Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Trung Quốc dương đông kích tây, Việt Nam cần cảnh giác trước mọi âm mưu xâm lược


ĐOÀN NAM SINH


Trên 30 tàu cá và tàu “hộ vệ” Trung Quốc đã lấn sâu xuống biển Đông. Động binh lần này không phải bình thường mà là hoạt động quân sự trong vỏ bọc “dân sự”. Cú phản đòn trước sự kiên định của ngư dân Việt Nam quyết ra biển Đông- ngư trường cố cựu, đã khiến cho họ phải đánh nước cờ liều bất chấp sĩ diện và coi khinh lẽ phải.
Khốn khổ thay, ngư dân Trung Quốc vì không từng kiếm ăn trên vùng biển này nên đã không thể thông thuộc luồng lạch, không biết quy luật đàn cá, không biết lặn sâu tìm hải sâm,...dẫn đến những chuyến biển xa đều lỗ vốn, ngay cả thời tiết bình thường cũng có chuyện, phải nhờ ngư dân ta giúp đỡ. Nay có tàu lớn đi theo gọi là hộ vệ chứ có ai làm gì các đồng nghiệp trên biển giã, chủ yếu là Hạm đội Nam Hải giúp ngư dân họ sớm tìm cho ra quy luật và chuẩn bị đưa tàu chế biến ra khơi cho bớt chi phí đi về và tự do xả thải vào “sa mạc” biển.
Lần đầu tiên, không thể giấu diếm được sự xa lạ với luồng lạch, đêm 11vừa qua, khinh hạm hộ vệ tên lửa Đông Hoán 560 của Hải quân Trung Quốc đã va vào đá ngầm và mắc cạn ở gần bãi Trăng Khuyết thuộc chủ quyền hiển nhiên của Việt Nam, ngoài khơi đảo Palawăn, cách bờ biển tây Phi-lip-pin khoảng 200 km. Tàu này mới vừa trực tiếp tham gia tranh chấp tại quần đảo Scarboroug / Hoàng Nham của Phi-lip-pin gần đó (!?).
Trước sự cố ấy mấy ngày, tàu đo đạc trinh sát Lý Tứ Quang, số hiệu 871 có khối lương rẽ nước 5.000 tấn, gấp 3 tàu Đông Hoán đã bị chìm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, “không rõ nguyên nhân va chạm”. Tàu này đã từng va chạm với tàu Nhật Bản ở vùng đảo Senkaku / Điếu Ngư (2005), về sửa chữa tân trang ở Quảng Tây và mới xuống Hoàng Sa thì ngộ nạn.
Sự kiện chia lô gọi thầu tìm dầu khí của Tổng Cty dầu khí Hải dương Trung Quốc, nằm sâu trong vùng biển có đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đang có hợp tác giữa Việt Nam với Nga, Ấn và cả Nhật Bản. Lô 128 mà PVN đang hợp tác với Ấn Độ là lô gần nhất cách đảo Phú Quý 55 km, nằm giữa đường lưỡi bò tưởng tượng của chúng với cảng Bô-xít Mũi Kê gà hiện nay, khoảng 100 km, đã lộ rõ sự nhất quán trong mưu toan tằm ăn dâu không chỉ cướp biển mà còn cướp cả tài nguyên khoáng sản của nước ta. Vị trí chiến lược này, cả về kinh tế lẫn quốc phòng, cho thấy ý đồ lôi kéo cả Ấn độ, Nga, Nhật vào cuộc chơi chia chác quyền lợi hoặc từ chối để chia cắt việc tiếp vận của Việt Nam ta từ đất liền ra Trường Sa, chuẩn bị cho cuộc tấn công tổng lực của Quân khu Tỉnh Hải Nam vừa thay máu và viên tướng diều hâu Vương Đăng Bình vừa nắm hạm đội Nam Hải- mạnh nhất của Trung Quốc- chiếm cứ các quần đảo và cả biển Đông theo đúng đường lối Mao: Khủng bố trước tuyên truyền sau. Các đảo tiền tiêu như Lý Sơn, Phú Quý,... cũng không nằm ngoài chiến dịch này.
Các sự kiện rầm rộ như diễn tập trên bộ bắn biển của Trung Quốc mười ngày trước đây liền với việc ASEAN không ra được thông báo chung về biển Đông, Trung Quốc từ khước COC, càng làm cho sự việc phía đông có vẻ dồn dập. Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng tại Kam-pu-chea rằng không nên dùng vũ lực trong tranh chấp biển Đông càng chứng tỏ rằng bà nắm được những ý định của Trung Quốc muốn đánh nhanh thắng nhanh. Tức khắc, các đồng minh của Mỹ là Phi-lip-pin gọi thầu khai thác dầu khí 3 lô; Đài Loan chuẩn bị kéo dài đường băng trên đảo Ba Bình trong vùng biển chủ quyển của Việt Nam. Xa hơn, Nga bắt tay với Trung Quốc khai thác Xi-bê-ri, Pháp hòa hoãn với Trung Quốc vì quyền lợi biển Đông...
Tuy vậy, yếu tố bất ngờ nhất để tiến hành tấn công đã bị bộc lộ. Ở phía Tây Nam Việt Nam, Kam-pu-chea nhận viện trợ quân sự ồ ạt hàng trăm xe chuyển quân từ Trung Quốc; hàng trăm ngàn trai trẻ là kỹ sư, công nhân đã qua huấn luyện quân sự đang hiện diện trên mọi công trình, nhất là hiện đại hóa các xa lộ số 3, số 4 hướng về Si-ha-núc-vil và Kam-Pốt sát Hà Tiên, sau khi đã hoàn chỉnh các xa lộ hướng lên phía Bắc và nối với xa lộ từ Nam Lào chạy thẳng hướng Luông Nậm Tha lên Vân Quý. 
Tưởng cũng nên nhắc lại hàng loạt sự việc đã qua, như sự kiện tắm máu đảo Thổ Châu của quân lính Paul Pốt với hàng trăm thường dân vô tội sau 1975, mà đến nay đường tàu ra vào đất liền còn rất khó khăn.
Một câu chuyện từ cuối thế kỷ trước, vị phó chủ tich Hội Khoa học Kỹ thuật trẻ của Trung Quốc đã đăng đàn phát biểu tại Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh rằng: mai kia Hà Tiên sẽ tách ra thành một Sin-ga-por thứ hai cũng không là điều lạ vì chúng tôi có đủ bằng chứng lịch sử cho thấy Mạc Cửu vâng mệnh nhà Thanh trá hàng nhà Nguyễn, nhằm Nam tiến chứ hoàn toàn không phải là người phản Thanh phục Minh. Hay lời phát biểu đầy tham vọng Nam tiến của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Trì Hạo Điền rằng: sẽ thực hiện kênh đào Kra (Kra Buri) trên đoạn gần cuối đất Thái để rút ngắn hải hành chiến lược từ Ấn Độ dương vào Thái Bình dương, không qua eo biển Ma-lắc-ca mà thẳng qua vịnh Thái Lan vào kho cảng trong vịnh Si-ha-nuc. Sự kiện rải cọc nhọn “Thổ địa giới tiêu” ngoài bờ biển và hải đảo phía Nam mới hai năm trước càng chứng tỏ Trung Quốc đã tiến hành từng bước vững chắc âm mưu bành trướng xâm lược Việt Nam.
Chiến thuật dương Đông nhưng lại kích Tây để phân tán lực lượng, rồi sau đó phát binh tổng lực chiếm toàn bộ biển Đông Việt Nam có thể là lộ trình không sai khác mấy. Phía Việt Nam không thể bị động mà phải nâng cao cảnh giác, bình tĩnh đối phó, để giành lấy thắng lợi từ việc nhận chân ra bộ mặt lừa dối, thâm hiểm của Trung Quốc, để tranh thủ sự quan tâm của lương tri toàn thế giới, đồng thời phát động toàn lực vào cuộc chiến tranh vệ quốc sắp sửa xảy ra.
Cuối cùng, người dân của nước Việt nam cũng phải tự siết tay nhau phản kích quét sạch thù trong giặc ngoài. Thiết nghĩ chính phủ sẽ không vì lý do gì để kìm chế lòng yêu nước bộc phát của bà con anh em, trước cuộc chiến tránh cho nước mất nhà tan, tiếp tục kiếp đời nô lệ này.
Sài Gòn, 17/07/2012
Đoàn Nam Sinh
(Ghi chú: Bài viết này của tác giả Đoàn Nam Sinh gửi qua dạng comment trên một bài viết của tôi. Xét thấy sự phân tích rất sâu sắc, nhiều tư liệu thuyết phục nên tôi lưu lại như trên. Xin cám ơn tác giả). Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét