VRNs (04.01.2012) – Gia Lai – Lúc 21 giờ 15 ngày 24/12/2011, trong Thánh Lễ Giáng Sinh tại nhà thờ Phú Yên H’ra thuộc Giáo hạt MangYang, Giáo phận Kontum, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh Giám Mục Giáo phận Kontum làm chủ tế, Cha Phaolô Nguyễn Văn Công đồng tế. Bầu khí Thánh Lễ rất trang nghiêm, long trọng và sốt sắng của đồng bào sắc tộc Bahnar dù tiết trời giá lạnh mùa đông của miền cao nguyên rét mướt, có thể nói đây là mùa đông lạnh nhất trong hơn mười năm trở lại đây.

Sau thánh lễ đêm Giáng sinh, Đức Cha Micae giới thiệu với chúng tôi anh Têphanô Đinh K’lấp, 45 tuổi ở làng Cuốc 1, xã Tơ Tung, huyện K’Bang, một người dân tộc Bahnar là chứng nhân đức tin rất kiên cường. Mặc dầu gặp rất nhiều khó khăn, không nhà, không người thân, anh K’lấp chấp nhận hy sinh tất cả để bảo vệ đức tin của mình là trường hợp hy hữu và hiếm có ở Giáo hạt Mang Yang, Giáo Phận Kontum.

Để hiểu rõ hơn về việc chứng nhân đức tin cho Chúa như thế nào, PV. VRNs chúng tôi có cuộc phỏng vấn trực tiếp anh K’lấp tại nhà ăn nhà thờ Phú Yên H’ra như sau.
PV: xin anh vui lòng cho biết anh hiện đang sinh sống ở đâu? Lý do nào mà anh K’lấp biết Chúa và gia nhập đạo Công Giáo?
Anh K’ Lấp: hiện tôi đang ở K’Bang nơi căn cứ cách mạng, làng anh hùng Núp đó, nên mình có thể đi lễ ở hai nơi, ở H’ra cũng được mà ở An Sơn cũng được. Tôi cũng không biết là tại sao nữa, chắc là Chúa chỉ cho mình, vì thời đó người dân tộc ở K’bang huyện An Khê không có đạo. Lúc đó mình chỉ đi theo các Cha vì cảm thấy vui thôi, khi mình tìm hiểu đạo và theo Chúa một mình, sau đó cũng có nhiều người xin theo cũng khoảng ba bốn chục người. Lúc đó thì khó khăn lắm vì trong làng cấm, chính quyền thì đàn áp bắt bớ dữ lắm, rồi cấm mình.
PV: khi chính quyền cấm và bắt anh thì anh làm gì?
Anh K’ Lấp: Lúc đó mình né không đi ban ngày mà đi trong đêm, đi bộ từ làng đi K’bang tức là làng anh hùng Núp đến An Sơn từ 21 giờ đến hơn 23 giờ mới đến, lúc đó là ngày lễ Giáng Sinh. Năm sau đó cũng vậy, đúng vào ngày lễ Giáng Sinh họ bắt mình phải uống rượu say đến 12 giờ đêm cho say để khỏi đi lễ vì Nhà Thờ thì rất xa nếu đi bộ phải mất khoảng 5 tiếng mới đến được Giáo xứ An Sơn. Những người trong làng, kể cả anh em họ hàng đã từ mình, vì tin vào sự “mê tín”. Họ tin rằng mình đi Lễ là đem điều xui, những điều không may mắn cho làng, họ ngăn cấm mình không cho đi lễ.