Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Mỹ thay đổi chiến lược đối phó Trung Quốc

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Mỹ sẽ điều chỉnh chiến lược nhằm tăng cường lực lượng không quân, hải quân và năng lực chiến đấu của quân đội trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.


Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ đi qua eo biển Hormuz hôm 12/11/2011. Mỹ hiện có 11 tàu sân bay.
Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ đi qua eo biển Hormuz hôm 12/11/2011. Mỹ hiện có 11 tàu sân bay.

Những thay đổi chính

Tuyên bố trên được ông Obama đưa ra trong bài phát biểu tuyên bố chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Theo bình luận của hãng tin Reuters, trọng tâm trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ là thay đổi quy mô và bố trí lực lượng. Theo đó, với sức ép phải cắt giảm khoảng 500 tỷ USD ngân sách quốc phòng trong thập kỷ tới, số lượng binh sĩ Mỹ sẽ được tin giản để phù hợp với “túi tiền”.

Dưới chính quyền cựu Tổng thống G.Bush, quân đội Mỹ đã “phình to” về số lượng để có thể đảm đương cùng lúc hai cuộc chiến lớn ở Iraq và Afghanistan. Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cũng phải thừa nhận Mỹ sẽ có một lực lượng quân đội “nhỏ hơn” và yếu hơn. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ cắt giảm từ 10-15% quân số của Lục quân và Thủy quân Lục chiến. Với quân số hiện tại của Lục quân Mỹ là 565.000 và Thủy quân Lục chiến là 201.000 thì quân số cắt giảm sẽ tương đương từ 76.000-114.000 quân.
Binh sĩ Mỹ tại Kandahar, Afghanistan. Trong thập kỷ tới, Mỹ sẽ cắt giảm 10-15% quân số Lục quân và Thủy quân Lục chiến.
Binh sĩ Mỹ tại Kandahar, Afghanistan. Trong thập kỷ tới, Mỹ sẽ cắt giảm 10-15% quân số Lục quân và Thủy quân Lục chiến.
Ngoài cắt giảm quân số, nhiều khả năng Mỹ sẽ hoãn việc mua sắm các siêu máy bay F-35. Đến nay, chương trình này vẫn được coi là kế hoạch mua sắm tiêu tốn nhất trong lịch sử nước Mỹ (2.400 chiếc F-35 với khoản chi lên tới 382 tỷ USD). Tuy nhiên, có những lĩnh vực được coi là “bất khả xâm phạm”. Theo đó, 11 chiếc tàu sân bay của Mỹ sẽ tiếp tục “tung hoành” trên các đại dương giúp Mỹ duy trì ưu thế chiến lược toàn cầu.

Chiến lược mới vẫn nhấn mạnh những “lợi ích lâu dài” của Mỹ tại châu Âu và vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Nhưng chiến lược này cũng cho rằng lực lượng Mỹ tại châu Âu phải được phát triển theo thời cuộc. Theo cách nói như vậy, nhiều khả năng Mỹ sẽ cắt giảm quân số tại châu Âu, mà trước mắt sẽ là một lữ đoàn chiến đấu mặt đất.
Tuy cắt giảm về quân số, song chiến lược mới của Mỹ vẫn ưu tiên cho công nghệ máy tính quân sự và máy bay không người lái. Chiến lược mới cũng kêu gọi tăng cường đầu tư vào hệ thống máy tính và Mỹ có khả năng sẽ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của nước này nhiều hơn nữa mà không gây hại tới an ninh quốc gia. Tuyên bố này đã nhận sự hoan nghênh từ các tổ chức kiểm soát vũ khí và một số nghị sỹ.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng duy trì một lực lượng đủ sức giành chiến thắng trong một cuộc chiến lớn (chiến lược cũ là đủ sức giành chiến thắng 2 cuộc chiến lớn cùng lúc). Bộ trưởng Panetta khẳng định chiến lược mới có nhiều điểm khác biệt. Chiến lược trước đây nhằm đối phó những xung đột trong quá khứ, còn chiến lược mới được vạch ra nhằm đối phó với những thách thức trong thế kỷ XXI.

Thay đổi lớn nhắm vào Trung Quốc

Tuy nhiên, trong buổi tuyên bố chiến lượng quốc phòng mới, Tổng thống Obama đã tái khẳng định Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, việc cắt giảm ngân sách sẽ không bao gồm việc cắt giảm chi phí liên quan tới khu vực quan trọng này.

Ông Obama cho biết Mỹ sẽ điều chỉnh chiến lược nhằm tăng cường lực lượng không quân, hải quân và năng lực của quân đội Mỹ trong khu vực này để đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu F/A-18 trên tàu sân bay USS Carl Vinson trên vùng biển gần Hong Kong, Trung Quốc hôm 27/12/2011.
Máy bay chiến đấu F/A-18 trên tàu sân bay USS Carl Vinson trên vùng biển gần Hong Kong, Trung Quốc hôm 27/12/2011.
Tờ “The Globe and Mail” cho biết quân đội Trung Quốc đã triển khai kế hoạch xây dựng một lực lượng vũ trang hiện đại vào năm 2020. Chỉ trong vòng một năm (2011), Trung Quốc đã tiến hành hai lần “khoe” vũ khí mới là máy bay tàng hình J-20 và tàu sân bay Thi Lang.

Theo Michael Schiffer, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, chi tiêu quốc phòng và sự phát triển quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc "có khả năng gây ra những bất ổn đối với khu vực, làm tăng nguy cơ hiểu lầm và có thể sẽ làm tình hình trong khu vực thêm căng thẳng".
Hải quân Trung Quốc bộc lộ tham vọng từ những năm 1980 với chiến lược
Hải quân Trung Quốc bộc lộ tham vọng từ những năm 1980 với chiến lược "chuỗi đảo".
Tờ báo trên cho rằng Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng hải quân ngày càng được tăng cường của mình để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ với những nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã gửi một thông điệp rõ ràng đến hải quân nước này là: "tăng cường sức mạnh chuẩn bị cho chiến tranh". Tuyên bố này đã khiến cho các đồng minh của Mỹ không khỏi lo lắng.

Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng cách tăng cường số lượng tàu sân bay thường trực, tăng cường bố trí tại các căn cứ trọng yếu ở các nước đồng minh như Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc xa hơn nữa là Australia. Dù cắt giảm số lượng tàu chiến trong khu vực, nhưng Mỹ lại tăng cường sức mạnh của những chiếc còn lại với các tên lửa và thiết bị tối tân.
Chiến hạm BRP Gregorio Del Pilar (PF15) của Philippines vừa được Mỹ chuyển giao nhằm tăng cường sức mạnh cho hải quân quốc gia Đông Nam Á này.
Chiến hạm BRP Gregorio Del Pilar (PF15) của Philippines vừa được Mỹ chuyển giao nhằm tăng cường sức mạnh cho hải quân quốc gia Đông Nam Á này.
Hãng tin ABC của Australia cho rằng Mỹ tuy cắt giảm chi tiêu quân sự nhưng vẫn quan tâm đến châu Á và sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Chiến lược mới của Mỹ sẽ tạo cơ hội lớn hơn cho Australia có vai trò lớn hơn trong khu vực. Đại sứ Australia tại Washington, ông Kim Beazley đánh giá trọng tâm của Mỹ rõ ràng là nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Tổng thống Obama mới đây đã tuyên bố kế hoạch đồn trú của 2.500 quân Mỹ tại đất nước "chuột túi".

Cũng theo ông Beazley, chiến lược mới chính là sự hậu thuẫn của Mỹ nếu xét đến một giải pháp cho bất kỳ xung đột biên giới nào, đặc biệt là xung đột trên biển tại Đông Nam Á, theo cách thức phù hợp với nguyên tắc pháp lý quốc tế. Hãng tin Reuters cũng bình luận việc Mỹ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghệ máy tính và máy bay tàng hình chính là để đối phó với nỗ lực của Trung Quốc trong việc phong tỏa khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ ở khu vực biển Đông.

Giấc mơ của Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc đang phát triển rất nhanh cùng với việc tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Trung Quốc cũng vạch ra lộ trình để nước này bắt kịp Mỹ về sức mạnh quân sự sớm nhất là vào năm 2050 và vượt trên Mỹ trong vòng 20-30 năm tiếp theo. Tuy nhiên, đây vẫn sẽ là “giấc mơ” của Trung Quốc bởi tiền không phải là tất cả. Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc còn thua kém Mỹ về nhiều mặt.

Báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong giai đoạn 2001-2010 vượt xa tổng chi tiêu của tất cả các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Còn Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Anh (IISS) cho biết chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm 2008 là 607 tỷ USD, chiếm 40% toàn bộ chi phí quốc phòng trên toàn thế giới và lớn hơn chi tiêu quốc phòng của 10 quốc gia lớn nhất thế giới cộng lại, trong đó có cả Trung Quốc. Tổng thống Mỹ ngày 1/1/2012 cũng vừa ký luật chi tiêu quốc phòng năm 2012 với tổng dự chi lên tới 662 tỷ USD.
Máy bay tàng hình J-20 được Trung Quốc thử nghiệm vào ngày 12/1/2011. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Trung Quốc còn phải mất nhiều năm nữa để hoàn thiện mẫu máy bay này.
Máy bay tàng hình J-20 được Trung Quốc thử nghiệm vào ngày 12/1/2011. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Trung Quốc còn phải mất nhiều năm nữa để hoàn thiện mẫu máy bay này.
Trong suốt 2 thập kỷ qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng trung bình tới 16,2% mỗi năm. Trong năm 2010, Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới trong lĩnh vực này khi chi tới 91,7 tỷ USD cho quân sự. Mỹ và nhiều nước phương Tây cho rằng chi phí quân sự thực tế của Trung Quốc còn lớn hơn con số này 2-3 lần. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa “thấm” vào đâu khi so với mức chi hàng trăm tỷ USD của Mỹ.

Về mặt lý thuyết, với tương quan tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay (dự kiến trong thập kỷ tới kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 7,75% còn Mỹ là 1,6%), thì tới năm 2025 chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Nhưng dù có chi nhiều tiền hơn thì quân sự Trung Quốc vẫn chưa thể vượt Mỹ trong tương lai gần.
Một chiếc máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ
Một chiếc máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ
Về công nghệ, Trung Quốc vẫn đi sau Mỹ 30 năm về vũ khí thông thường, 20 năm về vũ khí hạt nhân và 10-15 năm về công nghệ không gian.

Chuyên gia Lee Chang-hyung thuộc Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: “Trung Quốc nhập khẩu tới 94% vũ khí thông thường từ Nga trong giai đoạn 2002-2007. Rất khó để Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong tương lai gần”.

Về hải quân, ngay từ những năm 1980, thế giới đã lờ mờ nhận ra tham vọng của Trung Quốc khi Tư lệnh Hải quân của nước này thời đó là Đô đốc Lưu Hoa Thanh đề ra chiến lược “chuỗi đảo”. Trong đó chuỗi đảo thứ nhất bao gồm Okinawa, Đài Loan và biển Đông. Chuỗi đảo thứ hai gồm Saipan, Guam và Indonesia. Vị Đô đốc họ Lưu đã nói: “Chúng ta sẽ thiết lập sự kiểm soát đối với chuỗi đảo thứ nhất trước năm 2010 và chuỗi đảo thứ hai trước năm 2020. Khi đó, Trung Quốc có thể phá vỡ thế thống trị của Mỹ trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trước năm 2040”.
Tàu ngầm lớp Tống của Trung Quốc
Tàu ngầm lớp Tống của Trung Quốc
Nhưng cho đến nay, hải quân Trung Quốc vẫn chưa thể so sánh với hải quân Mỹ. IISS cho biết tổng trọng tải của Hải quân Mỹ tính tới năm 2010 là 3,12 triệu tấn. Con số này còn lớn hơn tổng trọng tải của hải quân 14 nước lớn nhất đứng liền sau. Tổng trọng tải của Hải quân Trung Quốc hiện mới đạt khoảng 680.000 tấn. Một báo cáo gần đây của IISS cũng cho thấy các nhà máy có liên quan đến chế tạo vũ khí của Trung Quốc vẫn lỗi thời hơn so với Mỹ.

Trong khi đó, về mặt kinh tế, nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn ngày càng gia tăng. Tốc độ tăng trưởng của quốc gia đông dân nhất thế giới này đang có xu hướng chững lại.


Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=330092#ixzz1ivfdrBl3
http://www.xaluan.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét