Đã qua rồi cái thời nông dân liên tục khiếu kiện chuyện mất đất vì các dự án, các khu công nghiệp (KCN). Giờ đây họ bước vào một cuộc chiến khác. Cuộc chiến với ô nhiễm, tệ nạn… cùng rất nhiều hệ lụy đang biến cuộc sống xung quanh bộ mặt hào nhoáng của các KCN thành những bi kịch xót lòng.
Cuộc chiến đòi quyền thở
Mấy năm nay chuyện Cty này, doanh nghiệp nọ bị phát hiện xả thải ra môi trường như Vedan, Sonadezi... gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động của các nhà máy đến khu dân cư lân cận. Buồn thay số bị vạch mặt kiểu ấy không nhiều, ở một số vùng nông dân vẫn dai dẳng đấu tranh ... đòi quyền thở.
Con kiến mà kiện củ khoai
KCN Quang Minh gần như chiếm trọn diện tích đất của thị trấn Quang Minh, thị trấn Chi Đông và xã Tiền Phong của huyện Mê Linh (Hà Nội). Chuyện KCN này gây ô nhiễm môi trường thực ra đã rêu rao từ nhiều năm trước, nhưng phải đến độ giữa năm ngoái mới ầm ĩ khi người dân không chịu nổi kéo nhau lên chính quyền, xộc thẳng vào các nhà máy để biểu tình.
Nghe đâu trong đợt biểu tình ấy, hơn 500 người dân ở thị trấn Quang Minh và xã Tiền Phong còn tụ tập nhau dùng xe ô tô chở đất cát đổ vào bao bì đắp thành đê để bịt miệng cống xả nước thải của KCN Quang Minh. Họ sắm đầy đủ trống cờ rồi băng rôn, khẩu hiệu. Cuộc biểu tình ấy cũng kéo được một số cơ quan chức năng vào cuộc, phạt hành chính vài ba nhà máy gây ô nhiễm rồi bặt tăm. Năm nay dân tiếp tục kêu, tiếp tục kiện tiếp tục đòi biểu tình nhưng khí thế dường như đã giảm đi nhiều lắm. Họ cứ dai dẳng bám trụ để đấu tranh, không muốn bỏ cuộc nhưng đơn độc quá.
Bà Thịnh: Dân tôi đơn độc quá |
Dai dẳng đến mức một cán bộ quân đội về hưu như ông Ngô Văn Minh, hiện đang làm tổ trưởng tổ dân phố 10 thị trấn Quang Minh, nói nản: Ôi dào, kêu gì nữa, đơn thư có, xử phạt có nhưng rồi đâu lại vào đấy. Dân chúng tôi nản chí hết cả rồi, thua họ rồi.
Tổ dân phố số 10 tiền thân là thôn Ấp Tre, xã Quang Minh. Ngay cả khi thành công dân thị trấn thì cuộc sống của mấy trăm hộ dân vẫn dựa vào đám hành tây, bãi lúa với dải đất trồng ngô ven mương tiêu nước tự nhiên chảy dọc cánh đồng. Độ mười năm về trước Ấp Tre là cánh đồng màu mỡ còn con mương tiêu nước chẳng khác nào món quà tự nhiên ban cho người dân cả xã Quang Minh thời ấy nguồn nước tưới.
Dân uống nước giếng khơi, giặt giũ bằng nước mương vẫn cứ sống khỏe. Vậy mà bây giờ con mương ấy đang ngày đêm phả vào Ấp Tre thứ mùi không thở nổi. Còn nước giếng chỉ có mỗi nhiệm vụ tưới vườn. Tất cả cũng từ KCN mà ra cả.
Nhắc lại chuyện “biểu tình bảo vệ môi trường” năm ngoái, ông tổ trưởng tổ dân phố buồn lắm. Ông buồn không phải vì mấy lần bị cấp trên gọi lên thẩm vấn vì sao để tình trạng lộn xộn ấy xẩy ra trên địa bàn mình mà là vì cuộc biểu tình đó chết yểu rồi trở thành cột mốc đánh dấu bà con bùng lên đấu tranh lần cuối để chán nản mà rủ nhau bỏ cuộc. Còn giờ này ông chán, ông bức xúc vì chẳng biết kêu ai, vì: Không biết người ta xử lý kiểu gì mà dân kêu rát cả họng mà chẳng có biến chuyển gì cả.
Hai đường cống bị lấp năm ngoái nối những điểm nước xả thải từ KCN Quang Minh chảy đến mương tiêu ở thôn Ấp Tre, qua Đầm Và rồi chảy qua các thôn Ấp Giữa, Ấp Trung, Do Thượng, Do Hạ của xã Tiền Phong, qua Vân Trì rồi đổ ra huyện Đông Anh. Cứ đêm đến là các nhà máy lại xả nước thải ra mương.
Nước chảy đến đâu bốc mùi đến đó, thối không chịu nổi. Thứ nước này có màu đen đặc sánh, có nơi thì váng nổi vàng khè như gỉ sắt. Những chỗ nước chảy qua, các loại cây như rau muống, cỏ dại, bèo tây… đều cháy đen hoặc vàng lụi. Nước bơm lên ruộng cho lúa phủ xóa bọt bong bóng như xà phòng. Đến nỗi loài bèo tây nổi tiếng “ăn bẩn” vậy mà thỉnh thoảng vẫn bị “quá liều” chết rạp cả một khúc mương.
Ông Minh bảo rằng bản thân mình cũng như tất cả người dân xứ này chẳng biết độ độc hại đến đâu, nhưng cái dạo KCN mới xả thải những hộ dân có nhà nằm bên bờ mương cứ kháo nhau rằng cái mùi ấy dù thối lắm nhưng lại…dễ ngủ. Chỉ lạ mỗi một điều, ngủ càng nhiều người càng rộc ruộc xanh xao. Mãi đến khi thấy trong người mệt mỏi, đến trạm y tế khám mới biết họ bị nhiễm độc mà lịm người chứ đi chẳng phải “dễ ngủ” như họ nghĩ.
Không "đấu" thì chết
Cuộc chiến chống lại ô nhiễm môi trường với KCN Quang Minh của dân địa phương bây giờ dường như chỉ còn mỗi lão nông Hạ Văn Sinh (64 tuổi) là còn mặn mà. Từ dạo biểu tình rầm rộ vào năm ngoái đến giờ ông Sinh thỉnh thoảng lại đi vận động bà con mỗi người đóng 10 ngàn để ông lấy tiền mua xi măng về bịt cống xả thải của KCN. Nhưng hầu hết dân mấy xã chịu ô nhiễm đều tỏ ra ngờ vực khả năng của lão: Bịt xong họ lại cho phá đi thôi.
KCN Quang Minh vẫn đang mâu thuẫn trầm trọng với dân Mê Linh |
Vậy mà lão vẫn kiên trì. Thoạt đầu nghe dân làng kháo nhau về lão tôi cứ tưởng lão phải là hiệp sĩ hay Bao Công đứng ra đấu tranh bảo vệ môi trường cho xóm làng. Nhưng gặp lão rồi, nghe lão trình bày lý do xong lại thấy xót. Xót cho lão, xót cho cả mấy trăm hộ dân làm phận “con kiến mà kiện củ khoai”.
Thì ra lý do để người đàn ông hơn 60 tuổi nặng chưa đầy 50 kg này làm việc nghĩa đấu lại KCN gây ô nhiễm lại đơn giản đến buồn: Nguồn nước ô nhiễm ăn vào đủ thứ bệnh nhưng không ăn thì không sống được. Ngày ngày nhìn con tôi, cháu tôi phải uống nước ấy thì kiểu gì cũng đổ bệnh. Ở đất này hầu hết các gia đình phải đi mua nước đóng bình về sinh hoạt. Nhưng đó là chuyện của những nhà có tiền, chứ như gia đình tôi thì chịu.
+ “Nơi gần nhất chúng tôi có thể kêu là trưởng thôn và cán bộ xã. Nhưng có lẽ họ ở nhà to, kín như bưng nên cứ tỉnh khô như không. Ngày càng có nhiều người chết trẻ. Con cái tôi cứ đòi bán nhà rồi cạch mặt cái KCN này mà đi. Nhưng nghèo thế này thì biết đi đâu", bà Lưu Thị Thịnh. + “Các nhà máy, Cty về đây họ chỉ quan tâm đến tiền còn dân tôi sống ra sao không cần biết. Tiền bị xử phạt vì ô nhiễm chắc chắn thấp hơn rất nhiều tiền xử lý nước thải nên chỉ có chúng tôi chịu thiệt mà thôi”, ông Minh đúc kết. |
Thiếu thốn đến đâu chẳng cần biết chứ từ dạo hai năm trước, khi ông chồng mất vì bệnh ung thư thì gia đình bà Lưu Thị Thịnh ở Ấp Tre tuyệt nhiên chẳng còn dám đụng đến nước giếng khoan. Họa hoằn lắm con cháu bà múc lên tưới rau hoặc giặt giũ chứ bản thân bà luôn dặn chúng dù có phải bán nhà cũng cố mua nước lọc mà uống. Từ ngày chồng mất hễ cứ nghe có đoàn nào về kiểm tra nước thải trong KCN là bà Thịnh lại lò dò đi xem thử “họ làm ăn thế nào”.
Mấy bận bà nghe người ta bắt được quả tang toàn bộ nước thải của một nhà máy đang xả trực tiếp ra ngoài con mương mà trước kia gia đình bà vẫn múc nước đó về sinh hoạt. Rồi họ hì hục lấy mẫu đi phân tích, đến lúc nghe kết quả xét nghiệm nước thải ấy có cả chất gây ung thư thì bà mất hồn mất vía. Thì ra trong KCN Quang Minh phần lớn các nhà máy, Cty không đấu nối với hệ thống xử lý nước thải.
Mà giả sử có đấu thì cũng chỉ sử dụng vào mấy đợt có đoàn về kiểm tra, còn lại cứ nhằm mương chảy trong khu dân cư mà xả. Ban đêm ai biết được ai làm. Nhưng điều làm bà Thịnh thấy nản là có những Cty bị phát hiện xả thải hơn mức cho phép gấp 10 lần nhưng chỉ bị phạt hành chính qua qua rồi đâu lại vào đó.
Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét