Lâm Thế Nguyên (ĐVDVN)
Ngày
chế độ độc tài toàn trị chấm dứt, bối cảnh Việt Nam sẽ khác hẳn những
gì đã xảy ra vào tháng 04/1975. Ở ngày đó, dù sự thay đổi đến từ đâu,
và do ai, chắc chắn sẽ KHÔNG thể có "chính sách trả thù" và những "trại cải tạo".
Tình trạng độc quyền thay thế vị trí lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt
Nam (CSVN) cũng sẽ KHÔNG thể xảy ra. Khi độc tài không còn nữa, Tự do sẽ
bùng nở, và Dân chủ sẽ từng bước được phát triển. Việt Nam sẽ có một
thể chế dân chủ pháp quyền. Song thay đổi lớn đó sẽ không xảy ra một
cách dễ dàng, hoặc không điều kiện.
Khi
đất nước hết độc tài, nền dân chủ non trẻ sẽ khởi đầu với vô số trở
ngại không thể tránh khỏi của buổi giao thời. Hoàn cảnh của chính phủ
lâm thời, và ngay cả chính phủ dân cử chính thức sau đó, chắc chắn sẽ
rất khó khăn. Ổn định tình hình trong khi xã hội đầy tâm lý nôn nóng là
một áp lực vô cùng to lớn. Nhưng chính phủ mới sẽ phải bắt đầu bằng
những gì có được -- tương tự như hoàn cảnh các nước vừa thoát khỏi chế
độ độc tài trên thế giới.
Công
việc đầu tiên là nỗ lực xây dựng thế hòa giải và đoàn kết dân tộc.
Những người lãnh đạo mới phải có bản lãnh dung hoà được dị biệt giữa các
thế lực chính trị bản xứ, và những ảnh hưởng chi phối bởi ngoại bang.
Với khát vọng vươn lên đã được ươm mầm từ nhiều năm qua, hy vọng là các
thành phần trí thức và công dân yêu nước sẽ hậu thuẫn chính quyền mới có
được những chính sách đối nội và đối ngoại thích hợp với bối cảnh mới
của đất nước.
Kế
đến là xây dựng, củng cố và phát triển Dân Chủ như thế nào để thích hợp
với văn hoá và hoàn cảnh đặc thù của nước ta. Trong thế giới liên lập
ngày nay, nền chính trị của một quốc gia luôn có nhiều liên hệ sâu rộng
với cộng đồng thế giới bên ngoài. Mặt khác, tuy cuộc chiến tranh lạnh đã
chấm dứt song Việt Nam vẫn là một yếu tố trong nhu cầu cân bằng và phát
triển quyền lực của các siêu cường. Do vậy, làm sao để đất nước có thể
phát triển mà không bị lệ thuộc một cách bất lợi vào bất cứ thế lực quốc
tế nào... là một thử thách đầy cam go; đòi hỏi sự linh động, cân bằng
hiệu quả giữa nhu cầu đối ngoại và tinh thần dân tộc tự quyết. Nếu không
muốn nền dân chủ mới sẽ bị lai căng, què quặt, người Việt không có sự
chọn lựa nào hơn là phải dám đứng thẳng trên đôi chân của mình, và cùng
đưa vai gánh vác lấy trách nhiệm với quốc gia.
Thách
đố to lớn khác là giải quyết là những hậu quả để lại từ tình trạng độc
đảng, tham ô và bất công. Tháo gỡ các quốc nạn tồn đọng cần có nhiều
thời gian và biện pháp, nhưng khả năng ban đầu của chính phủ mới chắc
chắn còn nhiều giới hạn. Tài nguyên quốc gia vận dụng được cho việc ổn
định kinh tế lúc đó có thể sẽ không có nhiều. Việc hàng ngũ hoá nhân tài
của đất nước cũng sẽ lắm nhiêu khê. Do vậy, chính phủ dân chủ đầu tiên
sẽ phải chứng tỏ một thiện chí, bản lãnh và khả năng lãnh đạo vượt bực,
bao gồm việc huy động được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ giới trí thức, doanh
nhân và các tầng lớp xã hội. Tiến trình đó sẽ tốt đẹp hơn quá trình lột
xác của các nước Đông Nam Á, Đông Âu, Bắc Phi và Trung Đông... hay
không, câu trả lời tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố.
Công cuộc dân chủ hoá và phát triển đất nước sẽ đầy dẫy cam go song đó là một tiến trình khả thi.
Chúng
ta có quyền tin tưởng mãnh liệt vào điều đó vì chế độ độc tài đương
quyền đang mất dần khả năng tồn tại. Từ nhiều năm qua, đảng CSVN là một
trở ngại to lớn cho sự phát triển của đất nước. Lý tưởng, kỷ luật và
kiểm soát là ba yếu tố sinh tồn của CSVN, hiện đang bị hư hoại và lung
lay tận gốc rễ. Cùng lúc đó, tình trạng khủng hoảng kinh tế, xã hội,
chính trị và hệ thống lãnh đạo của đảng cầm quyền sẽ là chất liệu tự huỷ
diệt khả năng tồn tại còn lại của chế độ. Sự tồn vong của hậu thân đảng
CSVN trong tương lai tuỳ thuộc vào thái độ thành khẩn của những người
cầm quyền hiện nay. Đối với chúng ta, vấn đề khẩn thiết là chuẩn bị như
thế nào để giai đoạn giao thời đó sẽ không phải là một trang sử đau
thương nhuộm đầy máu và nước mắt. Cách giải quyết của người quốc gia
phải được đặt trên nền tảng của tinh thần nhân bản.
Khi
đất nước hết độc tài, toàn dân sẽ có tự do. Ngày chiến thắng đó sẽ là
thành quả chung của mọi thành phần dân tộc, kể cả những người vì hoàn
cảnh lịch sử, đã từng có một thời góp phần gây ra những thảm trạng cho
dân tộc. Khi đất nước có Dân Chủ, mọi công dân Việt Nam đều có cơ hội
thụ hưởng nhân quyền một cách đúng nghĩa và trọn vẹn, kể cả những người
đã từng là đảng viên CSVN. Chính phủ mới sẽ không thể trừng trị những
người đã từng phục vụ cho chế độ cũ chỉ vì yếu tố quá khứ. Nhưng thiểu
số có trọng tội với đất nước, đồng bào phải cần được luật pháp xét xử
công minh và lịch sử ghi lại rõ ràng để làm gương cho hậu thế, dù còn
sống hay đã chết -- không phân biệt là phục vụ cho chế độ Cộng sản hay
Cộng hoà ngày trước.
Với
hoàn cảnh chung hiện nay, hoạt động của các phong trào quần chúng rất
quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động của các đoàn thể đấu tranh đóng một vai
trò không thể thiếu. Ở hiện tại, tuy phần lớn hoạt động của các tổ chức
phải giữ trong vòng bí mật, song đều chủ động thúc đẩy mạnh mẽ tiến
trình dân chủ hoá đất nước. Trong chiều hướng đó, chắc chắn sẽ có một tổ
chức đạt được thành công sau cùng. Đó là một vinh dự lịch sử nhưng dù
vậy, sẽ không phải, và không thể, là điều kiện để có thể độc quyền thay
thế đảng CSVN trong vai trò lãnh đạo đất nước.
Khi
Việt Nam có dân chủ, một chính phủ đa đảng sẽ là kết quả tất nhiên qua
cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do. Nói cách khác, dù tổ chức nào thành công trong
cuộc đấu tranh dân chủ hoá Việt Nam, các tổ chức, chính đảng ở trong và
ngoài nước cũng sẽ có cơ hội đồng đều để ganh đua phụng sự đất nước và
đồng bào trong các vai trò dân cử.
Việt
Nam cần có một chính phủ thực sự đáp ứng được nguyện vọng nhân dân và
nhu cầu ổn định, phát triển của đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hoá
ngày nay, vượt thắng được trước những cạnh tranh khốc liệt trên thị
trường sẽ không phải là điều đơn giản. Xây dựng được uy thế trên chính
trường quốc tế cũng sẽ lắm cam go. Nhưng thực tế thế giới cho thấy, nước
nào không bị phân hoá nội bộ, có một chính phủ tốt và thực sự thương
nước thương dân, thì nước đó vẫn có khả năng và điều kiện để đứng vững
trước các thử thách lớn của thời đại.
Nước
Việt Nam mới có tốt đẹp như kỳ vọng của nhiều người hay không là tuỳ
thuộc vào quyết tâm cách mạng hoá xã hội của toàn dân, và của những
người lãnh đạo đất nước ở giai đoạn giao thời đó. Đó là một tiến trình
tự nhiên và cần thiết để xem người Việt có đủ bản lãnh và xứng đáng để
thụ hưởng một đời sống tự do, dân chủ đích thực.
Một
nước Việt Nam dân chủ, tự do tuy chưa ở trong tầm tay song đã ở trong
tầm mắt của chúng ta. Khoảng cách đó không tự nhiên mất đi mà cần phải
được rút ngắn bằng chính những nỗ lực dấn thân và hy sinh đồng loạt của
nhiều người. Ngày nào những người yêu nước thật sự biết quên mình để
cùng lo việc chung, thì ngày đó tương lai Việt Nam sẽ ở trong tầm tay.-
Lâm Thế Nguyên (ĐVDVN)
www.vidan.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét