Chân dung lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và cha của bà là tướng Aung San được bày bán tại một cửa hiệu nhỏ ở làng Phwartheinkha, Kawhmu. Ảnh chụp ngày 08:02:2012; REUTERS/Soe Zeya Tun
Đức Tâm RFI
Miến Điện đã « thành thực » lựa chọn dân chủ hóa, cho phép tiến hành các thay đổi « hài hòa », chứ không phải trong đổ máu như đã xẩy ra trong các cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập hoặc tại Irak hay Afghanistan. Đó là quan điểm của chính quyền Miến Điện, được thể hiện rõ ràng trên nhật báo chính thức New Light of Myanmar.
Trong một bài bình luận số ra ngày hôm nay, 09/02/2012, tờ báo cho rằng những ví dụ tại Irak, Afghanistan cho thấy « những sai lầm chiến lược » của những kẻ chỉ biết « chuẩn bị va-li và nói tạm biệt » với các nước bị tàn phá, đổ nát trong đống tro tàn, bỏ mặc dân chúng « khóc than và đau khổ ». Và các cuộc cách mạng trong thế giới Ả Rập thực sự cũng không khác biệt gì với tình hình ở các nước nói trên.
Do vậy, tờ báo đối ngoại của chính quyền Naypyidaw khẳng định : Điều này sẽ không xẩy ra tại Miến Điện và Miến Điện sẽ tiến hành những thay đổi « hài hòa ».
Vào tháng Ba năm ngoái, chính quyền độc tài quân sự đã tự giải tán và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ « dân sự », với các thành viên chủ chốt là các cựu tướng lãnh.
Điều gây ngạc nhiên cho cộng đồng quốc tế là nhóm lãnh đạo mới này lại liên tiếp tiến hành nhiều cải tổ « ngoạn mục », cho phép lực lượng đối lập chính là Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ được đăng ký hoạt động trở lại và lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi, lần đầu tiên, được quyền ra tranh cử trong cuộc bầu cử bổ sung vào đầu tháng Tư tới.
Giới quan sát cho rằng cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập có thể so sánh với sự sụp đổ của Liên Xô cũ. Ảnh hưởng của phong trào này lan tỏa ra nhiều nơi. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền nhận định là cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập tác động đến tình hình tại ít nhất là 26 quốc gia trên bản đồ chính trị thế giới. Một số thay đổi tích cực đã được ghi nhận ở 12 quốc gia, trong số này có Cuba và Miến Điện.
Theo báo New Light of Myanmar, « lòng quyết tâm thực sự của chính phủ cũ đã giúp đất nước tiến lên trên con đường dân chủ một cách ổn định và hòa bình của chính phủ mới là rõ ràng ». Nhật báo nhận định, Miến Điện « là một nền dân chủ không trải qua những khổ đau » như các nước Ả Rập, với bằng chứng là chính phủ mới đã tiến hành các cuộc đối thoại hòa bình với nhiều tổ chức nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số.
Năm 2003, tướng Khin Nyunt, Thủ tướng trong chính quyền độc tài quân sự dưới sự lãnh đạo của Thống soái Than Shwe, đã đưa ra một lộ trình xây dựng « một nền dân chủ có kỷ luật » với 7 giai đoạn.
Bỏ ngoài tai những chỉ trích của phương Tây, chính quyền độc tài quân sự đã thực hiện từng giai đoạn nói trên và vào tháng 11 năm 2010, thực hiện giai đoạn 5, tức là tổ chức tổng tuyển cử, cho dù cuộc bỏ phiếu này bị phương Tây coi là « trò hề », vì Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ bị giải tán và bà Aung San Suu Kyi vẫn bị quản thúc tại gia vào thời điểm đó.
Rồi đến đầu năm 2011, giai đoạn 6 được thực hiện với việc triệu tập Quốc hội mới.
Giai đoạn cuối trong « lộ trình » cải cách chính trị Miến Điện là « xây dựng một Nhà nước hiện đại, phát triển và dân chủ », được lãnh đạo bởi những người do các tổ chức lập pháp bầu ra. Các tổ chức này cũng sẽ thành lập chính phủ và các tổ chức trung ương khác.
Để gạt bỏ những nghi ngờ về thực tâm cải cách của chế độ Miến Điện, các nước phương Tây một mặt xem xét từng bước giảm nhẹ cấm vận, mặt khác, sẵn sàng hỗ trợ chính quyền Naypyidaw trên con đường dân chủ hóa. Vừa qua, Hoa Kỳ thông báo thực hiện quy trình trao đổi đại sứ với Miến Điện. Trong tháng Tư, Liên Hiệp Châu Âu sẽ khai trương văn phòng đại diện. Một Ủy viên châu Âu sẽ công du Miến Điện từ 12 đến 14 tháng Hai để thảo luận việc trợ giúp nước này 150 triệu euro.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét