Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Cộng đồng ASEAN - Cộng đồng không có tương lai

Nguyễn Bắc Truyển (Danlambao)Từ lâu tôi muốn viết đề tài này nhưng còn nhiều do dự vì những suy nghĩ mình có thể là thiển cận? Nhưng đến lúc thì cũng phải nói về những suy nghĩ và hy vọng được lắng nghe nhiều quan điểm khác. 
Quá trình thành lập và phát triển của Hiệp hội các nước Đông-Nam-Á (ASEAN: Association of Southeast Asian Nation) từ năm 1967 với năm thành viên Thái-Lan (Thailand), Phi-Luật-Tân (Philippine), Tân-Gia-Ba (Singapore), Nam Dương (Indonesia) và Mã-Lai-Á (Malaisia) cho đến nay thì kết nạp thêm Việt Nam, Ai-Lao (Laos), Cao-Miên (Cambodia), Miến-Điện (Myanma), Brunei và hai quan sát viên là Đông Timor, Papua New Guine.(1) 

Mục tiêu ban đầu của ASEAN khi thành lập năm 1967 với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ là nhằm tạo sức mạnh chống lại sự “nhuộm đỏ” của chủ nghĩa cộng sản trong vùng Đông Nam Á, lúc đó miền Nam Việt Nam còn là một tiền đồn chống cộng. Sau khi Trung quốc thành công trong việc đổi mới nền kinh tế vào thập niên 80 của thế kỷ trước và mở rộng sự ảnh hưởng xuống phía Nam. Đứng trước nguy cơ đo, ASEAN đã tăng cường hợp tác các nước trong vùng nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Trung quốc. Đi xa hơn nữa, các nước Đông Nam Á còn có tham vọng muốn biến khu vực này thành một cộng đồng theo mô hình cộng đồng Châu Âu. Nhưng liệu điều này có trở thành hiện thực khi mà sự liên minh, liên kết của các thành viên ASEAN chỉ là những mãng kiến tạo rời rạc mà mỗi lần có một mảng nào đó xê dịch thì sinh ra biết bao nhiêu hệ lụy nghiêm trọng như động đất, sóng thần, núi lửa… 

Hầu như tất cả các nước thành viên ASEAN đều có vấn đề trong việc thúc đẩy phát triển xã hội dân sự, thực thi dân chủ và tôn trọng quyền con người trong chính sách cai trị, đây là một “vũng lầy” của sự vi phạm nhân quyền. Nhà nước các quốc gia thành viên ASEAN đều ham muốn quyền lực cai trị thay vì xây dựng một nhà nước phục vụ nhân dân. Đối với họ quyền lực chính là phương tiện tạo ra tiền bạc cho các nhóm lợi ích. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi khối ASEAN tuyên bố là xây dựng một cộng đồng theo hướng lấy con người làm trung tâm nhưng Tuyên ngôn nhân quyền ASEAN thì được soạn thảo không công khai và không có bất kỳ sự tham khảo, ý kiến của các tổ chức nhân quyền quốc tế hay khu vực. 

Không có các quốc gia phát triển nền xã hội dân sự, làm tấm gương cho các quốc gia khác trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Và thêm chủ trương “không can thiệp vào nội bộ của nhau”, khối ASEAN hiện nay và cộng đồng ASEAN tương lai sẽ chỉ là bài toán cộng, mục tiêu và lợi ích khác nhau sẽ triệt tiêu sức mạnh cấp số nhân của cộng đồng. Một điều rất mâu thuẫn, khi đã cùng tạo dựng một cuộc “hôn nhân” thì việc quan tâm, nhắc nhở nhau để cả hai có ứng xử đẹp trước mắt bàn dân thiên hạ. Đằng này “chuyện nước anh, anh làm, chuyện nước tôi, tôi làm”, thì không biết “gia đình” đó sẽ đi về đâu? Nó đâu phải cách hành xử của người một nhà, đâu phải là người cùng một khối hay ngôn từ sang trọng hơn là một cộng đồng. 

Tháng 7/2012, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành ASEAN. Tại Cao-Miên, Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) đã không thể đưa ra một Thông cáo chung do không thống nhất quan điểm tranh chấp lãnh hải, biển đảo giữa Trung quốc và một số quốc gia như Phi-Luật-Tân và Việt Nam. Cao-Miên, chủ tịch luân phiên ASEAN, với quyền lợi gắn chặt vào viện trợ của Trung quốc đã tuyên bố tranh chấp đó là song phương nên không thể đưa vào bản Thông cáo chung của khối. Cao-Miên đã thực thi đúng với tinh thần cam kết “không can thiệp vào nội bộ”, chuyện nhà anh tranh chấp đất với hàng xóm thì anh tự giải quyết. Đâu thể trách Cao-Miên, có chăng là trách cái quy định mang tính cục bộ địa phương. Nhà nước nào cũng muốn độc tài cai trị, đè đầu cởi cổ dân mình mà không ai được lên tiếng phản đối, chẳng ai vì tương lai của một cọng đồng thịnh vượng nên mới đưa ra cái quy định “ngớ ngẩn”: “đèn nhà ai nay sáng”. 

Nhưng nếu chỉ đơn thuần nhìn vào vấn đề không đưa ra bản Thông báo chung của AMM-45 mà phủ nhận những việc làm khác của ASEAN thì đúng là thiển cận. Trong suốt hơn 40 năm ra đời, ASEAN cũng làm được một số việc, lưu thông hàng hóa giữa các nước trong khối thuận lợi hơn khi thông qua Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA: ASEAN Free Trade Area) hay là công dân các nước có thể đi lại dễ dàng khi miễn visa trong thời gian nhất định… Tuy nhiên vấn đề quan trọng là bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền của các quốc gia thành viên, nếu không cùng thống nhất quan điểm thì các vấn đề khác trở nên vô nghĩa. 

Những mâu thuẫn mang tính cục bộ của các thành viên ASEAN hay những cam kết thỏa thuận “nói nhiều hơn làm” và gần đây là bế tắc của ASEAN trong vấn đề an ninh khu vực. Chúng ta không thể không nghi ngờ tương lai của cộng đồng ASEAN. Cộng đồng này có thể mang lại cho người dân một nền hòa bình và sự thịnh vượng chung, trong khi mỗi quốc gia đều nghĩ đến lợi ích riêng? 

Song song với tiến trình hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015, 4 thành viên trong khối ASEAN cũng tham gia đàm phán vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP: Trans-Pacific Partnership), thị trường mậu dịch tự do lớn nhất khi được hình thành. Với sự hướng dẫn của Hoa Kỳ, nền kinh tế số 1 thế giới tiến trình đàm phán TPP đang tiến triển, dự kiến hoàn tất TPP trong năm 2013, trước khi cộng đồng ASEAN hình thành. Trong tương lai TPP còn có sự tham gia của Nhật Bản, nền kinh tế thứ 3 thế giới và kêu gọi sự tham gia của tất cả các thành viên APEC. 

Tham gia vào TPP, các quốc gia kém phát triển sẽ có cơ hội phát triển kinh tế – xã hội bền vững, tuy nhiên các quốc gia cũng phải thỏa mãn các điều kiện để làm thành viên TPP, không có sự giả vờ hứa hẹn thực hiện. Nhìn vào một tương lai xa hơn, cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương đang được hình thành với tiềm lực đủ sức vượt qua những thách thức trong quá trình phát triển. Đây cũng là cảnh báo cho những quốc gia nào thích làm ăn trong bóng tối sẽ khó mà tồn tại trong một cộng đồng minh bạch. 

Nguyễn Bắc Truyển
danlambaovn.blogspot.com

(1) Lịch sử hình thành ASEAN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét