Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Tập đoàn Việt Nam mua lại nợ Vinashin?




BBC - Lời bình của GS Trần Hữu Dũng: Lợi vào tay ai? Công ty trong nước mua nợ giúp Vinashin thoát kiện (VnEx 6-4-12) - "Đối tác đề nghị mua lại nợ của Vinashin là một tập đoàn đa ngành của Việt Nam có tiềm lực tài chính mạnh, hiện có trong tay hàng trăm triệu đôla Mỹ, có thể trả ngay lập tức toàn bộ nợ của Vinashin với giá gốc. Đây là doanh nghiệp có quản trị tốt, mức tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu hàng năm tương đối cao". Quản trị tốt? Bà Nguyễn Thanh Phượng (ái nữ Thủ tướng, Chủ tịch VietCapital) quá khiêm nhường! Phải nói là "quản trị hết sẩy!".

Hôm 6/4/2012, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin "một tập đoàn đa ngành" Việt Nam "có tiềm lực tài chính mạnh" và "quan hệ tốt với các chủ nợ của Vinashin" đã mua lại một số khoản nợ của Vinashin.

TS Lê Đăng Doanh nói doanh nghiệp trong
 nước đề nghị mua lại nợ của Vinashin là
 "có lợi" cho tập đoàn này

Đây được cho là nguyên nhân khiến quỹ đầu tư Elliott Advisors đã từ bỏ vụ kiện Vinashin lên tòa Thượng thẩm London.

Elliott, một quỹ đầu tư ở Mỹ, đã mua lại một phần khoản nợ 600 triệu đôla của Vinashin và đâm đơn kiện tập đoàn tàu thủy này hồi cuối năm ngoái vì không trả được nợ. Tuy nhiên, mới đây một số nguồn tin cho hay quỹ này đã rút lại đơn kiện.

Tờ báo từ Sài Gòn cho biết đối tác đề nghị mua lại nợ của Vinashin "có trong tay hàng trăm triệu đôla Mỹ" và "có thể trả ngay lập tức toàn bộ nợ của Vinashin với giá gốc”.

Trước đó, trước khi đệ đơn kiện vào đầu tháng 11/2011, Elliott Advisors và các chủ nợ khác đã được Vinashin "chào mời" phương án trả nợ ngay "bằng tiền toàn bộ số nợ" với mức bằng 35% mệnh giá ban đầu, tương đương 210 triệu đôla Mỹ. 

Tuy nhiên, Elliott Advisors và các chủ nợ vào thời điểm đó "đã từ chối vì cho rằng giá quá thấp", "không thể chấp nhận". 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, các chủ nợ của Vinashin có thể "thu hồi ngay một phần nợ bằng tiền" và phần còn lại sẽ nhận bằng "những công cụ nợ khác" có khả năng "chuyển đổi thành tiền" sau một thời gian. 

Các chủ nợ cũng có thể "chuyển thành công cụ nợ khác "toàn bộ phần nợ" với các công cụ nợ có nhiều loại hạn mức, kỳ hạn từ 5-10 năm, kể cả phương án "hoán đổi" hợp đồng cũ thành hợp đồng vay mới kỳ hạn 15 năm "với lãi suất Libor cộng 1,5% một năm". 

Lãi suất này sẽ tăng thêm 0,5% nữa từ năm thứ 11 đến năm thứ 15, vẫn theo tờ thời báo từ Sài Gòn. 

'Nhiều câu hỏi'

Một chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho rằng việc doanh nghiệp trong nước đề nghị "mua lại nợ" của Vinashin là "rất có lợi" cho tập đoàn này, mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh việc xử lý những người liên đới trách nhiệm trong vụ Vinashin. 

Bình luận với BBC về khả năng "một tập đoàn đa ngành" trong nước của Việt Nam "mua lại nợ" của Vinashin, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói: 
"Người ta vẫn hỏi rằng chỉ có Vinashin gây ra tác hại như thế hay sao, còn có ai có trách nhiệm để dẫn đến tình trạng Vinashin như thế này hay không?". 
(TS Lê Đăng Doanh)
"Trên thế giới trong thị trường tài chính, việc mua lại nợ để giải quyết số nợ tồn đọng, mà như trong trường hợp của Vinashin thì khả năng trả nợ đúng thời hạn là không có, và khả năng trả trong thời gian tới đây cũng rất phi phỏng, thì một số tập đoàn nào đấy có khả năng thanh toán có thể mua lại nợ đó với tỷ lệ không phải là 100% mà thấp hơn rất nhiều, thí dụ như là 30 hay 40%...

"Trong trường hợp của Vinashin tôi chắc rằng một thị trường nợ như vậy rất có lợi đối với Vinashin và cũng mở ra một khả năng giải quyết các nợ đó đối với các chủ nợ mà các công ty, tập đoàn nào đó ở Việt Nam có khả năng trả nợ, thì họ có thể đứng ra làm". 

Về các biện pháp, công cụ mua lại và giải quyết nợ mà các bên liên quan có thể thương thảo, áp dụng, Tiến sỹ Doanh cho biết thêm: 

"Trước hết, người ta sẽ được cắt giảm một số khoản nợ nhất định. Trên cơ sở đó, người ta có thể thương thảo khả năng chi trả. Khả năng chi trả có thể một phần bằng tiền tươi, thóc thật; còn có một phần khác có thể sử dụng các công cụ tài chính có giá nào đấy mà hai bên có thể thống nhất thỏa thuận với nhau...". 

Tuy nhiên trong trường hợp giải quyết một phần nợ của Vinashin này, chuyên gia không cho rằng các bên có thể chi trả bằng hiện vật mà có khả năng sẽ "sử dụng các công cụ tài chính thích hợp" nhất định để giải quyết. 

"Về chi tiết kỹ thuật, hai bên sẽ phải thảo luận kỹ lưỡng với nhau để có thể đi đến thống nhất," 
chuyên gia nói. 

'Vẫn còn băn khoăn' 
Cựu lãnh đạo Vinashin Phạm Thanh Bình
 và các bị cáo khác bị Tòa án Hải Phòng tuyên
 phạt tổng cộng 124 năm tù

Trước câu hỏi liệu công chúng và các giới quan sát trong nước đã thỏa mãn hay chưa về xử lý các sai phạm trong vụ Vinashin, trong đó có phán quyết của Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng hôm 30/3/2012, ông Doanh nói:

"Con số thiệt hại của Vinashin là quá lớn, cho nên số án tù mà ông Phạm Thanh Bình đã nhận như vậy cũng là một án tù rất cao. Về mặt đó, công luận có thể có sự hài lòng nhất định. 

"Tuy vậy, người ta vẫn hỏi rằng chỉ có Vinashin gây ra tác hại như thế hay sao, còn có ai có trách nhiệm để dẫn đến tình trạng Vinashin như thế này hay không? 

"Chả nhẽ một mình Vinashin dám tự tung, tự tác để gây ra các sai phạm như thế hay sao? Và các cơ quan giám sát, chỉ đạo thì không ai có trách nhiệm gì cả, hay sao?". 

Chuyên gia cũng cho hay công luận tiếp tục đặt câu hỏi về "cơ chế, thể chế và sự quản lý nào đã dẫn đến những sai phạm như vậy" và đòi hỏi phải rút ra bài học để tránh lặp lại những sai phạm như Vinashin. 

"Điểm thứ ba là xử những người sai phạm rồi thì tái cấu trúc Vinashin thì có kết quả tích cực gì không, thì cho đến nay, công luận vẫn chưa được thông báo. 

"Mới đây, dư luận được biết Vinashin lại xin chính phủ một khoản vay với lãi suất là 0%, có nghĩa là tình hình tài chính của Vinashin vẫn hết sức khó khăn. Vinashin khó có sản phẩm bán được để có thể lãi, hoàn vốn và trả lương cho công nhân viên chức của mình". 

'Trách nhiệm chính phủ?'

Công luận chưa thấy các lãnh đạo chính phủ Việt Nam trong giai đoạn sai phạm ở Vinashin chịu trách nhiệm cụ thể ra sao

Bình luận về trách nhiệm, nếu có, không chỉ về mặt chính trị, hành chính, của một số thành viên chủ chốt trong chính phủ tại giai đoạn xảy ra các sai phạm của Vinashin, trong đó có các vị Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực, ông Doanh nói: 

"Hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói là Thủ tướng không có sai phạm gì trong trường hợp của Vinashin và Thủ tướng đã nhận trách nhiệm và trách nhiệm đó có lẽ là trách nhiệm tinh thần hoặc trách nhiệm hành chính. 

"Còn không thấy có kiểm điểm gì, thông báo gì về trách nhiệm cụ thể gì của Thủ tướng cả, mặc dù tập đoàn Vinashin này trực tiếp đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng". 

"Còn về phần ông Nguyễn Sinh Hùng đã được cử làm Trưởng ban tái cấu trúc của Vinashin, sau đó ông chuyển sang bên Quốc hội, thì tôi không thấy sau đó có sự xem xét trách nhiệm đến đâu hay chưa. 

"Và cho đến nay vẫn chưa thấy ông Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chính thức gì về việc này cả". 

Theo truyền thông Việt Nam, vụ sai phạm ở tập đoàn Vinashin đã gây ra các thiệt hại với tổng các khoản nợ theo công bố tại thời điểm điều tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ít nhất vào khoảng 80.000 tỉ đồng. 

Ngoài ra, vẫn theo báo chí trong nước, khi bị phát hiện sai phạm, Vinashin được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2006, đang nợ ít nhất "khoảng 1 tỉ đôla từ vốn phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh". 

Tập đoàn này cùng còn được xác định các khoản nợ với một chục ngân hàng, trong đó có BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank và một số ngân hàng thương mại cổ phần. Nợ của Vinashin với các ngân hàng quốc doanh chiếm khoảng trên 50% tổng số nợ. 

Tới thời điểm năm 2010, tập đoàn công nghiệp đóng tàu vốn hoạt động đa ngành nghề này được xác định có tổng nợ tới khoảng 4,5 tỷ đôla và vào tháng 3/2011, tập đoàn vốn trong tình trạng nợ nần, phá sản đã được chính phủ tuyên bố cho phép "tái cấu trúc". 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét