21 ngư dân VN bị Trung Quốc bắt cách đây một tuần và đòi tiền chuộc phi lý hơn 200 triệu VND / mỗi người vẫn đang bặt vô âm tín.
Ba tháng, năm tàu cá và 61 ngư dân bị Trung Quốc bắt
Ông Lê Văn Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Từ đầu năm đến nay, tỉnh có 5 tàu cá với 61 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giam, tịch thu ngư lưới cụ, đòi tiền nộp phạt. Năm ngoái, Quảng Ngãi có 17 tàu thuyền với khoảng 200 ngư dân bị nước ngoài bắt và giam giữ, xua đuổi, phạt tiền, tông hỏng tàu, cướp tài sản, phạt tù..., trong đó có đến 10 trường hợp do phía Trung Quốc gây ra. Số tàu và ngư dân trên đều ở xã Bình Châu (Bình Sơn) và huyện đảo Lý Sơn.
Phú Đức
Trung Quốc phạt ngư dân Việt trên vùng biển Việt
Mạng Tin tức Trung Quốc ngày 27/3 dẫn lời Phó Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải Lưu Thiêm Vinh cho biết phía Trung Quốc quyết định xử phạt mỗi ngư dân Việt Nam 70.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 200 triệu VND).
Trung Quốc đã bắt và hiện đang giam giữ 21 ngư dân và 2 tàu cá của Việt Nam mang số hiệu QNg66101TS và QNg 66074TS.
Ngày 21/3, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ Việt Nam kiên quyết phản đối hành động bắt giữ tàu và ngư dân Việt Nam của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam.
“Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam," ông nói.
Theo người phát ngôn, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam./.
Tàu TQ 'xâm nhập vùng biển quân sự' VN
Trong lúc tạm giữ hai tàu cùng chín người Trung Quốc ở Nha Trang, lãnh đạo Biên phòng Khánh Hòa được dẫn lời nói sẽ tham mưu để xử phạt hành chính hai tàu này vì vi phạm.
Báo Tiền Phong dẫn lời Đại tá Nguyễn Đức Phúc, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa, nói chiều thứ Hai 26/3 rằng hai lỗi này là "đi biển Việt Nam không mang theo giấy tờ tàu và vào vùng biển quân sự Việt Nam không xin phép Nhà nước Việt Nam'.
Số tiền phạt đề xuất được biết vào khoảng trên mười triệu đồng Việt Nam mỗi tàu, là hình thức phạt nhẹ.
Hiện cơ quan biên phòng vẫn chưa biết nguồn gốc hai tàu Cha Le 01 và Cha Le 58, vốn bị phát hiện gần đảo Hòn Tre trong vịnh Nha Trang từ chiều 23/3 và bị giữ từ đó tới nay cùng chín thuyền viên.
Cả chín người này đều là công dân Trung Quốc.
Cơ quan biên phòng cho báo chí trong nước biết rằng bước đầu các thuyền trưởng khai báo rằng họ được chủ tàu là người Trung Quốc thuê đến Kiên Giang để chạy tàu, giữa đường gặp trục trặc nên phải tấp vào Nha Trang, cách cảng Cam Ranh 40 km.
Chủ tàu được nói đã trình bày qua điện thoại rằng sẽ mang giấy tờ tàu vào Việt Nam và nộp phạt "để tiếp tục hành trình".
Vào đường bộ rồi lên tàu?
Chính quyền địa phương cũng đã báo cáo tìm cách xử lý qua kênh ngoại giao.
Sở Ngoại vụ Khánh Hòa cho hay đã báo với Cục Lãnh sự tại Hà Nội từ hôm thứ Bảy 24/3 là "có hai tàu cập bến trái phép và hình như là tàu Trung Quốc", để Cục Lãnh sự can thiệp và xác minh.
Đại tá Hồ Thanh Tùng, trưởng phòng trinh sát Bộ đội biên phòng Khánh Hòa, nói với báo trong nước rằng tất cả chín người Trung Quốc trên tàu đều có visa nhập cảnh và vào Việt Nam bằng đường bộ.
Thuyền trưởng Trung Quốc chưa giải thích rõ mục đích của hai tàu này ở Việt Nam
Năm người vào Việt Nam từ Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài ở Tây Ninh và bốn người vào từ Trung Quốc.
Ngoài hoạt động của tàu chưa được chứng minh rõ ràng, cũng chưa xác định được tại sao những người trên vào Việt Nam bằng đường bộ sau lại được thu nạp lên tàu làm việc.
Bộ đội biên phòng đã kiểm tra và xác định đây là hai tàu chuyên dụng dùng để nạo vét và hút bùn và có kích thước lớn hơn tàu đánh bắt hải sản bình thường.
Mỗi tàu dài 100 mét, rộng 22 mét và có công suất trên 400 kW.
Thuyền trưởng là hai ông Zhang Jiang Ming, 54 tuổi, và Zeng Wang Yuan, 53 tuổi.
21 ngư dân bị Trung Quốc bắt vẫn bặt vô âm tín
Chiều 25.3, liên lạc với SGTT, bà Phan Thị Ánh, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (vợ của thuyền trưởng Bùi Thu, tàu QNg 66 101 TS) cho biết: từ khi bị bắt đến giờ, anh Thu chưa một lần gọi điện về nhà báo tin. Hiện cả nhà đang phập phồng lo lắng.
Còn Lê Thị Phúc, vợ của thuyền trưởng tàu QNg 66 047 TS Trần Hiền thì cho hay: từ đêm 20.3, sau cuộc điện thoại với người Trung Quốc qua số 8689 866 835 903 hẹn hai ngày nữa phải nộp 70.000 nhân dân tệ vào tài khoản số 220 101 240 902 195 037, mãi đến nay, thuyền trưởng Hiền không gọi về nữa và bên Trung Quốc cũng không một lần liên lạc với điện thoại với bà Phúc. "Chắc không nộp tiền nên Trung Quốc chưa thả ra", bà Phúc nói
Theo ông Lê Viết Chữ, năm 2010, các trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt, năm 2010, tỉnh Quảng Ngãi đã có chính sách hỗ trợ cho ngư dân bị thiệt hại do thiên tai, bị nước ngoài bắt với mức từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng/tàu. Theo đó, các gia đình bị tàu nước ngoài bắt còn được hỗ trợ 15kg/gạo/khẩu trong vòng ba tháng.
Phạm Anh
Tiền chuộc phi lý
Chỉ trong vòng 10 ngày, từ 22.2 đến 3.3, đã có 5 tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hành nghề đánh bắt hải sản hợp pháp trên khu vực quần đảo Hoàng Sa bị phía Trung Quốc “gây sự”.
Trong đó, 3 tàu cá số hiệu QNg 96197 TS, QNg 96103 TS và QNg 90281 TS với tổng cộng 42 thuyền viên bị phía Trung Quốc đánh đập, lấy sạch ngư cụ và hải sản bắt được rồi xua đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa trong các ngày 22 và 27.2; còn 2 tàu cá QNg-66074 TS và QNg-66101 TS do hai anh Trần Hiền 32 tuổi và Lê Vinh 46 tuổi, bị lấy sạch tài sản, bị giam cầm và đòi tiền chuộc từ ngày 3.3 đến nay. Phải mất gần 10 ngày sau kể từ khi 2 chiếc tàu cá nói trên bị “mất liên lạc”, ngày 12.3, phía Trung Quốc mới cho các ngư phủ gọi điện về nhà với một “lời nhắn” kèm theo: nộp 70.000 nhân dân tệ/tàu (khoảng 230 triệu đồng) để được thả ra.
Gần 10 năm nay, ngư dân Lý Sơn đã quá quen với kiểu “đòi tiền chuộc” này. Cuối cùng rồi phía Trung Quốc cũng buộc phải thả ngư dân Việt Nam, không đòi được một tệ nào, nhưng rồi họ vẫn cứ bắt bớ, đánh đập và đòi tiền chuộc!
Một bên là xua đuổi, bắt bớ, đòi tiền chuộc còn một bên thì vẫn cứ tiếp tục ra khơi bám biển, bất chấp tai ương luôn rình rập mình. Cuộc “thi gan” ấy đã diễn ra ngót 10 năm nay tại quần đảo Hoàng Sa. Sẽ có người hỏi: sao đánh cá ngoài Hoàng Sa đầy hiểm nguy như vậy mà ngư dân Lý Sơn vẫn cứ ra ngoài đó? Ngư dân Mai Phụng Lưu, người từng 4 lần bị Trung Quốc bắt và tịch thu tàu, đã trả lời trong một buổi truyền hình trực tiếp rằng, vì đó là ngư trường truyền thống của ngư dân Lý Sơn, vì đó còn là sự tiếp nối những chuyến hải hành của ông bà từ hàng trăm năm trước. Vì đó là Tổ quốc!
Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm trái phép. Vì vậy, việc phía Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ, đánh đập rồi tịch thu tàu cá của ngư dân Việt Nam là vi phạm những nguyên tắc ứng xử trên biển Đông, là vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Những ngày qua, một số học giả Trung Quốc và báo chí của nước này đã nói theo hành động ngang ngược trên đây và cho rằng ngư dân ta đã xâm phạm lãnh hải của họ. “Nói qua nói lại” là quyền của họ, nhưng chân lý thì chỉ có một. Đó là, Hoàng Sa là của Việt Nam, vì vậy, việc ngư dân ta mỗi lần trực chỉ Hoàng Sa đánh bắt hải sản là lẽ đương nhiên; chủ quyền của đất nước mình thì không việc gì phải nộp tiền chuộc cả!
Trần Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét