Hạnh chịu án 7 năm tù ở tuổi 25, cái án làm nhói tim cho tất cả những ai yêu công lý và yêu sự trong sạch trên đất nước này. Cùng hai người bạn là Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Hạnh đã thản nhiên bước vào nhà lao với một niềm tin rực rỡ vào mai sau. Mỉa mai thay, cả 3 con người ấy đã sống với luật, tin vào luật, hành xử bằng luật - và bị những đường xiêu vẹo của luật pháp thậm xưng xô vào bóng tối.
Bà Ngọc Minh, mẹ của Hạnh cười và hỏi tôi “Chụp hình với bác, con có sợ không?”. Nghe mà ứa nước mắt. Bà cụ cô đơn tóc bạc trắng xõa cả vai, nhọc nhằn thầm lặng đều đặn hàng tháng đi thăm nuôi Minh Hạnh, ít người chia sẻ, lại lo ngại cho tôi.
Bà nói Hạnh ở trong tù, sáng tác và hát. Hạnh nhờ mẹ đi gặp tôi để mong một ngày nào đó khi ra ngoài, sẽ được tôi giúp hoàn thành những lời hát cho nông dân, cho dân oan đang lây lất, khốn khó ở mọi miền.
Chỉ có kẻ hèn và táng tận lương tâm lắm mới có thể thốt lên lời nói “không” với bà. Mắt của bà long lanh, ngân ngấn nước mắt khi thuật lại những lời đó, trong sự kiêu hãnh và khổ đau – như bằng cả một dân tộc. Tôi cười mà trái tim nhoi nhói.
Nếu tôi còn sống, và nếu tôi còn tự do, tôi sẽ mãi giữ lời hứa của mình. Hãy tin ở con, thưa bác. Hãy tin ở anh, người con gái mà tôi chưa bao giờ gặp mặt! Tôi không có quyền, tôi không có sức mạnh, nhưng tôi tin là mình có trong tim một cảm nhận không thể nói được đầy đủ thành lời: Đó là em vô tội!
(13.3.2012)
Nguồn: FB Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Tiêu đề: Hiện Tình Việt Nam
Tuấn Khanh thân mến,
Trả lờiXóaBác biết con từ những ngày con học lớp 10 trường Lê Hồng Phong đầu những năm 1980. Bác vẫn theo dõi những thành quả con đạt được trong âm nhạc và nhất là những hoạt động của con, như một thanh niên có lòng với đất nước. Bác vốn cảm phục Đoàn Thị Minh Hạnh, nay lại cảm phục thêm bà mẹ của Hạnh. Bác xúc động khi đọc được tâm tình của con.
Sống xa quê hương và tuổi đã xế chiều, bác rất mừng khi thấy ở trong nước, số người "không chỉ nghĩ đến cơm áo" ngày càng nhiều hơn.
Bác Diễm