Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Dùng cả xe cứu thương để vận chuyển thịt thối

Hàng loạt vụ vận chuyển thịt thối tuồn vào TP.HCM được phát hiện đã gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều loại xe có thương hiệu hoặc xe chuyên dùng cũng tham gia chở thịt thối.
 
Sẽ ra sao nếu như số thịt thối này lọt vào các quán ăn, nhà hàng và người tiêu dùng sẽ ăn mà không hay biết gì? - Ảnh: Nguyễn Phúc

Có nhiều vụ nhà xe chở thịt bẩn liên tục tái phạm, thậm chí khi bị phạt thì không thèm đến đóng tiền phạt
Bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, TP.HCM


Thật khó để tưởng tượng, nhưng đối với một số nhà xe chạy tuyến Bắc - Nam hiện nay, "hành khách" yêu thích của họ là các loại thực phẩm, gồm: nội tạng gia súc, chân gà, móng lợn, đuôi bò… thối. Theo lời khai của các tài xế lúc bị phát hiện thì hầu hết điểm đến của số "hành khách" không mấy thơm tho thường là ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM - thị trường tiêu thụ lớn nhất nước. Các chủ hàng sử dụng các loại xe chuyên chở thịt thối cũng rất đa dạng. Từ xe khách loại 12 chỗ ngồi, đến xe khách chất lượng cao, thậm chí là… xe cứu thương.
Nội tạng, chân, đuôi, tai trâu, bò thối…
Lúc 3 giờ sáng 28.10, trên QL1A đoạn qua xã Cam An (H.Cam Lộ, Quảng Trị), đội tuần tra 8.1 (Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Trị) phát hiện chiếc xe khách 88H- 6634 chở trên khoang hành lý 12 thùng xốp với 600 kg nội tạng, chân, đuôi, tai trâu, bò bốc mùi hôi thối. Chiếc xe này xuất phát từ Vĩnh Phúc do Nguyễn Quốc Nhâm (SN 1969, trú Vĩnh Phúc) điều khiển có "nhiệm vụ" vận chuyển số thịt thối này vào TP.HCM.
Trước đó, xe khách 73L- 4850 do Nguyễn Văn Xá (SN 1955, trú P.Bắc Nghĩa, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) cũng đã bị CSGT (Công an tỉnh Quảng Trị) bắt giữ ngày 24.5 trên QL1A (đoạn qua xã Vĩnh Chấp, H.Vĩnh Linh) khi đang chở 630 kg nội tạng động vật thối. Sau khi bị xử phạt 4 triệu đồng và tài xế Xá bị tạm giữ giấy phép lái xe 60 ngày, chủ xe tiếp tục giao xe cho một tài xế khác chạy thì một lần nữa bị cơ quan chức năng bắt giữ khi chở 350 kg nội tạng heo.
Ngày 19.9, đội tuần tra 1.9 (Phòng CSGT, Công an Quảng Trị) phát hiện xe khách "VIP" Yến Hải chạy tuyến Vientiane (Lào) - Quảng Nam mang BKS 43B-002.74, do Lâm Quang Dũng (SN 1980, trú Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) điều khiển, chở theo 3 thùng đuôi bò, 5 thùng móng trâu thối, với tổng trọng lượng trên 500 kg. Trung tá Nguyễn Văn Thủy (Đội phó Đội tuần tra 1.9) cũng cho biết: "Trước đó, ngày 10.9, chiếc xe này cũng đã bị chúng tôi bắt giữ vì chở theo 600 kg thịt gia súc thối tương tự. Nhưng sau khi bị xử phạt, nhà xe lại tiếp tục vi phạm…".
Heo sữa, da heo, lòng gà… đổ về thành phố
Trong khi đó, tại TP.HCM, các cơ quan chức năng cũng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thịt thối.
Chỉ trong vòng nửa tháng, từ 16 - 31.10.2011, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện 11 vụ vận chuyển gần hơn 4 tấn heo sữa, nội tạng, thịt, da heo, lòng, thịt gà… không dấu kiểm soát giết mổ, không giấy kiểm dịch sản phẩm động vật, không rõ nguồn gốc... Trong đó có 3 vụ tái phạm nghiêm trọng với tang vật bị phát hiện lên đến hơn 2 tấn thịt thối. Bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, cho biết: "Có nhiều vụ nhà xe chở thịt bẩn liên tục tái phạm, thậm chí khi bị phạt thì không thèm đến đóng tiền phạt".
Điều đáng nói hơn là tham gia vận chuyển thịt thối có cả những xe khách có thương hiệu. Chẳng hạn khi xe mang biển số 53N-9339 (tài xế Nguyễn Văn Dũng, SN 1980, ngụ tại Thanh Hóa) vận chuyển trong khoang hành lý 12 thùng xốp gồm 636 kg chân trâu bò không rõ nguồn gốc về TP.HCM tiêu thụ thì lực lượng chức năng phát hiện toàn bộ lô hàng đã biến chất, bốc mùi hôi thối. Xe khách biển số 43B-000.39 (tài xế Lê Công Trình, SN 1982, ngụ tại Hà Tĩnh) cũng chở trong khoang hành khách 4 thùng xốp gồm 228 kg lòng heo không rõ nguồn gốc về TP.HCM tiêu thụ. Toàn bộ lô hàng cũng đã biến chất, bốc mùi hôi thối.
Ngày 5.11.2011, lực lượng chức năng còn phát hiện 3 trường hợp xe gắn máy chở sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch từ Đồng Nai về TP.HCM tiêu thụ. Tang vật vi phạm gồm 1.200 quả trứng vịt, 73 kg da heo và hơn 100 kg heo sữa đã bốc mùi…
Trạm thú y Bình Chánh khi phối hợp với Công an xã Phong Phú (H.Bình Chánh) kiểm tra tại địa chỉ B1/19 đường Tân Liêm, ấp 2, xã Phong Phú cũng phát hiện 19 con heo (238 kg) và 16 miếng thịt heo (127 kg) đã giết mổ, quầy thịt xuất huyết, đổ nhớt, biến chất...
Món chế biến từ thịt thối có thể gây ung thư
Trao đổi với PV Thanh Niên, một chuyên gia về vệ sinh thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM, cho biết: "Những nguyên liệu như đuôi bò thường sẽ được dùng chế biến trong các món lẩu. Còn móng heo, móng bò, móng trâu thường dùng nấu lấy nước súp, nước lẩu. Chân gà thì chế biến thành chân gà rút xương, chân gà hấp hành, chân gà hầm vị thuốc, chân gà nướng. Các tạng phủ, bộ đồ lòng thường được chế biến làm các món nhậu...".
Theo chuyên gia này, các sản phẩm thịt động vật cho dù không bị hư, không bị biến chất, nhưng nếu không qua khâu kiểm dịch thú y thì cũng rất nguy hiểm. Bởi đó có thể là những sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm từ động vật mắc bệnh than, bệnh lở mồm long móng, nhiễm vi sinh, nhiễm vi khuẩn E.coli, hoặc heo mắc bệnh tai xanh, bệnh cúm... Do vậy, không được sử dụng, vì chắc chắn sẽ gây hại cho sức khỏe. Còn nếu sản phẩm đã qua kiểm dịch, nhưng bảo quản, vận chuyển không đảm bảo ATVSTP khiến thịt, móng bị hư, hôi thối, biến chất thì càng nguy hiểm hơn. Khi đó, thịt đã bị biến chất sinh ra những độc tố, bị nhiễm vi sinh, nhiễm nhiều vi khuẩn đường ruột. Và khi chế biến có thể làm lây lan mầm bệnh ra cộng đồng rất nguy hại.
T.T
Chỉ có thể làm... phân bón
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, nhấn mạnh: "Các loại thịt, sản phẩm động vật từ nội tạng, chân móng... một khi đã bị hôi thối thì chỉ có thể làm phân bón, tuyệt đối không được chế biến món ăn sử dụng cho người. Bởi vì thịt, nội tạng động vật khi đã hư, hôi thối, protein sẽ bị phân hủy, sản sinh ra rất nhiều độc chất. Nội tạng như gan bản thân nó là cơ quan xử lý độc chất cho cơ thể khi động vật còn sống, khi phân hủy như thế càng độc hơn nữa".
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật ATVSTP VN, phân tích: "Cần phải làm rõ nguồn gốc những sản phẩm nội tạng động vật có xuất xứ từ đâu. Vì những bộ đồ lòng, nội tạng, chân móng động vật nhiều nước không sử dụng, là những thứ họ bỏ đi, để khỏi xử lý môi trường họ cho VN nhập về. Gan thì thường được làm patê; đuôi bò nấu cháo, nấu lẩu; bộ đồ lòng làm món nhậu. Để xử lý những sản phẩm động vật bị hư, hôi thối này, các quán ăn, nhà hàng thường cho hóa chất tẩy mùi và kèm hóa chất tẩy trắng. Rồi dùng phụ gia, phẩm màu, gia vị nồng độ thật nặng để chế biến thành các món ăn mà người tiêu dùng rất khó để nhận ra".
Theo bác sĩ Ký, món ăn chế biến từ những sản phẩm động vật bị hư, hôi thối chẳng những không có tí chất dinh dưỡng nào, mà còn rất độc hại, và có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng.
THANH TÙNG
 
Nguyễn Phúc - Quang Thuần - Hoàng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét