Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Thuốc lá giả Trung Quốc tràn ngập thị trường Châu Âu

Hải quan Đức đã tịch thu 65 ngàn bao thuốc lá giả từ một container chở hàng (Reuters)
Hải quan Đức đã tịch thu 65 ngàn bao thuốc lá giả từ một container chở hàng (Reuters)

Lê Phước
Trung Quốc không chỉ « tấn công » Châu Âu một cách chính thức trong lĩnh vực kinh tế, mà hàng giả đến từ Hoa Lục cũng đã tràn ngập trời Tây. Nhật báo thiên hữu Le Figaro hôm nay có bài viết với hàng tựa cảnh báo: « 10 tỷ điếu thuốc lá giả được tiêu thụ trong năm qua chỉ riêng tại Pháp ».

Tờ báo Le Figaro cho biết, một nghiên cứu cho thấy, năm rồi, có đến 15,8% lượng thuốc lá lưu hành tại Pháp có xuất xứ « đáng ngờ ». Các chuyên gia ghi nhận, có hơn 10 tỷ điếu thuốc lá được tiêu thụ tại Pháp trong năm 2011, tức hơn năm 2010 tới 1 tỷ điếu.
Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này ? Có hai yếu tố cần chú ý : Một là do giá thuốc chính hãng tăng đến 6%, hai là sự tăng cường hoạt động và tính chuyên nghiệp của các tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc lá giả.

Tờ báo dẫn lời một chuyên gia chống hàng giả của hãng thuốc lá Philip Morris cho biết, có đến 90% thuốc lá giả đến từ Châu Á, mà đặc biệt là từ Trung Quốc. Theo Tổ chức Hải quan Quốc tế, mỗi năm Trung Quốc sản xuất đến 190 tỷ điếu thuốc lá giả và chủ yếu nhắm vào thị trường Châu Âu. Ngày 29 tháng 6 vừa qua, tại Anvers (Bỉ) có đến 151 triệu điếu thuốc lá giả đã bị nhà chức trách thiêu hủy.
Nói về mức độ tinh vi của các tổ chức làm hàng giả, một chuyên gia cho biết, các bao thuốc lá giả không chỉ được nhái giống về nhãn mác, mà còn có các lời cảnh báo hút thuốc theo đúng quy định của nhiều nước Châu Âu như Bỉ, Hà Lan, Pháp hoặc Đức.
Theo tờ báo, các tổ chức này ngày càng nhiều và đã thành lập hẳn những cơ sở sản xuất ngay trong lòng Châu Âu, thậm chí có khi chúng còn đặt nhà máy sản xuất ở các khu công nghiệp dưới vỏ bộc sản xuất một loại sản phẩm hợp pháp khác.
Bên cạnh thuốc nhái, tờ báo cũng cho biết, còn có một loại thuốc nữa, đó là thuốc « thật », được dán nhãn hiệu đàng hoàng, nhưng đến khi kiểm tra, thì đó chỉ là những « nhãn hiệu ma », tức không hề có mặt ở bất kỳ thị trường nào.
Bàn về mức độ độc hại, tờ báo Le Figaro cho biết, thuốc lá giả thường có liều lượng nicotine cao hơn hai lần mức cho phép. Ngoài ra, nghiên cứu tại Thụy Sĩ cho thấy, trong thuốc lá giả còn có chất dẻo nóng chảy, chất polyester, phân côn trùng, mạt cưa và xác tổ ong.
Cuối cùng tờ báo Le Figaro cho biết, lợi ích mà bọn buôn lậu kiếm được là rất lớn, trong khi các hình phạt còn quá nhẹ, cho nên chưa đủ sức răn đe.
Giáo dục đại học Pháp chồng chất khó khăn tài chính
Luật tăng quyền tự chủ cho các trường đại học tại Pháp được thông qua ngày 10/8/2007, từng được xem là một trong những cải cách mang tính đột phá của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy. Thế nhưng, sau 5 năm nhìn lại, kết quả đã không được như mong đợi, nếu không muốn nói là khá bi quan. Nhật báo cánh Tả Libération phân tích chủ đề này với bài viết chạy tựa trên trang nhất : « Giảng đường buồn tẻ ».
Theo tờ báo, hiện tại nhiều trường đại học Pháp đang lâm cảnh khó khăn tài chính nghiêm trọng, có nguy cơ phải đóng cửa một số ngành và phải thắt lưng buộc bụng tối đa. Con số chính thức thì chưa có, bởi không một vị giám đốc trường đại học nào lại tự vạch áo cho người xem lưng.
Cựu bộ trưởng giáo dục đại học Pháp Laurent Wauquiez hồi tháng 11 rồi đã chỉ ra 8 trường đại học bị thâm hụt ngân sách hai năm liền. Một nguồn tin thân cận của bộ này cho biết, hiện có đến 20 trường đại học gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng.
Nói về khó khăn tài chính, ông Bertrand Monthubert, tân giám đốc trường đại học Toulouse III cho biết, còn có nhiều trường nữa. Đó là những trường nghèo, họ không bị thâm thủng tài chính vì họ đã cố gắng cắt giảm chi tiêu đến mức không thể cắt giảm hơn được nữa.
Tình hình nghiêm trọng đến mức tân bộ trưởng giáo dục đại học Pháp bà Genevière Fioraso dự kiến sẽ đệ trình hồ sơ này lên hội đồng bộ trưởng hôm nay. Bà dự kiến mùa thu năm nay sẽ hoàn tất việc soạn thảo những cơ sở định hướng cho giáo dục đại học và nghiên cứu, để tiến đến thiết lập một bộ luật hướng dẫn mới vào đầu năm 2013. Mục đích là tiến hành cải tổ lại bộ luật tự chủ đại học 2008.
Nguyên nhân căn bệnh ?
Để cải tổ thành công cần xác định được căn bệnh mà các trường đại học đang gặp phải. Cánh Tả ủng hộ luật tự chủ đại học 2008, nhưng phản đối sự cải tổ nửa vời. Đó là việc khi trao quyền tự chủ cho các trường đại học, nhà nước giao hẳn gánh nặng tiền lương cho họ, bên cạnh đó là hàng loạt các chi phí khác, từ bảo trì phòng ốc đến việc trang bị dụng cụ nghiên cứu.
Đương nhiên nhà nước phải hỗ trợ một phần trọng yếu.Thế nhưng, những khoảng tài chính mà ông Sarkozy hứa đến hiện tại chỉ được thực hiện một phần nhỏ. Chẳng hạn như việc ông Sarkozy từng hứa mỗi năm sẽ chi bổ sung 1 tỷ euro cho giáo dục đại học, thế nhưng số tiền này chỉ được chi đúng như đã hứa trong năm đầu tiên mà thôi.
Vấn đề thiếu tài chính gây nhiều khó khăn cho công tác cải tổ hiện tại của tân chính phủ cánh tả. Đến mức mà bộ trưởng Fioraso cũng phải thừa nhận là, trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu công như hiện nay, khó lòng tạo được bước đột phá trong cải tổ. Thêm vào gánh nặng đó, chính phủ tiền nhiệm còn để lại một loạt các học bổng chưa giải ngân.
Giải pháp nào ?
Bàn về giải pháp, trong bài trả lời phỏng vấn cũng đăng trên Libération, ông Louis Vogel, chủ tịch Hội đồng giám đốc các trường đại học cho rằng, nhà nước phải luôn giữ vai trò chính trong việc đảm bảo tài chính cho các trường đại học. Nếu muốn đa dạng hóa nguồn thu của các trường, đòi hỏi phải tiến hành dần từng bước và trong dài hạn, tức nhà nước không nên đột ngột kéo dây lên để các trường phải lặn hụp giữa muôn trùng sóng gió tài chính.
Còn trong bài xã luận mang tên « Thâm hụt », Libération cho rằng, dự định cải cách của bà tân bộ trưởng chỉ có kết quả tốt khi nó tập trung vào vấn đề khắc phục hậu quả tai hại của bộ luật trước, xem xét lại việc trao quá nhiều quyền vào tay giám đốc các trường đại học dẫn đến nạn quan liêu hoành hành ở các trường.
Châu Âu : Thanh niên dẫn đầu tỷ lệ thất nghiệp
Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro có bài: « Trong khu vực đồng euro, có đến 1/5 thanh niên thất nghiệp ». Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Châu Âu (OECD), tỷ lệ không việc làm của thanh niên dưới 25 tuổi ở các nước giàu đã đạt mức 16%, tức gấp hai lần tỷ lệ thất nghiệp bình quân trên thế giới. Tổ chức này cảnh báo, tình trạng trên sẽ kéo dài đến hết quí hai năm 2013.
Còn theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), riêng trong khối đồng euro, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong tháng năm lên đến 22,6%, tức có đến gần 3 triệu rưỡi người. Chỉ có ba nước có mức thất nghiệp dưới 10% : Đức, Áo và Hà Lan. Còn kết quả xấu nhất thì dành cho Bồ Đào Nha, Ý với 36%, Hi Lạp và Tây Ban Nha với 50% thanh niên thất nghiệp.
Hai báo cáo mang đến hai thông điệp. Thứ nhất, không nên cắt giảm ngân sách giáo dục và việc làm, nhất là đối với bộ phận dân chúng nghèo khổ. Thứ hai là nên tăng cường hoạt động của các cơ sở hổ trợ việc làm. Hai tổ chức trên cảnh báo : Nên cấp bách hành động để tránh « đánh mất cả một thế hệ », tránh các nguy cơ về nghèo khổ, bất ổn xã hội và hao phí nguồn nhân lực.
Tây Tạng : Bắc Kinh xây công viên để nhồi sọ ?
Đến với vùng Tây Tạng, nhật báo Le Monde chú ý đến công trình xây dựng công viên tại đây do chính phủ Bắc Kinh đầu tư với bài viết chạy tựa : « Công viên Disney ở Thượng Hải, Công viên Tây Tạng ở Lhassa ». Công trình xây dựng tại Lhassa Tây Tạng đã chính thức bắt đầu vào ngày 8 vừa qua và dự kiến sẽ mở cửa đón khách trong vòng 3 đến 5 năm nữa.
Theo chính quyền trung ương Trung Quốc, đó là một công viên đặc biệt dành cho văn hóa Tây Tạng, với diện tích 800 héc ta, nhằm để « Cải thiện du lịch vùng Tây Tạng ». Tổng đầu tư lên đến 30 tỷ nhân dân tệ (3,8 tỷ euro), tức tương đương với số tiền đầu tư cho dự án công viên Disney tại Thượng Hải.
Có phải Bắc Kinh đã đặt Tây Tạng ngang hàng với Thượng Hải ? Có lẻ chi tiết sau đây sẽ làm sáng tỏ thắc mắc này. Số là trong nhiều hoạt động văn hóa ấn tượng tại công viên Tây Tạng, có một vở kịch « mang ý nghĩa giáo dục lẫn giải trí ».
Vở kịch kể về Công Chúa Thiên Thành thời nhà Đường được gả cho vua Thổ Phồn lúc bấy giờ là Songtsän Gampo (Tùng Tán Can Bố). Xin nhắc lại rằng, suốt từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9, Thổ Phồn khống chế hầu như toàn bộ Con đường Tơ lụa.
Thế nhưng, vỡ kịch sẽ được nhà cầm quyền dàn dựng theo kiểu sau đây : Công chúa Thiên Thành năm 641 đã phải rời khỏi cố hương để đến kết hôn ở nơi xa xôi vạn dặm nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước ; khi xuất giá, công chúa mang theo nào là thuốc thang, nào là hạt giống, nào là sản phẩm thủ công của nhà Đường, mang theo một nền văn hóa mà « Vua Thổ Phồn rất kính ngưỡng, bà sống ở thổ phồn ngót bốn mươi năm, và thậm chí còn ở lại đó sau khi vua Thổ Phồn đã băng hà.
Theo Le Monde, nhìn từ Bắc Kinh, công chúa Thiên Thành « đã đóng góp rất nhiều cho tình hữu ghị giữa người Hán và người Tây Tạng ». Bắc Kinh khẳng định : « Dân Tây Tạng luôn yêu mến bà ». Tuy vậy, Le Monde cho rằng, câu chuyện Thiên Thành công chúa chỉ có lợi cho chính quyền Bắc Kinh, bởi qua câu chuyện của bà, người ta thấy rằng ngày xưa Tây Tạng đã có ý sáp nhập vào Trung Quốc.
Hơn 200 triệu phụ nữ không được tiếp cận các dịch vụ tránh thai
Trong lĩnh vực sinh sản-kế hoạch hóa gia đình, Le Monde có bài : « Một thượng đỉnh để đầu tư khẩn cấp cho việc kiểm soát sinh sản ». Tờ báo cho biết, hôm nay, ngày 11/7/2012, tại Luân Đôn, Bộ phát triển quốc tế Anh quốc (DFID) phối hợp với Quỹ Bill and Melinda Gates tổ chức một hội nghị cấp cao về chủ đề tiếp cận các phương tiện tránh thai cho phụ nữ trên thế giới.
Bà Melinda, vợ nhà tỉ phú Bill Gates, nhấn mạnh : « Lâu nay vấn đề này không được chú ý. Bây giờ đã đến lúc ưu tiên hành động cho nó ». Mục tiêu của hội nghị là tìm nguồn tài chính để cung cấp các phương tiện tránh thai cho khoảng 120 triệu phụ nữ trên thế giới cho giai đoạn từ đây đến năm 2020. Có khoảng 200 đại diện đến từ 20 nước tham dự hội nghị.
Theo Le Monde, hiện tại, trên thế giới có gần 220 triệu phụ nữ muốn được sinh thưa hoặc muốn ngừng sinh, nhưng chưa được tiếp cận với các phương tiện ngừa thai, do nguyên nhân tài chính hoặc văn hóa. Ở khu vực Đông Á, tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận các phương tiện ngừa thai vượt 80%, trong khi ở Châu Phi nam Sahara chỉ có 20%. Hậu quả là, Châu Phi là nơi có nhiều ca sản phụ tử vong nhất thế giới.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120711-thuoc-la-gia-trung-quoc-tran-ngap-thi-truong-chau-au 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét