Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

63% dân Trung Quốc muốn thể chế dân chủ kiểu Tây phương

Một người dân làng Ô Khảm đang bỏ phiếu bầu người đại diện địa phương, ngày 03/03/2012.

Một người dân làng Ô Khảm đang bỏ phiếu bầu người đại diện địa phương, ngày 03/03/2012.

REUTERS/Bobby Yip

Thụy My  RFI

Bài phân tích của thông tín viên nhật báo cánh tả Libération tại Bắc Kinh, mang tựa đề « Trung Quốc : Dân chủ được đặt lên hàng đầu ». Theo cuộc thăm dò của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, thì có đến 63% người dân Trung Quốc bày tỏ mong muốn áp dụng một « thể chế dân chủ theo kiểu phương Tây ».

Libération nhận định, khát vọng dân chủ của người dân Trung Quốc ngày càng lệch pha với chính quyền cộng sản, theo như kết quả một cuộc thăm dò dư luận chưa từng có từ trước đến nay, được công bố hôm qua trên bản tiếng Anh của tờ Hoàn cầu Thời báo, tức Global Times, một nhánh của Nhân dân Nhật báo. Có đến hơn 63% người được hỏi muốn có một « thể chế dân chủ theo kiểu phương Tây », theo cuộc điều tra được thực hiện với 1.010 đại diện cho nhiều tầng lớp trên toàn quốc. Đại đa số nghi ngờ rằngmột hệ thống bầu cử tự do và tách biệt tam quyền như thế có thể trở thành hiện thực trong điều kiện hiện nay,nhưng 15,7% cho rằng mục tiêu này có thể áp dụng được ngay từ bây giờ.
Kết quả độc đáo của cuộc thăm dò, cũng như việc nó được công bố, theo Libération, là rất đáng ngạc nhiên, vì số 15,7% trên đây mong muốn chế độ độc tài, độc đảng hiện nay cần phải nhanh chóng biến mất, hoặc biến ngay lập tức. Hơn 49% người được hỏi cho biết đang chờ đợi một « cuộc cách mạng » mới, 15% trong số này nghĩ rằng Trung Quốc« chắc chắn đang ở bên bờ một cuộc cách mạng mới », và 34% cho rằng điều này là « có thể ».
Libération cho biết, cuộc thăm dò mang tính « nổi loạn » này chỉ được công bố bằng tiếng Anh. Bản tiếng Hoa của Global Times không có, và không có tờ báo chính thức nào đề cập đến. Sự táo bạo của các nhà báo Global Times - có thể bị Ban Tuyên huấn trừng phạt - dường như biểu hiện cuộc tranh cãi nội bộ giữa hai phe ủng hộ và chống đối một công cuộc cải cách chính trị thực sự.
Hôm thứ Bảy, ông Ngô Bang Quốc, Chủ tịch Quốc hội hiện đang họp phiên thường niên, đã khẳng định là không có việc Trung Quốc dân chủ hóa theo kiểu phương Tây. Ông cam đoan là hệ thống « chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Hoa » sẽ còn tồn tại rất lâu, và kêu gọi các đại biểu Quốc hội « bài trừ các tư tưởng và chủ thuyết sai lạc ». Ngô Bang Quốc nhấn mạnh là đảng Cộng sản duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối với chính phủ, với bộ máy lập pháp và tư pháp. Năm ngoái, nhân vật số hai vô cùng bảo thủ của đảng đã buộc các đại biểu phải long trọng tuyên bố « bác bỏ quan niệm đa đảng ». Ông ta nói : « Nếu chúng ta yếu đi, thì đất nước sẽ chìm vào vực thẳm của sự hỗn loạn ».
Càng sớm dân chủ hóa, Trung Quốc càng có lợi ?
Nhưng theo Tổng biên tập một tạp chí lịch sử ở Bắc Kinh, thì trong nội bộ đảng Cộng sản đang có một « cánh dân chủ ». Ông nhận định : « Nếu đảng Cộng sản tuân theo quy luật bầu cử dân chủ vào lúc này, thì rất có nhiều cơ hội duy trì quyền lực. Còn nếu để lâu hơn, thì sẽ càng phức tạp hơn ».
Một nhà triết học kiêm sử gia của trường đại học Trung Sơn tại Quảng Đông bình luận : « Trung Quốc không thể kháng cự được lâu dài trước các nguyên tắc của nền văn minh hiện đại. Một ngày nào đó Trung Quốc sẽ phải chấp nhận dân chủ, cac nguyên tắc công lý và tự do. Đây chỉ còn là vấn đề thời gian ». Ông nói : « Về mặt kinh tế, thì Bắc Kinh đã nhượng bộ khi chấp nhận các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhưng trên quan điểm chính trị, thì Trung Quốc đã đề kháng bằng cách khuếch trương một dạng chủ nghĩa dân tộc, tự cho rằng mình là xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, có quá ít nhân tố xã hội tại Trung Quốc, còn ít hơn cả các nước phát triển như Pháp chẳng hạn. Hơn nữa, phần lớn các đảng viên Trung Quốc chẳng còn tin vào chủ nghĩa cộng sản nữa ».
Trấn áp để tiếp tục chính sách độc đảng
Libération nhận xét, dù vậy, đảng Cộng sản vẫn muốn là đảng cầm quyền duy nhất, bằng mọi giá. Ngân sách dành cho việc « duy trì ổn định » năm 2011 đã vượt qua ngân sách quốc phòng, và năm nay lại còn tăng lên 11%. Một phần lớn số tiền này được dùng để bóp chết từ trong trứng nước tất cả các vụ nổi dậy, hoặc để đàn áp khoảng 180.000 vụ xung đột diễn ra mỗi năm, giữa chính quyền và người dân phẫn nộ trước những bất công do các cán bộ đảng tham nhũng gây ra.
Tuy vậy, theo tờ báo cánh tả Pháp, thì cái giá phải trả là rất đắt. Theo báo cáo của China Human Rights (CHRD) được công bố vào tuần rồi, thì « Việc đàn áp chưa bao giờ mạnh mẽ như thế từ ít nhất mười năm qua. Trong năm 2011, gần bốn ngàn nhà hoạt động chính trị đã bị bắt giam », hầu hết trong những nhà tù không chính thức. Tố cáo các biện pháp giam giữ không thông qua xét xử, báo cáo cho biết cụ thể : « Có 159 tù chính trị bị tra tấn, và 20 người đã bị mất tích trong nhiều tuần lễ thậm chí nhiều tháng ».
Hy vọng về một nhà lãnh đạo sáng suốt tiến hành cải cách tại Trung Quốc, trước đây vẫn ăn sâu, nay đã tàn úa, theo như thăm dò trên đây của Global Times : chỉ có 26% người được hỏi là còn tin. Đối với 69% số người được thăm dò, thì Bắc Kinh sẽ cải cách « dưới áp lực của các phương tiện truyền thông », « các điều kiện xã hội » hay « đòi hỏi của công chúng », và 62% cho rằng các trở lực chủ yếu cho cải cách là « những lợi lộc mà các nhóm lợi ích thu được ».
Tàu cao tốc Trung Quốc tiếp tục gây thất vọng
Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos chú ý đến «Những thất vọng mới của tàu cao tốc Trung Quốc ». Theo tờ báo, tai nạn hai đoàn tàu đụng nhau hồi tháng Bảy năm ngoái đã cho thấy sự yếu kém của hệ thống tín hiệu và quản lý khủng hoảng, nay đến lượt chất lượng cơ sở hạ tầng bị cáo giác.
Sau vụ Bộ trưởng Hỏa xa Trung Quốc bị cách chức vì tham nhũng và tai nạn kinh hoàng làm cho hơn 40 người chết vào năm ngoái, câu hỏi về vấn đề an toàn đường sắt lại được đặt ra từ hôm qua. Theo Tân Hoa Xã, mưa to đã làm sập một đoạn đường xe lửa cao tốc nối liền Vũ Hán với Nghi Xương. Nhưng mọi nỗ lực của báo chí nhằm liên hệ với đơn vị có trách nhiệm đề vô ích, làm dấy lên sự nghi ngờ. Còn trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, thì cổ phiếu của tất cả các công ty có liên quan đến chương trình tàu cao tốc Trung Quốc đều bị sụt giá.
Từ đầu tháng Ba, tuần báo Trung Quốc Time Weekly đã đặt ra nghi vấn về chất lượng của tuyến tàu cao tốc trên đây, dẫn một nguồn tin cho biết các nhà thầu đã dùng cát để thay thế đá dăm làm nền của một số đoạn đường tàu. Những nhà chuyên môn đều đưa ra câu hỏi : « Liệu người Trung Quốc có đi quá nhanh hay không ? ».
Khởi đầu từ năm 2007, chương trình tàu cao tốc đã cho phép Bắc Kinh xây dựng 8.000 km đường sắt tốc độ cao, dẫn đầu thế giới. Nhưng các nhà thầu lại không có kinh nghiệm, làm đến đâu biết đến đó, một số không áp dụng các tiêu chuẩn an toàn. Theo các chuyên gia, thì điều quan trọng không phải là xây dựng càng nhanh càng tốt mà vấn đề an toàn đường sắt phải là trung tâm. Bên cạnh đó là vấn nạn tham nhũng. Một tờ báo vào tháng rồi đã tố cáo, tất cả các trang thiết bị của các toa tàu, từ toa-lét, máy sấy khô tay, ghế ngồi cho đến màn hình ti-vi, đều được tính với giá gấp đôi, gấp ba giá thị trường, thậm chí công ty cung cấp cũng không phải là nhà sản xuất ra các mặt hàng đó.
Ngải Vị Vị, nghệ thuật dấn thân
Cũng về Trung Quốc, nhật báo cộng sản L’Humanité quan tâm đến « Ngải Vị Vị, nghệ sĩ và là người bộc lộ những vấn đề của một xã hội Trung Quốc đang tiến triển ». Cuộc triển lãm ảnh của ông đang diễn ra tại Paris cho thấy nhà nghệ sĩ đã trở thành phát ngôn viên cho các đồng bào của mình, và các hành động dấn thân của ông cũng được diễn đạt trong các tác phẩm.
Bị nhà cầm quyền trấn áp, bị bắt giam, blog bị kiểm duyệt, kết tội khiêu dâm, bị cơ quan thuế truy bức, bị quản thúc tại gia, Ngải Vị Vị tất nhiên không có mặt trong cuộc triển lãm khá quy mô các tác phẩm nhiếp ảnh của ông. Nhưng các bức ảnh đã nói lên tất cả. Tấm ảnh người phụ nữ vén váy trước chân dung Mao Trạch Đông tố cáo sự thiếu minh bạch của chế độ, ngón tay trỏ vào quảng trường Thiên An Môn đầy khiêu khích, rồi đến một bình hoa đời Hán bị vỡ nát cho thấy lịch sử đang đè nặng, và tương lai cần được khẩn thiết viết lại.
Một dàn nhạc giao hưởng Nam - Bắc Triều Tiên ?
« Âm nhạc giúp hòa giải, theo Myung Whun Chung”, đó là tựa đề bài viết của nhật báo công giáo La Croix, nói về một buổi hòa nhạc độc đáo sẽ diễn ra ngày mai tại Paris, tập hợp các nhạc công đến từ Bắc Triều Tiên và Dàn nhạc giao hưởng của Radio France.
Là giám đốc âm nhạc của dàn nhạc giao hưởng Đài phát thanh Pháp quốc, ông Myung Whun Chung - có mẹ là người Bắc Triều Tiên - là người tổ chức đêm hòa nhạc với sự hiện diện của 70 nhạc công ở lứa tuổi đôi mươi đến từ Bình Nhưỡng. Dàn nhạc hỗn hợp này sẽ trình bày một số tác phẩm truyền thống của Triều Tiên và các nhạc phẩm giao hưởng kinh điển. Theo ông Chung, thì không có một người Triều Tiên nào không mong muốn hai miền Nam Bắc xích gần lại với nhau. Ông mơ đến cuối năm nay, sẽ vượt được mọi trở lực để tổ chức được một buổi trình diễn quy tụ các nhạc sĩ Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.

Syria : Vũ trang cho quân nổi dậy là thử thách nguy hiểm

Nhìn sang Syria, Le Figaro nhận định « Vũ trang cho quân nổi dậy Syria : Một thử thách nguy hiểm ». Chính quyền Hoa Kỳ nghi ngại các loại vũ khí hạng nặng có thể bị rơi vào tay những kẻ cực đoan, dẫn đến việc tạo thành một vòng cung nối liền Irak với Liban thông qua Homs và Hama ở Syria. Còn trên thực địa, việc các nhóm nổi dậy bị chia cắt làm phức tạp thêm việc tiếp liệu.
Sau khi phe nổi dậy, chỉ trang bị các khẩu Kalachnikov và đạn súng cối từ thời Liên Xô cũ, bị thất thủ tại Homs, vấn đề vũ trang cho phe phản kháng càng gây nhiều tranh cãi. Ả Rập Xê Út và Qatar ủng hộ, Hoa Kỳ, Israel và nhiều nước Ả Rập khác phản đối, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ do dự.
Bà Hillary Clinton đã từng đặt câu hỏi: « Liệu chúng ta có đang hỗ trợ cho Al Qaida ở Syria không ? ». Với sự hỗ trợ của tình báo Irak, CIA đã nhận diện được một số chiến binh Hồi giáo bị truy lùng ở Irak đang tham gia chiến đấu tại Syria. Bên cạnh đó, chế độ Damas nhiều khi vờ làm ngơ cho vũ khí nhập lậu vào, nhờ những nhân viên chìm trà trộn, rồi sau đó tịch thu. Và một trong những trở ngại lớn nhất, là quân nổi dậy không phải là một lực lượng được chỉ huy thống nhất, mà là nhiều toán nhỏ rời rạc.
Cuộc tranh cử Tổng thống : Tựa chính báo Pháp
Thời sự nước Pháp là mối quan tâm chính của các tờ báo xuất bản ở Paris hôm nay. Trước hết là cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Nhật báo cánh hữu Le Figaro đưa lên trang nhất kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Ifop, Paris Match và Europe 1 tổ chức, cho thấy « Sarkozy vượt qua Hollande ». Lần đầu tiên từ khi khởi động chiến dịch tranh cử cho đến nay, Tổng thống Nicolas Sarkozy sắp mãn nhiệm được 28,5% số người được thăm dò cho biết họ có ý định bỏ phiếu cho ông, trong khi đối thủ của ông thuộc đảng Xã hội là ông François Hollande chỉ được 27%.
Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa : « Hai mươi tuổi dưới thời Sarkozy », với các bài phóng sự điều tra để tìm hiểu xem giới trẻ Pháp ngày nay đang nghĩ gì. Theo tờ báo, tuy nước Pháp đang phá kỷ lục châu Âu về tỉ lệ sinh sản, nhưng tuổi trẻ Pháp lại hết sức vất vả để tìm được một chỗ đứng trong xã hội. L’Humanité bênh vực quan điểm của ứng viên Mặt trận cánh tả Jean-Luc Mélenchon : « Một lối rẽ sang trái cho châu Âu », nhấn mạnh trong khi ông Sarkozy đe dọa ra khỏi không gian Schengen, thì Mặt trận cánh tả đặt ra vấn đề trưng cầu dân ý về một hiệp ước châu Âu mới.
Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde băn khoăn: « Làm thế nào tái thúc đẩy tăng trưởng Pháp ? » phân tích tỉ mỉ chương trình hành động của các ứng viên. Nhật báo kinh tế Les Echos phỏng vấn người đứng đầu nghiệp đoàn giới chủ Pháp, bà Laurence Parisot : « Thuế, doanh nghiệp : Parisot nhận định về các ứng cử viên Tổng thống ». Nhìn rộng hơn, nhật báo công giáo La Croix đặt câu hỏi: « Có nên nghiêng theo chủ nghĩa bảo hộ hay không ? »

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét