TT - Đến 20g tối 5-11, dù lượng mưa trên địa bàn Thừa Thiên - Huế có giảm nhưng hồ chứa của hai nhà máy thủy điện lớn nhất tỉnh đồng loạt tăng lưu lượng xả lũ. Nước lũ ồ ạt đổ về khiến mực nước trên sông Hương, sông Bồ lên nhanh, xấp xỉ mức báo động 3.
Chiều 5-11, nước lũ lên nhanh làm ngập sâu khu phố cổ Bao Vinh (Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Nguyên Linh |
Hàng ngàn hộ dân vùng hạ du tiếp tục bị ngập sâu 0,5-1m. Do nước lũ lên vào ban đêm nên công tác di dời, tránh lũ của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Trời nắng ráo nhưng đường phố ngập nước
Mặc dù tại TP Huế trời nắng ráo nhưng nước sông An Cựu, Đông Ba, Như Ý đều tràn bờ làm ngập sâu các tuyến đường chạy dọc ven sông như Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Hải Triều, Huỳnh Thúc Kháng... hơn 0,5m, giao thông tê liệt. Phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, Hương Trà) nằm bên bờ sông Hương bị nước lũ bao vây, uy hiếp, hàng trăm hộ dân ngập sâu trong nước lũ đục ngầu, nhiều nhà ngập hơn 1m.
Bà Nguyễn Thị Lợi (60 tuổi) - chuyên nhận gia công đồ may mặc ở phố cổ Bao Vinh - cho biết nước lũ lên nhanh trong đêm khiến nhiều đồ dùng của gia đình bà bị ngâm nước hư hại. Ba máy may và nhiều vải vóc trong cửa hàng cũng bị ngâm nước. Nhiều người dân vùng hạ du tỏ ra bất ngờ khi trời hửng nắng nhưng nước sông ồ ạt dâng lên làm ngập, chia cắt nhiều tuyến đường, uy hiếp hàng ngàn căn nhà.
Sạt lở núi, 25.000 dân bị cô lập Ngày 5-11, ông Trần Văn Mẫn - chánh văn phòng huyện Nam Trà My (Quảng Nam) - cho biết mưa lớn trong hai ngày qua đã gây sạt lở núi nhiều nơi và cô lập hơn 25.000 người dân huyện này với bên ngoài. Mọi phương tiện không thể lưu thông được. Chiều 5-11, ông Hồ Thanh Hùng chủ tịch UBND xã Trà Thanh, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) - cho biết sau nhiều ngày huy động phương tiện và nhân lực xử lý điểm sạt lở tại eo Tà Mỏ, thuộc tuyến đường Dung Quất - Bình Long - Sông Trường - Trà My, Sở GTVT Quảng Ngãi cùng chính quyền địa phương đã hốt dọn trên 5.000m3 đất đá phủ xuống đường và thông được tuyến đường này, giải thoát cho 440 hộ dân tại địa phương thoát khỏi cảnh cô lập (Tuổi Trẻ 3-11 đưa tin). ÁNH NHUNG - VÕ MINH |
Ở đầu nguồn, mưa vẫn đang đổ xuống như trút nước, lượng mưa đo được lúc 16g tại trạm Thượng Nhật là 533mm, trạm Khe Tre (Nam Đông) 648mm. Đến tối 5-11, cả hai hồ thủy điện lớn nhất tỉnh là Bình Điền và Hương Điền đều vượt tràn và đã tăng lưu lượng xả lũ, mức xả lũ lớn hơn lượng nước về hồ.
Cụ thể, hồ thủy điện Bình Điền tăng lưu lượng xả lũ lên tới 958m3/giây, trong khi lượng nước về hồ là 855m3/giây, còn hồ thủy điện Hương Điền cũng tăng lưu lượng xả lũ lên 803m3/giây, trong khi lượng nước về hồ chỉ 617m3/giây.
Ông Phan Thanh Hùng, chánh văn phòng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng hai hồ thủy điện đồng loạt xả lũ đều đúng quy trình. Nguyên nhân vùng hạ du bị ngập lũ là do lượng mưa ở thượng nguồn quá lớn.
Đến tối 5-11, em Nguyễn Hữu Khang (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Long Quảng, huyện Nam Đông) bị lũ cuốn trôi vẫn chưa tìm thấy thi thể.
Xe máy tông nhau, 4 người bị lũ cuốn chết
Đến 14g ngày 5-11, thi thể anh Võ Văn Phúc (21 tuổi, Quế Thuận, Quế Sơn, Quảng Nam), nạn nhân cuối cùng trong bốn người xấu số bị lũ cuốn trôi đêm 4-11, đã được tìm thấy. Tất cả đã được đưa về quê an táng trước sự bàng hoàng của người dân địa phương và gia đình trong cơn lũ dữ.
Trước đó, khoảng 5g sáng 5-11, người dân làng Đại An, nhà sát chân đèo Le (xã Quế Lộc, Quế Sơn) đi đưa tang thì phát hiện một chiếc xe máy nằm dưới bùn. Người dân tiếp tục phát hiện thi thể cháu Võ Nhật Trường nằm mắc kẹt trong một cây bên suối. Trên lưng cháu Trường vẫn còn đeo chiếc balô cùng sách vở của buổi chiều tan trường trước đó. Thi thể chị Nguyễn Thị Bích Thủy (44 tuổi, mẹ Trường) và ông Phạm Tánh (29 tuổi, trú xã Quế Thuận, Quế Sơn) cũng nằm cách đó chừng chục mét.
Bà Nguyễn Thị Bích, người dân địa phương, kể lại: “Khoảng 19g30 ngày 4-11, chồng bà phát hiện hai chiếc xe máy đi chiều ngược lại và cùng lao xuống lề đường sát khe Cái. Chồng bà đã kêu cứu nhưng đêm tối mưa to nên không ai nghe thấy. Nhiều người dân kéo đến nhưng bất lực nhìn dòng nước. Tại hiện trường, vết quẹt của chiếc xe máy trước khi lao xuống khe Cái vẫn còn nguyên vẹn. Tuyến đường 611 nằm sát con khe không rào chắn, lan can, không biển báo và không có người canh giữ. Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Huỳnh Tấn Triều cho biết do đây là những người từ địa phương khác đến, không quen đường đi nên đã xảy ra thảm nạn trên.
Trong khi đó tại Đà Nẵng sáng sớm 5-11, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể anh Lê Ngọc Sơn (trú xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Theo ông Nguyễn Đăng Dự - chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn: sự việc xảy ra lúc 18g ngày 4-11, khi anh Sơn đi đón con trên đường bêtông đoạn qua hồ chứa nước Trường Loan. Mưa to, nước ngập đường và nước ở lòng hồ dâng lên khiến anh Sơn bị cuốn xuống hồ nước và chết đuối.
N.LINH - T.LONG - T.VŨ - Đ.CƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét