Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Mỹ sẽ bán trang bị quốc phòng 'không sát thương' cho Việt Nam

 HÀ NỘI 11-7 (NV) - Hoa Kỳ sẽ bán trang bị quốc phòng không thuộc loại võ khí “sát thương” cho Việt Nam, theo lời một viên chức Hoa Kỳ tháp tùng bà Ngọai Trưởng Hillary Clinton.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton (trái), và tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, tại Hà Nội ngày 10 Tháng Bảy, 2012. (Hình: AP Photo/Brendan Smialowski)
Bản tin thông tấn Reuters thuật lời một viên chức yêu cầu không nêu tên nói rằng Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam các trang bị quân sự không sát thương (non-lethal military equipment) và sẽ không cứu xét bán các loại võ khí sát thương cho Việt Nam chừng nào thành tích nhân quyền của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Một trong những thứ trang bị quân sự “không sát thương” hàng đầu mà Hà Nội cần là hệ thống radar tối tân giám sát hỏa tiễn Trung Quốc, các máy bay theo dõi tàu chiến, tàu ngầm trên biển.
Năm 2007, Tổng Thống George W. Bush chỉ gỡ bỏ một phần của đạo luật cấm bán trang bị quân sự cho Việt Nam bằng cách cho phép bán các loại trang bị thuộc loại “không sát thương” và phải được cứu xét từng trường hợp một.
Hai bộ trưởng quốc phòng CSVN Phạm Văn Trà và Phùng Quang Thanh khi đến Mỹ thăm viếng đều yêu cầu gỡ bỏ lệnh này. Gần đây nhất, báo chí ở Việt Nam cho hay cả Bộ Trưởng Phùng Quang Thanh cũng như ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đều đem điều yêu cầu đó ra lập lại với Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Leon Panetta khi ông này đến Hà Nội hồi đầu Tháng Sáu.
Câu trả lời mà Hà Nội nhận được sau cùng từ ông Panetta hay bà Ngọai Trưởng Clinton cách đây hai ngày đều cùng một quan điểm chưa thấy thay đổi. Nếu Việt Nam không cải thiện nhân quyền đáng kể, lệnh cấm bán võ khí sát thương vẫn còn đó.
Nghị Sĩ John McCain khi đến dự Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực Shangri-La ở Singapore ngày 2 Tháng Sáu 2012 cũng cho hay hiện đang có các cuộc thảo luận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ “theo hướng tích cực” về các loại trang bị quân sự mà Hà Nội muốn mua. Hồi đầu năm, ông đã đến Việt Nam và cho hay Hà Nội đã đưa cho Hoa Kỳ một danh sách dài về các loại trang bị quân sự muốn mua nhưng ông cũng đã nói điều đó tùy thuộc vào sự cải thiện nhân quyền ở Việt Nam.
Trong thời gian ghé Hà Nội trước khi sang Lào và dự Hội nghị ASEAN ở Phnom Penh, ngày 10 Tháng Bảy 2012, bà Hillary Clinton đã gặp Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.
Trong cuộc họp báo, bà cho hay bà đã nhấn mạnh vấn đề cải thiện nhân quyền để Việt Nam với Hoa Kỳ có thể nâng mối quan hệ đối tác chiến lược lên một mức cao hơn. Bà kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các bloggers Ðiếu Cày (Nguyễn Văn Hải), Tạ Phong Tần và AnhBaSG (Phan Thanh Hải) là 3 người thuộc nhóm “Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do”. Vụ án được loan báo xử từ giữa Tháng Năm 2012 nhưng bất ngờ bị dời lại không ai biết lý do tại sao. Cả 3 đối diện với những bản án có thể từ 10 đến 20 năm tù.
Luật sư của bà Tần, ông Nguyễn Quốc Ðạt, từng cho hay bà Tần đã tuyệt thực nhiều ngày trong tù, không rõ tình trạng sức khỏe và an nguy của bà hiện nay ra sao.
Theo Reuters, bà Clinton đã yêu cầu gặp ông Nguyễn Phú Trọng một phần vì những chống đối các cải cách chính trị cũng như chống lại khuynh hướng tiến gần với Hoa Kỳ, nằm ở phía các lãnh tụ bảo thủ trong đảng.
Nguồn tin dẫn lời viên chức giấu tên nói ông Trọng đã khó chịu khi bị bà Clinton đem vấn đề đàn áp nhân quyền ra cật vấn, vừa nêu các trường hợp đặc biệt, vừa nói chung về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam.
Theo Reuters thuật lại, có vẻ như Hà Nội không mấy đáp ứng các đòi hỏi của bà về nhân quyền nên có dấu hiệu như mối quan hệ song phương giữa hai nước không dễ dàng “lên tầm cao mới”.
Trước các tin tức về chuyến thăm của bà Clinton đến Hà Nội, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (phụ bản của Nhân Dân Nhật Báo) ở Bắc Kinh ngày 11 Tháng Bảy 2012 dọa rằng Hà Nội “sẽ cảm thấy đau đớn khi giúp Mỹ quay lại Việt Nam”.
Nội dung bài báo ám chỉ đến những những trò trả thù mà Bắc Kinh sẽ đưa ra nếu Hà Nội nghiêng dần về phía Hoa Thịnh Ðốn.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=151845&zoneid=1 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét