Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

TIẾNG KÊU CỨU CỦA NHỮNG NGƯỜI LÁNH NẠN VIỆT NAM TẠI THÁI LAN.


Vĩnh Đức
Bangkok, Thái Lan, ngày 26/12/2011
Tôi hiện là một trong khoảng 600 người Việt Nam đang tị nạn tại Thái Lan. Ngày 20/02/2011, vì sự bức hại của CSVN đối với những người đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền cho  đồng bào trong nước, tôi buộc phải đào thóat khỏi Việt Nam để chạy sang Thái Lan lánh nạn. Nơi đây tôi gặp nhiều đồng bào khác cũng như tôi. Họ phải ra đi vì bị đàn áp vì lý do chính trị hay tôn giáo.
Khi đến Bangkok, tôi mới thấy mình đang trực diện với một thực tế vô cùng bi đát mà trước kia, dù là một người đã có nhiều kinh nghiệm về tị nạn tại Thái Lan như tôi cũng không thể hình dung nổi!
Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, và cô Bùi Thảo Nhi, thiện nguyện viên, cùng với gia đình anh Lầu Sỹ Phúc, vừa được hưởng quy chế tị nạn do sự can thiệp của Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý của BPSOS, ngày 17/12/2011 (ảnh BTN)

Tiện đây, cũng xin được mạn phép trình bày lại những kinh nghiệm của tôi về quá khứ tị nạn của bản thân tôi trên đất Thái 21 năm trước đây: Tôi đã từng vượt biển bằng tàu đến tỉnh Songkhla, miền nam Thái Lan vào ngày 14/12/1989. Vô phước cho chúng tôi vì chúng tôi đã đến Thái Lan sau mốc đóng cửa các trại tị nạn Đông Nam Á (cut-off date) 14/03/1989. Chúng tôi không được UNHCR tự động công nhận là người tị nạn và được xét đi định cư nước thứ ba nữa, mà phải trải qua một tiến trình Phỏng Vấn Thanh Lọc Tị Nạn (refugee screening) của nước tạm dung (Thái Lan) và mỗi người chúng tôi được đánh số, khởi đầu bằng ba chữ PST. Đây là chính sách chung cho toàn vùng, được quốc tế mệnh danh là Chương Trình Hành Động Toàn Diện (Comprehensive Plan of Action, gọi tắt là CPA). Những ai qua phỏng vấn thanh lọc “đậu” (screened in) sẽ được UNHCR công nhận là người tị nạn và được định cư nước thứ ba; ai bị “rớt” thanh lọc (screened out) sẽ bị trả về Việt Nam.
Sau một thời gian ở Songkhla, tôi bị chuyển về trại Panatnikhom, tỉnh Chonbury đúng vào ngày 30 Tết năm Canh Ngọ (1990), và ở tại khu L, nhà L34. Ngay khi đặt chân lên Songkhla, tôi đã phụ giúp làm thông dịch viên tiếng Anh cho một viên chức UNHCR chuyên trách tiếp nhận thuyền nhân Việt Nam dọc theo bờ biển các tỉnh phía Nam Thái Lan. Ông ta là người gốc Lào biết một ít tiếng Việt lấy tên Việt là Chính. Ông hết lòng lo lắng giúp đỡ những thuyền nhân Việt Nam chúng tôi. Ông đã dẫn tôi vào Văn Phòng Social của UNHCR trong trại giới thiệu tôi vào làm việc thiện nguyện với nhiêm vụ thông dịch lập hồ sơ đăng ký ban đầu (First Report Section) cho thuyền nhân Việt Nam.
Và tôi đã làm việc với Phòng Social của UNHCR trong trại Panatnikhom cho đến cuối năm 1991 thì bị chuyển về trại Sikiew, tỉnh Nakhornratchasima để nước tạm dung Thái Lan…”thanh lọc”! Tại trại Sikiew, khỏang giữa năm 1993, sau khi việc thanh lọc và công bố kết quả…”Rớt” cho hầu hết thuyền nhân tại đây, Phòng UNHCR Social đã bỏ bộ phận Đăng Ký hồ sơ ban đầu để biến thành Văn Phòng Tự Nguyện Hồi Hương (Voluntary Repatriation Office) nhằm thực hiện chương trình ORP (Orderly Repartriation Program - Hồi Hương Trật Tự). Vì cùng đồng bào phản đối chương trình thanh lọc bất công của nước tạm dung chỉ nhằm mục đích đánh rớt để ép buộc thuyền nhân hồi hương, ngăn chặn làn sóng thuyền nhân ra đi từ Việt Nam, nên tôi đã không phục vụ cho văn phòng Social Tự nguyện hồi hương của UNHCR trong trại nữa. Sau đó, cũng như biết bao thuyền nhân khác, tôi đã bị cuỡng bức hồi hương về Việt Nam. Vì tôi và một số anh em tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ nên bị chính quyền đàn áp và rồi lại phải rời bỏ quê hương lần thứ hai.
Trở lại vấn đề Tỵ nạn tại Thái Lan; hiện tại, tất cả những người Việt lánh nạn (asylum seekers) tại Thái Lan không được trợ giúp gì từ Cơ Quan UNHCR ngoại trừ trường hợp cấp cứu y tế khẩn cấp. Vì không còn trại tị nạn như năm xưa, chúng tôi phải tự xoay sở chỗ ăn, chỗ ở, và phải luôn luôn dời đổi chỗ ở để trốn tránh cảnh sát Thái. Vì Chính Phủ Thái không ký Công Ước 1951 của Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, nên cảnh sát Thái có thể bắt giam chúng tôi vào trại giam di dân IDC (Immigration Detention Center) ở Bangkok bất cứ lúc nào, kể cả những đồng bào đã được Cơ Quan UNHCR phỏng vấn và đã được công nhận quy chế tị nạn. Khi đã vào IDC thì không có ngày ra. Nội trong năm nay, hai người Việt, một nam một nữ, đã qua đời sau nhiều năm ở trong trại giam này.
Khi người lánh nạn được UNHCR cấp quy chế tị nạn thì được gọi là người tị nạn (refugee). Chỉ khi đến lúc ấy, UNHCR sẽ trợ giúp một phần tiền ăn, tiền nhà và được săn sóc y tế, giáo dục… Và mới  đây, do sự vận động của một số tổ chức người Thái, chính phủ Thái đang thử nghiệm chính sách mới: ai đã có quy chế tị nạn mà bị bắt giam vào IDC thì có thể đóng tiền thế chân để được thả nhưng phải có tổ chức bảo lãnh và trang trải chi phí đời sống hàng tháng, phải cư trú ở nơi chỉ định và phải trình diện hàng tháng. Với chính sách mới này, người đã có quy chế tị nạn có cơ hội thoát khỏi cảnh giam cầm vô thời hạn.
Có quy chế tị nạn chưa phải là xong vì việc định cư có khi thật lâu lắc; có người đã chờ đợi 5, 6 năm mà vẫn chưa lên đường định cư. Vì UNHCR chỉ giúp đỡ đời sống trong một thời gian ngắn, những người ở lâu cũng sẽ lại gặp bế tắc về đời sống.
Những đồng bào chưa có hay đã bị từ chối tư cách tị nạn thì hoàn cảnh vô cùng bi đát cả về nơi ăn chốn ở lẫn an ninh cá nhân, vì đi không được mà ở lại Thái Lan cũng không xong vì không được phép làm ăn sinh sống; họ không có con đường trở về vì tù đày tra tấn của CSVN đang chờ đợi họ. Họ đang sống vất vưởng như những bóng ma ngòai vòng pháp luật, hoàn toàn không có tương lai và chẳng ai có thể hiểu được họ làm cách nào để sinh tồn trên đất Thái chờ ngày Quê Hương không còn ách Cộng Sản để quay về.
Tựu chung, đối với số 600 người Việt đang lánh nạn ở Thái Lan hiện nay, việc trợ giúp pháp lý để được xét là tị nạn và sớm định cư là mối quan tâm hàng đầu. Hiện nay ở Thái Lan có tổng cộng 150 ngàn đến 200 ngàn người ở những Quốc Gia khác chạy sang xin tị nạn và chỉ có 4 tổ chức trợ giúp về pháp lý: Asylum Access với 4 luật sư, Jesuit Refugee Service (JRS) với 2 luật sư, Thai Refugee Committee với một luật sư (nhưng chưa chính thức hoạt động), và Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý của BPSOS với hai luật sư người Việt. Tổ chức này là cái phao độc nhất cho số đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan và đang rất cần sự tiếp tay yểm trợ của cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
(Còn tiếp)
Bangkok, Thailand.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét