Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Hãng Mỹ Kiện Tỉnh Bình Thuận, Đòi Bồi thường 3,75 Tỉ Đôla

Hãng Mỹ Kiện Tỉnh Bình Thuận, Đòi Bồi thường 3,75 Tỉ Đôla, Vì cấp phép khai thác mỏ titan trên đất dự án du lịch của hãng này

SAIGON -- UBND tỉnh Bình Thuận bị kiện đòi 3,75 tỉ USD. Bản tin trên báo Pháp Luật cho biết như trên.
Báo này ghi rằng, “Cho rằng Bình Thuận cấp phép cho người khác khai thác titan trong dự án du lịch nên Công ty South Fork (Mỹ) kiện ra Trọng tài Quốc tế đòi bồi thường.”
Theo báo Pháp Luật, vào ngày 8-9, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận, Công ty Luật Dardene & Boyd, Inc., đại diện cho Công ty South Fork (Mỹ), có thư từ chối cuộc gặp mặt với UBND tỉnh Bình Thuận trong các ngày từ 5 đến 15-9. Đây là cuộc gặp mặt liên quan đến việc South Fork khởi kiện UBND tỉnh Bình Thuận ra Trọng tài Quốc tế yêu cầu bồi thường 3,75 tỉ USD vì South Fork cho rằng tỉnh đã cấp phép khai thác titan ngay trong dự án du lịch của họ.


Cuối năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép cho Công ty TNHH South Fork được đầu tư vào khu du lịch tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) với diện tích 600 ha. Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định giao hơn 3,3 triệu m2 đất giai đoạn 1 cho dự án này. Khi giao đất, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu ràng buộc: Sau ba tháng South Fork phải hoàn thành việc góp vốn pháp định; sau năm tháng kể từ ngày ký quyết định giao đất mà công ty chưa triển khai thực hiện dự án tỉnh sẽ thu hồi quyết định giao đất đợt 1 (dù có hoàn thành việc góp vốn). Tuy nhiên, đến tháng 5-2010, tỉnh kiểm tra, thấy South Fork vẫn chưa triển khai đầu tư.
Báo Pháp Luật ghi:
“Trước đó, vào tháng 10-2007, UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép cho Công ty Đường Lâm khai thác titan trên diện tích hơn 120 ha đất trong diện tích 600 ha nói trên. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc cho phép Đường Lâm khai thác titan là dựa vào ba biên bản thỏa thuận giữa Đường Lâm với South Fork.
Lấy lý do tỉnh đã giao đất nhưng lại cho công ty khác khai thác titan nên tháng 9-2010, South Fork ra thông báo dừng mọi hoạt động để chuẩn bị thủ tục khởi kiện UBND tỉnh ra Trọng tài Quốc tế.”
Đặc biệt, tranh chấp thương mại này còn liên hệ tới tòa Tổng Lãnhs ự quán VN ở Mỹ.
Báo Pháp Luật ghi nhận:
“Tiếp đến, Công ty Luật Dardene & Boyd đã có các cuộc gặp gỡ với những người liên quan tại Văn phòng Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) để hòa giải nhưng bất thành. Sau đó họ đã gửi thư mời đại diện phía Việt Nam qua Mỹ để gặp gỡ từ ngày 1 đến 15-8. Dardene & Boyd cho rằng thân chủ của họ thiệt hại đến 3,75 tỉ USD vì phải thiết kế lại trên dự án ven biển rộng 600 ha nên tăng vọt chi phí tái tạo đất, bãi biển do việc khai thác titan gây ra và các lợi nhuận thất thoát khi không xây dựng được khu du lịch.”
Hồ sơ kiện này đang níu áo nhiều cơ quan cấp cao tại VN, theo một lá thư cho biết Trọng tài Quốc tế đã chấp thuận xử kiện. Báo Pháp Luật viết:
“Ngày 24-8, Thường trực Trọng tài Quốc tế đã gửi email đến Công ty Luật Dardene & Boyd, Vụ Luật pháp Quốc tế - Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan nơi có trụ sở của Tòa án Quốc tế CIJ (Cour Internationale de Justice - La Haye) thông báo việc Trọng tài Quốc tế thụ lý vụ kiện.
Trong email, Thường trực Trọng tài Quốc tế cho biết đã chọn các trọng tài viên gồm ông John Y. Gotanda, Chủ nhiệm, GS luật ĐH Luật Villanova (Mỹ); GS Campell McLachlan, ĐH Luật Victoria ở Wellington (New Zealand) và ông Neil Kaplan, cố vấn Trọng tài Quốc tế ở Hong Kong, thực hiện việc phân xử vụ kiện. Thường trực Trọng tài Quốc tế cũng thông báo hai bên tranh chấp có trách nhiệm cung cấp các tài liệu liên quan cho ông Kaplan.
Công ty Luật Dardene & Boyd cũng nhìn nhận số tiền đòi bồi thường 3,75 tỉ USD là “lớn đáng kinh ngạc” nhưng lại cho rằng tương ứng với những tổn thất của thân chủ...”
Nguồn: Việt Báo Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét