Cưỡng chế chỉ ngay trước Tết âm lịch hai tuần lễ, ngày Tết đến thì chúng tôi thờ cúng Ông Bà ở chỗ nào?
Kính gửi: Bauxite Việt Nam
Tôi tên: Nguyễn Văn Bạch năm nay 80 tuổi là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam được 57 năm tuổi đảng (số thẻ đảng: 40.005403), hiện cư ngụ tại số 30 đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM.
Gia đình tôi là một gia đình cách mạng từ lâu đời, cha mẹ tôi đều là Đảng viên từ trước năm 1940, cha tôi bị giặc xử tử năm 1941 sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, mẹ tôi bị giặc xử tử hình vắng mặt sau Khởi nghĩa Nam Kỳ nhưng vẫn trốn lánh để tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến khi thống nhất đất nước, anh ruột của tôi hy sinh trong trận Ấp Bắc năm 1969, em ruột của tôi bị lãnh án chung thân khổ sai ở Côn Đảo đến năm 1973 mới được trao trả. Riêng tôi tham gia kháng chiến từ năm 1947 sau đó tập kết ra Bắc được cử đi học và thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Gia đình tôi đến nay chưa hề được hưởng một chính sách nào của nhà nước về nhà ở, căn nhà tôi đang ở hoàn toàn tự tạo ra bằng mồ hôi xương máu của mình.
Vậy mà giờ đây khu vực nhà tôi đang ở là tứ giác Bến Thành (đối diện chợ Bến Thành) bị giải tỏa để xây trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ và khách sạn cao cấp nhưng lại bị áp đặt giá bồi thường chỉ bằng ½ giá thị trường. Gia đình tôi chấp nhận di dời nhưng yêu cầu được bồi thường gần bằng 70% giá thị trường nhưng chưa được giải quyết, vậy mà tôi nhận được lệnh cưỡng chế vào lúc 7h00 ngày 06/01/2012 chỉ ngay trước Tết âm lịch hai tuần lễ, ngày Tết đến thì chúng tôi thờ cúng Ông Bà ở chỗ nào.
Mong quí báo đăng tin để tránh cho những người khác lâm vào hoàn cảnh như tôi.
Xin cảm ơn.
Người viết,
Nguyễn Văn Bạch
Nguồn: Bauxite VietNam.
___________________________
Phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội:
Hương hồn bốn Liệt sĩ trú ngụ ở đâu?
Sự việc UBND phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội cưỡng chế, phá dỡ trái pháp luật căn nhà cấp 4 của gia đình bà Nguyễn Thị Hà, ở khu Cầu Đơ 2, đến nay đã kéo dài hơn một năm. Ngần ấy thời gian, bà Nguyễn Thị Hà là vợ liệt sĩ, người phụ nữ khốn khổ 73 tuổi, vẫn phải sống vạ vật trong căn phòng đi thuê chưa đầy 10 m2, bốn liệt sĩ của gia đình bà Hà cũng không có nơi thờ cúng, hương khói, càng tủi vong linh.
Vậy mà sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm, do sự “lắt léo” của chính quyền phường. Ngay đến TAND quận, nơi gia đình bà Nguyễn Thị Hà đặt hết hi vọng vào “cán cân công lí”, cũng vô cảm, thậm chí khi phóng viên Báo Người cao tuổi đến làm việc, bà Trần Thị Xuân, Chánh án TAND quận Hà Đông tỏ thái độ bất hợp tác...
Các cơ quan báo chí tốn nhiều giấy mực phản ảnh sự thật việc UBND phường Hà Cầu cưỡng chế, phá dỡ trái pháp luật căn nhà cấp 4 của gia đình bà Nguyễn Thị Hà, làm trên thửa đất ở hợp pháp tại khu Cầu Đơ 2 đã rõ như ban ngày. Báo Người cao tuổi đã có nhiều bài phản ánh, phân tích, kiến nghị, đồng thời gửi nhiều công văn nêu rõ: Thửa đất của gia đình bà Hà mang số 5, tờ bản đồ địa chính số 14 (2B- I- B- d) năm 1998, kí hiệu (T), mang tên Nguyễn Thị Hà.
Đối chiếu với Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất (hoặc được đền bù khi thu hồi đất), vì gia đình bà ở ổn định trước 15-10-1993 (khai hoang từ năm 1986), không tranh chấp và có tên trong hồ sơ địa chính. UBND phường Hà Cầu cưỡng chế, thu hồi mà không có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền, không đền bù và bố trí tái định cư là trái pháp luật. Báo đề nghị UBND phường Hà Cầu nên bố trí chỗ ở khác cho gia đình bà Hà theo đúng pháp luật, hơn nữa để tri ân các liệt sĩ... Thế nhưng, những kiến nghị hợp tình, hợp lí của báo chí vẫn bị rơi vào quên lãng.
Do dư luận lên tiếng mạnh mẽ, ngày 22-7-2011 UBND quận Hà Đông có Công văn số 1084/UBND-VP, giao UBND phường Hà Cầu làm chủ đầu tư lập dự án xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Hà. Trước đó, ngày 1-7-2011 UBND quận Hà Đông có Công văn số 915/UBND-TTr gửi UBND thành phố Hà Nội, đề xuất cho phép UBND phường Hà Cầu xây dựng nhà tạm cư tại lô đất số 49, diện tích 38 m2 bằng vốn ngân sách để bố trí chỗ ở cho bà Nguyễn Thị Hà. Việc UBND quận Hà Đông đề xuất xây dựng nhà tạm cư cho bà Hà, xuất phát từ báo cáo sai sự thật của UBND phường Hà Cầu rằng, năm 1999 bà Nguyễn Thị Hà đã được UBND quận Hà Đông giao 43 m2 đất ở theo chính sách đối với thân nhân liệt sĩ, bà Hà đã bán diện tích đất được giao... Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt, nhằm phục vụ mục đích không trong sáng của một số cán bộ thuộc UBND phường Hà Cầu.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tình, con dâu bà Hà cho biết: Thực chất bà Nguyễn Thị Hà phải đi vay lãi để có tiền mua mảnh đất giãn dân rộng 43 m2 từ năm 1996, cùng mua với bà Hà còn có hơn trăm hộ dân khác, chính ông Chủ tịch UBND phường đương nhiệm Nguyễn Văn Hùng cũng mua một suất và ông đã bán cho người khác. Do kinh tế gia đình khó khăn, bệnh tật, bà Hà phải bán mảnh đất đó đi để trả nợ, chữa bệnh và lấy kinh phí đi Quảng Bình đưa hài cốt chồng là liệt sĩ Bùi Xuân Liên về quê an táng.
Bà Nguyễn Thị Hà từng phải “quỳ” trước ông Bí thư Đảng ủy phường để dâng đơn.
Cái gọi là “nhà tình nghĩa” được khởi công từ 10-8-2011 đến 20-9-2011 hoàn thành. Đến đây, UBND phường Hà Cầu lợi dụng việc này để mặc cả với bà Hà, yêu cầu bà phải rút đơn khởi kiện mới được giao nhà tình nghĩa. Gia đình bà Hà không nhất trí, do chính quyền tuyên bố chỉ giao nhà tạm cư. Ngày 1-12-2011 UBND phường Hà Cầu lại gửi cho bà Hà Giấy mời với nội dung: “Xin trân trọng kính mời bà Nguyễn Thị Hà có mặt tại nhà của bà Hà hiện nay (nơi ở thuê) để tổ công tác của phường đến thống nhất việc giao nhà ở cho bà Hà”. Thật lạ, UBND phường có trụ sở hẳn hoi sao không mời bà Hà đến làm việc, trong khi thực tế bà Hà hiện làm gì còn nhà ở chính thức? Thực ra, đây là “chiêu lắt léo” của chính quyền phường, họ đang tâm đến tận nơi ở trọ của bà Hà, lừa một bà già 73 tuổi kí vào biên bản do họ lập, để coi như bà Hà đã “kí nhận nhà ở”, nhằm xí xóa vụ việc mà họ biết chắc rằng họ hoàn toàn trái pháp luật. Kết cục cho đến nay, nhà tình nghĩa chưa được nhận, đất ở hợp pháp bị thu hồi chưa được trả lại, bà Nguyễn Thị Hà vợ liệt sĩ vẫn phải chịu cảnh không nhà trong khi Tết cận kề.
Vào ngày 17-12-2010, bà Nguyễn Thị Hà nộp đơn khởi kiện đến TAND quận Hà Đông. Nhưng đến tận ngày 14-4-2011 Tòa mới thụ lí, chậm gần 4 tháng so với luật định. Chưa hết, người được phân công thụ lí đơn của bà Hà là thẩm phán Hoàng Anh Chiến còn “ngâm tôm” đơn của bà Hà suốt từ bấy đến nay, đã gần 9 tháng trôi qua, vẫn loanh quanh, tìm mọi lí do để trì hoãn việc xét xử. Ngày 13-12-2011, chị Nguyễn Thị Thanh Tình, người nhận ủy quyền theo pháp luật từ bà Nguyễn Thị Hà, đến gặp thẩm phán Hoàng Anh Chiến, để hỏi xem đến khi nào vụ án được đưa ra xét xử. Thẩm phán Hoàng Anh Chiến chỉ buông ra một câu tưng tửng rằng: “Chờ UBND phường Hà Cầu cung cấp đầy đủ chứng cứ, tài liệu thì mới xét xử”. Câu trả lời của ông Chiến vừa thể hiện sự tắc trách, vô cảm, vừa trái với quy định của Luật Tố tụng hành chính, có hiệu lực từ 1-7-2011, theo đó thời hạn phải đưa ra xét xử là sau 4 tháng, kể từ ngày thụ lí.
Quá bức xúc, chị Tình lại gửi đơn đến Báo Người cao tuổi. Ngày 25-12-2011, phóng viên Báo Người cao tuổi đến gặp ông Chiến để đăng kí làm việc, nhưng ông Chiến lấy lí do phải có ý kiến cho phép của Chánh án. Nói đoạn, ông Chiến vội vã xuống sân lấy xe máy đi mất. Chúng tôi buộc phải vào gặp bà Trần Thị Xuân, Chánh án TAND quận Hà Đông. Ngay lập tức, chúng tôi gặp phải thái độ không thiện cảm, bất hợp tác của bà Chánh án này. Trong khi chúng tôi ra sức giải thích rằng, đến đăng kí làm việc để được giải thích lí do vì sao vụ án chưa được đưa ra xét xử, trong khi đã quá thời hạn luật định tới hơn 4 tháng, thì bà Chánh án này chỉ một mực khăng khăng “bắt” chúng tôi trình bày sự việc. Ô hay! Nhà báo đến để được nghe một lời giải thích từ phía cơ quan chức năng, cớ sao phải “trình bày sự việc” với Tòa án? Chúng tôi chỉ còn biết ngao ngán ra về.
Mới đây, chị Tình nhận được Văn bản số 01/2011/TA-TB đề ngày 29-12-2011, gửi VKSND Tối cao, VKSND quận Hà Đông và chị Nguyễn Thị Thanh Tình, trả lời đơn của chị Tình. Tại văn bản này, TAND quận Hà Đông nại ra rằng: “Đến ngày 2-12-2011, TAND quận Hà Đông nhận được biên bản về việc UBND phường Hà Cầu cùng các cơ quan chức năng của quận Hà Đông đã đến nhà của bà Hà... Bà Hà đã kí nhận nhà ở”. Vậy là rõ, “chiếc bẫy” giăng ra cho bà Hà đã sập xuống. Họ sử dụng một biên bản được lập một cách vô lối, để phường Hà Cầu rũ trách nhiệm về hành vi trái pháp luật của mình, còn TAND quận Hà Đông dựa vào đó để kéo dài việc xét xử vụ án.
Tết này, người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Hà vẫn chưa có nhà ở, 4 vong linh liệt sĩ của gia đình bà vẫn chưa được “hưởng cái Tết” bình an, khiến dư luận không khỏi xót xa! Trong khi đó, những khuôn mặt vô cảm ở TAND quận Hà Đông và tại UBND phường Hà Cầu thì vẫn không hề “gợn sóng”
Hoàng Linh - Quang Thuận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét