RFA 21.01.2012
Hoa Kỳ sẽ không bán võ khí cho Việt Nam, cho đến khi nào Hà Nội cải thiện tình trạng nhân quyền “đang thụt lùi”.
Đó là nội dung phát biểu của Thượng Nghị Sĩ Mỹ John McCain, sau khi ông và đoàn Thượng Nghị Sĩ Mỹ từ Hà Nội đến Bangkok.
Nói với báo chí ở thủ đô Thái Lan, Thượng Nghị Sĩ McCain cho hay Việt Nam có một danh sách rất dài những loại võ khí muốn mua của Mỹ, nhưng ông và đoàn Nghị Sĩ đến thăm Việt Nam đã nói rõ là nhân quyền ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ an ninh giữa hai quốc gia, và vẫn theo ông McCain, tình trạng nhân quyền ở Việt Nam hiện nay “không những chẳng tiến bộ mà còn thụt lùi”.
Một thành viên trong đoàn là Thượng Nghị Sĩ Joe Lieberman nói thêm rằng có những loại võ khí mà chính phủ Việt Nam muốn mua hay muốn nhận được từ Hoa Kỳ và chính phủ Mỹ cũng mong sẽ giao cho Việt Nam những loại võ khí này, nhưng điều đó sẽ không xảy ra cho tới khi nào Hà Nội cải thiện nhân quyền.
Thượng Nghị Sĩ Lieberman cũng bảo thêm rằng khi hành pháp muốn bán võ khí cho một quốc gia nào đó, bắt buộc phải có sự đồng ý của Quốc Hội.
Đoàn 4 vị Thượng Nghị Sĩ Mỹ đến Việt Nam hôm thứ Năm vừa rồi để thảo luận với chính phủ Hà Nội về tình hình biển Đông và mối quan hệ song phương.
Tin tức được phổ biến sau đó cho hay trong cuộc gặp mặt với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông McCain có nói với người lãnh đạo chính phủ Việt Nam rằng ông và mọi người đều hiểu hai nước cần có nhau để giữ hòa bình và ổn định trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Quyền hành vô hạn của công an Việt Nam. RFA file
Nhưng khi ông McCain đề cập đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam thì ông Dũng tìm cách gạt đi, nói rằng vì hàng năm đã có cuộc đối thoại nhân quyền nên phía Hà Nội không muốn nhắc đến chuyện này.
Đến sáng ngày hôm sau, tức ngày 20 tháng Giêng, các vị Thượng Nghị Sĩ Mỹ đã gặp 3 nhà tranh đấu của Việt Nam là các ông Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Đài và Lê Quốc Quân.
Trong cuộc gặp gỡ có cả sự hiện diện của ông Đại Sứ Mỹ David Shear, hai bên đã trao đổi thẳng thắn về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam và những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhân quyền quá xấu hiện nay.
Các nhà tranh đấu cũng đã cùng với đoàn Thượng Nghị Sĩ Mỹ bàn thảo về những điểm Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ có thể làm để cải thiện tình trạng nhân quyền hiện nay cũng như để thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước cho ngày một tốt đẹp hơn.
Đoàn Thượng Nghị Sĩ Mỹ ghi nhận các ý kiến của những nhà tranh đấu, hứa sẽ quan tâm đến vấn đề này.
Sau cuộc tiếp xúc đó thì Luật Sư Nguyễn Văn Đài bị công an bắt đi thẩm vấn, còn Luật Sư Nguyễn Quốc Quân thì nhận được giấy báo áp dụng biện pháp giáo dục ngay tại nơi ông đang cư ngụ ở Hà Nội.
Cũng cần nói thêm là ngay trong lúc đoàn Thượng Nghị Sĩ Mỹ có mặt ở Hà Nội thì tại Washington, phụ tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương là ông Kurt Campbell nhắc lại là hành pháp và lập pháp Mỹ rất quan tâm đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Ông Kurt Campbell nhắc lại phát biểu mà Bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton mới đưa ra vài tháng trước đây, nội dung cho biết là nếu muốn Washington mở rộng quan hệ song phương, chính phủ Hà Nội phải nỗ lực nhiều hơn nữa về mặt nhân quyền.
Một số khuôn mặt dân chủ còn bị giam cầm- Photo by Working Group on Arbitrary Detention
Gần đây, Ủy Ban Nhân Quyền Hạ Viện Mỹ cũng cho phổ biến bản lên tiếng kêu gọi Hà Nội trả tự do cho những nhà tranh đấu.
Chủ Tịch Ủy Ban là Dân Biểu Jim McGovern phát biểu rằng điều không thể chấp nhận được là chính phủ Việt Nam đàn áp công dân của mình, trong khi những người Việt bị đàn áp đó đang tranh đấu, vận động dân chủ hóa đất nước một cách ôn hòa.
Các tổ chức tranh đấu bảo vệ nhân quyền quốc tế cũng nói rằng từ cuối năm 2009 tới nay, hàng chục nhà tranh đấu đã bị Hà Nội bắt giữ. Phía Việt Nam thì nói là tình trạng nhân quyền đã được cải tiến, không có tù chính trị, và những người bị bắt là những người phạm pháp.
Xin nói thêm là đoàn Thượng Nghị Sĩ Mỹ ghé Bangkok trên đường đi thăm Miến Điện.
Thượng Nghị Sĩ McCain cho biết có thể Hoa Kỳ sẽ bãi bỏ cấm vận nếu cuộc bầu cử diễn ra vào tháng Tư tới đây ở Miến Điện được tổ chức công bằng và tự do.
Nhưng ông cũng cảnh báo rằng để tránh hối tiếc sau này, hành pháp Hoa Kỳ không nên đi quá nhanh, cần phải lượng định tình hình, cân nhắc những bước đổi mới mà Miến Điện đã và đang thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét