Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Hiệu trưởng, giáo viên cũng nói ngọng

Sau bài "Hà Nội sửa nói ngọng", VnExpress nhận được hàng nghìn phản hồi của độc giả ủng hộ đề án này, đồng thời đề xuất sửa nói ngọng triệt để cho đội ngũ giáo viên.

> Hà Nội sửa nói ngọng

Trẻ nhỏ cần được giáo viên dạy phát âm đúng khi bắt đầu tập đọc. Ảnh minh họa: Hoàng Thùy.

Anh Nhật Minh (Hà Đông, Hà Nội) có con đang học tại trường mầm non của quận cho hay, từ khi con anh đi học gia đình phát hiện cháu thường xuyên nói ngọng. Mọi người tưởng cháu học các bạn trong lớp.
"Mãi đến hôm khai giảng năm học tôi đến dự mới thấy cô hiệu trưởng phát biểu, nói ngọng từ đầu đến cuối. Tôi chợt nghĩ, đến cô hiệu trưởng còn nói ngọng như thế thì làm sao các cháu không bắt chước", anh Nhật viết.
Độc giả Hoàng Bích chia sẻ, một số thầy cô dạy trường điểm ở trung tâm Hà Nội còn nói ngọng.

"Con tôi đi học về kể các cô dùng giọng địa phương dạy. Cháu nói cứ đến giờ cô dạy thì cả lớp cười khúc khích vì lẫn lộn l, n", chị Bích kể. Theo chị, việc sửa nói ngọng cho các thầy cô giáo thực sự cần thiết bởi nó ảnh hưởng đến khả năng nói của trẻ.
"Nhà trường khi tuyển giáo viên nên có tiêu chí không nói ngọng bởi là người thầy thì cần có ngôn ngữ chuẩn, thế mới dạy đúng cho học sinh", chị kiến nghị.


Là nạn nhân trực tiếp của giáo viên nói ngọng, độc giả Nguyễn Tiến Dũng (Mê Linh, Hà Nội) bày tỏ, ở quê anh đa số người dân đều phát âm sai l - n. Anh nhớ, hồi nhỏ được các cô giáo tiểu học dạy là "nờ cao, nờ thấp" nên khi phát âm thì sai hết. Lúc đấy anh nghĩ điều này không quan trọng.
"Nhưng khi đi làm, việc nói ngọng rất bất lợi. Tôi đang cố gắng để sửa nhưng quả thực không dễ. Thế nên tôi mong ngành giáo dục nên dạy trẻ phát âm đúng từ mẫu giáo, tiểu học bởi càng về sau càng khó sửa", anh Dũng đề xuất.
Độc giả Hà Thành kể, anh được một giáo viên người Hà Nội gốc cho biết, trong nửa đầu thế kỷ 20, giáo viên tiểu học của Hà Nội (kể cả ngoại thành) không ai nói ngọng vì tiêu chuẩn giáo viên là không có dị tật, không nói ngọng. Học sinh nói không chuẩn được thầy cô sửa ngay từ khi bắt đầu đi học.
"Cô kể rằng những người Hà Nội thời đó nếu nói ngọng được cho là thất học, thế nên tuyệt nhiên không ai phát âm sai. Vậy mà hiện nay một số giáo viên đại học, địa vị cao trong xã hội cũng nói ngọng. Tôi cho rằng ngành giáo dục Hà Nội đang làm một việc rất có ý nghĩa để khỏi biến thủ đô thân yêu của chúng ta thành "Hà Lội thanh nịch", Hà Thành viết.
Nguyên Viện trưởng Viện lúa Nguyễn Văn Luật cũng đồng ý rằng nói ngọng là do thói quen chứ không phải tập quán địa phương. Ông kể, khi ông mới xin thành lập trường thuộc Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (ở Ô Môn, TP Cần Thơ), Phòng Giáo dục được giao quản lý chuyên môn, còn Viện tự trả lương và được tuyển giáo viên.
"Có cô giáo ở Hà Nội vào dạy lớp 1 nói ngọng. Tôi đã khoán là sau 3-6 tháng nếu không sửa được sẽ mời đi nơi khác. Thế là vài tháng sau cô ấy không còn ngọng nữa", ông Luật kể và cho hay để sửa phát âm cho giáo viên, ông đã từng soạn "giáo trình" bằng bốn câu thơ có n, l.
Bản thân là thầy giáo, anh Văn Lập nhấn mạnh, đã là giáo viên thì phải nói chuẩn tiếng phổ thông. Thầy cô nói chuẩn thì học sinh sẽ học theo, từ đó góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. "Đã sửa thì không nên chỉ sửa các âm l-n mà nên sửa hết các âm sai như d-r-gi, x-s, tr-ch... Việc sửa cũng nên thực hiện ở tất cả địa phương có phát âm sai", anh Lập kiến nghị.
Độc giả Nguyễn Hoàng Sơn tâm sự, chuyện nói ngọng l-n cứ tưởng là không bao giờ được nhắc đến, không ngờ lại có cả một cuộc cách mạng. Với ông, dù người đối diện có chức vụ gì, giỏi đến đâu mà khi nói chuyện, phát biểu nói ngọng ông cũng thấy mất thiện cảm.
"Thường xuyên xem chương trình truyền hình, tôi để ý thấy có nhiều phát thanh viên, các vị lãnh đạo phát âm sai. Tôi nhớ những ngày đầu đi học được các thầy cô uốn nắn phát âm từng ly từng tý. Hy vọng, lãnh đạo ngành giáo dục quan tâm đến việc đào tạo giáo viên có kỹ năng chuyên môn tốt và phát âm chuẩn, đặc biệt chú trọng vào giáo viên mầm non và tiểu học", ông Sơn nói.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường và ngành sư phạm không tuyển thí sinh nói ngọng, nói lắp, bị dị tật…Tuy nhiên, Hiệu phó CĐ Sư phạm Hà Nội Vũ Ngọc Phương thừa nhận, hiện một số sinh viên của trường vẫn nói ngọng.
"Đó là điều không thể tránh khỏi bởi khi thi tuyển chỉ có các ngành năng khiếu là có thể kiểm tra được phát âm của thí sinh, những ngành khác chỉ thi 3 môn văn hóa. Để khắc phục, chúng tôi phải vừa dạy, vừa sửa cho các em và quy định em nào nói ngọng sẽ không được đi thực tập", ông Phương cho hay.
Hoàng Thùy


1 nhận xét:

  1. Gọi vấn đề là nói "ngọng" thì không đúng. Bởi vị ngọng là một khuyết tật. Cái bệnh "nờ cao, nờ nùn" là cái bệnh xuất phát từ cái bệnh "nổ" của dân Hà Lội. Sao lại gọi là "nổ" (đúng kiểu thì phải là "lổ")? Nổ đây hiểu theo nghĩa là thích điệu bộ. Điệu bộ quá nên thành ... ngọng! :-)

    Trả lờiXóa