Nhà dân rất nhỏ so với mộ tại An Bằng. (Hình: VietNamNet.VN)
Chúng ta đã nghe nói đến khu lăng mộ làng An Bằng trong vùng biển Thuận An, thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Ðây là một ngôi làng có những khu lăng mộ tráng lệ, được nhiều người gọi là “thành phố ma” hay “vương quốc của người chết,” với những công trình xây dựng đồ sộ, công phu mà có lẽ trong nước và cả ngoại quốc khó có nơi nào sánh nổi, kể cả so với lăng tẩm triều Nguyễn tại Huế.
Trước năm 1975 An Bằng là một ngôi làng biển cách xa ánh sáng văn minh của thành phố Huế, dân cư hầu hết là ngư dân nghèo khổ, không có ruộng đồng, mùa cá năm được năm không. Những năm mất mùa dân làng phải đi ăn xin, làm thuê cho các vùng lân cận. Thời thơ ấu, tôi đã trông thấy từng đoàn người từ vùng biển Thuận An dắt díu nhau đi bộ lên Huế để đi xin. Có những thời điểm cả làng vắng hoe vì đến cả trẻ con cũng theo bố mẹ đi ăn xin, nên An Bằng đã có thời được gọi là “làng ăn xin.”
Sau năm 1975, Thuận An trở thành một địa điểm thuận lợi để vượt biển, có người sang đến Hồng Kông, có ghe được tàu buôn ngoại quốc vớt. Người An Bằng ngày nay 80% đã định cư ở nước ngoài, có gia đình có đến 13 người con ở Mỹ. Vươn lên từ quá khứ nghèo khó, khổ cực, dân An Bằng đỗ đạt hay làm thương mãi rất thành công. Cũng như tất cả những người Việt bỏ quê hương ra đi, họ dành dụm tiền bạc để gửi về giúp cha mẹ già hay thân nhân còn ở lại. Tưởng nhớ ông bà hay lo phần mộ cho cha mẹ khi qua đời, khu lăng mộ An Bằng thành hình với hằng trăm khu lăng mộ công phu hoành tráng, có ngôi mộ tốn phí lên đến $170,000. Có gia đình đã xây xong lại đập phá để xây lại cho hơn người khác. Nhiều ngôi biệt thự cũng đã xây lên vì sĩ diện cho hơn hẳn láng giềng mà không cần có người ở. Tuy vậy, làng An Bằng còn quá nhiều gia đình kém may mắn, sau bao lần cố gắng vượt biển đã thúc thủ chịu cảnh nghèo đói như xưa, không có cả tiền cho con đi học, chẳng đủ tiền để mua dầu đi biển, và đất đai trong làng càng ngày càng thu hẹp vì sự phát triển của mồ mả người chết. Do vậy những khu lăng mộ này không cân xứng với quang cảnh trong làng và đời sống dân cư hiện nay của An Bằng.
Người gửi tiền về với lý do báo hiếu, nhưng người làng xây dựng nên những khu lăng mộ lớn lao không kém các bậc vua chúa thời xưa, phải chăng vì mặc cảm nghèo đói trong quá khứ, bây giờ có tiền làm sao cho nở mặt nở mày với thiên hạ.
Ðó là nói về những người nghèo khó vượt biển ra đi, còn những người ở lại, sống sau thời bao cấp, thời “mở cửa” có tiền bạc, cũng vì mặc cảm một thời đói rách, khó khăn, đổ tiền vào để khoe khoang. Sự phô trương ấy không phù hợp với một đất nước mà 80% người dân đang quần quật chạy theo miếng ăn mà ngay trong làng, các cơ sở y tế, giáo dục vẫn không hơn gì những vùng đất nghèo khổ khác. Thay vì trả thù quá khứ bằng cách đầu tư vào các thế hệ tiếp nối để xây dựng một tương lai sáng sủa hơn cho xóm làng, thì những vị trưởng giả này muốn được một tiếng khen ngợi, hay trầm trồ cho những công trình tốn kém, vô bổ cho hư danh.
Theo nguồn tin trong nước, cho tới nay tại ViệtNamđã có tới 29 chủ nhân của xe Rolls-Royce các loại, cả cũ và mới. Ðây thực sự là con số khá đặc biệt với một thị trường nhỏ như ViệtNambởi mỗi chiếc Rolls-Royce mới có giá sau khi đóng thuế trước bạ hơn 1 triệu đô la. Dương Thị Bạch Diệp, Lê Ân, Lê Hoàng, Nguyễn Ðình Khoa là vài tên chủ nhân tiêu biểu. Nguyễn Quốc Cường với bộ sưu tập Lamborghini Gallardo SE, Lamborghini Gallardo, Ferrari 360 Spider, Ferrari F430, Ferrari F430 Spider… có giá từ $200,000 đến $500,000. Ðoàn Nguyên Ðức tức Bầu Ðức, nay là một đại gia sở hữu một tài sản 100 tỷ đồng là chủ nhân chiếc máy bay Beechcraft King Air 350 có 12 chỗ ngồi với giá 7 triệu đô la. Chủ tập đoàn Hòa Phát Trần Ðình Long cũng bỏ ra để mua máy bay riêng 5 triệu.
Các tỉ phú ở Mỹ chưa có ai chơi ngông như nhà giàu ViệtNamđặt một cỗ quan tài bằng gỗ quý, giá ít nhất cũng phải $400,000 đến $600,000. Ðã từng có đại gia ở Hải Phòng lên tận Hà Nội đặt quan tài gỗ sưa, chạm khắc rồng phượng, dát vàng, tổng chi phí khoảng… $5 triệu. Nhiều đại gia sưu tập “ngọc nghiến” làm bàn ghế, chơi cây cổ hàng vài trăm tuổi, cây sanh 200 tuổi của một đại gia có giá $1.2 triệu. Ở một xứ nghèo “bắt ốc mò cua” như Nghệ Tĩnh cũng có người xây dựng một ngôi nhà gỗ giá 3 triệu đô la, xây cất từ 2,000m3 gỗ quý đinh hương, giáng hương và cẩm lai, hay tổ chức đám cưới chơi ngông cho bõ những ngày cơ cực, với thù lao mỗi ca sĩ lên đến $20,000, chưa tính chi phí hôn lễ, xe đón dâu và tiệc tùng. Ðể trả thù dĩ vãng thua thiệt người ta làm đám ma chó linh đình, đón dâu bằng máy bay riêng, mua du thuyền… nghĩa là bằng mọi thứ để lòe đời, trong một xã hội mới phát triển, vừa ra khỏi chiến tranh, với lối sống “y phục” chẳng “xứng kỳ đức” chút nào!
Dân làng An Bằng xây những khu lăng tẩm đồ sộ đắt tiền như ngày nay là vì mặc cảm ngày xưa ông cha đã nghèo khó, vất vả thậm chí có cuộc sống khốn cùng, nay muốn phô trương để trả thù cuộc đời, trả thù dĩ vãng. Những người có cơ hội giàu phất, nhanh lên chỉ trong vòng mươi lăm năm từ một dĩ vãng khó khăn, đói nghèo muốn hoang phí tối đa để bù đắp thua thiệt trong quá khứ. Sau tháng 4, 1975, những người từ trong rừng ra, cũng từ mặc cảm này, không còn “sáng ăn khoai” mà “khoái ăn sang” nên vào tiệm ăn sáng thì phải “thuốc có cán,” “phở đặc biệt tô lớn hai hột gà,” “cà phê sữa đá”… Trả thù những ngày sơ tán, bom đạn, tem phiếu, chờ chực suốt ngày để mua được miếng thịt ôi, con cá, mớ rau, thước vải… ngày nay không thiếu những “đại gia” chân còn dính phèn nhưng cũng vào hàng ngũ “quý tộc” trong những câu lạc bộ dân đánh golf, chơi du thuyền, quần vợt… giàu có, phú quý “sinh’ năng dâm, ăn chơi trác táng cho bõ những ngày cơ cực.
Nhận xét về lề thói chơi sang này, Tiến Sĩ Alan Phan, chủ tịch Quỹ Ðầu Tư VIASA, một doanh nhân Việt ở Mỹ đã nói rằng: “Ðại gia mới giàu nên thích khoe mẽ, nó bắt đầu từ tiềm thức về một quá khứ thua kém.” Ðể giải thích hiện tượng “chơi ngông,” “khoe mẽ” hiện nay ở Việt Nam, ông Phan nói thêm: “Doanh nhân Á Châu, phần lớn người Trung Quốc và Việt Nam gặp phải một vấn đề là sĩ diện. Có lẽ vì mặc cảm thôi. Ðại gia Việt Nam đa số mới giàu, chứ thời bao cấp có ai giàu đâu. Bởi vì họ mới giàu lên nên thích khoe.” Trong câu chuyện trên báo chí Việt Nam, bà Bạch Diệp thú nhận theo cha tập kết ra miền Bắc, sau năm 1954, kể cả những khi đã có chồng, sinh con, có lúc đói phải đi mót khoai về ăn. Bầu Ðức, theo báo Việt Nam, 40 năm trước là một chú bé chăn trâu ở Phù Cát, Bình Ðịnh. Ông Lê Ân lớn lên trong một gia đình nghèo đông con ở xứ Quảng, đã mưu sinh qua đủ nghề may, nấu xà bông, bỏ mối buôn thuốc tây, đi vùng kinh tế mới, tham gia vượt biên, ngồi tù.
Một góc lăng mộ tại An Bằng. (Hình: VietNamNet.VN)
Không nghe ai nói các đại gia ở Việt Nam làm việc từ thiện như thế nào, nếu xuất thân từ bần cùng mà ra phải thương xót hoàn cảnh người bần cùng, nhưng họ lại thích chơi ngông, để trả thù một quá khứ đã chịu thiệt thòi, thua kém người khác. Trong khi đó, tỉ phú người Mỹ Warren Buffett, 80 tuổi, đã tặng $1.78 tỉ cho nhiều tổ chức từ thiện, trong đó phần lớn được trao cho quỹ từ thiện của gia đình Bill Gates. Ông vẫn ở căn nhà mua từ 50 về trước, vẫn tự lái chiếc xe đời cũ mỗi ngày. Quỹ Bill & Melinda Gates từ năm 2007 đã chi $28 tỷ (chiếm 48% tổng tài sản $59 tỷ) để làm từ thiện. Theo công bố đăng trên trangwww.givingpledge.org của tổ chức Giving Pledge, hai tỉ phú Bill Gates và Warren Buffett đã kêu gọi được 40 tỉ phú khắp nước Mỹ cống hiến phần lớn tài sản của mình, khoảng 50% số tài sản hoặc hơn, cho mục đích từ thiện.
Quan quyền, cán bộ mặc cảm về cha ông xuất thân “bần cố nông” thì dựng lăng mộ, xây nhà thờ họ rình rang, dân dã mặc cảm vì nghèo đói, đã bán thân con ra ngoại quốc, thì xây cửa nhà cho lớn, mua xe cho sang, TV màn ảnh rộng, tiêu xài huy hoắc cho bằng làng bằng xóm. Càng trả thù dĩ vãng càng làm cho người đời thấy rõ dĩ vãng của mình và trong một xã hội vốn mang khẩu hiệu tranh đấu cho giai cấp, ranh giới giàu nghèo càng ngày càng cách biệt, “người ăn không hết, kẻ làm không ra!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét