Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Những cái chết oan khiên dưới bàn tay của công an


Kính thưa quý vị,
Kính thưa quý thân hữu, quý chiến hữu cùng quý Niên trưởng, dưới đây:
Cập nhật tổng hợp những bài viết về tình trạng công an đàn áp dân lành do bạn đọc gửi.

Dân Làm Báo - Đó là cái chết của những công dân Việt Nam dười bàn tay của những công an và ô dù bao che của hệ thống còn đảng còn mình, cũng như hệ thống pháp lý nằm trong tay những đảng viên. Những cái chết oan khiên, đa phần đã bị hệ thống cho chìm xuồng, hoặc dừng lại ở màn khởi tố và sau đó cho vào quên lãng, chìm xuồng bởi sự im lặng của báo chí lề đảng.

Cho đến nay chỉ có 2 trường hợp được đưa ra xét xử. Trường hợp thứ nhất là tên Nguyễn Thế Nghiệp nhận án 7 năm tù giam khi giết chết anh Nguyễn Văn Khương tại Bắc Giang. Trường hợp thứ hai là tên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đã giết chết ông Trịnh Xuân Tùng tại Hà Nội. 

Cả hai trường hợp này việc xét xử phải được tiến hành vì áp lực của dư luận. 

20/11/2009: anh Nguyễn Mạnh Hùng (33 tuổi) đã qua đời dưới bàn tay của công an sau khi các "chiến sỹ nhân dân còn đảng còn mình" tại quận Hà Đông, Hà Nội đến triệu tập anh nói rằng "nhờ chút việc". 10 ngày sau gia đình anh nhận thông báo từ Công an Hà Đông rằng anh đã chết. Cha anh ông Nguyễn Xuân Bình cho biết còn đau đớn gấp ngàn lần hơn thế khi kinh hoàng trông thấy xác con. Toàn bộ thân thể khô đét lại. 10 đầu ngón tay chân bầm tím... Từ 1/3 đùi trở xuống đến bàn chân phù nề và thâm tím". 
Ông Nguyễn Xuân Bình (70 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) gửi đơn thư đi nhiều nơi mong nhận được trả lời thỏa đáng về nguyên nhân tử vong trong khi bị giam giữ của đứa con trai duy nhất. 
Phía công an Hà Đông cho rằng "không có chuyện dùng nhục hình, bức cung hay đánh đập can phạm", nhưng lại từ chối giải thích vì sao lại có những dấu vết "lạ" trên cơ thể anh Hùng, dù họ khẳng định lúc bị bắt những vết thâm tím này không hề có. Vụ việc này đến nay vẫn chưa có câu trả lời. 
21/1/2010: Anh Nguyễn Quốc Bảo bị công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đánh chết. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho anh Bảo là chấn thương sọ não mức độ nặng do tác động của vật tày có giới hạn gây vỡ nền sọ... 
Ngâm vụ việc cho đến hơn 1 năm sau, ngày 30/09/2011, cơ quan điều tra VKSND Tối cao kiến nghị Giám đốc Công an Hà Nội "tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật" với vi phạm của 6 cán bộ liên quan vụ việc. Kết quả xử lý, rút kinh nghiệm thông báo về VKSND Tối cao. Kết luận: xem như chìm xuồng. Đến nay, cha nạn nhân này vẫn tiếp tục gửi đơn kêu cứu khắp nơi. 
7/5/2010: anh Võ Văn Khánh (SN 1981, ngụ Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) bị chết trong đồn công an. Kết luận của công an là "tự tử bằng dây buộc giày". Theo thông báo của tổ pháp y với gia đình, xương sườn anh Khánh bị đứt là do vết mổ cũ, còn bên trái xương sườn có vét bầm đen là do quá trình sơ cấp cứu.

Ngoài ra, khi phẫu thuật phía dưới vai trái anh Khánh, tổ pháp y cũng phát hiện có máu bầm tím. 8-5, công an huyện Điện Bàn đưa xác anh Khánh về cho gia đình ở Điện An kèm theo một phong bì 10 triệu đồng. 

Cho đến nay vẫn không có tin tức gì thêm về vụ việc này. 
25/5/2010: em Lê Xuân Dũng (12 tuổi, vừa học xong lớp 6, Trường THCS Tĩnh Hải), anh Lê Hữu Nam (43 tuổi, trú tại thôn Trung Sơn) bị công an bắn chết khi người dân xã Tĩnh Hải tập trung tại khu vực thi công san lấp mặt bằng dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn ngăn cản không cho các thiết bị máy móc, xe ôtô chở đất đá hoạt động. Đến nay vụ việc này đã bị cho chìm xuồng. 
29/6/2010: anh Vũ Văn Hiền (40 tuổi) tử vong trong tay công an. Theo lời công an nói với bác sĩ, nạn nhân phải đi cấp cứu do "tự lao đầu vào tường". Người giám sát việc mổ tử thi cho hay, nạn nhân bị đa chấn thương rất nặng: Đỉnh đầu có hai vết tụ máu, vỡ xương hàm trái, thái dương trái bị rạn xương sọ, phổi tụ máu, gãy 4 chiếc xương sườn, gẫy cẳng xương tay trái.


Ngày 1.12, cơ quan điều tra, viện KSND tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hạ Kim Quý, trung tá công an, nguyên đội trưởng đội quản giáo, công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các can phạm Lê Văn Hiếu, Nguyễn Quý Thương trong đó Lê Văn Hiếu đã nhiều lần đánh anh Vũ Văn Hiền khiến Hiền bị đa chấn thương, xuất huyết não, nhồi máu phổi bị tạm giam. Không có thêm tin tức gì về vụ việc này và kết quả khởi tố. 
3/7/2010: anh Toma Nguyễn Thành Năm, giáo dân xứ Cồn Dầu đã bị công an Đà Nẵng bắt bớ, đánh đập thả về và sau đó bị dân phòng đánh đến chết trong vụ CA giải tỏa nghĩa trang Cồn Dầu. Phía nhà nước cho rằng anh Năm chết vì bị "đột quỵ" Cho đến bây giờ cái chết của anh Nguyễn Thành Năm vẫn là một cái chết oan ức và những kẻ sát nhân còn đảng còn mình vẫn nhởn nhơ đứng trên pháp luật. 
23/7/2010: anh Nguyễn Văn Khương, sinh năm 1989, quê thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tử thương. 
Chiều 4/8/2010, Viện khoa học hình sự kết luận nguyên nhân cái chết của anh Khương được xác định là do não bị tụ máu dưới màng mềm được hình thành do có ngoại lực lớn tác động trực tiếp. 
Liên quan đến vụ án này đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 4 cán bộ công an huyện Tân Yên là: Ngô Văn Đỗ, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Thế Nghiệp và Diêm Đăng Quyết để điều tra vụ việc.
Kết quả cuối cùng Nguyễn Thế Nghiệp nhận án 7 năm tù giam về tội "Làm chết người trong khi thi hành công vụ". 
8/8/2010: anh Trần Duy Hải (32 tuổi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chết trong đồn công an huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Theo lời của công an thì anh Hải đã "dùng áo sơ-mi dài tay treo cổ trên khung cửa sổ buồng tạm giam để tự sát". 



9/9/2010: ông Trần Ngọc Đường (52 tuổi, ngụ ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình) đã chết sau khi làm việc với công an xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom - Đồng Nai. Công an nói ông Đường chết "do treo cổ", nhưng người nhà ông Đường cho rằng chuyện đó khó có thể xảy ra vì ông chết trong tư thế ngồi co, hai tay chống vào tường nhà, cách đó 2 m là chiếc mũ, điếu cày và quần tây của ông được xếp ngăn nắp. “Chết trong tư thế ngồi thì làm sao gọi là thắt cổ được. Qua quan sát bằng mắt thường, tôi không thấy dấu hiệu cha tôi chết do treo cổ”. Vụ việc này đã bị chìm xuồng. 



6/3/2011: anh Nguyễn Lập Phương (sinh 1965, ở thôn 3, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng) sau 4 ngày bị giam giữ đã được đưa từ đồn công an huyện Thủy Nguyên đến bệnh viện và tử vong. Thượng tá Võ Xuân Trọng, phó Trưởng Công an huyện Thuỷ Nguyên cho biết: Do thấy đối tượng Nguyễn Lập Phương có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ nên cho đi cấp cứu, lên viện thì chết. Kết quả giám định ban đầu cho thấy nạn nhân chết vì bệnh tim. Anh Nguyễn Trung Trực (SN 1983), em trai anh Nguyễn Lập Phương cùng người nhà có mặt tại nhà xác BV Thuỷ Nguyên, chứng kiến thi thể anh Phương có nhiều vết bầm tím trên 2 tay, dọc hai bên sườn, chân, cằm và ngực bầm tím, hai mi mắt và hai bên tai có vết rách khoảng 2 cm. 




8/3/2011: Ông Trịnh Xuân Tùng đã qua đời tại bệnh viện Việt Đức sau khi bị đánh vào lúc 10 giờ ngày 28/2/2011. Hung thủ là trung tá công an Nguyễn Văn Ninh (SN 1958, công tác tại Công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã dùng dùi cui đánh ông Tùng gãy cổ vì không đội mũ bảo hiểm. 


Theo đơn tố cáo của con gái ông Tùng là Trịnh Kim Tiến, sau khi cùng với một số dân phòng khác đánh đấm, dùng chân đá thúc vào bụng, Nguyễn Văn Ninh đã khoá trái tay ông Tùng và đưa ông Tùng về đồn, không cho gia đình vào cho ăn, bắt phải nhịn đói. Ông Tùng vừa kêu rên đau đớn, vừa van xin được uống nước và được đi khám, gia đình cũng van xin cho bố tôi đi khám nhưng người công an trực ban lúc đó và người sau đến thay ca nhất quyết không cho ông Tùng uống nước, không cho gia đình đưa nạn nhân đi khám. Các công an trực ban còn quát “ông ấy không làm sao hết, ông ấy giả vờ đấy...”

Phiên tòa xử Nguyễn Văn Ninh sẽ xảy ra vào 8 giờ 30 phút, thứ 6 ngày 13/01/2012 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội – số 43 phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

30/3/2011: ông Trần Văn Dữ (44 tuổi, ngụ tại ấp 3, thị trấn Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) bị vỡ gan và lách gây tụ máu bầm trong ổ bụng dẫn đến tử vong sau khi bị công an bắt. Ông được người dân phát hiện nằm chết ở gần đồn công an sau đó. Hung thủ là Thượng úy Võ Văn Út Đèo, Phó trưởng công an thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), Thượng sĩ Danh Nhãn và trung sĩ Trần Văn Khải, công an thị trấn Ngã Năm. 


Tháng 9/2011 Báo Dân Trí đưa tin: Truy tố 3 công an đánh người tử vong 

Theo Viện KSND tỉnh Sóc Trăng, trong vụ án này, Thượng úy Đèo đã thiếu trách nhiệm, để cho cấp dưới đánh ông Dữ khiến ông này bị chấn thương nặng; thậm chí khi ông Dữ bị lâm nguy lại ra lệnh cho thuộc cấp mang ra bỏ ngoài khuôn viên đơn vị cho đến chết. Hành vi này trái với đạo đức nghề nghiệp nên Đèo cũng là đồng phạm với Nhãn, Khải và Thắng. 


Không có thêm tin tức gì về vụ án này. 

*

25/04/2011: anh Nguyễn Công Nhựt bị chết trong trụ sở CA huyện Bến Cát (Bình Dương) sau 5 ngày bị bắt giữ trái pháp luật. Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ anh Nhựt, đau đớn mô tả: trên cơ thể anh Nhựt có nhiều vết đánh đập, máu chảy rất nhiều, cả chân và tay nạn nhân đều có vết chích điện. Đặc biệt, trên cổ nạn nhân bị thắt chặt bởi một đoạn dây rất cứng, phía CA cho biết đó là dây điện thoại và lý do anh Nhựt chết trong đồn CA: tự vẫn. 

Ngoài việc dàn dựng chuyện anh Nhựt tự tử bằng dây điện thoại (!), công an Bến Cát còn giả thủ bút của anh để nói rằng "anh Nhựt cũng đã viết cam kết tự nguyện ở lại trụ sở Công an huyện Bến Cát chứ không phải bị bắt giữ". 

Sau hơn 7 tháng khiếu nại khắp nơi, gia đình và người thân của nạn nhân vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía cơ quan đại diện pháp luật. 



8/8/2011: anh Trần Gòn (27 tuổi, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) bị công an đánh trọng thương, phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận vào ngày 8/8 và chết tại bệnh viện tối cùng ngày. 

Khi đến trụ sở CA phường Mỹ Hải, anh Trần Gòn vẫn bình thường, không bị thương tích. Nhưng đến khoảng 14 giờ cùng ngày, anh được đưa từ Công an P.Mỹ Hải đi cấp cứu với nhiều vết thương và tử vong tại bệnh viện.

Hung thủ là thượng sĩ công an Lê Khắc Sáu bị tạm giam 2 tháng để phục vụ điều tra vì bị nghi đánh người tử vong. 

Chiều 14-8, thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ - giám đốc Công an Ninh Thuận - cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với thượng sĩ Lê Khắc Sáu. Không có thêm thông tin về vụ này. 


Công lý của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam dưới sự toàn trị và giành quyền độc tôn lãnh đạo của đảng CSVN đã và đang tiếp tục bị chà đạp. Sẽ còn bao nhiêu cái gọi là tự tử trong đồn, tự tử bằng dây chiếu, bằng dây điện thoại... Sẽ còn bao nhiêu cái chết oan khiên nữa nếu chúng ta tiếp tục im lặng!?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét