi với các nhà vận động quyền đất đai, hay với những nhà hoạt động dân chủ và tự do tôn giáo. 

Hiện tượng giao thoa thông tin này đang xảy ra trên mạng internet vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ và bây giờ chắc chắn khiến chính phủ cảm thấy lo ngại. 

Họ sẽ quan tâm chú ý đến những mảng thông tin nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Nỗi sợ về ngọn đuốc cháy trên khắp khu vực Trung Đông và về Mùa Xuân Ả Rập. Thậm chí, một vài nhà hoạt động cũng đề cập đến cách mạng hoa nhài ở Việt Nam. 

Và hiển nhiên rằng điều này đã tạo ra mối quan ngại lớn trong bộ máy an ninh rằng phải bảo đảm để không có gì nằm ngoài quyền kiểm soát của họ. 

Họ đang áp dụng tối đa các biện pháp nhằm ngăn cản khả năng nổi dậy có thể xảy ra trong dân chúng. 

Ảnh - Biểu tình chống Trung Quốc năm 2011 nhanh chóng bị chính quyền dập tắt 

Ví dụ là các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Khi ở thời điểm bắt đầu, người xuống đường nói những điều đúng ý chính phủ, như việc chính phủ không hài lòng trước hành động của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

Họ đã cho phép những cuộc biểu tình này diễn ra trong vòng một hay hai tuần. Tuy nhiên, không lâu sau đó chính phủ tiến hành ngay các biện pháp trấn áp mạnh tay, một phần bởi vì họ thấy những cuộc biểu tình tiềm ẩn khả năng vượt ra ngoài tầm kiểm soát. 

BBC: Kinh tế Việt Nam nói chung được dự đoán sẽ đi lên. Vậy, ông có nghĩ sẽ là không bình thường nếu cho rằng trong khi kinh tế đang cải thiện thì tình hình chính trị lại đi vào lối mòn? 

Đảng cộng sản Việt Nam không đưa ra bất cứ giải pháp mở nào đối với những nhóm hay tổ chức khác mà có chính kiến chống lại nhà cầm quyền. 

Quan điểm của chính phủ Việt Nam về thể chế chính trị đa nguyên là cuộc chơi không tồn tại vì nếu họ cho phép bất kỳ ai bày tỏ quan điểm chống lại chính quyền thì bằng cách này hay cách khác họ nghĩ điều này sẽ xóa bỏ chính thể. 

Đây là cách nghĩ vô cùng hạn chế về những quan điểm phản kháng chính trị. Đồng thời, nó phản ánh rằng Việt Nam không hề thực thi hay tôn trọng nhân quyền bất chấp thực tế rằng Việt Nam đã thông qua một thỏa thuận quốc tế về các điều khoản cốt lõi của nhân quyền. 

Đối với chính phủ Việt Nam, thỏa thuận này chỉ như là mảnh giấy mà họ ký với mục đích nhằm đánh lạc hướng cộng đồng quốc tế. 

Chính quyền Việt Nam về nguyên tắc cho rằng nhân quyền có nghĩa là lạm dụng đến quyền cai trị của họ. 

BBC: Nhìn sâu hơn, theo ông, những ảnh hưởng chính trong cấu trúc chính trị ở Việt Nam là gì? 

Một điều rõ ràng là Bộ Công an đang ngày càng có thế lực ở Việt Nam, họ có mối quan hệ cộng sinh với đảng Cộng sản Việt Nam và với các nhà lãnh đạo như thủ tướng chính phủ. 

Bằng việc tạo ra kẻ thù như tuyên bố rằng những người vừa bị bắt đang cố lật đổ chính quyền Việt Nam, điều này giúp họ có lý do để tăng cường quyền lực. 

Một phần của điều này còn là việc vi phạm nhân quyền, vi phạm các quyền tự do ngôn luận, cấm tham gia vào các nhóm và tổ chức mà người dân mong muốn. 

Những động thái này sẽ được bộ công an nhìn nhận là chống lại chính quyền. Và đó là lý do tại sao, họ dùng đến những tội an ninh như điều khoản tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước,v.v.

Các luật lệ này quá chung chung và nhiều lỗ hổng trong việc định nghĩa để được sử dụng dưới bất cứ hình thức nào mà bộ công an muốn biện hộ cho việc xử tù của họ. 

BBC: Ông nghĩ gì trước ý kiến một ngày nào đó Việt Nam sẽ nhìn thấy sự hình thành của một Mùa xuân Ả Rập? 

Thực sự tôi không thể nói trước điều gì. Chắc chắn có lo sợ như vậy trong tâm khảm những người đứng đầu bộ công an và bộ chính trị, tin rằng đang tồn tại một nhóm hay một tổ chức nào đó muốn có một Mùa xuân Ả Rập ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào như vậy. Chúng tôi chỉ nhận thấy những công dân Việt Nam bình thường yêu cầu quyền lợi của mình như việc dân chúng muốn kiềm chế tệ nạn tham nhũng, yêu cầu được viết những gì họ muốn trên các trang blog cá nhân miễn là không có chủ trương gây bạo lực. 

Như vậy, rõ ràng là chính phủ đã đánh đồng những người đã ôn hòa thể hiện sự bất đồng chính kiến với hiện tượng Mùa xuân Ả Rập. 

Thay vì nên được ghi nhận như là một quốc gia tôn trọng nhân quyền, giới chức đã dùng các biện pháp độc đoán nhất nhằm chống lại các hình thức chống đối chính phủ. Họ đã coi đây là mối nguy hiểm đe dọa đến quyền lực của họ. 

Lại nói về trường hợp bắt giữ gần đây ở Phú Yên, tôi nhắc lại, chính phủ nên cho phép những người này được tiếp xúc với gia đình luật sư và đảm bảo rằng họ không bị đối xử ngược đãi trong trại giam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét