Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Nhớ Phạm Thanh Nghiên

http://tintuchangngay4.files.wordpress.com/2011/11/tktt-ptn.jpg?w=200
  • Nghiên thân yêu!
Sacramento đang mùa mưa ẩm ướt, tiết trời thu se lạnh, cảnh vật mấy hôm nay tự nhiên vừa ủ rũ vừa trầm tư. Trước đó, thiên nhiên nơi đây luôn hài hòa, nay trở lên buồn lắng. Khung cảnh mùa thu sao mà mênh mang, da diết lạ thường.
Từ sâu sa trong mỗi tế bào của chị như có hiện tượng thức giấc, những ký ức đắm chìm, bao kỷ niệm vùi lấp giờ bỗng bật mình trỗi dậy với tất cả sức mạnh của chồi non tơ tràn căng sức sống…

Chị nhớ em qúa chừng, nhớ gương mặt sống động, nghịch ngợm của em khi kể chuyện vui, tếu. Nhớ những nét căm hờn còn đọng lại trên ánh mắt, khóe miệng giận dữ của em mỗi khi gặp phải điều bất như ý. Mà trời ơi, trong nhà tù cộng sản thì điều bất như ý là chuyện xảy ra không chỉ từng ngày mà là từng phút, từng giây.
Nhớ đôi dép trái em đi, bộ quần áo tù em mặc, không hề như những người tù thường phạm hoặc chính trị khác, mà chỉ riêng em mới có. Đơn giản vì từ khi sinh ra trên đời, biết xỏ chân vào đôi dép để đi cho sạch, em đã quen đi trái. Nhiều khi bị bạn bè, gia đình phản đối, em cố đi lại cho đúng như mọi người thì lại bị những cạnh sắc của nhựa cứa vào làm đau nhức. Thế là thói quen tâm lý luôn chiến thắng thói quen hành động, em lại tiếp tục xỏ trái dép như cũ.
Một điều đặc biệt nữa là đôi dép em đi là dép của trại phát, cả chục người trong buồng giam cùng dùng, vì thế không thể tránh được hiện tượng nhầm lẫn mất mát. Để khỏi mất thời gian cho việc tìm kiếm, cáu gắt, em bực mình cắt phăng mũi dép đi cho bằng chằn chặn, khỏi nhầm, khỏi mất và tất nhiên trở thành độc nhất vô nhị. Vừa buồn cười, vừa…mốt.
Ngay bộ quần áo em mặc trên người cũng vậy, không giống ai. Trong khi cả trại, dù nghèo hay giàu, đều cố dồn 3 bộ kẻ ngang lại để may thành một bộ kẻ dọc, trông đỡ “tù” túng, giống với xã hội hơn. Riêng em quan niệm: “Quần áo không làm nên thầy tu, thì cũng không làm nên người tù, vì thế, đã buộc phải mặc thì kẻ ngang, kẻ dọc nào có quan trọng gì? Việc gì phải mất tiền, mất công sửa đi sửa lại mà thân tù thì mãi vẫn là thân phận tù.”
Chính vì lý lẽ sắc sảo ấy của em mà cả trại một mình em một kiểu, áo kẻ ngang, rộng thùng thình, dài qúa khổ, chưa kể em chỉ cần duy nhất một bộ để xuất xưởng, về trại. Còn bộ kia, do trong lúc sơ suất, bị lũ tù tự giác đóng dấu phạm nhân to tướng, đen sì vào sau lưng, em đã tức giận vứt vào sọt rác luôn. Thế là thành “công tử nhất bộ”.
Chế độ độc tài cộng sản được xây dựng lên bởi những kẻ vô học, thất đức…Bao người tài, người có công với cách mạng bị “cha già dân tộc” giết chết trong cải cách ruộng đất, chỉnh huấn, chỉnh quân, thanh trừng nội bộ…Trớ trêu thay (hay là điều tất yếu phải xảy ra), những tên lãnh đạo cộng sản này đã trở thành những thằng thầy phản diện, dạy cho công an phải biết lắng nghe và làm theo ý muốn của chúng. Và công an, theo thời gian, càng ngày càng trở thành những học trò vô cùng…xuất sắc. Tự bọn chúng, với tư chất gian manh, láu cá đã nhanh chóng nhận ra rằng: Trong môi trường xã hội chủ nghĩa, cái gọi là tội ác, tham nhũng, dối trá không phải là cái quái thai, dị biệt mà ngày càng trở nên phổ biến, ngày càng nhan nhản khắp nơi. Vì vậy, tội gì không hùa theo bầy sói đói, sói đỏ ở trung ương mà gào… Chính chúng nó đã làm hư hỏng xã hội và con người Việt Nam. Còn chị em mình, đau đớn thay, không thể nào chịu nổi một xã hội ngày càng tha hóa, xuống cấp, đi ngược lại truyền thống đạo đức của ông bà, tiên tổ nên đã âm thầm đứng lên chống lại và trở thành nạn nhân của bọn khốn, sớm hay muộn cũng phải vào tù.
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chum lại nên hòn núi cao”. Sau khi Lê thị Công Nhân về, đến lượt em vào thế chỗ. Một tháng sau đến chị và Trần Ngọc Anh. Từ lúc nhận được tư tưởng, tình cảm của nhau, ba chị em lúc nào cũng dính như keo, đến mức lãnh đạo trại phải tìm mọi cách để cấm vận theo kiểu quan thầy của chúng: “Chia để trị”. Ngày lễ, ngày nghỉ, chúng khóa cổng khu lại để ba người không gặp được nhau, nói xấu đảng và nói xấu trại. Tất nhiên, số đông chị em tù cũng bị ảnh hưởng theo. Lập tức những tiếng la lối vọng lên từ khắp các khu: “Trời ạ, trước kia có bao giờ cấm trại thế này đâu, chỉ vì mấy con phản động mà cả trại khổ lây”.
Thời gian đầu, một mình chị làm ở đội bạc, phải xuất trại để đến xưởng. Một ngày 9,10 tiếng đồng hồ bị hun trong lò hấp thịt người khổng lồ, nhiệt độ lúc nào cũng ở mức 42, 45, thậm chí 52 độ C vì cái nóng, nắng khủng khiếp ở xứ này, lại còn cả gió lào thốc tháo thổi sang. Xưởng bạc phải che chắn kín như bưng để bạc không bay. Chị không sao thích ứng nổi, lồng lên đòi chuyển sang đội ốm mà suốt 3 tháng trời lãnh đạo trại cũng như cán bộ y tế, không mảy may đoái hoài quan tâm, hành chị khốn khổ, tưởng phải ra núi Mành* đến nơi. Ấy thế, khi toàn trại có lệnh xuất xưởng, cả đội thêu của em và đội may của Ngọc Anh đều phải xuất theo. Ba chị em mình vừa kịp chụm đầu bên nhau được hai ngày, sang ngày thứ 3, sợ ảnh hưởng tới tình hình an ninh chung của trại, chị lập tức bị chuyển về đội trồng rau, thuộc khu vực nông nghiệp cách xa em và Ngọc Anh cả một quãng dài. Ngày thường không thể có thời gian gặp nhau nữa, chỉ có thể trông thấy nhau vào những ngày nghỉ cuối tuần, khi cả ba cùng đồng tâm hiệp lực, kiên quyết không ra khỏi buồng vào thứ 7, chủ nhật. Câu nói “nổi tiếng” của chị em mình đã được ghi vào kỷ lục “ghi net” của trại, đồn khắp các khu, qua miệng của cả nghìn chị em tù:
- Chúng tôi là con người, không phải sức trâu, sức ngựa mà muốn sỏ dây thừng vào mũi lôi đi đâu, bắt làm gì cũng được.
Hoặc:
- Xin lỗi, đây không có nhu cầu làm việc vào thứ 7, chủ nhật, xin các vị nhớ cho.
Và:
- Tôi không làm, có đánh chết tôi cũng cũng không làm. Cải tạo một tuần 5 ngày là đủ lắm rồi.
Co kéo, dọa nạt, gằn hắt mãi không được, từ cán bộ quản giáo đến lãnh đạo trại phải kiềng chị em mình, coi như “không chấp” ba chị em nhà knt*.
Ấy thế, tranh thủ gặp nhau trong nửa tiếng đồng hồ ăn cơm, chị và Ngọc Anh kéo sang chỗ em, chỉ một, hai bữa là lãnh đạo trại lại hoảng lên, quyết bắt ba đứa phải tách ra thành ba “cù lao cô đơn”, ba “vì sao hấp hối” không được gặp nhau, cũng như không cho gặp cánh tù thường phạm của trại. Hễ cứ dính lấy nhau, y như rằng trưởng buồng được cán bộ quản giáo gọi lên phòng thi đua nhắc nhở, và lại tự đặt mình vào mối quan hệ con người cầu xin con người:
- Chị xin em, bà Tuyết vừa gọi chị lên xong, bà nhắc người khu nào phải về khu ấy, không được tự ý sang khu khác sinh hoạt. Bọn em “án ngắn” không sao, chứ bọn chị án dài, cần phải được xét giảm. Em thương chị, thương các cháu côi cút ở nhà, đừng tụ tập ăn uống ở đây nữa mà khổ chị, khổ lây cả các cháu ra…
Các tù thường phạm khác, hễ cứ léng phéng muốn mượn báo chí, sách vở hoặc trao đổi “cuối mắt đầu mày” với chị em mình là trăm lần như một, bị điệu lên phòng gặp cán bộ, bị “tổng sỉ vả” tối tăm mặt mũi:
- Muốn ăn vả hả, có muốn ăn vả không, có biết Trần Khải Thanh Thủy, Phạm Thanh Nghiên, Trần Ngọc Anh là ai không mà dám quan hệ hả?
Ấy thế tấm biển của trại bao giờ cũng đề: “Trật tự, kỷ cương, tình thương, pháp luật”. Không hiểu tình thương ấy là thứ tình thương gì khi người với người cũng bị cấm đoán, ngăn cản?
Trước khi vào trại, nghe chuyện Lê thị Công Nhân bị kỷ luật trước sân chung chỉ vì thương bạn tù cùng buồng, tặng bạn một cái chăn để đắp, chị đã không tin. Vào trại rồi, càng thấy những điều bất nhẫn, vô lương của đám cai tù, khi tất cả những gì Nhân để lại cho bạn tù sử dụng trước đó, đều bị lũ cai tù thu lại. Đơn giản vì chúng coi những tư tưởng của chị em mình vượt trội so với tầm kích của đám đông. Thấy tận mắt những thứ mà bạn tù không quan tâm, không hiểu biết, sợ chị em mình chỉ ra những cái sai, cái xấu lồ lộ phơi bày trong xã hội cho những người tù xấu số bất hạnh khác…Chỉ 3 chị em nhà “ktn” đã đủ loạn trại rồi, thêm vài đối tượng “ktn” nữa, chắc trại phải giải thể mất?
Những việc chị em mình làm được cho chị em tù tuy không nhiều nhưng bạn tù phải nhắc mãi.
Trong khi những tù nhân khác phải gọi cán bộ là ông, bà xưng cháu, thì 3 chị em mình một điều cán bộ, hai điều tôi, và ngược lại cán bộ cũng phải một điều chị, hai điều tôi, chứ không thể “cá mè một lứa” như với tù thường phạm được:
- Này nói lại đi, bà nào ở đây, cháu nào ở đây đấy? Đây không có bà, có cháu nào hết nghe không? Nói lại!
Đó là những câu hỏi ngược mà chị em mình vẫn dùng mỗi khi nghe lũ cai tù thân mật xưng hô bà cháu với mình.
Vẻ mặt rắn đanh, bất cần đời, giọng nói lạnh tanh, kiên trì nhắc đi nhắc lại hai tiếng: “Nói lại, cho phép được nói lại” ngược hẳn với thái độ thân tình cởi mở của chúng, khiến chúng phải giật mình, lí nhí đáp:
- Tôi xin lỗi, tôi không cố ý, lần sau tôi sẽ không thế nữa!
Thật là miếng ngon nhớ lâu mà lời đau cũng nhớ đời. Còn cánh bạn tù thì hả hê đắc thắng, rỉ tai nhau:
- Thế mới đáng mặt là tù chính trị chứ, đâu có dễ để cho chúng nó đè đầu cưỡi cổ như bọn “ đầu trộm, đuôi cướp” chúng mình được.
Ở trại, bị cấm đủ thứ, từ dao kéo, đến đồ sành sứ, thủy tinh, tất cả đều là nhựa. Xô nhựa, chậu nhựa, bát nhựa, thìa nhựa,dép nhựa v.v đến đôi đũa ăn bằng tre cũng không được dùng, bộ quần áo bò gia đình gửi lên cũng không được nhận vì trong lịch sử giam giữ của 900 trại tù lớn nhỏ ở Việt Nam, đã có biết bao vụ trọng án hoặc tự tử do xé quần, áo bò làm dây treo cổ, dùng đũa vót nhọn để đóng xuyên tai bạn tù khi đang ngủ gây ra những cái chết thảm khốc, hoặc dùng vật nhọn bằng sắt, thủy tinh, mảnh sành, sứ tấn công nhau trong những lúc tức giận. Vì thế cai tù giải thích:
- Chúng tôi cấm là muốn làm điều tốt cho các chị thôi, nếu để các chị tùy nghi sử dụng thì hơi một tí là lôi ra đâm chém giết nhau à? Ai đền mạng cho các chị?
Đáp lại lời giải thích đầy lý sự…cùn của quản giáo, em thủng thẳng:
- Thế nếu có một người tù chán đời đập đầu vào tường chết thì cán bộ cũng cho đập hết tường đi để chị em chúng tôi được “xổng chuồng” à?
Trước những cấm đoán vô lý và lời hạch hỏi của em, cai tù lập tức im bặt.
Để ngăn chặn nạn cờ bạc, hối lộ trong tù, Nội quy của trại là cấm tù nhân tiêu tiền mặt. Tất cả đều phải gửi qua ban hậu cần để nhận tiền lưu ký. Trong khi canteen của trại lại ra xác lệnh:
- Vì tiền lưu ký lãnh đạo trại chưa kịp thanh toán, nên khuyến khích tiêu tiền mặt. Nếu ai dùng tiền phiếu thì mỗi người chỉ được phép tiêu 20.000 đồng một ngày.
Giữa lúc giá cả tăng vọt, giá như người buộc xích lôi đi. Một lạng thịt đã là 12.000 đồng, chưa kể 5.000 đồng thuê tù tự giác nấu chín, thật không bõ dính răng. Ba chị em mình là những ngòi nổ đầu tiên phản đối luật lệ quái gở, oái oăm này. Chỉ một người hất hàm:
- Quy định đâu, điều mấy, khoản mấy, ai ban hành, ở đâu, lúc nào?
Hoặc:
- Tiền gia đình tôi gửi vào là giấy lộn hay sao mà không được phép chi dùng? Hay để tôi làm đơn lên trưởng trại hỏi?
Thế là cán bộ sợ líu lưỡi lại và phải rút ngay lệnh ban bố trên, dù có mua cả trăm nghìn tiền lưu ký cũng phải bán.
Mỗi lần bệnh tật đau ốm, dù đau đầu, đau bụng, hay cấp cứu cũng chỉ được hai viên xê đa hoặc cloxit, giá không đáng vài trăm đồng, đúng như cánh bạn tù truyền lại: “Đau đầu uống cloxit, đau đít uống xêđa, ha ha”.
Biết luật, cả 3 chị em cùng đòi hỏi:
- Quy định của cục V26 (cục quản lý trại giam) mỗi ngày một người tù được hưởng tiêu chuẩn là 2.000 đồng tiền thuốc cơ mà, cả tháng chúng tôi mới mò lên xin thuốc một lần, chỉ hai viên này mà đủ 60 nghìn ư?
Để khỏi há miệng mắc quai, đám lương y kiêm hà bá, thầy thuốc như mẹ mìn này không bao giờ dám đối xử trịch thượng hoặc thô bạo với 3 nhà dân oan, dân chủ chúng mình nữa. Số đông chị em tù cũng được “mát mặt, thơm lây”. Hễ vác mặt lên y xá mà xin không đủ lượng thuốc uống lại cầy cục ba chị em lên nói khó hoặc xin giúp.
Mức khoán của trại luôn ở mức cao, không phải ai cũng đủ khả năng hoàn thành, người tù đã khốn khổ vì mức khoán không đủ, ảnh hưởng tiêu chuẩn đạo đức, xếp loại, bị cắt xét giảm hàng năm,lại còn bị quản giáo dày vò, hành hạ khốn khổ. Mắng mỏ, trù dập chưa đủ, thậm chí còn dùng giày của ngành để đá đổ bát cơm trên miệng họ. Một lần chứng kiến cảnh đó, cổ họng em sôi réo nỗi căm hờn, em đứng chống nạnh, bạnh quai hàm, mắt vằn lên, chỉ thẳng tay quát mắng:
- Đồ mất dạy! công an nhân dân mà thế hả, ai đẻ ra mày, ai dạy mày dám đối xử với tù nhân thế hả, đây là 6 điều bác Hồ dạy công an phải không, hay chúng mày học tập và làm theo tư tưởng vĩ đại của bác?
Lần đầu tiên gặp phải sự phản kháng quyết liệt đến vậy, tên quản giáo nữ cứng họng, đờ hàm nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh:
- Chị là ai, việc gì đến chị? Ai cho phép chị xúc phạm đến ngành công an chúng tôi, xúc phạm bác?
- Á à, nghiến quai hàm trèo trẹo, em quay mặt về phía các bạn tù đang vây kín “ hiện trường” dõng dạc đáp:
- Mọi người làm chứng nhé, xem hôm nay tôi có dạy nổi tên công an khoác áo đảng mất dạy này không? Nếu nó không xin lỗi chị Hồng, tôi thề sẽ đưa nó ra tòa vì tội xúc phạm cơ thể và danh dự của tù.
Đám đông lập tức thu hút sự chú ý của ban giám thị trại. Biết rằng không thể áp đảo được em lúc này, bèn tìm cách xoa dịu, lùa các nữ tù vào xưởng làm việc để còn giải vây cho đồng đội…
Hành động “côn đồ” lập tức bị sửa sai thành… ”do sơ ý bước nên không để ý, không may vấp vào bát mỳ để cạnh lối đi chứ không phải dùng giày đá bát cơm chị Hồng đang ăn”.
Lời đề nghị đanh thép của em cũng lập tức được chấp thuận. Sau này cánh bạn tù kể lại: “Tên cai tù bị gọi lên gặp lãnh đạo trại mặt tái mét, cứ nhắc đi nhắc lại với đồng nghiệp tức “bà đội” của chúng nó:
- Chị ơi, liệu em có làm sao không? Có đúng như Phạm Thanh Nghiên nói em sẽ bị kỷ luật đuổi khỏi ngành hoặc đi tù một năm không hả chị?
Chuyện tù còn dài, kể cả nghìn lẻ một đêm cũng không hết, nỗi nhớ về em cũng đã vơi bớt một phần, Chị sẽ chờ một dịp thuận tiện khác để kể thêm.
Sacramento, chớm thu 2011
Trần Khải Thanh Thủy
————-
* Núi Mành: Nghiã địa của trại , nơi chôn các tù nhân khốn khổ từ năm 1947 khi mới thành lập, do tên Tống văn Sơ làm trưởng trại
* knt: Không nhận tội: Tiêu chuẩn xếp loại đạo đức hàng tháng của TKTT, PTN và TNA, trước đó là LTCN, Phạm Hồng Sơn v.v

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét