Tòa án Cách Mạng Iran, thông qua các phương tiện truyền thông, cho biết anh Amir Mirzaei Hekmati đã bị kêu án tử hình. Tội của anh là hợp tác với một quốc gia thù địch, là thành viên của CIA và cố tình gán ghép Iran vào chủ nghĩa khủng bố.

Anh Hekmati, 28 tuổi, một cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến, bị bắt hồi tháng trước.

Trên đài truyền hình, anh nói rằng mình đã được huấn luyện tại các trại của Mỹ tại Iraq và Afghanistan trước khi lên đường sang Iran để thực hiện công tác gián điệp bị cáo buộc. Nhưng gia đình anh nói anh đến Iran để thăm ông bà. 

Anh Hekmati nói: "Tôi tên Amir Mirzaei Hekmati." 

Tháng trước đài truyền hình nhà nước Iran chiếu cảnh anh Hekmati dường như nhận tội bằng tiếng Anh và tiếng Iran. Anh khai là một gián điệp của CIA Mỹ, có nhiệm vụ xâm nhập cơ quan tình báo Iran, anh đã được đào tạo về ngôn ngữ và gián điệp.

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Hai bác bỏ lời kết tội của Iran và bản án này làm nhiều người tại Hoa Kỳ lâu nay theo dõi tình hình Iran hốt hoảng. 

Ông Mansour Farhang, trước đây là đại sứ đầu tiên của Iran tại Liên Hiệp Quốc sau cuộc Cách mạng Iran, và bây giờ là giáo sư môn quan hệ quốc tế tại trường Bennington, tiểu bang Vermont, ông cho biết:

“Không có cái gọi là một nền tư pháp độc lập tại Iran. Các quyết định pháp lý liên quan đến các tù chính trị hoàn toàn do động cơ chính trị. Trong vụ này báo chí không được tham dự và chúng ta cũng không biết anh Hekmati có luật sư bảo vệ hay không. Bằng chứng duy nhất để hậu thuẫn cho lời  rêu rao của chế độ đối với anh là lời thú tội của anh trên truyền hình.”

Quan hệ giữa Iran và phương Tây ngày càng căng thẳng.

Hoa Kỳ e ngại Iran đeo đuổi chương trình chế vũ khí hạt nhân nhưng Iran nói chương trình này chỉ có mục đích hòa bình. 

EU và Hoa Kỳ đang siết chặt các trừng phạt lên các chuyến tàu chở dầu của Iran. Iran trả đũa bằng cách dọa đóng eo biển Hormuz, thủy lộ chở dầu quan trọng nhất của thế giới.

Trước tình hình như vậy, chuyên viên Farhang thắc mắc tại sao anh Hekmati lại đến Iran vào thời điểm này:

“Theo tôi, anh ấy chọn một rủi ro phi lý. Tôi không nghĩ một người như vậy lại được chọn để làm công tác tình báo. Chính phủ Hoa Kỳ thừa biết bất kỳ người Mỹ nào có song tịch mà đến Iran đều bị theo dõi liên tục.”

Tòa Án Tối Cao của Iran có thể ngăn chận chuyện hành quyết anh Hekmati, nhưng ông Drewery Dyke của Tổ chức Ân xá Quốc tế không lạc quan:

“Thật khó để nghĩ rằng Iran hiện nay có trình độ minh bạch khá hơn, có trình độ công bằng khá hơn, khi mà trước đây không có những chuyện đó. Đứng trên quan điểm này, chúng ta cần quan tâm sâu sắc.”

Chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu Iran trả tự do tức khắc cho anh Hekmati và đang theo dõi sát vụ này.

----------------