Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Làng mang án tử hình


 Cơn lốc ma túy quét qua nhiều làng quê nghèo ở các tỉnh phía Bắc khiến nhiều gia đình bỗng dưng giàu sụ rồi cũng bỗng dưng điêu đứng. Nhà có người đi tù, người lãnh án tử hình. Bố mẹ thi hành án, con cái bỏ nhà đi biệt xứ. Làng quê thêm nhiều căn nhà bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy lối đi.

Ngôi nhà bỏ hoang của tử tù Nguyễn Thị Mai - Ảnh: Tâm Lụa

Án tử: chuyện bình thường?

Chúng tôi tìm về xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Năm 2003, cơn lốc ma túy về làng. Người dân quê đang bình yên cày cấy thì nhiều người bỏ ruộng đồng đi buôn ma túy. Án tử hình vì ma túy đầu tiên của làng vào năm 2003 là bị cáo Thân Nhân Bộ.

Ngồi trong ngôi nhà cấp 4, trụ sở UBND xã, anh Nguyễn Văn Thắng (phó trưởng Công an xã Ngọc Vân) nhớ lại: “Đó là phiên tòa lưu động đầu tiên của làng vào năm 2003, cũng là án tử hình đầu tiên của xã. Phiên tòa được mở tại UBND xã Ngọc Vân, người dân đi xem xét xử đứng chật quanh ủy ban này. Loa phát thanh ra rả suốt cả ngày. Thân Nhân Bộ bị tử hình, các bị cáo khác chung vụ án bị xử phạt tù từ 20 năm đến chung thân. Người ta nói án tử có tác dụng răn đe, nhưng sau án tử của Thân Nhân Bộ không mấy người làng thấy sợ hãi. Họ vẫn đua nhau buôn bán, vận chuyển ma túy nhưng làm kín đáo hơn”.

Dưới ma lực của đồng tiền, người dân nhanh chóng quên đi án tử hình của Thân Nhân Bộ. Họ không biết sợ, thế là thêm nhiều người bị bắt vì tội vận chuyển ma túy. Xã Ngọc Vân có thêm nhiều án tử tiếp theo vì ma túy như của Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Thị Mai... Thống kê của Công an xã Ngọc Vân cho thấy toàn xã có 160 người đang thi hành án tù vì buôn ma túy, bảy người bị kết án tử hình. Riêng năm 2004 có tới 34 vụ bị bắt.

“Bị bắt hay tử hình ở xã này là bình thường rồi! Mỗi lần chúng tôi phối hợp với công an tỉnh đi bắt người buôn ma túy, người dân đứng ngó nghiêng một chút rồi ai nhanh chóng về nhà nấy. Họ cũng chẳng mấy quan tâm, bận lòng đâu” - anh Thắng vừa lật giở sổ thống kê tên các đối tượng bị bắt, bị tử hình vì ma túy, vừa nói.

Ngôi nhà của Thân Nhân Bộ bỏ hoang, cây cối, cỏ dại mọc đầy lối đi. Ngôi nhà ấy được xây cách đây đã lâu, rất rộng lớn và kiên cố. Sau khi Thân Nhân Bộ thi hành án tử hình, lần lượt vợ của Thân Nhân Bộ là Đỗ Thị Dĩnh lãnh án 20 năm tù, con trai đầu Thân Nhân Dương cũng lãnh án 15 năm tù cùng vì tội buôn ma túy. Chồng bị bắt, vợ của Dương ôm con về nhà ngoại. Con gái của Thân Nhân Bộ là Thân Thị Diện cũng bỏ quê đi biệt tăm không thấy về. Ngôi nhà rộng càng thêm âm u, lạnh lẽo. Bàn thờ Thân Nhân Bộ bỏ trống, anh em họ nhớ ngày giỗ thì đến thắp cho nén nhang.

“Còn gì nữa đâu, tan nát hết rồi...” - chị dâu của Thân Nhân Bộ vừa nói vừa hướng mắt về phía căn nhà bỏ trống ấy. Án tử của Thân Nhân Bộ không có tác dụng răn đe với người dân Ngọc Vân, càng không có tác dụng răn đe với thân nhân gia đình nhà Bộ. Bằng chứng là anh em của nhà Bộ, những người trực tiếp chứng kiến nỗi đau, sự mất mát của án tử hình mang lại, không hề sợ hãi mà còn lún sâu vào con đường tội lỗi. Ngoài vợ và con của Bộ đang thi hành án vì ma túy thì anh em họ nhà Bộ còn bảy người tiếp tục lãnh án vì ma túy như Vũ Đình Trọng (20 năm tù), Thân Nhân Chuyên (20 năm tù)...

Cách nhà của Bộ không xa là ngôi nhà của Nguyễn Thị Mai, đã thi hành án tử hình năm 2005. Sau khi vợ mất, chồng của Mai là Nguyễn Văn Trung cũng bị bắt vì buôn ma túy, đang thi hành án tù 15 năm. Người làng Ngọc Vân bảo hai con của Mai học rất giỏi, đã vào đại học nhưng không ai biết giờ hai cháu đang ở đâu, cũng không thấy về quê. Nhà Mai bỏ hoang, cánh cổng sắt luôn đóng kín, đứng ngoài nhìn vào chỉ thấy cỏ dại rậm rịt.



“Mình không biết nói sao với các cháu về bố mẹ chúng” - Vàng A Pó, người con trai của ông bà Chía, nói - Ảnh: Hoàng Điệp

Án tử và 11 đứa trẻ...

Trong cái nắng oi ả giữa mùa hè cùng gió Lào thổi ràn rạt, căn nhà gỗ làm theo kiểu truyền thống của người Mông dường như ngột ngạt hơn khi người con dâu của ông Vàng A Chía (bản Na Ư, huyện Điện Biên) đang rán chảo mỡ lợn to tướng. Cạnh chị là sáu, bảy đứa trẻ nhỏ bu quanh. Ông Chía, người già của nhà, ngồi xổm bên bếp lửa tiếp khách.

“Mình buồn lắm chứ, người Mông mình có câu buồn quá thì chết đi nhưng mình không chết được. Mình chết ai nuôi 11 đứa cháu nhỏ, ai đi nương, ai đi đào cái củ về cho chúng nó ăn. Thế là mình phải sống”. Ông Chía nói thế khi nhắc đến án tử hình của con trai thứ hai Vàng A Say và án tù của ba con trai khác vì ma túy. Bốn đứa con, đứa vào tù, đứa bị xử bắn để lại cho ông một đàn cháu nhỏ. “Mình không biết chúng nó buôn ma túy, vẫn khuyên bảo chúng nó đấy, nhưng đến lúc công an bắt đi rồi mình mới biết. Biết rồi thì làm gì được nữa. Muộn quá rồi. Chúng nó lớn, tự quyết lấy việc của chúng nó, mình yếu rồi không bám theo chúng để khuyên bảo được nữa”.

Nói đến đây, từ hốc mắt khô héo của người già chảy ra những giọt nước mắt. Lũ trẻ nhỏ nép dựa vào những cột góc nhà, mắt lấm lét nhìn khách rồi lại nhìn ông nội.

Căn nhà truyền thống của ông Chía hẳn đã từng rất vui vẻ. Đó là một căn nhà to với nhiều ngăn, cho nhiều gia đình có thể ở chung được. Giờ chỉ còn nhà, đồ đạc chẳng còn gì.

Khi chúng tôi đến, vợ ông Chía vừa đi nương về. Đôi tay bà lấm lem vì bẻ một cây rừng đã bị đốt làm gậy dò đường. Bà ngồi bệt dưới thềm. 90 tuổi, mái tóc bà bạc trắng, hằng ngày vẫn phải đi nương kiếm cơm nuôi cháu. Tai bà đã lãng, mắt đã yếu. Bà không nghe và nói rõ được tiếng Kinh. “Đi hết rồi”- bà chỉ nói được như thế rồi lặng thinh. Đôi mắt người già khô khốc.

11 đứa cháu thì chỉ mấy đứa bé được đi học, còn lại đều phải nghỉ sớm để đi nương với ông bà nuôi em nhỏ. Khi con trai đứa bị tử hình, đứa đi tù thì các con dâu ông Chía cũng bỏ đi hết. Trong vòng bảy năm, bốn đứa con dâu để lại 11 đứa cháu, đứa nhỏ nhất khi mẹ bỏ đi mới 9 tháng tuổi. Bà nội, ông nội vừa làm cha mẹ, vừa dạy dỗ, bảo ban các cháu. “Vất vả lắm, khổ lắm nhưng mình không thể chết được. Phải sống để trồng cái bắp, đào cái củ cho chúng nó ăn” - ông Chía nói.

Còn Vàng A Pó, đứa con trai duy nhất còn sống với ông Chía, bảo: “Lâu lâu lũ trẻ lại hỏi bố mẹ chúng đâu rồi, tôi không biết nói sao”.

Tôi nhớ lời những cán bộ tại đồn biên phòng nói cửa khẩu Tây Trang, Na Ư là điểm nóng nhất về ma túy của tỉnh Điện Biên. Ở đây phần lớn gia đình đều có người dính vào ma túy. Người ta không thể nhớ hết tên và thống kê hết số người bị bắt và tử hình vì ma túy.

TÂM LỤA - HOÀNG ĐIỆP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét