Mike Ives – AP
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
-
Kỳ Sơn, Việt Nam – Đây là nơi tầng lớp trung lưu đang lên tại Việt Nam đang tìm mọi cách để phô trương tính hào nhoáng của mình: một khu nghĩa trang nằm ở cuối con đường có cổng chào vàng “Đại lộ Vĩnh Cửu”, nơi thân nhân có thể đặt mua trực tuyến rượu Hennessy để cúng mộ.
“Khu đất này có thế phong thuỷ tốt,” Bùi Mai Phương, một kế toán viên 53 tuổi của một công ty nhà nước, người đã đến xem khu đất trong một chuyến đi tham quan gồm hơn 20 người dân Hà Nội. Bà đang cân nhắc việc đầu tư 240 triệu đồng (11.430 Mỹ kim) – vào khoảng 10 năm thu nhập của một người Việt bình thường – cho một mộ phần rộng 30 mét vuông.
“Chúng tôi phải chăm sóc linh hồn bố mẹ mình,” bà Phương nói.
Dịch vụ cúng giỗ trực tuyến của nghĩa trang là dịch vụ đầu tiên trong lĩnh vực này ở Việt Nam. Những thân nhân bận rộn có thể mua đồ cúng hậu sự – từ hoa quả cho đến gà luộc hoặc rượu Cognac đắt tiền – bằng một cú nhấp chuột. Các nhân viên nghĩa trang sẽ đem những hiện vật này đến mộ và gửi băng thu hình hoặc ảnh của việc cúng bái qua email.
.
Khu đất mới sang trọng này làm nổi bật những tương phản đang xuất hiện trên đất nước mà Phật giáo chiếm đa số này. Đây là nơi những truyền thống lâu đời gặp gỡ văn hoá tiêu dùng cuồng loạn, được kích thích bởi một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Mối mâu thuẫn này được thể hiện rất rõ rệt tại thủ đô Hà Nội và trung tâm thương mại phía nam là Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tầng lớp giàu có mới nổi thích chơi trội đua nhau mua tivi màn hình phẳng và nhập khẩu xe hạng sang, vẫn nhớ đến ngày cúng giỗ Âm lịch để đến thắp hương cho tổ tiên mình tại những ngôi chùa cũ kỹ trong những con hẻm.
Nhưng những mâu thuẫn này cũng đang trải dần đến vùng thôn quê – vốn từng là một vùng đất ngái ngủ với những cánh đồng lúa và trâu cày, nhưng giờ đây đang ngày càng trở thành những khu du lịch năm sao, khu công nghiệp và sân gôn.
Khu nghĩa trang rộng 98 héc ta cách Hà Nội khoảng 50 ki lô mét về phía tây, nằm tại phía bắc của tỉnh Hoà Bình, đang hi vọng thu lợi từ việc bán những lô mộ cao cấp mà họ quảng cáo là sẽ tạo ra địa vị cao hơn cả phần mộ.
Người Việt tưởng nhớ tổ tiên bằng các đốt hương và đặt đồ cúng tại phần mộ hoặc trang thờ trong nhà, trong đó có cả thức ăn, vàng mã, rượu và thuốc lá, được xem là để nuôi dưỡng linh hồn ở bên kia thế giới. Truyền thống xưa cũng chỉ ra rằng các gia đình phải thăm viếng mộ phần của người thân quá cố trước ngày giỗ và Tết Nguyên đán.
Dịch vụ cúng giỗ trực tuyến thời thượng tạo điều kiện cho những người Việt đang ở xa hoặc thậm chí ở nước ngoài thực hành những nghi thức truyền thống bằng một máy tính xách tay và thẻ MasterCard.
“Dịch vụ này rất tiện lợi,” Tô Hoài Dũng, một kỹ sư xây dựng 29 tuổi từ Hà Nội nói, anh đã đặt mua trực tuyến hoa quả và rượu trắng cho người ông của mình. “Nó không thể thay thế cho việc thờ cúng truyền thống, nhưng nó cũng giúp chúng tôi cảm thấy yên lòng hơn.”
Việc hậu sự không phải là rẻ. Với giá 8 triệu đồng (400 Mỹ kim) một mét vuông, giá khu đất nghĩa trang này cao gần gấp bốn lần giá đất địa ốc tại những thị trấn gần đấy. Một gia đình đã bỏ ra 1,5 tỉ đồng (71.500 Mỹ kim) để mua một lô mộ rộng 200 mét vuông, đủ để chôn vài thế hệ với thảm cỏ được cắt xén tươm tất, bao vây bởi những luống lan và hàng rào trắng. Thêm vào đó, giá bia mộ có thể lên đến 1 tỉ đồng (48.000 Mỹ kim).
Mặc dù với một trang mạng lộng lẫy, khu nghĩa trang này vẫn còn trong quá trình xây dựng nên chẳng thể tìm được chút yên tĩnh nào. Nó có vẻ như là một khu mỏ bụi bặm với những chiếc xe tải chở đất đang ầm ầm chạy trên “Đại lộ Vĩnh Cửu” vừa mới trải nhựa trong khi máy khoan đất đang liên tục xoáy vào nhng bậc đồi trơ trụi.
Trần Tuấn Anh, phó giám đốc công ty nghĩa trang tư nhân nói rằng có khoảng 10 nghìn lô mộ đã được đặt mua. Nhưng cho đến nay chỉ mới có 30 người được chôn cất, với khoảng gần chục người sử dụng dịch vụ cúng giỗ trực tuyến.
Sự thuận tiện của việc nhấp và kéo chuột có thể hấp dẫn hầu hết thế hệ Việt Nam trẻ sành sõi kỹ thuật.
Hơn phân nửa dân số của đất nước 87 triệu người sinh sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào năm 1975 và hơn một phần tư người Việt sử dụng Internet, gần gấp đôi tỉ lệ trung bình của những quốc gia trên khắp châu Á, theo thông tin của Liên Hiệp Quốc. Vô số những người trẻ trên khắp đất nước dùng thời gian trưa của mình để chơi trong những cửa tiệm bẩn thỉu cho thuê trò chơi trực tuyến.
Bà Phương, người có cha mẹ đang ở gần tuổi 90, nói rằng bà hiểu việc thờ cúng trực tuyến có thể hấp dẫn thế hệ tuổi hai mươi. “Điều tốt nhất là con cháu chúng ta nên đến thăm viếng mộ,” bà nói. “Nhưng nếu chúng quá bận, chúng ta cũng phải chấp nhận điều này.”
Nhưng nhân viên Bộ Tài chính 38 tuổi Nguyễn Lê Hoa, người cũng đã tham dự chuyến tham quan mua sắm mộ phần vừa qua, nói rằng việc sử dụng Internet để cúng ảo mộ phần tổ tiên có thể phù hợp với một số người, nhưng chắc chắc sẽ không thích hợp đối với những ai vẫn tin rằng tính truyền thống vẫn thắng tính hiện đại.
“Trong gia đình tôi,” Hoa nói. “Điều này không thể chấp nhận được.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét