Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Trung Quốc có thể bảo vệ được "lợi ích cốt lõi" tại Biển Đông hay không?

Đặt giả thuyết rằng Trung Quốc thực sự coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, bài viết của Toshi Yoshihara  James R. Holmes, Đại học Hải chiến Mỹ, phân tích khả năng thành công của Trung Quốc trong việc bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của mình tại Biển Đông. Khía cạnh mà tác giả tập trung phân tích chủ yếu nhằm vào năng lực quốc phòng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Có cảm giác quanh các báo cáo rằng Trung Quốc đã tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của quốc gia. Các quan chức cao cấp của Trung Quốc được cho là đã đưa ra khái niệm này trong một cuộc gặp kín vào tháng 3 năm 2010 với hai chức sắc của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James B. Steinberg và ông Jeffrey Bader, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.[1] Tiếp đó, trong bài phỏng vấn với Tạp chí “The Australian”, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tiết lộ rằng đoàn đại biểu Trung Quốc đã tái khẳng định tuyên bố của Bắc Kinh trong Đối Thoại Chiến Lược và Kinh Tế Mỹ-Trung lần thứ 2 được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 5 năm 2010.[2] Từ đó xuất hiện rất nhiều các tranh cãi về của ngữ cảnh cũng như nội dung chính xác của các phát biểu tại các cuộc họp đó.[3] Từ đó, các quan chức Trung Quốc đã kiềm chế công khai mô tả Biển Đông theo thuật ngữ chính thức và cứng nhắc đó.
Sự mơ hồ và tranh cãi xung quanh vấn đề này gợi nhớ đến một sự kiện tương tự cách đó 15 năm, khi khủng hoảng tại Eo biển Đài Loan lên tới đỉnh điểm. Vào thời điểm đó, một vị tướng của Trung Quốc đã nói với cựu đại sứ Hoa Kỳ, Chas Freeman rằng lãnh đạo Hoa Kì “nên lo cho Los Angeles hơn lo Đài Loan”. Phát biểu đó được cho là sự úp mở về một mối đe dọa hạt nhân.[4] Sự phủ nhận sau này của Trung Quốc về điều này đã tạo nên sự mập mờ về bản chất của cuộc đối thoại không chính thức này. Tuy nhiên, những sự kiện này cho thấy rằng Bắc Kinh thường khoanh đỏ những vấn đề mà họ coi là tối quan trọng đối với lợi ích của mình. Chúng cũng cảnh báo về việc xem các phát ngôn của Trung Quốc như thật.
Đặt giả thiết cho cuộc tranh luận rằng Trung Quốc coi vấn đề Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của quốc gia. Việc khẳng định lợi ích đó đã đặt tầm quan trọng của vùng nước đó lên mức dành cho các vùng lãnh thổ như Tây Tạng, Đài Loan và Tân Cương mà Trung Quốc xem như một phần lãnh thổ quốc gia không thể tách rời của họ và sẽ bảo vệ bằng mọi giá. Điều này cho thấy một mục tiêu chính trị với phạm vi đáng ngạc nhiên. Để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của mình, Trung Quốc có thể tăng cường các nỗ lực ngoại giao và quân sự ở mức cao nhất. Nhưng liệu Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) có thể thực hiện điều đó và bằng cách nào?
Liệu Bắc Kinh có các phương tiện quân sự, chiến lược và tinh thần chiến đấu quả cảm để bảo vệ được lợi ích quan trọng này của quốc gia? Đánh giá khả năng hiện tại và những khả năng tiềm ẩn của Trung Quốc sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách và các nhà phân tích xác định liệu mục đích của Bắc Kinh tại Biển Đông có nằm trong khả năng các phương tiện quân sự của họ hay không. Nếu không, cần xác định thời gian và nguồn lực mà Trung Quốc phải đầu từ để có thể bảo vệ được lợi ích cốt lõi của mình. Đánh giá được điều này sẽ gợi ý các nước liên quan chủ yếu trong khu vực có thể đối phó như thế nào với chính sách ngày càng tham vọng của Trung Quốc mà không khiêu khích một sự phản ứng thái quá từ Bắc Kinh.
Phạm vi các mục tiêu chiến lược
Trước tiên cần xác định Bắc Kinh hàm ý gì trong cụm từ “lợi ích cốt lõi” và chỉ đạo chiến lược nào xuất phát từ lợi ích đó? Nếu lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc thực sự xử lí vấn đề Biển Đông như đã từng làm với Đài Loan thì có thể thấy rõ một số ngụ ý chiến lược sau:
Chủ quyền lãnh thổ là không thể chia cắt. Nếu lãnh đạo Trung Quốc coi chủ quyền trên biển không thể tách khỏi chủ quyển trên đất liền thì không thể để các tranh chấp về lãnh thổ không được giải quyết vô thời hạn.[5] Mặc dù Bắc Kinh đã có ý định gác lại các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi sang một bên vì mục đích khai thác chung nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng quan điểm của Trung Quốc về sự toàn vẹn lãnh thổ là bất khả xâm phạm. Vì thế dù thế nào thì Trung Quốc phải tìm được cách giải quyết cho vấn đề này.
Trung Quốc cần sức mạnh vũ trang để chiếm giữ các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đang có tranh chấp. Theo đó, nếu Biển Đông là lợi ích cốt lỗi cần được đảm bảo trong bất cứ hoàn cảnh nào thì Trung Quốc phải chuẩn bị những điều cần thiết nhằm đánh bại nỗ lực từ các nước bên ngoài để có thể biến nguyên trạng hiện tại thành một thực tế chính trị lâu dài. Bắc Kinh cần có đủ khả năng để chiếm giữ toàn bộ và nguyên vẹn tất cả vùng lãnh thổ đang có tranh chấp đồng thời ngăn cản ý định đảo ngược các lợi ích của Trung Quốc từ kẻ thù.
Trung Quốc phải áp đặt một trật tự mới trong khu vực. Để củng cố sự thống nhất quốc gia và bảo vệ tất cả các lợi ích cốt lõi của mình, Trung Quốc phải thiết lập một trật tự mới trong khu vực bất chấp những thách thức từ những nước láng giềng và các cường quốc bên ngoài. Nước này có thể thiết lập trật tự khu vực đó bằng sự đồng thuận hoặc ngoại giao cưỡng bức, tùy thuộc vào hoàn cảnh. Tuy nhiên để ngăn chặn các mối đe dọa đến trật tự mà Trung Quốc thiết lập, việc xây dựng một lực lương hải quân thống trị ở khu vực là điều khôn ngoan.
Những gợi ý này sẽ thúc giục các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hướng tới quan điểm tối đa hóa lợi ích cốt lõi của quốc gia. Nếu Bắc Kinh hành động dựa trên các gợi ý này thì Biển Đông sẽ trở thành một cái hồ của Trung Quốc trong đó PLA chặn mọi đường vào của hải quân nước ngoài.

Một sự diễn giải khiêm tốn hơn căn cứ vào lịch sử Hoa Kỳ cũng có khả năng xảy ra. Một số người ở Trung Quốc xem Biển Đông, Hoa Đông và Hoàng Hải mà những người dân thường Trung Quốc gọi một cách đơn giản là ''Tam Hải” (ba vùng biển) hoặc ''Cận Hải'' (các vùng biển gần) theo cách tương tự mà những người Mỹ thế kỷ 19 xem biển Caribbean và Vịnh Mexico là hai khu vực mà Hoa Kỳ phải chiếm hữu để hiện thực hóa tiềm năng chính trị và thương mại của nước này.[6] Ngoại trừ một số ít các đảo chiếm từ Tây Ban Nha năm 1898, Washington không có tuyên bố lãnh thổ nào ở Caribbe hay vùng Vịnh và cũng không ngăn cản các tàu chiến của châu Âu tại khu vực này. Chính quyền Mỹ chủ yếu muốn ngăn chặn những nỗ lực của Châu Âu để có được các căn cứ Hải quân xuyên qua các làn đường biển dẫn đến eo đất Trung Mỹ, vị trí tương lai của một kênh đào xuyên đại dương.
Đó là chính xác là mục đích mà tổng thống Theodore Roosevelt muốn nói đến trong “Hệ luận” năm 1904 của ông đối với học thuyết Monroe. Roosevelt tuyên bố quyền hạn chế để can thiệp vào công việc của các quốc gia Caribe kém phát triển không có khả năng trả các khoản vay cho các ngân hàng Châu Âu. Các chính phủ Châu Âu thường gửi tàu chiến để chiếm các phòng thuế hải quan ở những quốc gia này để trả nợ cho những chủ nợ của họ. Để có thể làm như vậy, họ đã chiếm hữu lãnh thổ ven biển thuộc châu Mỹ nơi mà họ có thể biến thành căn cứ Hải quân dọc theo các làn đường biển Caribe. [7] Một viễn cảnh như thế là điềm xấu đối với các nhà chiến lược hàng hải Hoa Kì.
Tại sao việc chặn trước sự xâm nhập châu Âu quan trọng như vậy? Đối với nhà tư tưởng về sức mạnh biển Alfred Thayer Mahan, Eo đất (Isthmus) tạo nên một “cổng vào” Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ ''.[8]Đào một kênh ngang qua Nicaragua hoặc Panama và bảo vệ các cửa ngõ hướng đến kênh đào đó là mối quan tâm lớn nhất của Mahan. Ông tiên đoán rằng '' các quốc gia thương mại táo bạo '' như nước Đức dưới thời Kaiser sẽ đấu tranh giành các thuộc địa có vị trí địa chính trị, như các đế quốc Tây Ban Nha và Anh đã làm trong nhiều thế kỷ.[9] Mahan cho rằng Hoa Kỳ bây giờ đặt lợi ích vượt trội lên eo đất này, do cả lợi ích thương mại đang phát triển ở vùng Viễn Đông và vì vị trí địa lý đặc biệt của nó mà đã cản trở '' sự liên lạc nhanh chóng và an toàn giữa hai vùng bờ biển của chúng ta''.[10] Đối với ông, sự lưu thông tự do vận tải quân sự và thương mại giữa bờ Đông và bờ Tây, và giữa Bắc Mỹ và Châu Á, tạo thành lợi ích cốt lõi của Mỹ tại Vùng vịnh và biển Carribe.
Để giữ vững lợi ích cốt lõi này, Mahan đòi hỏi lực lượng Hải quân Mỹ cần có 20 tàu chiến để có thể “chiến đấu, với những cơ hội chiến thắng hợp lý, lực lượng lớn nhất có thể được đem đến để chống lại nước này” ở các vùng biển phía Nam. [11] Một đội tàu “có khả năng tạo ra những cú đánh mạnh” và có thể giành lấy “quyền làm chủ trên biển” từ các đạo quân châu Âu được phái đến châu Mỹ.[12]
Biển Đông là câu trả lời của Trung Quốc cho Biển Carribe và Vùng Vịnh. Với vai trò là con đường biển quan trọng đến Ấn Độ Dương và eo Malacca, Biển Đông cũng khá giống với các biển nửa kín của Mỹ. Bán đảo Malay và quần đảo Sumatra nổi lên là một không gian địa lý, tạo nên một eo đất lớn, mà dưới con mắt của người Trung Quốc giống như eo đất đã từng ám ảnh Mahan. Và Biển Đông cũng giống như biển Carribe của Mahan, là một vùng biển mà chỉ có một quốc gia biển lớn là Trung Quốc bao quanh nó. Hai biển kín là Baltic và biển Đen, mà tiếp giáp với một cường quốc lục địa nổi bật là Nga, cũng đặt ra một tình huống tương tự. Liên Xô đã xây dựng một lực lượng hải quân mạnh để biến những biển trên thành của mình. Dường như các tình huống tương tự tạo ra các chiến lược tương tự.
NẾU TẬP TRUNG VÀO BIỂN ĐÔNG, TRUNG QUỐC CÓ THỂ XAO NHÃNG CÁC LỢI ÍCH Ở BIỂN HOÀNG HẢI VÀ BIỂN HOA ĐÔNG
Nhưng mà nước Mỹ cuối thế kỷ vẫn nằm rất xa khỏi các mối đe dọa từ các cường quốc chính khác. Nước này có khả năng để ngỏ bờ biển Thái Bình Dương hoặc Đại Tây Dương của mình ít nhiều không cần phòng thủ để tập trung năng lượng của mình vào một sự mở rộng kín đáo. Trung Quốc thì lại không có lợi thế này. Nếu nước này chỉ tập trung hải quân vào việc xử lý các tranh chấp ở Biển Đông thì sẽ có thể mất những lợi ích quan trọng ở biển Hoàng Hải và Hoa Đông. Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục gây phiền nhiễu ở ngay cửa ngõ biển của Trung Quốc. Đối thủ kình địch là Nhật Bản thì đang khoe mình với một đội tàu đẳng cấp thế giới và một vị trí chiến lược trên các con đường giao thông vận tải (sea lines of communication SLOCs) của Trung Quốc. Tình thế bế tắc trên eo biển Đài Loan vẫn bị kéo dài, lần lữa, đòi hỏi sự quan tâm chính sách của Trung Quốc. Cùng lúc đó, lợi ích biển ngày càng lớn kêu gọi sự chú ý của Trung Quốc đến các vùng biển bên ngoài Đông Á và đến các nhiệm vụ như chống cướp biển. Bắc Kinh không thể thờ ơ trước những vấn đề như vậy, những vấn đề có thể vắt kiệt các nguồn lực của các đội quân Đông Nam Á.
Đọc toàn bộ bản dịch tại đây

Toshi Yoshihara, James R. Holmes 
PGS. về chiến lược trường ĐH Hải chiến Hoa Kỳ 
Quách Huyền (dịch) 
Đỗ Thủy (hiệu đính)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét