Le Monde nhận xét « không hề có một chút thông tin gì trên các tờ báo địa phương và người dân Trung Hoa cũng không hay biết chuyện gì đang xảy ra tại huyện Đồng Nhân, cách thủ phủ của tỉnh Thanh Hải 200 km ». Trên con đường dọc theo con sông Hoàng Hà dẫn đến khu trung tâm Phật giáo, người dân có thể nhìn thấy nhiều đoàn xe quân sự, những chiếc xe bus chở đầy binh lính và những chiếc xe thiết giáp chống bạo động.
Tại Đồng Nhân, một sự im lặng đang bao trùm. Nhưng theo Le Monde, các sự kiện đang xảy ra tại đây lại cho thấy khủng hoảng tại các vùng Tây Tạng đang lan rộng. Ngay sau vụ tự thiêu của một vị tu sĩ trẻ tuổi và một nông dân khác, hàng ngàn tu sĩ, sinh viên và người dân thuộc cộng đồng Tây Tạng đã xuống đường biểu tình. Cái chết của người nông dân đánh dấu vụ tự thiêu thứ 30 tính từ năm 2009.
Le Monde cho rằng, người ta có thể thấy một cảm giác tuyệt vọng dữ dội đang bao trùm. Đồng thời, họ cũng cảm nhận được một sự đoàn kết mạnh mẽ ở những tầng lớp trí thức Tây Tạng tại thị trấn Tây Ninh, cuộc sống vốn đã bấp bênh do họ luôn bị quấy nhiễu kể từ năm 2008. Theo giải thích của một vị trí thức với phóng viên báo Le Monde « […] tự thiêu là cách duy nhất để cho các vị tu sĩ bảo vệ quyền và phẩm cách của họ ».
Le Monde cho rằng, chính bối cảnh của việc tiếp quản lại các tu viện bị cho là « nổi loạn » đã đặt họ lên tuyến đầu của một cuộc chiến do Bắc Kinh tiến hành nhằm chống lại tầm ảnh hưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Theo tờ báo, biện pháp cài người của chính quyền vào bộ phận quản lý của các tu viện, đã làm cho « người Tây Tạng khốn khổ vì thiếu tự do » và đã tạo một bầu không khí căng thẳng ở các thiền viện do « không ai dám nói điều gì trong tu viện cả ».
Theo nhận xét của báo Le Monde, việc các học sinh trung học Tây Tạng xuống đường biểu tình tại huyện Đồng Nhân, và một số vùng lân cận khác trong tháng Ba này chẳng có gì là ngạc nhiên cả. Bởi lẽ, họ đã từng xuống đường vào tháng 10 năm 2010, sau khi chính quyền tỉnh Thanh Hải ra thông báo rằng việc giảng dạy tiếng Tạng sẽ phải được thay thế bằng tiếng Hoa. Tuy nhiên, việc thực hiện quyết định này đã phải bị hoãn lại.
Thế nhưng, vào ngày tựu trường, hồi tháng Ba cùng năm, các học sinh Tây Tạng đã phát hiện ra chỉ có các sách giáo khoa bằng tiếng Hoa là có sẵn cho toàn bộ các môn học. Trong khi đó, theo lời giải thích của một vị học giả với Le Monde thì « người Tạng luôn khao khát trước tiên được học bằng tiếng Tạng và sau đó mới là tiếng Hoa. Vậy mà, không những nhu cầu này đã không được đáp ứng, mà có nhiều môn học còn được chuyển qua bằng tiếng Hoa ».
Le Monde cho biết, Thanh Hải vốn là một trung tâm dịch thuật tiếng Tạng lớn tại Trung Quốc. Thế nhưng, ngày nay, nhiều cơ sở dịch thuật chuyên ngành đã bị đóng. Chính vì vậy, người Tạng cho rằng « Bắc Kinh đang phá hủy những gì mà người Tạng đã xây dựng ».
Cuối cùng, Le Monde ví von, việc Trung Quốc muốn thay thế tiếng Tạng bằng tiếng Hoa trong học đường gợi nhớ lại câu chuyện « Buổi học cuối cùng » của Alphonse Daudet. Vào một ngày năm 1871, giáo viên tiểu học Hamel thông báo cho học trò biết rằng « lệnh đến từ Berlin không được giảng dạy gì khác ngoài tiếng Đức trong các trường học tại Alsace và Lorraine »…
Lương tăng mạnh trên toàn châu Á
Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos chú ý đến một hiện tượng khá thú vị. Trong khi các nước châu Âu đang tìm cách cắt giảm chi tiêu công và xem xét lại chính sách an sinh xã hội hào phóng của mình, thì tại nhiều nước châu Á, các chính phủ đang tìm cách nâng thu nhập của người dân để thay đổi mô hình kinh tế và xã hội. Chủ đề này đã được báo Les Echos phản ánh qua bài viết đề tựa « Lương tăng mạnh trên toàn châu Á ».
Từ Thái Lan, Indonesia, Philippines, cho đến Hồng Kông, chính quyền các nước đều đưa ra các biện pháp hòng tăng thu nhập của người dân. Theo phân tích của một chuyên gia thuộc một công ty tư vấn Singapore, thì « chính phủ các nước này cảm nhận được bất bình đẳng ngày càng tăng và các đòi hỏi của người lao động. Trong khi những người này phải thường xuyên nhìn thấy lương của mình bị đình trệ bởi áp lực thường trực từ việc áp giá của Bắc Kinh. Trong thời gian dài, các quốc gia này đã sợ bị mất thế cạnh tranh của mình nhưng nay do giá thành tại Trung Quốc tăng nhanh đến mức mà chính phủ các nước này có cảm giác rằng kể từ giờ họ có khả năng hành động hơn ».
Theo nhận xét của một chuyên gia thuộc Tổ chức Lao động Thế giới, việc tăng mức lương có thể sẽ để lại nhiều tác động cho toàn thể người dân. Ông nhấn mạnh, « ngược với các nước đã phát triển, ở đó, mức lương được quy định theo quy luật thị trường và theo đó, cho phép nhà nước xác định mức lương tối thiểu. Trong khi đó, tại các nước Đông Nam Á, chính phủ quy định mức lương cơ bản và sau đó, các doanh nghiệp dựa theo đó để mà đưa ra thang lương tùy theo mức quy định ».
Theo quan sát của các chuyên gia kinh tế, hiện tượng này vẫn chưa có những tác động lớn nào. Tuy nhiên, các ngành sản xuất dòng sản phẩm giá trị thấp có thể bị ảnh hưởng. Nhất là các cơ sở dệt may và giày da có thể chuyển sang các vùng khác có giá nhân công rẻ hơn. Các nhà sản xuất có cơ sở tại Việt Nam và Cam Bốt, hai quốc gia vốn nổi tiếng với giá nhân công rẻ hiện đang trông chờ nhiều vào việc mở cửa nền kinh tế của chính quyền Miến Điện.
Tuy nhiên, đối với nhà sản xuất xe hơi, việc tăng giá nhân công lại không gây ảnh hưởng nhiều đến chiến lược đầu tư của họ. Trong khi các nước châu Âu đang gặp khốn khó do khủng hoảng nợ công, thì việc cải thiện thu nhập người dân tại châu Á sẽ kích thích tiêu thụ nội địa.
Trung Quốc khai thác khí đá để giảm lệ thuộc vào nguồn năng lượng ô nhiễm than đá
Cũng liên quan đến lãnh vực kinh tế, báo Le Monde cho biết « Trung Quốc sẽ cho khai thác khí đá phiến nhằm giảm sự phụ thuộc vào than đá ». Theo bài báo, mục tiêu của Trung Quốc là phải đạt được sản lượng từ 60 đến 100 tỷ m3 khí đá vào năm 2020.
Theo kết quả thăm dò, trữ lượng khí đá phiến tại Trung Quốc lên đến hơn 25 tỷ m3, đó là chưa tính đến hai tỉnh Thanh Hải và vùng tự trị Tây Tạng. Với mức trữ lượng này, Trung Quốc hầu như vượt qua mặt Mỹ, ước tính khoảng 24,5 tỷ m3.
Nếu như 5 năm trước đây, việc khai thác và sử dụng khí đá được xem như là một nguồn năng lượng không đáng kể, thì giờ đây loại năng lượng này cung cấp đến một phần tư nguồn khí đốt tự nhiên. Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai phần ba năng lượng tiêu thụ lại phụ thuộc nhiều vào than đá, một nguồn năng lượng ô nhiễm. Nhìn thấy lợi ích ngày càng lớn, Bắc Kinh cam kết sẽ đưa tỷ trọng khí đốt tự nhiên lên đến 10% nhu cầu năng lượng vào năm 2020.
Theo Bắc Kinh, khí đá sẽ là nguồn năng lượng thay thế trong tương lai. Trung Quốc ngày càng cảm thấy khó chịu phải nhập khẩu dầu khí của Nga. Cho đến giờ, Nga và Trung Quốc vẫn chưa giải ngân được dự án cung cấp 70 tỷ m3/ năm khí đốt tự nhiên cho ba thập niên tới, vì phía Bắc Kinh cho rằng đề nghị của Matxcơva quá tốn kém.
Le Monde cho biết, khó khăn hàng đầu của Trung Quốc hiện nay chính là công nghệ. Nhằm đuổi kịp sự chậm trễ, Bắc Kinh khuyến khích các tập lớn của quốc gia mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài như hãng Shell của Anh, Chevron của Mỹ và Total của Pháp.
Tuy nhiên, theo nhận định của Le Monde, trong khi tại châu Âu, phát triển khai thác khí đá gặp phải phản đối dữ dội từ phía những người dân địa phương. Họ e ngại cho hậu quả môi trường do quy trình khoan phá tầng đất ngầm, thì tại Trung Quốc tranh luận về chủ đề này hầu như không tồn tại. Vì vậy, nó cho phép các nhà công nghiệp tiến nhanh hơn nữa.
Hai phần ba nguồn nước uống bị ô nhiễm do nông nghiệp
Liên quan đến vấn đề môi trường, báo Le Monde và Les Echos hôm nay cùng cho biết tại Pháp « gần 3000 xã cung cấp nước không đạt chuẩn ».
Theo kết quả nghiên cứu do Hiệp hội người tiêu dùng «UFC- Que Choisir » thì khoảng 97,5% người Pháp được dùng nước đạt chuẩn. Tuy nhiên, tổ chức này cũng báo động là vẫn còn gần 3000 xã cung cấp nước không đạt chuẩn. Bản nghiên cứu cũng khẳng định hoạt động nông nghiệp chính là tác nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, trong đó đáng chú ý nhất là thuốc từ sâu. Đặc biệt là loại thuốc diệt cỏ có chứa chất atrazine, dù đã bị cấm sử dụng, nhưng vẫn tồn tại dai dẳng trong môi trường.
Ngoài ra, nghiên cứu của UFC – Que Choisir cũng lưu ý đến một số ít xã đã không tuân thủ theo quy trình xử lý nước hay việc sử dụng quá nhiều bột nhôm để làm cho nước trong hơn.
Cuối cùng, tổ chức này cũng kêu gọi cải cách chính sách về nước và cải cách sâu rộng về hoạt động nông nghiệp.
Tiếng ồn và đa dạng sinh thái của rừng
Cũng liên quan đến chủ đề này, báo Le Figaro đăng bài « Tiếng ồn làm suy giảm đa dạng sinh thái của rừng ».
Le Figaro cho rằng, không chỉ có con người mới phải chịu đựng những tác động đến từ tiếng ồn mà ngay cả loài cây cỏ cũng bị ảnh hưởng. Nhiều bài nghiên cứu sinh thái gần đây cho thấy cách hót của loài chim ở thành thị khác hẳn với đồng loại của chúng ở nông thôn. Do bị bao phủ bởi quá nhiều tiếng ồn, chủ yếu đến từ các hoạt động con người (giao thông xe hơi hay đường sắt, công trường…), âm giọng các loài chim trong thành phố không những có xu hướng tăng cường độ mà còn tăng cả tần suất phát âm thanh. Nói một cách khác là tiếng hót bổng hơn.
Các nghiên cứu cũng ghi nhận rằng ô nhiễm âm thanh còn gây stress ở các loài động vật và gây rối loạn sinh sản và quan hệ con mồi – thú săn mồi.
Một nghiên cứu khác còn đi xa hơn cho rằng, tiếng ồn, ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến động vật hoang dã, còn gián tiếp tác động đến hệ thực vật rừng. Các nhà khoa học theo dõi và so sánh hành vi của nhiều loài chim giữa các khu vực có nhiều tiếng ồn và nơi yên tĩnh. Kết quả quan sát cho thấy loài chim ruồi giúp thụ phấn các loài cây bụi rậm và đảm bảo sự sinh sản thì không gặp trở ngại tiếng ồn. Trong khi đó, loài chim quạ thông vốn dĩ giúp cho việc phát tán các hạt cây thông lọng lại chạy trốn tiếng ầm ĩ của những chiếc máy. Từ đó, các nhà khoa học kết luận rằng « chính tiếng ồn đã gây xáo trộn cộng đồng động vật ăn hạt. Điều này đã giải thích cho phần nào sự biến mất của loại cây nào đó ở những nơi quá ồn ào ». Đã đến lúc con người cần phải nghiền ngẫm lại các hoạt động của mình vì thế giới chúng ta ngày càng ồn ào.
-------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét